NÓI CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ DU TỬ LÊ VỀ THƠ TÔ THÙY YÊN

NÓI CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ DU TỬ LÊ 
VỀ THƠ TÔ THÙY YÊN
 

Cuộc phỏng vấn nhà thơ Du Tử Lê 
do Nguyễn Ngọc Bảo thực hiện
cho Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật 
trên đài phát thanh Saigon Houston 
ngày thứ Bẩy 1 tháng 6 năm 2019

\"blank\"/

Du Tử Lê, Nguyễn Ngọc Bảo, Tô Thùy Yên 
(Hình của: Nguyễn Ngọc Bảo)

Nguyễn Ngọc Bảo (NNB): Ngày 21 tháng 5 vừa qua, nền văn học nghệ thuật Việt Nam vừa chịu một cái tang thật lớn. Nhà thơ Tô Thùy Yên qua đời tại thành phố Houston, hưởng thọ 81 tuổi. Buổi lễ tưởng niệm ông đã được tổ chức trang trọng và cảm dộng tại nhà quàn Vĩnh Cửu tối thứ Sáu 31 tháng 5. Sáng hôm sau, thi hài ông được hỏa táng cũng tại nơi này.

Nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên sinh năm 1938 tại Gò Vấp. Thời trung học, ông theo học tại trường Petrus Ký và trường Les Lauriers. Lên đại học, ông theo học đại học Văn Khoa Sài Gòn.

Cuối năm 1963, ông động viên vào khóa 17 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Chức vụ cuối của ông trước khi miền Nam sụp đổ vào cuối tháng Tư năm 1975 là Thiếu Tá Trưởng Phòng Văn Nghệ Cục Tâm Lý Chiến.

Trong lãnh vực thi ca, Tô Thùy Yên nổi tiếng khá sớm. Năm 1956, khi mới 18 tuổi, ông trở thành một trong những nhà thơ nòng cốt của nhóm Sáng Tạo, nơi quy tụ những văn nghệ sĩ mang lại một làn gió mới cho văn học miền Nam thuở bấy giờ.

Tháng 5-1975, như hầu hết kẻ sĩ miền Nam, Tô Thùy Yên bị cộng sản đầy đọa trong cái gọi là trại học tập cải tạo. Sau 10 năm trải qua những trại tù khắc nghiệt như Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Thanh Phong, ông được tạm phóng thích. Chỉ một thời gian ngắn sau, ông lại bị bắt giam  vì những bài thơ ông gửi ra hải ngoại, và liên lạc với các văn nghệ sĩ tỵ nạn tại nước ngoài. Trong trại biệt giam, một đêm, ông đập vỡ tròng kính lão, cắt động mạch tay trái để tự tử. Tuy nhiên, ông đã được cứu sống.

Ra tù, Tô Thùy Yên mới được biết các cơ quan như Amnesty, Unesco, Human Right đã can thiệp cho ông được phóng thích.

Cuối năm1993, nhà thơ Tô Thùy Yên và gia đình đến Hoa Kỳ do nhạc sĩ và bà Cung Tiến cùng Hội Văn Hóa Việt Nam ở Minnesota bảo trợ. Ít lâu sau, gia đình ông sang định cư tại Houston, Texas.

Nhà thơ Tô Thùy Yên lập gia đình năm 1961 với bà Huỳnh Diệu Bích, một cựu giáo chức. Hai ông bà sinh hạ được bốn người con, một mất ở Việt Nam. Ba người còn lại, hai trai một gái, đều thành đạt tại Hoa Kỳ.

Cả ba tập thơ của Tô Thùy Yên đều được xuất bản ở Hoa Kỳ, sau khi ông tỵ nạn chính trị tại quốc gia này. Đó là “Thơ Tuyển Tô Thùy Yên” (1995), “Thắp Tạ” (2004), và “Tô Thùy Yên-Tuyển Tập Thơ (2018).

Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Du Tử Lê và Nguyễn Ngọc Bảo về sự nghiệp thi ca của nhà thơ Tô Thùy Yên.

NNB: Thưa anh Du Tử Lê, tôi được biết trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh và nhà thơ Tô Thùy Yên cùng phục vụ tại cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Anh quen anh Tô Thùy Yên từ khi làm việc chung tại đây hay từ trước đó? Sự giao tình của các anh như thế nào?

Du Tử Lê (DTL): Vâng, thưa anh Nguyễn Ngọc Bảo, chúng tôi có nhiều năm làm việc chung với nhau ở cục Tâm Lý Chiến, Saigon. Tuy nhiên vì phần hành khác nhau, nên chúng tôi ít có dịp gặp gỡ, hàn huyên… Tuy vẫn thường theo dõi sinh hoạt văn nghệ của nhau, khá sát sao.
 

NNB: Xin anh kể một kỷ niệm với anh Tô Thùy Yên mà anh cho là sâu đậm nhất.

DTL: Đó là cuối năm 1995, khi anh Tô Thùy Yên từ Minnesota về Orange County rất sớm, để chuẩn bị ra mắt thi tuyển “Thơ Tuyển Tô Thùy Yên”, tác phẩm đầu tiên của anh, được in thành sách ở hải ngoài. Thời gian chờ đợi, rảnh rỗi, anh thường ghé lại tôi. Đó là thời gian chúng tôi được gần nhau nhiều nhất. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện quá khứ thời niên thiếu của anh, tới chuyện văn chương, thơ phú v.v…

Buổi tối ra mắt Thơ Tô Thùy Yên, ở cà phê Tao Nhân, thành phố Garden Grove, do cố nhà văn Mai Thảo chủ trì, có rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của miền Nam tham dự. Tôi là một trong vài người được anh Tô Thùy Yên yêu cầu phát biểu. Thoạt đầu, tôi từ chối vì nghĩ nên dành thời lượng đó, cho anh em văn nghệ khác. Nhưng anh Tô Thùy Yên không chịu. Anh nhờ nhà văn Mai Thảo nói với tôi là nên nhận lời. Cuối cùng tôi đã nói rất vắn tắt rằng:

Với tôi thơ Thùy Yên có hai điểm nổi bật nhất, đó là tính nhân bản; không thù hận dù anh trải qua quá nhiều năm tháng bị đầy ải, trong trại tù cải tạo. Và, nỗ lực đem vào thơ nhiều ngôn ngữ đặc biệt của Nam Bộ. Nhờ anh mà sau này, nhiều văn nghệ sĩ xóa bỏ được thành kiến ngôn ngữ miền Nam, không thích hợp với văn chương bác học. Hôm sau, gặp lại nhau ở nhà hàng Viễn Đông, thời ông Lâm Quang, Tô Thùy Yên nói, anh rất vui với 2 nhận định của tôi – – Vì trước, cũng như sau tôi, không có ai đề cập…
 

NNB: Tôi nhớ là thuở sinh tiền, nhà văn Mai Thảo từng nói rằng theo ông thì văn học miền Nam Việt Nam có bẩy nhà thơ lớn là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, và Du Tử Lê. Đến hôm nay thì sáu người đã về miền thiên cổ chỉ còn lại anh. Anh có cảm tưởng gì khi tôi nhắc đến điều này?

DTL: Nhắc nhở của anh Nguyễn Ngọc Bảo làm tôi ngậm ngùi. Tôi hiểu bất cứ ai, dù nổi tiếng hay không, cũng không thoát khỏi cửa tử. Vì thế, tôi hằng tự nhủ, còn sống ngày nào thì hãy cố gắng sống cho tử tế trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp. Rồi cũng sẽ đến lúc tôi phải “đi xa” thôi.
 

NNB: Trong một bài viết về thơ Tô Thùy Yên với nhan đề “Con Đường Bè Bạn,” nhà báo Phan Lạc Phúc đã viết đại khái rằng “Thập niên 50, 60 là thời kỳ xâm lăng của triết học Tây phương vào văn học Việt. Những đặc trưng thường thấy của thơ, của tiểu thuyết, của truyện ngắn bị thay thế bằng những vấn nạn triết học hay thắc mắc siêu hình. Tô Thùy Yên là một người đọc sách chuyên cần nên có lẽ chịu ảnh hưởng của triết học Tây phương với ý thức nhị nguyên mà bài thơ “Cánh Đồng, Con Ngựa, Chuyến Tầu” là một thí dụ điển hình.” Tuy nhiên, ở đoạn sau của bài, ông Phan Lạc Phúc cho biết đến giữa thập niên 60, Tô Thùy Yên học chữ Nho để có thể đọc Đường Thi bằng nguyên tác và bắt đầu sáng tác thơ theo phong cách nhất nguyên của Đông Phương. Thơ không còn vẻ kiêu hãnh của một ý thức chinh phục mà mang vẻ ngậm ngùi chấp nhận, như những câu:

Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Bãi bùn trơ trẽn thủy triều lui
Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn
Càng nhẹ tênh hênh cõi ngậm ngùi
.

Thưa anh, phải chăng Tô Thùy Yên đã có sự thay đổi về tư tưởng và phong cách sáng tác như ông Phan Lạc Phúc nhận định? Hay là thơ anh ấy phảng phất cả triết Đông lẫn triết Tây?

DTL: Tôi vẫn nghĩ hành trình văn chương của bất cứ một văn nghệ sĩ cũng thường có nhiều giai đoạn biến đổi tự nhiên. Thí dụ từ thời thanh niên, qua trung niên, rồi lão niên… Nó rất bình thường, tự nhiên thôi. Với tôi, hành trình thi ca Tô Thùy Yên, có hai thời kỳ khá rõ ràng:

-Thời kỳ thứ nhất, khi nhà thơ của chúng ta còn trẻ, chưa nhập ngũ. Đó là thời điểm Tô Thùy Yên tham gia tạp chí Sáng Tạo. Mà, nhóm Sáng Tạo, ngoài nhà văn Doãn Quốc Sỹ và nhà thơ Cung Trầm Tưởng, hầu hết ảnh hưởng triết lý Hiện Sinh của Jean Paul Sartre. Tô Thùy Yên cũng thế.

-Thời kỳ 2 là thời kỳ Tô Thùy Yên động viên vào quân đội.

Ở thời kỳ này, Tô Thùy Yên là nhân chứng của nhiều thực tế đời sống, trong chiến tranh, nên thơ Tô Thùy Yên bắt đầu nói nhiều về lẽ tử sinh. Sự sống chết của một kiếp người quá mong manh, mang tính bất khả chuyển.  Tôi muốn nói theo tôi, không phải tác giả “Đãng Tử” có những biến chuyển tâm lý quan trọng vì học tiếng Tàu…
 

NNB: Có người nhận định rằng thơ Tô Thùy Yên đầy triết lý, nếu không có kiến thức căn bản về triết học thì khó cảm nhận được thơ ông. Cõi thơ Tô Thùy Yên là một cõi thơ ẩn dụ. Đọc thơ Tô Thùy Yên là phải suy nghĩ để nắm bắt được ý nghĩa ẩn dấu sau những câu, những chữ. Anh nghĩ sao về nhận định này?

DTL: Tôi không nghĩ thế, thưa anh Nguyễn Ngọc Bảo. Tôi từng nói ở nhiều nơi khác nhau rằng, việc thưởng ngoạn một bài thơ, như nhìn, ngắm một bức tranh. Tùy theo góc độ, trình độ, kiến thức… mà ta có kết luận thích hay không thích. Nghĩa là tùy cảm tính của mỗi con người. Chưa kể trong thơ Tô Thùy Yên thường có nhiều điển cố, sự tích…Sự phân tích, đi vào từng chi tiết là công việc của các nhà phê bình…
 

 NNB: Có một điều khá nghịch lý tôi muốn nêu ra ở đây. Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn đã viết nếu không hàng ngàn thì cũng phải nhiều trăm bài thơ. Tuy nhiên, thơ của anh ấy không được các nhạc sĩ chọn để phổ nhạc, ngoại trừ bài “Chiều Trên Phá Tam Giang” do Trần Thiện Thanh phổ thành ca khúc. Phải chăng, âm nhạc Việt Nam không mặn mà lắm với chuyện gá nghĩa cùng thứ thơ mang âm hưởng trúc trắc và gói ghép triết lý như thơ Tô Thùy Yên?

DTL: Thưa anh Nguyễn Ngọc Bảo, tôi rất thích hai chữ “gá nghĩa” của anh.

Phần tôi, tôi chưa từng băn khoăn, tìm hiểu về khía cạnh này. Đơn giản, theo tôi, lý do tại sao nhà thơ A. có nhiều thơ được soạn thành ca khúc, trong khi nhà thơ B. thì không – – Dù có nhiều bài thơ hay. Tôi cho đó là cái “duyên”. Không thể giải mã được. 
 

NNB: Cũng có nhiều người cho rằng chính vì gói ghém triết lý nên thơ Tô Thùy Yên đặc biệt được giới trí thức yêu mến. Tuy nhiên, nhà văn Võ Phiến từng phát biểu rằng “Thơ hay không chờ có triết, triết không làm cho thơ hay thêm.” Anh có đồng ý với ông Võ Phiến không? Nếu đồng ý thì theo anh thơ Tô Thuỳ Yên đặc sắc ở điểm nào, có lẽ chẳng phải nhờ hương vị triết?

DTL: Tôi đồng ý thơ hay không cần có… “triết”. Nhưng nếu thơ hay mà còn có thêm “triết” nữa thì nó càng hay hơn, anh Bảo à.
 

NNB: Ông Nguyễn Hưng Quốc, một nhà phê bình văn học nổi tiếng hiện ở Úc, đã nhận xét “Có thể dễ dàng tìm thấy trong thơ Tô Thùy Yên vô số những dấu vết của truyền thống bên cạnh vô số những điểm cách tân độc đáo: Cả hai hài hòa với nhau làm cho thơ ông, ở những bài thành công nhất, có cái hoàn hảo của những tác phẩm cổ điển.” Tôi nghĩ đây là một nhận xét khá đúng đắn về thơ Tô Thùy Yên, thưa anh Du Tử Lê.

DTL: Vâng, thưa anh Nguyễn Ngọc Bảo. Tôi cũng nghĩ đó là “nhận xét khá đúng đắn về thơ Tô Thùy Yên” như nhận định của anh Bảo.  Tuy nhiên, tôi không đồng ý lắm với vế thứ hai: “Những điểm cách tân độc đáo” trong thơ Tô Thùy Yên, theo ghi nhận của anh Nguyễn Hưng Quốc…
 

NNB: Thưa anh Du Tử Lê, có lần nhà thơ Thanh Tâm Tuyền bảo rằng “Tô Thùy Yên là nhà thơ miền Nam nhưng ngôn ngữ thơ của ông hoàn toàn miền Bắc chứ không phải miền Nam.”Tuy nhiên, khoảng 4 năm trước, tôi đọc một bài anh viết với nhan đề “Tô Thùy Yên, Một Trong Những Tiếng Thơ Lớn, Của 20 Năm Văn Chương Miền Nam” đăng trên website Du Tử Lê.com thì thấy anh trình bầy một điều thú vị là Tô Thùy Yên sử dụng khá nhiều ngôn ngữ miền Nam rặc như “Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt, Mồi chẳng bao nhiêu, rượu rất nhiều,” hay “Tiếng hò mời dzô, dzô tở mở, Muỗi thủy triều chừng cũng giạt ra,” “Thiệt tình, tên bạn ta không nhớ, Nhưng mà trông mặt thấy quen quen,” “Sáng ngày, đời giật mình ngơ ngác, Mường tượng đôi ba chuyện bắt quàng,”  “Ra đi như nước ao lền đặc, May gặp ngày mưa lớn thoát tràn,” vân vân và vân vân, nhiều lắm! Tôi tự hỏi là nói một cách tổng quát thì ông Thanh Tâm Tuyền đúng hay anh đúng, hay là ta có thể nói nhà thơ Tô Thùy Yên đề huề cả Bắc lẫn Nam?

DTL: Thưa anh Nguyễn Ngọc Bảo, thứ nhất, như anh đã trích dẫn những gì tôi đã viết xuống, đã in thành sách về nỗ lực phổ cập ngôn ngữ Nam bộ trong thơ Tô Thùy Yên. Thứ nhì, phát biểu của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi cho chỉ là một câu nói vui, trong giao tình của họ với nhau mà thôi. Cũng như khi thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng, xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo, nhà văn Mai Thảo từng nói đùa rằng, thơ Cung Trầm Tưởng là một thứ Bà Huyện Thanh Quan tân thời. Hay “Cung Trần Tưởng… Bỏ”. Cũng chính vì câu nói đùa của Thanh Tâm Tuyền mà một nhà văn đã có ý thống trách Tô Thùy Yên chạy theo… “Bắc kỳ” nên đã đánh mất căn cước Nam Bộ của mình, trong bộ sách của ông. Tôi muốn nói, nếu y cứ trên những đùa bỡn của các thành viên Sáng Tạo dành cho nhau, thì tôi e đó là một “thảm kịch” tai hại anh Bảo à.
 

NNB: Cũng trong bài viết vừa kể, anh đã trích đăng trọn vẹn bài “Trường Sa Hành” của Tô Thùy Yên và nhận định rằng đây là một trong dăm bài hành hay nhất của văn học Miền Nam trong 20 năm. Xin anh vài lời giải thích thế nào một bài hành. Phải chăng hành là một thể đặc biệt của thơ?

DTL: Thưa anh Nguyễn Ngọc Bảo, không. Hành là một trong những thể thơ cổ của Trung Hoa, chứ không phải thuần túy của VN. Về hình thức thì nó có một đòi hỏi quan trọng là trước sau, bài thơ chỉ có một vần mà thôi. Thí dụ anh Bảo chọn vần “ơi” hay “ôi” cho bài Hành của anh thì xuyên suốt bài thơ phải giữ ở vần đầu tiên đã chọn. Nó cũng tựa như loại thơ “Trăm câu một vần” của Nguyễn Bính thời tiền chiến vậy. Thứ đến về nội dung, nó mang tính “tự thán” của kẻ sĩ trước thời thế. Họ không đạt được tâm nguyện hay bất mãn trước đời thường. Nên mượn thể Hành để “công diễn” tâm trạng của mình.  Tôi nhớ tới bài “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trác, cũng mang hơi hướm hay phong vị “Hành”. Tôi nghĩ, chúng ta cũng nên nhắc tới bài “Biên Cương Hành” của cố thi sĩ Phạm Ngọc Lư, rất hay.
 

NNB: Nhắc đến “Trường Sa Hành”, tôi xin phép trích vài đoạn trong bài thơ dài 64 câu của Tô Thùy Yên, Tôi được biết nhà thơ viết bài này trong chuyến thăm một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa vào năm 1974, chỉ đôi ba tháng sau khi Trung Cộng dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!

Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.

Lính thú mươi người lạ sóng nước,

Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi

Khiến cả lòng ta cũng rách tưa

Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn

Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang vắng cả hồn ma quỷ.

Thảo mộc thời nguyên thuỷ lạ tên

Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh

Lên xác thân người mãi đứng yên.

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,

Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.

Dăm cây bật gốc chờ tan xác,

Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển.

Vầng khói chim đen thảng thốt quần.

Kinh động đất trời như cháy đảo.

Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Ta ngồi bên đống lửa man rợ,

Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,

Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp

Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp,

Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,

Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã

Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.

Trong bài viết nêu trên, anh đã trích đăng nguyên văn bài “Truờng Sa Hành.” Phải chăng theo anh, đây là bài đặc sắc nhất của Tô Thuỳ Yên?

DTL: Vâng, thưa anh. Tôi cho đó là một trong những bài thơ hay của Tô Thùy Yên, vì tính thời sự… Và tính thời sự đó, đến nay, vẫn còn được nói tới như một vết ô nhục lớn của dân Việt.
 

NNB: Tôi có đọc được một bài viết của bà Thụy Khuê với nhan đề “Tô Thùy Yên, Thời Gian, Tồn Tại, Cô Đơn và Đá.” Chắc anh cũng đồng ý với tôi bà Thụy Khuê, hiện định cư tại Pháp, là một cây bút phê bình thơ khá nghiêm túc. Trong bài viết, bà có đề cập một số thi phẩm tiêu biểu của Tô Thùy Yên, đặc biệt là bài thơ “Ta Về” mà anh ấy sáng tác khi trở về sau 10 năm bị cộng sản cầm tù. Theo bà thì bài “Ta Về” được phổ biến ngay khi Tô Thùy Yên còn ở trong nước “như một bài ca ngất ngưởng của người tù cải tạo, cao ngạo trở về, với cái ta khinh mạn và ngạo nghễ. Giọng thơ quan hoài, biên tái, mang hào khí của người (anh hùng) bại trận, bất khuất; coi nhẹ tù đày; xem thường gian khổ; kể chuyện mười năm lao cải nhẹ như lông.” Bài thơ dài đến 124 câu, trong đó có những câu nhiều người rất thích, thưa anh.

Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai …
Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay.

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp

Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

Mười năm mặt sạm soi khe nước

Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá

Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Ta về cúi mái đầu sương điểm 
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời 
Cảm ơn hoa đã vì ta nở 
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa

Làng ta ngựa đá đã qua sông

Người đi như cá theo con nước

Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội 
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay 
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống 
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta về dẫu phải đi chân đất 
Khắp thế gian này để gặp em 
Đau khổ riêng gì nơi gió cát 
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Ta về như bóng ma hờn tủi

Lục lại thời gian kiếm chính mình

Ta nhặt mà thương từng phế liệu

Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa

Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời

Ai đó trong hồn ta thổn thức

Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ

Một thủa trần gian bay lướt qua

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta.

Anh nghĩ gì về bài thơ “Ta Về” này? Xin nói thêm, rất nhiều người cho rằng đây là bài thơ hay nhất của Tô Thùy Yên, và một trong những bài thơ đặc sắc của Thi Ca Việt Nam thời hiện đại.

DTL: Vâng, thưa anh Bảo. Tôi cũng đồng ý với nhiều người rằng, đó là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Tô Thùy Yên. Cho tới hôm nay, tôi vẫn chưa được đọc một bài thơ nào, phản ảnh tâm-thái của người tù cải tạo, được trả tự do, hay như bài “Ta Về.”
 

NNB: Nhưng ở đoạn dưới bài “Tô Thùy Yên, Thời Gian, Tồn Tại, Cô Đơn và Đá,”  thì bà Thụy Khuê lại viết rằng:

“Nhiều người cho Ta Về, Chiều Trên Phá Tam Giang, Trường Sa Hành … là những bài thơ tiêu biểu Tô Thùy Yên, có lẽ tiêu biểu thơ chính khí. Nhưng dường như thơ hay không cần chính nghĩa, không cần bày tỏ. Lão Tử có nói đến tính “vô ích” của các sự xướng danh. Vô danh mới là Đạo. Đạo thường ẩn. Đạo vốn mộc mạc, không có tên. Không có tên nên mới có khả năng biến hóa. Thơ hay không lộ. Mà lại ngại những hình ảnh sáo mòn như thơ đề vạt áo, niềm đau phế phủ, chốn rừng thiêng, tiếng nghìn thu, truông cùng phá, hóa thân thành vượn …Những nỗi đau thật không hợp với tạng chữ lấp lánh, như thể đám tang không mặc áo màu. Cho nên những câu thơ như:

Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ.

trong Trường Sa Hành, dù được ca tụng, e rằng chúng cũng rất xa với nỗi quạnh hiu dù rất lớn của nhà thơ và của con người.

Ở Tô Thùy Yên, cô đơn, hiu quạnh và thân phận âm ỷ dưới những câu thơ khác không viết hoa, khiêm tốn hơn, tinh tế hơn và ít được chú ý hơn, chẳng hạn như những câu:

Đêm qua bắc Vàm Cống,
Mối sầu như nước sông,
Chảy hoài mà chẳng cạn,
Cuốn phăng kiếp bềnh bồng.

. . . .

Tôi châm điếu thuốc nữa
Đốt tàn thêm tháng năm
Chiếc bắc xa dần bến
Đời xa dần tuổi xanh

Nước tách nguồn về biển

Sầu lại chảy về hồn

Khi tôi vuốt lấy mặt

Nghe bàn tay trống trơn”

Rồi bà Thụy Khuê viết tiếp:

“Đây là một trong những bài thơ lọt vào lòng người. Chính cái khẽ khàng, cái nhỏ nhẹ ấy mới thấm và đau, nó là những sợi thần kinh của cảm giác. Không hề có những chữ ‘lớn’ mà mối sầu vẫn lớn…”

Theo anh thì bà Thụy Khuê có khe khắt lắm không? Chính những câu thơ bà ấy cho rằng sáo đã một phần là phong cách thơ Tô Thùy Yên, và làm nên tên tuổi Tô Thùy Yên đấy! Anh nghĩ sao?

DTL: Thưa anh Nguyễn Ngọc Bảo, dù rất thích thơ Tô Thùy Yên, nhưng không vì thế mà tôi phủ nhận nhận định của bà Thụy Khuê. Tuy nhiên, như đã nói, Hành là một trong những thể thơ cổ của Trung Hoa, như Ca, Ngâm, Hành, Từ, Khúc mà, Tô Thùy Yên một đời làm thơ đã chung thủy với thể thơ ấy, nên cũng rất khó cho tác giả gạt bỏ được thói quen dùng nhiều điển tích…
 

NB: Trong một cuộc chuyện trò trà dư tửu hậu, tôi bảo nhà thơ Tô Thùy Yên rằng tư tưởng anh phong phú quá, chữ nghĩa anh dư thừa quá, nên đã sáng tác nhiều bài thơ thật hay nhưng khá dài, như “Ta Về” với 124 câu và “Trường Sa Hành” với 64 câu. Tuy nhiên, theo tôi thì đây là một thiệt thòi cho anh vì rất ít độc giả có thể nhớ hết các câu các chữ của những bài thơ ấy. Bài thơ sẽ thấm vào họ sâu đậm hơn nếu họ thuộc lòng để thỉnh thoảng ngâm nga. Vì vậy, trong văn học Việt Nam, các bài thơ được quần chúng xem là đặc sắc thì hầu hết dưới 40 câu. Thử tưởng tượng nếu bài “Đây Thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử dài đến 60 câu thay vì 12 câu như nguyên tác thì chắc khó có thể được xem là một kiệt tác. Nghe tôi nói, nhà thơ suy nghĩ một thoáng rồi bảo tôi nhận xét có phần đúng. Thưa anh Du Tử Lê, anh nghĩ sao về điều này?

DTL: Vâng, tôi cũng nghĩ anh Bảo cũng có lý… Nhưng trong quá khứ, thời trước 1975, một số bài thơ dài của cố thi sĩ Hoàng Cầm (và thơ dài của nhiều nhà thơ khác), vẫn được nhiều người thuộc thưa anh…
 

NNB: Thưa anh Du Tử Lê, tôi có hân hạnh được mạn đàm với nhà thơ Tô Thùy Yên hai lần trong “Câu Chuyện Văn Học Nghệ Thuật” do tôi phụ trách trên đài phát thanh Saigon Houston kể từ năm 2004. Lần đầu vào tháng 2 năm 2005, chúng tôi nói về thơ Huy Cận sau khi tác giả thi phẩm “Ngậm Ngùi” qua đời. Lần thứ hai vào tháng 4 năm 2006, để nghe nhà thơ chia xẻ với thính giả về thơ của chính anh ấy, thơ Tô Thùy Yên.

Trong lần nói chuyện thứ hai, tôi bảo anh Tô Thùy Yên rằng rồi mai sau, sớm hay muộn, Việt Nam sẽ có tự do dân chủ. Khi ấy, có lẽ Đại Học Văn Khoa ở Việt Nam sẽ mở lớp “Thi Ca Miền Nam Từ 1954 Đến 1975” trong chương trình giảng dậy và dĩ nhiên, trong số những nhà thơ được đề cập, nhất định phải có anh. Nếu họ chọn mỗi tác giả một thi phẩm tiêu biểu thì anh muốn bài thơ nào của anh được chọn. Không chút ngập ngừng, nhà thơ trả lời đó là bài thơ “Đi Về”.

Nghe anh Tô Thùy Yên trả lời, tôi khá ngạc nhiên, vì “Đi Về” là một bài lục bát khá ngắn, chỉ vỏn vẹn 12 câu và ít được biết đến, chứ không phải một trong những bài 7 chữ sở trường của nhà thơ, dài, và nổi tiếng như “Trường Sa Hành,”Đãng Tử”, “Ta Về”.

Đi Về” là bài thơ mượn hình ảnh con sông Hằng linh thiêng của Ấn Độ để nói lên tâm trạng nhà thơ. Bài thơ như sau:

Khuya rồi, nước đã đầy trăng

Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?

Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?

Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi

Thấy gì chăng, chẳng thấy gì

Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê

Chầy khuya, nước ủ trăng ê

Uổng công, bãi ấy đi về một ta

Mãi rồi trời cũng sáng ra

Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về

Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề

Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai?

Như anh biết, sông Hằng được người Ấn tôn thờ như một nữ thần hoặc một bà mẹ ban sức sống cho dân tộc họ. Trong hàng nghìn năm qua, hàng triệu người đã đến đây để tắm, cầu nguyện, uống nước sông và rải tro người chết xuống mặt nước với niềm tin tưởng rằng những người khuất núi này sẽ được giải thoát khỏi kiếp luân hồi, khổ ải. Theo anh thì bài này có điểm gì độc đáo khiến nhà thơ Tô Thùy Yên muốn được chọn, nếu đại học Văn Khoa ở Việt Nam mai sau dùng một thi phẩm của anh ấy trong chương trình giảng dậy?

DTL: Tôi không hiểu nguyên nhân sâu xa của sự chọn lựa của Tô Thùy Yên mà, anh vừa kể. Như anh mới nói, sông Hằng ở Ấn Độ là con sông mà người Ấn Độ, khi sống ước ao được tắm ít nhất một lần, và khi chết, mong được rải tro cốt cho dòng sông ấy… Tôi phỏng đoán, ngoài ý nghĩa sâu xa là sự vô nghĩa, bất lực của con người trước thời gian mà tác giả muốn gửi gấm, dù có được tắm trong Sông Hằng, lúc sống hay khi chết, thì, quả thật đó là một bài lục bát bình thường từ hình ảnh, tới nhịp điệu, không có gì mới thưa anh Nguyễn Ngọc Bảo.
 

NNB: Theo anh thì nhà thơ Tô Thùy Yên đã để lại dấu ấn quan trọng nào trong sự nghiệp thi ca của anh ấy?

DTL: Đó là điều tôi đã nói từ hơn 20 năm trước là: Tính nhân bản và nỗ lực xiển dương ngôn ngữ “miệt vườn / Nam Bộ” của anh ấy.

NNB: Ngày hôm nay, nhà thơ chúng ta hằng yêu thích đã trở về “Ngôi Nhà Lớn” như lời thơ trong bài “Đãng Tử” anh ấy viết từ những ngày còn rất trẻ:

\”Ngày kia trở lại Ngôi Nhà Lớn
Lòng những bằng lòng một kiếp chơi\”

Mong rằng ở “Ngôi Nhà Lớn” trên cao, anh Tô Thùy Yên cũng sẽ rất bằng lòng với những gì Thượng Đế dành cho anh.

Xin cảm ơn nhà thơ Du Tử Lê đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện về thơ Tô Thùy Yên. Chúc anh luôn bình an, khỏe mạnh, “sống đến hơn trăm tuổi, thơ viết thêm ngàn bài” để lúc cuối đời khỏi phải cất lên tiếng than như câu thơ Tô Thùy Yên “ta tiếc đời ta sao hữu hạn, đành không trải hết được lòng ta.”Vẫn nao nức đợi chờ những bài thơ anh sắp viết.
DTL: Xin cám ơn anh Nguyễn Ngọc Bảo và, quý thính giả đài Saigon Houston.

Nguyễn Ngọc Bảo, ghi thuật.

Bài Liên Quan

Leave a Comment