RFI –
Pháp công bố chiến lược gia tăng bảo đảm an ninh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
.
Sự kiện tầu sân bay Pháp Charles de Gaulle ghé thăm cảng Singapore từ 29/05 đến ngày 02/06/2019 trùng thời điểm diễn ra Đối thoại An ninh Shangri-La lần thứ 18 được coi như một lời khẳng định Pháp hiện diện và bảo vệ lợi ích và ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Nhân dịp này, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly trình bày với các đồng nhiệm quốc tế tài liệu \”Pháp và an ninh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương\” thể hiện những cam kết của Paris trong việc duy trì ổn định trong vùng biển rộng lớn này.
Pháp : Một cường quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương
Vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mang tính chiến lược đối với Pháp vì khu vực này tập trung đến 60% dân số và một phần ba thương mại thế giới.
Pháp có lãnh thổ ở Nam Ấn Độ Dương, gồm quần đảo Mayottes và Réunion, quần đảo Eparses và các vùng đất ở châu Úc và Nam Cực. Ở Thái Bình Dương, Pháp có các vùng hải ngoại Nouvelle Calédonie, Wallis-et-Futuna, quần đảo Polynésie thuộc Pháp và đảo Clipperton. Tổng cộng diện tích hải ngoại của Pháp trong khu vực này là 465.422 km2 với gần 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) và khoảng 1,6 triệu dân.
Vì vậy, bất kể cuộc khủng hoảng hoặc xung đột nào trong khu vực này đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Pháp và châu Âu.
Ba thách thức chiến lược chính trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương
Tuy nhiên, những tranh chấp và căng thẳng mang quy mô quốc tế đã không chừa khu vực này với ba thách thức chính, được nêu trong bản chiến lược của Pháp.
Thứ nhất là sự trỗi dậy đầy quan ngại về cạnh tranh và phô trương sức mạnh trong khu vực. Một ví dụ được phía Pháp nêu lên là các chương trình hạt nhân, vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên không chỉ đe dọa trực tiếp an ninh vùng Đông Bắc Á mà cả luật pháp quốc tế và hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Liên quan đến Đông Nam Á, phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly kiên quyết phản đối tình trạng “chuyện đã rồi” ở Biển Đông. Bản chiến lược của Pháp không nhắc đích danh tên Trung Quốc, nhưng lên án các công trình bồi đắp mang quy mô lớn và quân sự hóa nhiều đảo đá làm thay đổi nguyên trạng. Thói “cá lớn nuốt cá bé”, phô trương sức mạnh, còn đe dọa đến chủ nghĩa đa phương và sự ổn định trong vùng. Pháp quan ngại rằng hậu quả tiềm tàng của cuộc khủng hoảng này vượt qua cả phạm vi khu vực, trong khi đây là một ngã tư chiến lược trung chuyển đến 1/3 thương mại thế giới.
Thách thức thứ hai là mối đe dọa khủng bố. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đến hồi cáo chung nhưng không có nghĩa đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Khủng bố đang lan sang những vùng đất mới và phát triển mạnh hơn nhờ vào tình hình rối loạn, thiếu vững chắc, xung đột ở một số quốc gia Nam Á và Đông Nam Á. Pháp cam kết lên tuyến đầu cùng với các nước trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thách thức thứ ba là vấn đề an ninh môi trường và không gian chung. Vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là nạn nhân trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu. Những thành tựu về khoa học công nghệ mang lại những triển vọng mới nhưng cũng trở thành công cụ để nhiều nước phô trương, bành trướng sức mạnh trên không, trên biển, tự khoanh vùng cấm tiếp cận/cấm xâm nhập… và như vậy sẽ càng đẩy mạnh sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực.
Củng cố lực lượng quân sự, hợp tác với đồng minh và đối tác trong vùng
Pháp duy trì lực lượng quân sự trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương phù hợp với nhu cầu quốc phòng và an ninh. Có 4.100 quân nhân Pháp được triển khai ở vùng Ấn Độ Dương, thuộc ba bộ chỉ huy liên quân cấp vùng : FFEAU ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, FFDJ ở Djibouti, FAZSOI ở đảo Réunion và Mayotes. Ngoài ra còn có 2.900 lính đóng ở Thái Bình Dương thuộc FANC ở Nouvelle Calédonie và FAPF ở Polynésie.
Tại khu vực này, Pháp thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận đa phương, như Papangue ở Ấn Độ Dương ; Equateur, Croix du Sud, Marara ở Thái Bình Dương. Tại Đông Nam Á, Pháp tham gia các cuộc tập trận Cobra Gold, Komodo, Coores, Marixs hoặc Ulchi Freedom Guardian, Key Resolve, Khaan Quest ở Đông Bắc Á. Riêng tại châu Đại Dương và Thái Bình Dương, Pháp thường xuyên tham gia Rimpac, Pacific Partnership, Kakadu… Mục tiêu là nâng cao hiểu biết lẫn nhau và gây dựng quan hệ giữa quân đội các nước.
Ngoài các cuộc tập trận, Pháp khẳng định tiếp tục đấu tranh chống các hoạt động bất hợp pháp đe dọa đến an ninh hàng hải thông qua một hệ thống theo dõi hàng hải dựa trên hợp tác đa phương và tối ưu hóa mọi phương tiện. Ngoài ra, Pháp mở rộng chương trình hợp tác đào tạo, cố vấn quân sự, dân sự cho các nước đối tác trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình.
Trong lĩnh vực cứu trợ thiên tai, Pháp vẫn triển khai lực lượng quân sự sẵn sàng ứng cứu, đặc biệt là phối hợp với Úc và New Zealand ở vùng Nam Thái Bình Dương. Pháp là một trong những nước tiên phong áp dụng chiến lược phối hợp quốc phòng-môi trường vì ý thức được những hậu quả về an ninh và quốc phòng do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương bị hiện tượng này tác động mạnh và hậu quả là xung đột có thể xảy ra trong vùng liên quan đến tranh chấp tài nguyên.
Không gian chung của cộng đồng quốc tế (hàng không, hàng hải, không gian mạng) cũng trở thành đối tượng cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa nhiều nước trong vùng. Bản chiến lược của Pháp nêu trường hợp quyền tự do lưu thông (hàng hải, hàng không) bị vi phạm tại các vùng biển quanh Trung Quốc. Vì vậy, để đảm bảo luật pháp quốc tế được tôn trọng, Pháp ủng hộ huy động quy mô quốc tế để bảo vệ không gian chung của cộng đồng quốc tế.
Bản chiến lược của Pháp cũng nêu những nguy cơ cạnh tranh công nghiệp giữa các quốc gia và giữa các tập đoàn tư nhân trong cuộc chạy đua vũ trụ. Ngoài ra, còn phải kể đến nguy cơ về an ninh mạng. Trong lĩnh vực này, từ năm 2018, Pháp đã phát triển một hệ thống quốc phòng và bảo vệ về mặt tin học, nhằm nhiều mục đích : tăng cường thiết bị bảo vệ không gian mạng, gia tăng hợp tác kỹ thuật với các đồng minh và đối tác…
Là cường quốc kinh tế thứ 6 thế giới, đứng thứ 4 về xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng, Pháp sẵn sàng hợp tác công nghiệp, chuyển giao công nghệ và kỹ năng nhằm tăng cường và hiện đại hóa khả năng quân sự của các nước đồng minh, đối tác trong vùng. Úc, Ấn Độ, Malaysia và Singapore là những đối tác chính của Pháp trong lĩnh vực vũ trang ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thông qua những chương trình này, Pháp khẳng định muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, tin tưởng lẫn nhau với các đối tác và đồng minh.
Chính phủ Pháp đang bị công luận trong nước chỉ trích bán vũ khí cho chính quyền Ryiad và một số vũ khí này được Ả Rập Xê Út lại sử dụng trong cuộc chiến ở Yemen. Có lẽ vì vậy, trong chiến lược mới, Pháp khẳng định kiểm soát chặt chẽ quá trình xuất khẩu thiết bị quân sự, tôn trọng các cam kết với quốc tế về tính minh bạch, bảo vệ nhân quyền và an ninh…
Là bước tiếp và mở rộng của chương trình \”Pháp và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương\” năm 2016, bản chiến lược mới \”Pháp và an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương\”, theo khẳng định của bộ trưởng Quân Lực Pháp, thể hiện cam kết của Paris tiếp tục phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các nước trong vùng nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực.
Nguồn: RFI