Hải Quân Nhật tập phối hợp tác chiến với Mỹ ở Biển Đông

TRỌNG NGHĨA / RFI –

Hải Quân Nhật tập phối hợp tác chiến với Mỹ ở Biển Đông

.

\"\"
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng hoạt động bên cạnh tàu chở trực thăng Nhật Bản JS Izumo (p) tại Biển Đông ngày 11/06/2019.
JMSDF/U.S. Navy/Handout via REUTERS

Trong ba ngày, từ 10-12/06/2019, Hải Quân Nhật Bản đã phái tàu chiến lớn nhất của mình, chiếc trực thăng mẫu hạm JS Izumo, đến Biển Đông tham gia tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan. Đây là cuộc tập trận mới nhất, thuộc loại rầm rộ nhất của Hải Quân Nhật Bản với đồng minh Hoa Kỳ trên vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là có chủ quyền và đang áp đặt quyền khống chế.

Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 12/06 đã lồng sự kiện này trong một chuỗi cuộc tập trận của Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng hợp đồng tác chiến với Hải Quân Mỹ, đặc biệt là tại địa bàn nóng hiện nay là Biển Đông.

Theo thông cáo ngày 11/06 của bộ phận thông tin của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan, tham gia tập trận cùng với tàu sân bay Mỹ, ngoài chiếc Izumo, Hải Quân Nhật Bản còn cử thêm hai khu trục hạm khác JS Murasame (DD-101) and JS Akebono (DD-108). The Diplomat còn trích dẫn Hạm Đội 7 của Mỹ cho biết thêm là có 5 phi cơ quân sự cũng tham gia đợt thao diễn.

Nhât báo Japan Times, trong bài viết về cuộc tập trận, cho biết là trong số các bài tập, có những nội dung rèn luyện kỹ năng hợp đồng chiến đấu cả trên biển lẫn trên không.

Mỹ Nhật tập trận để dự phòng Trung Quốc

Cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Nhật tại Biển Đông lần này đã nối tiếp theo một loạt những cuộc tập trận song phương Mỹ-Nhật, cũng như là đa phương có sự tham gia tích cực của hai nước. Trong bối cảnh đó, theo báo Japan Times, có rất nhiều khả năng là Bắc Kinh xem đó là những động thái chống lại Trung Quốc, đang muốn mở rộng tầm hoạt động của họ cả Biển Đông lẫn Thái Bình Dương.

Như một sự trùng hợp, Hải Quân Mỹ-Nhật đã khởi động cuộc tập trận ở Biển Đông đúng vào thời điểm Trung Quốc cho tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của họ là chiếc Liêu Ninh băng qua Eo biển Miyako, nằm giữa đảo Miyako và đảo chính Okinawa của Nhật Bản để ra Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Japan Times nhắc lại rằng, để mở rộng tầm khống chế của mình, Trung Quốc cũng đã cho xây dựng một loạt tiền đồn quân sự ở Biển Đông, trong đó có những hòn đảo nhỏ bên trên có sân bay dùng được vào mục tiêu quân sự và các loại vũ khí tiên tiến.

Trung Quốc tuyên bố là những công trình đó chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ, nhưng một số chuyên gia thì thấy rằng đó là những cơ sở nhằm phục vụ mục tiêu khống chế vùng biển trong thực tế, bất chấp việc các láng giềng của Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, trong lúc Hải Quân các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á khác đều thường xuyên hoạt động tại nơi này.

Dấn thân vào Biển Đông: Mỹ số một, Nhật Bản số hai

Ngay sau Mỹ, Nhật Bản đang nổi lên là một quốc gia ngoài vùng Biển Đông đang tích cực can dự vào việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, dù không có tranh chấp lãnh thổ nào ở trong vùng.

Quyết tâm của Nhật Bản phản ánh trước hết qua việc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông về mặt quân sự. Chỉ tính riêng trong năm 2019 này, chiến hạm Nhật Bản đã tham gia hàng loạt cuộc tập trận song phương và đa phương với các đồng minh và đối tác.

Theo ghi nhận của The Diplomat, từ 02-08/05/2019, trực thăng mẫu hạm Izumo và khu trục hạm Murasame của Nhật đã tham gia một cuộc diễn tập hải quân đa phương cùng với các chiến hạm Mỹ, Philippines và Ấn Độ tại Biển Đông, trong một sự kiện được đánh gia là “có ý nghĩa nhất” trong thời gian gần đây.

Ngay sau đó, hai tàu chiến Nhật Bản đã tiếp tục tiến xuống phía nam Biển Đông, thao diễn chung với khu trục hạm Mỹ USS William P. Lawrence, tại eo biển Malacca, cửa ngõ từ Ấn Độ Dương đi vào Biển Đông.

Tần suất tập trận chung Mỹ Nhật tại Biển Đông ngày càng tăng

Từ cuộc tập trận song phương Mỹ Nhật đầu tiên tại Biển Đông vào năm 2015 đến nay, tần suất các cuộc thao diễn chung giữa hai quốc gia đồng minh ngày càng tăng, song song với các mối lo ngại ngày càng nhiều về các hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Hoa Kỳ dĩ nhiên là nước năng động nhất, nhưng Nhật Bản cũng ngày càng dấn thân sâu hơn vào khu vực, ngày càng phái càng nhiều tàu chiến của mình tham gia các cuộc tập trận song phương và đa phương trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Riêng tại Biển Đông, theo ghi nhận của The Diplomat, dù không theo chân Washington tham gia hay tự mình thực hiện các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, Tokyo thường xuyên cho chiến hạm của mình tháp tùng theo và tập trận với Hải Quân Hoa Kỳ.

Từ đầu năm đến nay, các hoạt động của Nhật cũng mở rộng thêm ra toàn vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, với hàng loạt những cuộc tập trận và thao diễn với Ấn Độ.

Izumo sẽ lại ghé cảng Việt Nam

Sắp tới đây, hoạt động của Hải Quân Nhật tại Biển Đông nói riêng, và tại Ấn Độ-Thái Bình Dương nói chung sẽ được tăng cường thêm, với chiến dịch triển khai thường niên của trực thăng mẫu hạm Izumo và khu trục hạm Murasame đã bắt đầu từ ngày 30 tháng 4 và sẽ kéo dài cho đến 10 tháng Bảy.

Trong khuôn khổ chiến dịch triển khai này, một thông cáo của Hải Quân Nhật Bản ngày 05/06 cho biết là tàu Izumo sẽ ghé cảng Việt Nam trong tháng này, thời điểm và cảng ghé thăm chưa được xác đinh rõ, nhưng giới quan sát cho rằng Izumo sẽ ghé Cam Ranh.

Một chi tiết đáng chú ý là sự hiện diên hầu như thường xuyên của trực thăng mẫu hạm Izumo trong các cuộc tập trận, một mình hay kèm theo hải đội tác chiến bao gồm hai khu trục hạm Murasame và Akebone, cùng với năm phi cơ quân sự.

Luyện cách dùng tàu sân bay và phối hợp với đồng minh

Theo giới quan sát, từ khi chính phủ Nhật Bản quyết định bật đèn xanh cho việc biến hai chiếc tàu chở trực thăng Izumo và Kaga thành hàng không mẫu hạm thực thụ, chở theo các chiến đấu cơ hiện đại F-35B có khả năng cất cánh lên thẳng, việc tập huấn cho thủy thủ đoàn của các chiếc tàu sân bay tương lai của Nhật đã trở thành cấp bách.

Điều đó giải thích lý do vì sao trong thời gian gần đây, chiếc Izumo liên tiếp được tung vào những hoạt động chung với Hải Quân Hoa Kỳ, rèn luyện kỹ năng tương tác với các chiến hạm tháp tùng cũng như là với các hàng không mẫu hạm của đồng minh Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Hải Quân Nhật Bản cũng đẩy mạnh những hoạt động hợp tác với các nước khác như Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Pháp, Úc để tạo tiền đề cho việc phối hợp khi cần thiết.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment