Nọc độc giết người và cứu người
Alfie Shaw BBC Earth
Những nguy hiểm do nọc độc gây ra đã được ghi nhận đầy đủ, nhưng những chất gây chết người đó cũng có tính năng cứu mạng.
Tiến sỹ Zoltan Takacs chuyên nghiên cứu về chất độc nói: \”Chất trong nọc độc là những phân tử duy nhất trên Trái Đất rõ ràng là được chọn lựa trong quá trình tiến hoá để cướp đi sinh mạng trong có khi chưa đầy một phút.\”
Hồi 2015, David Warrell, chuyên gia về y dược nhiệt đới tại Đại học Oxford, ước tính rằng có 200 ngàn ca tử vong mỗi năm do bị rắn cắn.
Chúng ta vẫn đang gặp những khó khăn trong việc phát triển ra chất kháng nọc mới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các độc tố có trong nọc độc cũng có tác dụng điều trị y tế, và đã có một số loại thuốc bào chế từ nọc độc đã được đưa vào sử dụng.
Dưới đây là bốn loài động vật có nọc độc mà con người đã trích xuất để dùng trong y tế.
Rắn
Nọc rắn là từ được dùng để chỉ một loạt các loại nọc độc khác nhau. Một số có thể đoạt mạng nhanh chóng, một số khác cần thời gian lâu hơn.
Hầu hết các loài rắn tiết nọc độc qua răng nanh, vốn hoạt động tương tự như chiếc xi-lanh. Một khi răng nanh cắm ngập được vào thịt nạn nhân, chất độc sẽ được tiết ra qua răng và truyền thẳng vào mạch máu con mồi.
Có một số ít ngoại lệ là rắn phun nọc độc, như rắn hổ mang phun nọc Mozambique (Naja mossambica).
Bởi có nhiều loại nọc độc khác nhau nên việc áp dụng thuốc chữa trị cho các trường hợp bị rắn cắn là khác nhau. Việc tìm hiểu về tình trạng của động mạch vành liên quan tới nọc độc trích xuất từ rắn hiện đang được tiến hành.
\”Nọc rắn được dùng như mẫu chuẩn cho một số loại thuốc y dược hàng đầu để điều trị cao huyết áp, truỵ tim và đau tim,\” Takacs giải thích.
\”Nguồn tạo ra thuốc ức chế men chuyển angiotensin sử dụng cho y tế là rắn lục Jararaca pit viper (còn có tên là rắn lục Bothrops jararaca), và nó được cho là đã giúp cứu sống nhiều nhân mạng hơn bất kỳ loài động vật nào khác trong lịch sử nhân loại.\”
Rồng Komodo
Tuyến nọc độc của rồng Komodo hoạt động khác với nọc độc của rắn. Thay vì vận hành như bơm xi-lanh ở rắn, rồng Komodo dùng cách rỉ ra nọc độc. Nọc rỉ ra từ các \’bọng\’ nằm giữa các răng khi hàm răng của rồng Komodo táp vào con mồi. Nọc độc hoà lẫn vào máu con mồi, khiến máu không đông, qua đó con mồi bị chảy máu liên tục sau cú tấn công.
Tuy khiến con mồi mất mạng, nhưng tính chống đông máu của loại nọc độc này lại đóng vai trò rất quan trọng cho công tác chữa trị y tế. Nọc độc này được dùng trong việc điều trị các cú đột quỵ, truỵ tim và tắc mạch phổi, là các bệnh có thể điều trị bằng cách đặt ống stem để chống đông máu.
Bọ cạp
Mỗi năm có trên 1,2 triệu người bị bọ cạp cắn, trong đó có khoảng 3250 ca tử vong, theo một nghiên cứu được thực hiện vào 2008.
Bên cạnh cái tên rất đáng sợ của mình, bọ cạp thần chết sa mạc có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa trị bệnh ung thư.
Trong nọc độc rất mạnh của bọ cạp thần chết sa mạc có chứa một chất độc có tên là Chlorotoxin, là hoạt chất hiện đang được phát triển để chẩn đoán bệnh ung thư và trong các hệ đưa thuốc vào cơ thể để xử lý các khối u.
Chuột chù đuôi ngắn phương Bắc
Trong các loài động vật có vú, việc có nọc độc không phải là chuyện phổ biến, và tuy nọc độc của loài chuột chù này không đủ mạnh để giết chết được con người, nhưng cũng đủ để khiến ta đau đớn và sưng phù.
Nọc độc của chuột chù có lẽ là không khiến cho chúng ta phải tưởng tượng nhiều lắm, nhưng lại khiến cho cộng đồng khoa học rất quan tâm. Lý do: nọc của nó đang được nghiên cứu để sử dụng trong lĩnh vực chữa bệnh ung thư.
Takacs nói đây là chuyện có thể xảy ra, bởi một số tế bào u có một phân tử có cấu trúc gần giống với mục tiêu mà chất độc này nhắm vào.
\”Với việc dựa vào đặc tính này, ta có thể biến chất độc trong nọc của chuột chù đuôi ngắn phương Bắc thành một dược chất để chữa trị hoặc để chẩn đoán bệnh ung thư.\”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.