Dự luật dẫn độ Hồng Kông: Sự đối đầu giữa nhân dân và quyền lực

THANH HÀ / RFI điểm báo –

Dự luật dẫn độ Hồng Kông: Sự đối đầu giữa nhân dân và quyền lực

.

\"\"
Ảnh chụp màn hình minh họa trang bìa tuần báo Anh The Economist về Hồng Kông ngày 13/06/2019.
Capture d\’écran

Hai chữ Hồng Kông chiếm trọn trang bìa màu đỏ tuần báo Anh, The Economist. Tất cả các chữ cái màu đen, ngoại trừ hai chữ o màu vàng, được nối liền bằng một sợi xích, thành chiếc còng tay.

Trong bài báo mang tựa đề \”Khuôn pháp luật\”, tạp chí phát hành tại Luân Đôn này đưa ra ba nhận định về một trong những cuộc xuống đường rầm rộ nhất ở Hồng Kông từ khi Anh Quốc trao trả lại Hồng Kông cho Bắc Kinh năm 1997. Thứ nhất, đại đa số những người xuống đường phản đối dự luật cho dẫn độ về Hoa Lục còn rất trẻ, quá trẻ để có thể hoài niệm về thời kỳ Hồng Kông còn là thuộc địa của vương quốc Anh. Điểm thứ hai là số này không hạnh phúc khi thấy Bắc Kinh ngày càng mạnh tay kiểm soát các sinh hoạt chính trị, xã hội tại đặc khu hành chính này. Thứ ba là sự can đảm của những người biểu tình Hồng Kông cho thấy mức độ quan tâm của số này đối với tương lai của chính mình.

\”Một quốc gia hai chế độ\” : khẩu hiệu chỉ có trên giấy tờ

Dù vậy The Economist không hề ảo tưởng về hồi kết của cuộc đọ sức bất tương xứng giữa một bên là thường dân và bên kia là bộ máy của chính quyền. Hơn một triệu dân Hồng Kông xuống đường, không chắc đủ làm Tập Cận Bình nao núng. Bài báo kết luận \”mỗi lần nổ ra một cuộc nổi dậy, thế giới lại được chứng kiến thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh và các đợt đàn áp thô bạo đó hoàn toàn trái ngược với hình ảnh một đất nước hài hòa\” mà Trung Quốc muốn đưa ra. Hai mươi hai năm trước khi Hồng Kông được trao trả về với \”mẫu quốc\” người ta nghĩ rằng \”hai chế độ\” sẽ được song hành. Chuyện đó không có thực.

Tuần báo L\’Obs đăng bức ảnh Hồng Kông chìm trong một biển người bên cạnh hàng chữ \”Cuộc tuần hành khổng lồ\”. Courrier International trích lại một bài báo của South China Morning Post cho thấy hành pháp Hồng Kông trong thế \”Trên đe dưới búa\” : dự luật cho dẫn độ về Hoa Lục đã làm sống lại phong trào phản kháng tại Hồng Kông. Dự luật này cũng có thể là hồi chuông báo tử cho sự nghiệp chính trị của lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Từ sau thất bại năm 2014 của phong trào dù vàng đòi được quyền bầu ra ban lãnh đạo cho đặc khu hành chính này theo mô hình phổ thông đầu phiếu, và sau một cuộc nổi dậy tại khu vực Mongkok năm 2016 mà chính quyền cho rằng phe đòi ly khai đã khuấy lên, tình hình tại Hồng Kông đã lắng dịu. Đối lập bị hụt hơi. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga củng cố chiếc ghế lãnh đạo, tăng điểm trong mắt của Bắc Kinh cho dù đó là nhờ may mắn nhiều hơn là nhờ vào tài năng của nữ chính trị gia này.

Rơi vào bẫy của Bắc Kinh

Vậy thì điều gì đã thôi thúc họ Lâm đưa ra dự luật dẫn độ ? South China Morning Post cho rằng, chính quyền Hồng Kông đã \”đi quá đà\”. Ban đầu mục tiêu chỉ nhằm cho phép dẫn độ sang Đài Loan một nghi phạm người Hồng Kông bị cáo buộc giết người. Bắc Kinh im lặng để mặc cho chính quyền của bà Lâm tự quyết. Dự luật này ban đầu đã được một số doanh nhân Hồng Kông thân Bắc Kinh và các nghị viên ủng hộ và số này nghĩ rằng, họ sẽ được tự do đề xuất những sửa đổi cho bộ luật đó. Không ngờ chính thành phần này \”rơi vào bẫy\” của Bắc Kinh.

Trung Quốc quan tâm đến dự luật này hơn ai hết. Để rồi chính những doanh nhân từng ủng hộ về nguyên tắc dẫn độ ý thức được rằng, bộ luật ấy một khi có hiệu lực là con dao hai lưỡi, đe dọa đến quyền lợi của những ai làm ăn nhiều với Hoa Lục. Về phần Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bà thừa biết rằng, ưu tiên của Bắc Kinh là thông qua dự luật này chứ không phải là bước kế tiếp trong sự nghiệp chính trị của bà.

1989-2019 thế giới nhầm to về Trung Quốc

Cũng về Trung Quốc, xã luận trên tuần san Le Point thu hút độc giả với hàng tựa : \”1989-2019, 30 năm thế giới nhầm to\” về Trung Quốc. Vụ thảm sát Thiên An Môn không là một \”tai nạn\”, mà là ngọn đuốc soi rọi vào thế giới của chúng ta ngày nay.

Tác giả bài viết, Nicolas Baverez trở lại với thời điểm 1989 : vào mùa thu năm đó, tại Đức, bức tường Berlin sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh, Liên Xô cáo chung. Trước đó, tại Bắc Kinh phong trào phản kháng ôn hòa của sinh viên Trung Quốc bị đàn áp đẫm máu. Những gì diễn ra tại Berlin khép lại thế kỷ XX. Ngược lại, cuộc nổi dậy ở Bắc Kinh mở ra một trang sử mới cho thế kỷ XXI.

Không ai phủ nhận những ảo vọng của thế giới từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Hoa Kỳ đã tưởng rằng có thể một mình một chợ để áp đặt luật chơi với phần còn lại của thế giới. Châu Âu thì cũng đã tưởng chừng mô hình xây dựng một nhà nước pháp quyền không còn chông gai.

Thực tế không màu hồng như bức tranh vẽ. Thế giới đã trải qua nhiều vụ \”vỡ bong bóng\” mà đỉnh điểm là khủng hoảng tài chính 2008. Mô hình dân chủ Châu Âu thì đang bị các làn sóng dân túy thách thức.

Riêng với Trung Quốc, thế giới phạm phải hai sai lầm. Thứ nhất là đã không xem đó là một trong những nền tảng của một mô hình rất đặc trưng của Bắc Kinh. Mô hình đó bao gồm một bên là phát triển kinh tế dưới sự chỉ đạo của đảng và nhà nước, duy trì ổn định về chính trị và bên kia là châm thêm củi lửa cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa và chối bỏ tự do.

Chính vì sai lầm này, cộng đồng quốc tế đã mở rộng cửa Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cho Bắc Kinh. Phương Tây đâu thể ngờ rằng, Trung Quốc không chuyển mình theo mô hình dân chủ mà trái lại, nhờ có sức mạnh kinh tế Bắc Kinh càng cứng rắn hơn, để hiện nguyên hình là một chế độ chuyên chế. Trung Quốc đã thách thức phương Tây, không che dấu tham vọng thay Mỹ thống lĩnh thế giới từ năm 2050.

Sai lầm thứ nhì của phương Tây, theo quan điểm của cây bút Baverez trên Le Point là đã \”đánh giá quá thấp vị trí của Châu Á trong toàn cảnh thế giới\”. Trong khi đó 50% dân số địa cầu sống tại châu lục này và đây cũng là nơi tạo ra 40% GDP của nhân loại, là một trong những chiếc nôi quan trọng của công nghệ mới.

Ngoài hai sai lầm đó, Âu Mỹ lại còn bị vướng tay vì một số chuyện khác : Washington chọn \”ưu tiên cho quyền lợi của riêng nước Mỹ\”, buông trôi các mối liên minh truyền thống. Cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu cũng không còn là những ngọn hải đăng của thế giới về tự do hay nhân quyền. Trong khi mà, đó mới chính là những điểm mạnh của các nền văn hóa phương Tây.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment