Các tù nhân vụ Công án Bia Sơn kêu cứu với quốc tế

Các tù nhân vụ Công án Bia Sơn kêu cứu với quốc tế

.

\"\"
Tù nhân chính trị Trần Công/Phan Văn Thu trong phiên tòa năm 2013. Courtesy: Ảnh chụp màn hình tinmoi.vn

Một số tù nhân lớn tuổi trong vụ án Ân Đàn Đại Đạo – hay còn gọi là vụ Công án Bia Sơn bị bệnh nặng, nhưng đơn xin tạm dừng thi hành án để chữa trị bệnh gửi đến các cơ quan Trung ương không được hồi đáp. Gia đình của nhóm này cho biết họ đang gửi đơn kêu cứu với quốc tế giúp cho 22 thân nhân của họ đang bị án tù mà theo họ là oan ức.

Sức khỏe nguy kịch

Tù nhân chính trị Trần Công/Phan Văn Thu, người khai mở giáo phái Ân Đàn Đại Đạo từ năm 1969, đang thụ án tù chung thân trong tình trạng sức khỏe bị suy kiệt.

Bà Võ Thị Thanh Thúy, vợ của tù nhân chính trị Trần Công/Phan Văn Thu cho biết bà vừa đi thăm chồng vào ngày 01/06 vừa qua, với ghi nhận tình hình sức khỏe của chồng bà ngày càng trầm trọng hơn. Bà Võ Thị Thanh Thúy chia sẻ:

“Trong lần đi thăm mới đây thì tình hình sức khỏe của ông rất kém và thấy ông rất lo. Ông nói đang bệnh và khi nói chuyện thì ông ho rất nhiều. Tôi có mang nhiều thuốc vào cho ông theo như ông dặn dò khi gọi điện thoại về nhà như thuốc ho, thuốc dị ứng, thuốc tiểu đường, thuốc thấp khớp. Ông bị nhiều chứng bệnh lắm. Hơn nữa bây giờ ông tuổi cũng già rồi.”

Ông Trần Công/Phan Văn Thu sinh năm 1948 là người đứng đầu Ân Đàn Đại Đạo do chính ông khai mở cùng với nhiều đồng đạo. Ông bị tuyên án chung thân hồi đầu năm 2013 theo Điều 79 “hoạt động lật đổ chính quyền”. Hai mươi mốt người còn lại thuộc Ân Đàn Đại Đạo bị tuyên lần lượt từ 10 đến 17 năm tù giam với cùng tội danh.

Thân nhân của tù nhân chính trị Trần Công/Phan Văn Thu cho RFA biết gia đình nhiều lần làm đơn xin cho ông được tạm dừng thi hành án để điều trị bệnh nhưng ông chỉ một lần duy nhất được chuyển lên bệnh viện tỉnh Gia Lai khám bệnh hồi tháng 4 năm 2018 và được trại giam trả lời rằng ông chưa đủ điều kiện để được tạm thi hành án, nên phải trở lại trại giam.

Bà Võ Thị Thanh Thúy kể lại hành trình khiếu nại, khiếu kiện cho chồng trong thời gian 7 năm qua:

“Có những lần gia đình ôm hồ sơ ra tận ngoài Trung ương rồi cũng có mang hồ sơ ra tận Đà Nẵng, ở Tòa án Cấp cao Đà Nẵng và Viện Kiểm sát Cấp cao Đà Nẵng nhưng họ đều không quan tâm. Có một lần họ gửi giấy về, ghi là ‘đúng người, đúng tội’. Nhưng mình vẫn làm tiếp tục làm đơn xin xem xét cho vụ án đến nơi đến chốn, chứ không thể xem qua bản án kết tội của Tòa án Phú Yên như vậy là oan ức quá. Tuy vậy, đơn xin giám đốc thẩm, họ cũng không quan tâm và xin tạm dừng thi hành án vì lý do ông Phan Văn Thu bị bệnh nặng thì họ cũng chẳng quan tâm luôn. Nói chung là họ không để ý gì đến hồ sơ khiếu kiện của mình. Mình có kêu cứu rát họng, có đi khiếu kiện mỏi mòn thì họ cũng chẳng hề quan tâm. Cuối cùng quan trọng là ở Trung ương, nhưng họ không có xem xét và không có giúp đỡ thì mình cũng chịu thôi.”

Bên cạnh những người cao tuổi trong vụ án Bia Sơn đang bị suy kiệt sức khỏe trong tù, tình hình các tù nhân chính trị còn lại trong vụ án này ra sao? Đài Á Châu Tự Do liên lạc với bà Nguyễn Thị Ngọc, mẹ của Nguyễn Thái Bình và được cho biết bà vừa đi thăm con trai ở trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam hôm 26 tháng 5. Bà Nguyễn Thị Ngọc nói về buổi thăm gặp đó:

“Thấy con yếu quá nên tôi hỏi tại sao con không ăn? Con mới trả lời rằng đã không ăn đúng nửa tháng rồi. Nhóm tuyệt thực có 5 người gồm Nguyễn Thái Bình, Lê Đức Động, Nguyễn Văn Hóa và hai người khác nữa. Trước giờ tôi không nhìn thấy tình cảnh con tôi như vậy đâu nên tôi cũng bức xúc và khóc. Dù có công an đông đảo nhưng tôi cũng nói với con là 22 người tu hành, có con trai tôi trong đó bị bắt oan nên dặn dò con phải ăn uống thì mới có sức khỏe tu tập. Tu hành mà phải bị ở tù 7 năm rồi.”

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, nhà đấu tranh môi trường và đưa tin tức về biến cố thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra hồi tháng 4 năm 2016, trong thời gian qua đã tuyệt thực để phản đối trại giam ngược đãi anh. Hai người khác cũng tuyệt thực phản đối nhà tù hành hung và đưa anh Nguyễn Văn Hóa đi là tù nhân Hoàng Đức Bình và Nguyễn Bắc Truyển.

Trở lại tình trạng các tù nhân chính trị trong vụ án Công luật Công án Bia Sơn, gia đình của những người tù này cho biết họ đang trông chờ công luận quốc tế quan tâm và kêu gọi Chính phủ Việt Nam nhanh chóng giải quyết cho sự oan ức của họ đã kéo dài suốt 7 năm qua.

\"\"
Khu sinh thái Đá Bia ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đồng Hòa, tỉnh Phú Yên. Courtesy: Ảnh chụp màn hình cand.com.vn

Bà Võ Thị Thanh Thúy cho biết thêm rằng bà cùng các gia đình đồng đạo đã bắt đầu gửi đơn kêu cứu đến các tổ chức nhân quyền thế giới trong những tháng cuối của năm 2018 vì sự im lặng của chính quyền cấp Trung ương:

“Đành phải kêu cầu với quốc tế quan tâm trường hợp này. Thân nhân của các tù nhân vụ Công án Bia Sơn cũng đưa đơn ra quốc tế với mong muốn các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng để đòi hỏi nhân quyền cho những tù nhân lương tâm, tôn giáo và chính trị bị ở tù oan ức như vậy. Hơn nữa, những người tù tôn giáo Ân Đàn Đại Đạo là những người già đang bị bệnh tật rất nặng. Ngoài ông Phan Văn Thu thì còn có ông Đoàn Đình Nam bây giờ đang chạy thận tại bệnh viện ở Vũng Tàu.”

Đài RFA cũng liên lạc qua điện thoại với gia đình của tù nhân chính trị Đoàn Đình Nam, nhưng đã không gặp được họ vì theo như bà Võ Thị Thanh Thúy cho biết thì hiện ông Đoàn Đình Nam đang được điều trị bệnh thận tại một bệnh viện ở Vũng Tàu dưới sự giám sát dày đặc của công an.

Ân Đàn Đại Đạo xây dựng khu sinh thái Đá Bia rộng 48 héc-ta tại khu vực Suối Lớn, Đèo Cả, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên theo hướng “tiền sinh thái, hậu tổ đình”. Khu sinh thái Đá Bia được Nhà nước công nhận là khu sinh thái quốc gia. Tuy nhiên, Công an tỉnh Phú Yên, hồi tháng 2 năm 2012, đột nhập vào khu sinh thái và bắt giữ nhóm người của giáo phái Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn. Sau đó nhóm 22 người bị đưa ra tòa xét xử với cáo buộc tội theo Điều 79. 3 người khác bị kết án tù từ 3 đến 4 năm với tội danh tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ. Vợ của ông Trần Công/Phan Văn Thu kể lại:

“Những người tu đạo rất hiền lành. Chính là những cán bộ công an nói rằng đạo này hiền đến nỗi mà họ khi đến bắt thì họ lùa như vịt, chưa có phá án nào mà sướng như phá vụ án Bia Sơn. Họ còn nói nếu không kết tội theo Điều 79 thì không có cách nào họ lấy khu du lịch được, nên phải đưa vô tội đó. Điều này là do cán bộ nói và ông Trần Công/Phan Văn Thu nghe được và ông nói lại cho tôi nghe.”

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan khu sinh thái hiện tại như thế nào sau khi vụ việc xảy ra cách nay 7 năm, bà Võ Thị Thanh Thúy cho biết:

“Tôi cũng nắm sơ thông tin thôi. Nghe nói là chính quyền chuyển quyền xây dựng khu sinh thái cho một tập đoàn hoặc một công ty lớn nào đó ở ngoài Hà Nội. Việc xây dựng lớn thì mình không thấy, nhưng có thấy người vào bên trong để sửa sang. Nghe nói năm nay bắt đầu tiến hành xây dựng nhưng không biết có làm hay không.”

_____________________________

Đính chính: Đài Á Châu Tự Do xin đính chính một số chi tiết sai trong bài viết. Đó là chỉ có 22 người thuộc nhóm Ân Đàn Đại Đạo hiện đang còn trong tù và đang kêu cứu, không phải 25 người như nội dung viết trước đó. Nhóm 22 người bao gồm ông Thu bị kết án theo điều 79, ba người còn lại bị kết án tù từ 3 đến 4 năm về tội \”tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ\”

Thông tin thứ hai xin đính chính là nhóm đạo có tên Ân Đàn Đại Đạo, không phải Công Án Bia Sơn. Tên Công Án Bia Sơn là do chính quyền đặt ra cho nhóm.

Thông tin thứ ba được đính chính là ông Thu bị kết án chung thân vào hồi đầu năm 2013

Đài Á Châu Tự Do thành thật xin lỗi quý độc giả về những sai sót này.

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment