Việt Nam xâm lược hay giúp giải phóng Campuchia?
.
(Diễm Thi / RFA) – Hôm 30/5/2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trên facebook cá nhân của mình rằng Việt Nam xâm lược Campuchia và thay thế Khmer Đỏ bằng chính phủ Campuchia. Sự việc này lập tức gây phản ứng từ nhiều phía, cả Việt Nam và Campuchia.
Khác biệt về quan điểm
Trong bài viết chia buồn với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha về sự qua đời của cựu Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prem Tinsulanonda, Thủ tướng Singapore viết rằng “Thời ông ấy là Thủ tướng trùng với thời gian các thành viên ASEAN (5 nước) cùng nhau chống lại việc xâm lược Campuchia của Việt Nam và thay thế Khmer Đỏ bằng chính phủ Campuchia. Thái Lan là tuyến đầu, đối mặt với lực lượng của Việt Nam trên biên giới với Campuchia. Tướng Prem đã kiên quyết không chấp nhận sự đã rồi và làm việc với các đối tác ASEAN để chống lại sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế”.
Một ngày sau đó, ông Hun Many – con trai Thủ tướng Campuchia, Hun Sen – phản hồi trên facebook cá nhân của mình rằng ông ngạc nhiên với bài viết của Thủ tướng Lý Hiển Long. Trong khoảng thời gian 3 năm 8 tháng và 20 ngày người dân Campuchia phải chịu đựng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, gần 3 triệu người dân vô tội đã chết mà thế giới làm ngơ, nước láng giềng Việt Nam đã cứu giúp người dân Campuchia.
Tối ngày 4/6/2019, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng lên tiếng với báo chí trong nước rằng “Đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16/11/2018, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ”.
Tờ Khmer Times hôm 4/6/2019 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tướng Tea Banh vào tối 3/6/2019, khi trở về từ Đối thoại Shangri-La đã phản đối gay gắt nhận xét của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về Khmer Đỏ và về quân tình nguyện Việt Nam. Ông Tea Banh yêu cầu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phải cải chính nhận xét của mình. Ông nói “Chúng tôi không thể chấp nhận những gì ông ấy nói. Chúng tôi đã làm rõ rằng quân tình nguyện Việt Nam đến đây là để giải phóng dân tộc chúng tôi. Chúng tôi vẫn coi họ đến đây là để cứu mạng sống của người dân chúng tôi. Điều này có ý nghĩa cực lớn đối với chúng tôi”.
Trên trang facebook cá nhân của mình, đại sứ Việt Nam ở Campuchia, ông Vũ Quang Minh cũng có bài viết liên quan. Ông nhắc lại năm nay kỷ niệm 40 năm Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ông cám ơn ông Lý Hiển Long vì “Nhờ ông phát biểu như thế, dư luận quốc tế và trong nước có dịp quan tâm hơn tới những gì đã xảy ra 40 năm trước, khi những người đồng đội tình nguyện Việt Nam và các chiến sĩ Mặt trận Campuchia sát cánh bên nhau giải phóng đất nước Campuchia khỏi nạn diệt chủng, khi nhân dân Việt Nam phải hy sinh không chỉ xương máu, mà còn chịu cấm vận và các xung đột quân sự kéo dài cả thập kỷ, và cả một cuộc chiến biên giới phía Bắc.”
Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nêu quan điểm của mình:
“Bây giờ nói là Việt Nam vào giải phóng Campuchia khỏi Khmer Đỏ hay Việt Nam xâm lược Campuchia thì theo tôi đó là cách cách nhìn theo quan điểm chính trị của mỗi bên. Nhưng sự thật mà thế giới phải nhìn nhận là nếu năm 1979 không có lực lượng Việt Nam tấn công lực lượng Khmer Đỏ thì tình hình không biết Campuchia lúc đó sẽ ra sao và bây giờ sẽ như thế nào.”
Ông nhận xét rằng có một sự thay đổi rất lớn trong cách nhìn của các quốc gia trong khu vực đối với Việt Nam, đặc biệt là Singapore. Với phát biểu mới nhất của ông Lý Hiển Long, một lần nữa cho thấy rằng dù Hà Nội có bao nhiêu đối tác chiến lược đi chăng nữa hay chính sách muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới thì ĐCSVN vẫn cô đơn, và tệ hơn nữa là chẳng có bạn bè thân thiết gì cả.
Đem quân sang Campuichia và ở lại 10 năm
Theo sách sử Việt Nam thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam có nguyên nhân từ các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975 đến 1978.
Cũng theo tài liệu của Việt Nam, từ cuối năm 1978 đến tháng 5/1979, Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với 19 sư đoàn. Sau cuộc tấn công, Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.
Ông Võ Minh Đức, một cựu sĩ quan quân đội có hơn 10 năm trong quân ngũ, từng tham chiến ở Campuchia nhận định:
“Theo tôi thì ông Lý Hiển Long nói Việt Nam xâm lược Campuchia vào thời kỳ đó là thiếu chín chắn, thiếu hiểu biết. Sau năm 1975 Khmer Đỏ đã bắt đầu khiêu khích Việt Nam. Từ đảo Thủ Chu đến Kiên Giang, các tỉnh biên giới, nhất là thời điểm năm 1977 thì hàng loạt các tỉnh biên giới Tây Nam đều bị khiêu khích và họ giết dân Việt Nam.
Qua tìm hiểu của tôi thì sau hàng loạt các vụ giết hại dân thường thì Việt Nam mới bắt đầu cảnh giác và lúc đó ông Hun Sen (Thủ tướng Campuchia bây giờ) là một lính Khmer Đỏ đã chạy sang Việt Nam cầu cứu khi ông nhận thức được chính phủ Khmer Đỏ là một chính phủ diệt chủng, giết dân. Thực sự Việt Nam đưa quân tình nguyện sang Campuchia vào năm 1979 là để giúp đánh đuổi Khmer Đỏ và xây dựng chính quyền.”
Tháng 12/1978, Việt Nam đã đưa 150.000 quân tràn qua biên giới Campuchia và chỉ trong khoảng một tuần đã tiến về thủ đô Phnom Penh, lật đổ chính phủ Khmer Đỏ để lập lên chính phủ Campuchia mới.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh viết trên facebook cá nhân của mình:
“Chuyện đưa quân vào Kampuchia năm 1979 cần nhận định lại cho rõ.
Khờ Me Đỏ mang quân qua cướp hiếp giết chóc đồng bào biên giới là lý do trước mắt, còn về lâu dài, nó là tay chân của Tàu cộng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho VN, vì vậy VN mang quân qua tiêu diệt nó là cần thiết. Mục đích chính của chiến tranh qua biên giới là vậy chứ không có chuyện VN đem quân qua để làm nghĩa vụ quốc tế giải cứu dân Kampuchia.”
Việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia và ở lại đã gây ra những phản ứng gay gắt từ quốc tế và Việt Nam phải chịu cấm vận, cô lập khỏi quốc tế trong nhiều năm cho đến Đảng Cộng sản Việt nam vào năm 1987 ra nghị quyết rút toàn bộ quân khỏi Campuchia để mở cửa kinh tế. Năm 1989, Việt Nam chính thức rút toàn bộ quân khỏi Campuchia.
Mặc dù vậy, các tài liệu của chính phủ Việt Nam khi đó viết rằng sau khi thấy chính phủ Campuchia mới có thể đứng vững, Việt Nam mới có thể rút quân. Luật sư Vũ Đức Khanh nêu ý kiến của mình:
“Nói rằng Việt Nam có xâm lược Campuchia hay không thì tôi nghĩ điều đó không có giá trị vì trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong 10 năm liên tục từ 1979 đến 1989 đều nhắc tới việc các lực lượng nước ngoài đang chiếm đóng Campuchia nhưng không có một chữ nào liên quan tới Việt Nam nhưng tôi nghĩ mọi người đều hiểu rằng Việt Nam có chiếm đóng thật sự.”
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam đóng quân 10 năm ở Kampuchia:
“Hồi đó mới đánh tan, nhưng chưa tiêu diệt hết lực lượng Khờ Me Đỏ, chúng vào rừng và chạy qua Thái Lan lập chiến khu nhận viện trợ của Tàu cộng phản công trở lại. Nếu VN rút quân thì vài ngày sau Pôn Pốt trở lại Phnompenh, mọi chuyện quay lại xuất phát ban đầu. Tiếp tục ở lại tiêu diệt bằng hết Khmer Đỏ và giúp Kampuchia xây dựng nhà nước là điều phải làm, không có cách nào khác.”
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì mọi chuyện lúc đó như thế nên phải làm thế để cứu nước khỏi tay Trung Quốc. Tuy nhiên tất cả trở nên vô nghĩa sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn chết, Liên Xô sụp đổ, và chính quyền Việt Nam phải tìm kiếm quan hệ tốt hơn với Trung Quốc sau nhiều năm xung đột.
Cựu sĩ quan quân đội, ông Võ Minh Đức nhận xét rằng không tự nhiên mà Việt Nam đem quân qua giúp Campuchia. Nếu Việt Nam muốn ổn định thì phải giữ Campuchia ổn định. Ông nói thêm :
“Lợi ích của giới chóp bu Việt Nam lúc đó là họ muốn xây dựng, hình thành một chính phủ, một Nhà nước Campuchia giống như chính phủ Việt Nam, tức Nhà nước xã hội chủ nghĩa.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên facebook cá nhân của mình vào tối ngày 5/6/2019 “Dưới góc độ công pháp quốc tế, không điều gì có thể biện minh được cho việc quân đội của quốc gia này chiếm đóng lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền khác. Gọi đúng tên, đó là hành vi xâm lược.”
Nguồn: RFA