Luật dẫn độ: Lãnh đạo Hồng Kông ngày càng bị cô lập, Bắc Kinh ‘‘khó xử’

Luật dẫn độ: Lãnh đạo Hồng Kông ngày càng bị cô lập, Bắc Kinh ‘‘khó xử’

.

\"\"
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 07/2017 tại Hồng Kông nhân lễ nhậm chức trưởng đặc khu của bà Lâm. Ảnh tư liệu. Anthony WALLACE / AFP

(Trọng Thành / RFI)Hôm qua, 15/06/2019, dưới áp lực của dân chúng, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) buộc phải đình hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phong trào phản kháng đòi hủy bỏ dự luật tiếp tục. Theo nhiều nhà quan sát, lãnh đạo trung thành với Bắc Kinh ngày càng bị cô lập, có khả năng không sớm thì muộn sẽ phải từ chức.

Trả lời AFP, nhà bình luận chính trị Lâm Hòa Lập (Willy Lam) nhận định: « các nhóm đấu tranh vì dân chủ sẽ không dừng lại ở đây. Họ muốn sử dụng làn sóng phản đối mạnh mẽ chống lại trưởng đặc khu… duy trì áp lực ». Trong lúc đó, nhà chính trị học Steve Tsang, tại Luân Đôn, cho biết lãnh đạo Hồng Kông ngày càng « gây khó xử » cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đúng vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi ông Tập đang phải đối đầu nước Mỹ trong cuộc chiến thương mại song phương ngày càng căng thẳng.

Hôm nay, báo chí chính thống Trung Quốc tiếp tục bênh vực chính quyền đặc khu, lên án « các thế lực chống Trung Hoa » trỗi dậy tại Hồng Kông. Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan phát ngôn của đảng Cộng Sản, khẳng định đa số dân chúng Hồng Kông ủng hộ chính quyền, kiên quyết với các thế lực chống đối.

Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bắc Kinh gần gũi với giới chóp bu Trung Quốc cho AFP biết : việc lãnh đạo Hồng Kông xử lý kém trước phong trào phản kháng bùng phát, và tình trạng bạo lực trong tuần qua buộc chính quyền Bắc Kinh phải sớm ra quyết định. Theo các thăm dò dư luận, trước cuộc biểu tình khổng lồ Chủ Nhật trước, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ được 32% dân chúng Hồng Kông ủng hộ, 57% phản đối. Chưa có một lãnh đạo đặc khu nào lại mất lòng dân đến như vậy sau 2 năm cầm quyền.

Nhà chính trị học Steven Tsang nhấn mạnh là Tập Cận Bình « không phải là một nhà lãnh đạo khoan dung với các thất bại của những người dưới quyền… Bà Lâm sẽ không thể tại vị…, cho dù trong hiện tại, Bắc Kinh sẽ không cách chức trưởng đặc khu ngay tức khắc, bởi đây là một dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối của chế độ».

Cuộc họp bí mật ở Thâm Quyến?

Hôm thứ Sáu, 14/06/2019, có tin về một cuộc họp bí mật giữa giới chức cao cấp Trung Quốc với ban lãnh đạo Hồng Kông, tại một địa điểm gần đặc khu, nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng chưa từng có này. Trả lời RFI, ông Éric Florence, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc đương đại của Pháp (Centre français d\’études sur la Chine contemporaine – CEFC) lưu ý là chế độ của ông Tập Cận Bình có thể đã phải tính đường lùi:

« Một số nguồn tin không chính thức, ẩn danh, cho rằng đã có một cuộc họp tại thành phố Thâm Quyến (đông nam Trung Quốc) sát với Hồng Kông. Tiếp theo cuộc họp với sự tham gia của ban lãnh đạo Hồng Kông, quyết định đã được đưa ra. Đúng là, trước đó đã có một số ý kiến ủng hộ dự luật dẫn độ được đưa ra công luận, đặc biệt là của các quan chức cao cấp như Hàn Chính (Han Zheng), phụ trách Macao – Hồng Kông. Nếu như đã có một cuộc gặp như vậy, và cuộc gặp này đã góp phần vào việc hoãn lại dự luật dẫn độ, thì đây là một điều đáng chú ý. Điều này cho thấy sự kết hợp giữa áp lực của dân chúng địa phương và phía quốc tế, áp lực rất mạnh, trong bối cảnh rất căng thẳng do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ở cao trào, có thể buộc Bắc Kinh đôi khi phải lùi bước, khi áp lực đủ mạnh ».

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment