Biển Đông: Ngoại trưởng Philippines kêu gọi Mỹ giúp bảo toàn chủ quyền
.
(Thu Hằng / RFI) – Philippines kêu gọi Hoa Kỳ sử dụng uy lực để chủ quyền của các nước trong vùng Biển Đông được tôn trọng. Lời kêu gọi được ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đưa ra ngày 15/06/2019, sau khi đại sứ quán Mỹ tại Manila lên tiếng về vụ tàu Trung Quốc đâm tàu của Philippines rồi bỏ chạy.
Theo thông tấn xã Philippines PNA, ngoại trưởng Locsin so sánh : « Quyền tự do lưu thông ở Biển Đông không chỉ là quyền được đi lại trong sở thú, nơi đặt những chiếc lồng nhốt thú. Tự do hàng hải phải bao hàm mọi ý nghĩa, kể cả việc sẵn sàng sử dụng uy lực của Hoa Kỳ để bảo toàn chủ quyền của các nước Đông Nam Á ven Biển Đông trong vùng biển, bằng không thì đó là điều vô nghĩa ».
Phát biểu của ngoại trưởng Philippines được cho là nhằm đáp lại thông cáo ngày 14/06 mang tính chung chung của đại sứ quán Mỹ ở Manila về vụ đụng tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), gần quần đảo Trường Sa.
Trong thông cáo, Mỹ tái khẳng định « lập trường rõ ràng về Biển Đông… ủng hộ việc sử dụng nguồn tài nguyên biển một cách hợp pháp, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, hòa bình và ổn định ».
Ngoại trưởng Locsin không ngần ngại nhắc lại vụ chính quyền Obama kêu gọi Philippines và Trung Quốc rút khỏi bãi cạn Scarborough trước đây : « Philippines đã rút. Trung Quốc thì ở lại. Còn Hoa Kỳ im lặng. Sự im lặng đó có nghĩa là đồng ý. Chúng ta đã mất (Scarborough). Dưới thời tổng thống Trump, điều này được cho là thay đổi. Các nhà ngoại giao hèn nhát của (chính quyền)Obama phải bị loại khỏi chính quyền Mỹ ».
Ngoài việc kêu gọi Mỹ ủng hộ chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, trên Twitter vào hôm nay 16/06, ngoại trưởng Locsin thông báo đã cho phép đại sứ quán Philippines ở Luân Đôn gửi văn kiện « phản đối » đến Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Locsin cũng công bố một văn bản của chính phủ Manila gửi đến Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế khẳng định rằng các ngư dân Philippines « đã bị (tầu Trung Quốc) bỏ rơi một cách tàn nhẫn » và có thể đã bị thiệt mạng ngoài khơi nếu không được tàu cá của Việt Nam giúp đỡ.
Nguồn: RFI