Tháng Tuyên Dương Truyền Thống Của Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương: Tại Sao Người Mỹ Gốc Việt Nên Quan Tâm
06/06/2019
Chính phủ Hoa Kỳ từ năm 1992 đã công nhận tháng Năm là Tháng Tuyên Dương Truyền Thống của Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương (Asian Pacific American Heritage Month – APAHM). Đó là dịp để chúng ta ghi nhớ lịch sử của người gốc Châu Á sống tại Mỹ và tuyên dương văn hóa cũng như các thành tựu của họ. Điều tình cờ là thời điểm này đến ngay sau 30 tháng 4, ngày kỷ niệm kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam và khởi đầu hiện tượng di dân của người Việt. Ở mức độ nào đó, người Mỹ Gốc Việt nên coi APAHM như là tháng tưởng niệm và tuyên dương sự có mặt và cống hiến của chúng ta cho đất nước vĩ đại này.
Tuy thế, nhiều người Mỹ Gốc Việt cho rằng APAHM hoặc phong trào Người Mỹ Gốc Châu Á không liên hệ gì đến mình. Điều này dễ hiểu vì vài lý do. Thứ nhất, lịch sử Việt Nam đầy rẫy các xung đột với các quốc gia Châu Á khác. Thứ hai, từ “Người Mỹ Gốc Châu Á”, cách gọi thống nhất cho các người di dân và con cái của họ từ Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á vào những năm 1960 – 1970 đã ra đời từ phong trào này, một nhánh của phong trào phản chiến. Sau 43 năm có mặt tại nước Mỹ, đã đến lúc chúng ta cần xét lại quan hệ giữa người Mỹ Gốc Việt và phong trào Người Mỹ Gốc Châu Á.
Từ “Người Mỹ Gốc Châu Á” bao gồm hơn 20 triệu người Mỹ đến từ hơn 20 quốc gia và nói hơn 50 ngôn ngữ. Từ năm 2000 đến 2015, dân số này đã gia tăng từ 11,9 triệu đến 20,4 triệu, giúp nhóm này trở thành chủng tộc có sức bành trướng mạnh nhất. Với hơn 2 triệu người, Người Mỹ Gốc Việt là nhóm lớn thứ tư, sau người Trung Quốc, Ấn Độ và Phi Luật Tân. Từ năm 2010, nhiều người Châu Á đã nhập cư vào Mỹ hơn là người Trung Mỹ, và 13% trong số các người nhập cư không giấy tờ là người Châu Á.
Người Mỹ Gốc Việt chúng ta đương nhiên ghi nhớ lịch sử đau thương của mình, từ cuộc chiến tranh Việt Nam cho đến trải nghiệm tị nạn. Những nhóm Người Mỹ Gốc Châu Á khác cũng đã hứng chịu nhiều tai ương. Vào thế kỷ 19, người Mỹ Gốc Hoa đã bị buộc phải lao động với đồng lương rất ít ỏi, dưới những điều kiện hiểm nghèo trên con đường Hỏa Xa Xuyên Lục Địa được hoàn tất 150 năm trước đây. Luật Cấm Người Hoa của năm 1882 tương tự như chính sách chống di dân của chính quyền Trump hiện nay. Điều đáng chú ý là người Mỹ Gốc Nhật đã cố tình tự lánh xa những người Gốc Hoa. Khi người Mỹ Gốc Nhật bị đẩy vào các trại tập trung trong Thế Chiến Thứ Hai và bị tước mất tài sản, một số người Gốc Hoa và Hàn đã đeo nút trên áo với dòng chữ rằng họ không phải là người Nhật. Người Mỹ Gốc Phi Luật Tân bị chèn ép dưới tư cách lao động nông nghiệp, và cùng với người Gốc Mễ, họ lãnh đạo phong trào Liên Hiệp Nhân Công Nông Nghiệp để đòi hỏi điều kiện tốt hơn cho những người thu hoạch thực phẩm cho chúng ta.
Như người Mỹ Gốc Việt, nhiều người Mỹ Gốc Châu Á đã rất thành đạt. Họ đã thắng giải Nobel, Pulitzer và huy chương vàng Thế Vận Hội. Đã có người Mỹ Gốc Châu Á là tỉ phú, chủ tịch các công ty lớn, và minh tinh màn bạc.
Như người Mỹ Gốc Việt, nhiều người Mỹ Gốc Châu Á đã không thành đạt lắm. Tỉ lệ sở hữu nhà ở của người Gốc Châu Á thấp hơn người da trắng. Người cao niên Gốc Châu Á có nhiều xác suất thuộc vào diện nghèo hơn người Mỹ da trắng. Lương của phụ nữ Gốc Á Châu thấp hơn lương đàn ông da trắng gần 20%, và phụ nữ Gốc Việt thuộc nhóm có lợi tức thấp nhất, vì họ chỉ kiếm được 64% so với lương của người đàn ông da trắng. Hơn hết, sự cách biệt thu nhập đã rộng đến mức mà người Gốc Châu Á có khoảng cách biệt tài sản lớn nhất trong bất cứ nhóm chủng tộc nào.
Sự tương phản giữa thành đạt và khó khăn trong từng nhóm Gốc Châu Á và trong tất cả người Gốc Châu Á, đã đưa đến huyền thoại về “người thiểu số lý tưởng” và nhu cầu cần có các dữ liệu phân loại minh bạch. Huyền thoại “người thiểu số lý tưởng” không phải do người Gốc Châu Á đã hãnh diện mà tạo ra, mà là do giới bảo thủ xã hội da trắng đã sử dụng để phân ranh giới giữa người Mỹ Gốc Phi Châu, Gốc Á, Gốc Trung Mỹ và các người da màu khác đang tranh đấu cho dân quyền. Khi nhắm vào một số người Gốc Châu Á thành đạt, giới bảo thủ lý luận rằng không phải người da trắng hay guồng máy của họ đã tạo nên các bất công chủng tộc.
Trong khi một số người Gốc Á hãnh diện về huyền thoại này, nó đồng thời gây hại cho người Gốc Châu Á nói chung, vì nguồn tài nguyên chính phủ cho họ bị rút bớt. Để chống lại huyền thoại này, để hiểu rõ nhu cầu và để thu nhận sự hỗ trợ thích hợp cho các cộng đồng Gốc Á, người Mỹ Gốc Á đã đấu tranh cho việc phân loại minh bạch các dữ liệu, hoặc thu thập dữ liệu từ các nhóm chủng tộc và giới tính Gốc Á, và ngay cả dựa trên tình trạng di trú. Người Mỹ Gốc Việt đã hưởng lợi từ các nỗ lực này vì là một trong những nhóm di dân mới nhất và do đó, chúng ta có nhiều nhu cầu và ít quyền lực chính trị hơn những nhóm khác. Thật thế, không nhóm Gốc Á nào có đủ quyền lực chính trị khi tẻ riêng ra, vì mỗi nhóm chỉ có dưới 1,2% dân số toàn quốc.
Công việc phân loại các dữ kiện, tuyên dương lịch sử và văn hóa của từng nhóm một, và nhu cầu đoàn kết để tạo ra sức mạnh và quyền lực chính trị là vấn đề nan giải trong phong trào Người Mỹ Gốc Châu Á. Khi nào thì chúng ta kết nối với nhau? Khi nào thì mỗi nhóm đi đường riêng của mình? Người Mỹ Gốc Việt cũng phải làm các lựa chọn này khi trở thành một phần của Người Châu Á ở Nước Mỹ. Chúng ta nên nhớ đến câu ngạn ngữ “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
Bác Sĩ Nguyễn Thanh Tùng
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng là Chủ Tịch của Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT) & Cựu Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Tổng Thống về người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương