Hai triệu người Hồng Kông xuống đường, bác lời xin lỗi, đòi đặc khu trưởng từ chức

Hai triệu người Hồng Kông xuống đường, bác lời xin lỗi, đòi đặc khu trưởng từ chức

.

\"\"
Người biểu tình trương khẩu hiệu bác bỏ luật dẫn độ. (Hình: AP Photo/Vincent Yu)

HỒNG KÔNG (NV) – Khoảng 2 triệu người đã xuống đường tham dự cuộc biểu tình vĩ đại ở Hồng Kông hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Sáu, đòi đặc khu trưởng nơi này, bà Carrie Lam, phải từ chức, bác bỏ lời xin lỗi của bà vì đã thúc đẩy dự luật theo đó cho phép dẫn độ người từ Hồng Kông về lục địa để xét xử.

Theo hãng thông tấn UPI, người trong ban tổ chức thuộc nhóm tranh đấu Mặt Trận Dân Nhân Quyền (CHRF), ước lượng số người tham dự nhiều gấp đôi so với con số 1 triệu người xuống đường cách đây bảy ngày để phản đối dự luật dẫn độ.

Cảnh sát Hồng Kông ước lượng có khoảng 388,000 người đi theo cùng lộ trình đầu tiên của cuộc tuần hành phản đối. Hôm Chủ Nhật tuần qua, cảnh sát ước lượng có một triệu người trong thành phố với 7 triệu dân này đã tham dự biểu tình.

Bản tin của Bloomberg nói rằng người biểu tình cũng túa ra từ các ngả đường khác, ngoài lộ trình chính thức.

Đến lúc khoảng 7 giờ 30 phút tối hôm Chủ Nhật ở Hồng Kông, chừng năm giờ sau khi cuộc tuần hành khởi sự, hàng ngàn người đã kéo đến tập trung ở công viên Victoria Park, để bắt đầu cuộc đi bộ dài khoảng 2 dặm (3.2 km) tới nơi đặt trụ sở Nghị Viện Hồng Kông.

\"\"
Gia đình cùng xuống đường ở Hồng Kông. (Hình: AP Photo/Vincent Yu)

Những người biểu tình nói rằng họ sẽ tiếp tục xuống đường, cho tới khi nào dự luật bị hủy bỏ hoàn toàn, chứ không tạm dừng như bà Lam loan báo hôm Thứ Bảy.

Họ cũng đòi bà Lam phải từ chức, thả tất cả những người bị bắt khi biểu tình và không truy tố. Họ cũng yêu cầu chính quyền Hồng Kông không được gọi cuộc biểu tình phản đối là “bạo loạn.”

“Nếu chính quyền không đáp ứng, sẽ có thêm nhiều người Hồng Kông tham gia biểu tình vào ngày mai,” theo lời CHRF.

Một người biểu tình, cô Venus Leung, một sinh viên 19 tuổi, nói rằng “Carrie Lam không thể làm điều gì để có được sự tin tưởng của chúng tôi nữa. Bà ta phải từ chức.”

Nhiều người biểu tình mặc đồ đen trong cuộc biểu tình. Trong khi nhiều người cầm hoa trắng để tưởng niệm một người đàn ông té khỏi một tòa nhà hôm Thứ Bảy, khi đang cầm biểu ngữ phản đối luật dẫn độ.

Người biểu tình cũng hát bài “Do You Hear The People Sing?” bài hát từ vở nhạc kịch Les Miserables và cũng được coi là bài hát chính của phong trào phản đối tại Hồng Kông năm 2014 đòi tự do bầu cử.

Không chỉ có người trẻ mà nhiều người lớn tuổi cũng đi biểu tình.

Bà Chik Kim Ping, 65 tuổi, và chồng là ông Tse, 70 tuổi, đến tham dự cuộc biểu tình vì “đây là điều quan trọng cho con cháu chúng tôi.”

Bà Chik Kim Ping nói với CNN rằng: “Chúng tôi đã già rồi và không còn sống lâu nữa. Chúng tôi sẽ không nhìn thấy điều gì xảy ra năm 2047, nhưng con cháu chúng tôi sẽ nhìn thấy các sự kiện vào thời đại đó.”

Vào năm 2047, Hồng Kông sẽ hoàn toàn trở thành một phần của Trung Quốc và không còn được hưởng quy chế đặc biệt theo như thỏa thuận với Anh khi vùng đất này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment