NGUYỄN THỊ ÚT –
Hòn Củ Tron, bãi vua Ngự, giếng Tiên… giữa viễn khơi
.
Khác với dải dài ven biển miền Trung, biển ở đồng bằng miền Tây không nhiều nơi có cát trắng nắng vàng. Hầu hết đều bãi bùn và nước đục. Nên, khi dịch vụ ra đảo ngày càng dễ dàng với các tàu cao tốc có cả giường nằm thì dân miền Tây đổ xô đi chơi cuối tuần ở đảo.
Phú Quốc, Côn Đảo lừng danh Đảo ngọc nhưng giá cả mọi thứ quá đắt, chỉ hợp với đại gia (từ Bắc vào). Vì thế quần đảo Nam Du ở biển Kiên Giang bỗng thành điểm hot du lịch ngắn ngày. Các công ty du lịch chớp cơ hội mở các tour giá rẻ, chỉ 1,2 triệu đồng cho hai đêm ba ngày trên đảo- bao ăn ở. Vậy là các nhà nghỉ trên khắp hòn Lớn gần như kín khách suốt cuối tuần từ trước tết cho tới tận hết tháng 5.
Lẽ ra Nam Du phải được khai thác từ lâu hơn nhiều rồi mới phải, vì ngoài vị trí khá gần Rạch Giá (đi tàu cao tốc chỉ xêm xêm 3 tiếng), nó còn là quần đảo đặc biệt với 21 hòn đảo nằm rất gần nhau, dễ dàng di chuyển, có thiên nhiên đẹp đẽ và đặc biệt nhiều huyền tích về vua Gia Long thời cuối thế kỷ 18.
Hòn Củ Tron, giếng Tiên, bãi Ngự và những dấu vết thời Gia Long đi trốn
Cầu cảng chính hòn Lớn đón du khách vào khu vực sầm uất, giàu có nhất của đảo. Hai ba năm nay, nhờ lượng khách du lịch lấp kín đảo mỗi cuối tuần, một số dân đảo đã chuyển sang làm nghề dịch vụ, chủ yếu cho thuê nhà nghỉ + xe honda và bán hải sản, bán quán nhậu. Dưới tác động của khách du lịch, hòn Lớn chia làm hai nửa. Nửa giàu có nằm sát cầu cảng, lúc nào cũng tấp nập nhộn nhịp, hầu hết là nhà nghỉ và quán sá. Nhiều chủ nhà nghỉ vốn là ngư dân, có tiền nên làm chơi cho vui nào ngờ ăn thiệt.
Nửa còn lại mới đúng là đảo ngày xưa: vắng lặng, nghèo nàn, những ngôi nhà lụp sụp, nngười dân chiều chiều kê cái ghế nhỏ ngồi hóng gió dài dài trước nhà trò chuyện. Con nít tắm biển, nhảy nhót la hét chơi đùa. Nghèo, nhưng cái cảnh người ngồi bên nhau quây quần đầm ấm này y như một thế giới không smartphone mơ ước của nhiều người thị thành.
Hầu hết dân cư nửa này sống bằng cách đi làm thuê cho nửa bên kia. Họ bán quán, dọn dẹp nhà nghỉ, lái ghe đưa khách đi thăm các đảo. Châm biếm thay, cái nửa nghèo túng ấy lại mang cái tên cao sang vốn chỉ dành cho bậc vương giả. Nó tên là bãi Ngự. Do ngày trước, vua Gia Long trên đường trốn chạy quân Xiêm đã chạy đến hòn đảo này. Chiều chiều ngài hay ra ngồi trên bãi biển ngắm cảnh (và nhớ cố hương?) nên nó được mang tên bãi Ngự. Ngoài bãi còn có giếng Ngự, hồi xưa cấp nước cho ngài uống. Tiếc là thời gian không đủ nên tôi không kịp đi tìm. Dân đảo người nói giếng Ngự đã bị lấp, người thì nói đến bây giờ nước ngọt vẫn dồi dào.
Cái tên hòn Củ Tron (tên khác của hòn Lớn) cũng là giai thoại thú vị. Huyền tích nói khi vua Gia Long trốn tránh ra đây, quân lính bị đói nên hỏi dân bản địa tìm cái ăn. Họ được chỉ một loại củ hình tròn, to thì bằng cái dĩa, nhỏ thì bằng nắm tay. Quân lính đào củ ăn, thấy lành và no bụng. Nhờ ơn củ tròn cứu sống, khi vua tai qua nạn khỏi liền cử quan ra đảo sắc phong tên Củ Tròn (nghe không hay chút nào, nhưng biết làm sao, miệng nhà sang có gang có thép!). Cơ mà ông quan sai, vốn dân Quảng Nam hay Huế chi đó, đọc mất dấu, dân miền Tây nghe thành Củ Tron. Dân biết sai nhưng không thể sửa lưng vị quan triều đình, nên đảo mang tên Củ Tron ngộ nghĩnh từ đó.
Theo những con đường nhỏ xíu ngoằn ngoèo trong bãi Ngự, thỉnh thoảng du khách lại được chiêu đãi một món đặc biệt. Một trong số đó là những tấm bảng vẽ tay duyên dáng và khác biệt trên tường nhà, nét chữ cũng là kiểu chữ thông dụng của khoảng bốn năm mươi năm trước, thông báo các địa danh của đảo rất thú vị.
Không rập khuôn và nhàm chán như cái tên hành chính như ấp 1 xã An Sơn huyện An Hải tỉnh Kiên Giang… chẳng nói lên đặc điểm gì, hòn Lớn vốn được chia làm những khu như sau: Bãi biển ngay cầu cảng là bãi Chệt, nhưng thỉnh thoảng bị viết sai là bãi Trệt. Mỗi câu chuyện về Nam Du nói một cách, nhưng tựu trung rằng: khoảng thế kỷ 16, có nhiều đoàn tàu Trung Quốc và Hà Lan dọc ngang qua vùng biển này buôn bán. Một buổi sáng, dân hòn Lớn thấy nhiều xác người Hoa (vốn được gọi là các chú Chệt) đi buôn bị giết chết, xác trôi vào bãi. Họ đem chôn cất và bãi Chệt có tên từ sự tích này.
Qua bãi Khách theo mặt trước của đảo đi lên cao là Bãi Tuồng, bãi Giếng, Bãi cỏ lớn, Bãi cỏ nhỏ, bãi Sỏi, bãi Cây Mến nhỏ, bãi Cây Mến lớn, bãi Đá cháy nhỏ, bãi Đá cháy lớn, mũi Đá đen, Lùm Tranh, Bãi đất đỏ, mũi Đá trắng và cuối cùng, xa nhất là bãi Nhum.
Mỗi địa danh đều mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất đặc điểm địa hình các vùng trên đảo. Người dân nói sát cạnh bãi Chệt là bãi Khách và bãi Tuồng, nhưng giờ nhà cửa chen kín, tôi không phân biệt được. Bãi cỏ cũng vậy, giờ không thấy cỏ đâu nhưng trên biển số nhà của dân đảo vẫn ghi Bãi cỏ lớn, Bãi cỏ nhỏ, đầy thần sắc độc đáo và gợi trí tò mò tìm kiếm.
Cũng thật lạ. Hòn Lớn, giống phần lớn các đảo khác trong quần đảo Nam Du là một hòn đảo đá như hòn núi nằm chơi vơi ngoài khơi, đất ít đến nỗi chỉ có một lớp mỏng những ngôi nhà nằm sát đường là có địa hình bằng phẳng. Những ngôi nhà bên trong buộc phải leo lên các bậc thang đá chon von tự tạo có khi dốc đến 60 độ hoặc hơn. Vậy mà đây đó, thiên nhiên lại tặng cho họ những bãi cỏ lớn nhỏ, thật kỳ diệu. Diệu kỳ hơn nữa là tuy đến giờ những bãi cỏ ấy chỉ còn trong địa danh, nhưng có thể thấy trước kia chúng cũng nằm sát mép sóng. Chứng tỏ chỉ cần cách ranh giới nước mặn có vài mét thì đã có những nguồn nước ngọt dồi dào dưới mặt đất của đảo, dồi dào đến mức nó nuôi dưỡng được những bãi cỏ và cả khu rừng xanh tốt.
Ngoài bãi Chệt, Bãi cỏ nhỏ và Bãi cỏ lớn, địa hình được mô tả trong những cái tên khác hầu như vẫn còn nguyên. Bãi Đá cháy nằm cạnh bãi Cây Mến, là một bãi toàn những tảng đen cháy lô nhô xâm xấp nước biển. Nhìn kỹ, vân trên đá đủ màu và biến đổi cực đẹp. Chỉ riêng bãi đá này, (nếu ai nuôi), tôi có thể lang thang vài tuần, từ sáng đến chiều, chỉ để ngắm đã mắt những tạo tác kỳ diệu đến vậy.
Bãi Cây Mến có hai cách giải thích: cách thứ nhất nói ngày xưa ở đây trồng nhiều cây mến, giống cây cau nhưng cao và to hơn. Nhưng một cụ ông 93 tuổi trông coi ngôi đền thờ Bà chúa xứ ở đây lại giải thích với tôi rằng mến nghĩa là trai gái mến nhau, ở đảo chỉ có bãi Mến là bãi đẹp, có bãi cát trắng mịn hình vòng cung và khá cách biệt với khu dân cư nên ngày trước trai gái tới đó hẹn hò, “yêu mến”. Về cụ ông và những người dân bãi Ngự có những câu chuyện hấp dẫn, tôi sẽ kể sau trong bài khác.
Mũi Đá đen và mũi Đá trắng nằm nhô ra biển, nhưng chỉ đi ghe từ ngoài biển vô mới dễ nhìn thấy. Tôi đi xe mát và đi bộ nên thôi bạn đành tưởng tượng theo lời kể của người dân bản địa vậy: Nó là hai cái mũi nhọn nhô ra biển, một mũi là đá trắng, một mũi là đá đen. Hết. Tới đây tùy bạn thêm thắt.
Lùm Tranh có lẽ xưa kia mọc nhiều cây tranh bịt bùng, giờ đang là một công trường xây khu nghỉ dưỡng, thấy lấp ló các bungalow trên sườn đồi. Xây khéo thì đẹp lắm đó. Bãi Đất đỏ nằm ở mặt sau của đảo, phải theo một con đường ngắn nhưng dốc ngược và khá khuất lấp trong lùm cây, trượt xuống mới thấy. Như cái tên, đất bãi này màu đỏ rực, không hề giống các bãi khác. Dân kể giờ nó là sở hữu tư nhân của một đại gia đã từng mua bãi Cây Mến- bán nó lại cho “băng Hải Phòng”, rồi mua lại bãi Đất đỏ (nhỏ hơn, vị trí không đẹp bằng), mai mốt kinh doanh.
Bãi Nhum khó đi nhất và nguy hiểm nhất, nhưng cũng là con đường gây nhiều bất ngờ nhất.
Nguồn: Blog RFA
XEM THÊM
Hòn Củ Tron, khu rừng rậm không bóng người và bãi đá hoang sơ nguyên thủy
.
Nguyễn Thị Út
2019-06-17
Vòng theo con đường quanh hòn Lớn của quần đảo Nam Du, đến chân trường tiểu học có một con đường dốc đứng chạy lên trên. Nó cũng đổ xi măng bình thường như mọi con đường khác, nhưng đừng nhìn thế mà nhầm. Chạy quá trường tiểu học, con đường khu dân cư bình thường bỗng dần biến hình thành con đường mòn cheo leo quanh núi, Chỉ vài trăm mét nhưng khung cảnh đã khác hoàn toàn với bãi biển nắng gió dưới kia, cứ như lạc vào bộ phim tiên hiệp nào.
Ở đây đích xác là núi, không có lấy một chút dấu vết biển nào cả. Hai bên là cây rừng xanh ngắt, bịt bùng, âm u chắn hết tầm nhìn. Ngay giữa buổi chiều nhưng không một giọt nắng nào lọt qua nổi tầng cây dày. Giữa biển khơi mà khí núi tỏa ra mát lạnh đến xương, cảm giác thật yomost!
Vòng theo con đường quanh đảo, chạy đến chân trường tiểu học sẽ thấy một con đường dốc đứng lên trên. Nó cũng đổ xi măng bình thường như mọi con đường khác trên đảo, nhưng đó chỉ là bề ngoài lừa dối người ơi! Chạy quá trường tiểu học, con đường khu dân cư bình thường bỗng biến hình thành con đường cheo leo quanh núi. Chỉ vài trăm mét, mà trời đất, khung cảnh khác hoàn toàn với bãi biển nắng gió dưới kia, cứ như lạc vào một bộ phim tiên hiệp rùng rợn.
Ở đây đích xác là núi. Núi. Không có lấy một chút dấu vết biển nào cả. Cũng không có dấu vết con người. Hai bên toàn cây rừng xanh ngắt, bịt bùng, âm u chắn hết tầm nhìn. Ngay giữa buổi chiều nhưng không một giọt nắng nào lọt qua nổi tầng cây dày. Giữa biển khơi mà khí núi tỏa ra mát lạnh thấu xương, rùng mình!
Con đường trải nhựa láng o nhưng chỉ vừa một chiếc xe máy chạy, hễ có hai xe ngược đường thì phải nép vào nhường nhau. Đã hẹp mà nó còn cua tay áo quanh co phát sợ. Một bên rừng, một bên là vực sâu thẳng xuống biển. Ngoài chúng tôi ra chẳng có bóng dáng du khách nào lò mò đến tận đây, chỉ thấy lâu lâu có một dân địa phương chạy xe máy đón con đi học về, chở bình ga đi đổi….. Quen đường, họ chạy cứ vèo vèo trên những đoạn dốc ngược và uốn khúc mà người lạ chỉ dám để số 1 bò bò, đã vậy còn quay lại hét to khích lệ: “Cứ chạy đi, hông sao đâu!”. Xong rồi họ phóng mất tiêu!
Vừa chạy, vừa bò, vừa đẩy, vừa run…. Nhưng muốn quay lại cũng khó nữa má ơi. Chúng tôi đành cứ đi tiếp (tuy run nhưng khoái, vì được khám phá).
Mãi rồi cũng hết dốc núi, con đường mòn tụt thấp trở lại xuống bãi biển. Biển lại hiện ra nhưng khác lạ. Bãi ở đây thấp sát, nước trong vắt và rất nhiều tảng đá nho nhỏ ở gần bờ. Nhảy theo những tảng đá đó có thể ra tận xa. Ở chỗ tận cùng có một cái quán nhỏ thưng vách ván bán giải khát, dầu hôi và mấy thứ tạp hóa khác, nhưng không bán xăng. Tổng cộng cuối bãi chỉ thảng hoặc khoảng chục ngôi nhà, chủ yếu vách gỗ. Vài người dân bản địa ngồi trên võng đung đưa chân, bưng tô cơm ăn và bình thản nhìn khách. Biển và rừng ở đây đẹp lạ lùng theo một kiểu man dại nào đó. Vắng vẻ và hoang sơ, nghèo nàn nhưng lại bình yên như thời loài người mới hình thành. Như không hề có mối liên lạc nào với phần còn lại của một hòn đảo du lịch đang nổi tiếng, cũng như với cả thế giới ngoài kia.
Bãi mang tên con Nhum vì xưa có nhiều nhum, nhưng giờ đường đi nguy hiểm, xe chạy tới đây lỡ không đủ xăng thì chỉ có nước dắt bộ leo dốc hoặc xin xăng từ người dân nên du khách hầu như chẳng ai vào. Tuy vậy, dưới mặt biển, đoạn gần trung tâm đảo cũng có một nhà nghỉ nhỏ nhiều bungalow gỗ thông và mái tôn nhiều màu đang xây dựng, nằm khép nép dưới rừng cây. Người ta bảo khách của nhà nghỉ này sẽ không đi đường bộ mà đi ghe từ biển vô. Quá đúng. Chứ đường đi như vầy, tôi thà lết bộ… “cho tim nhẹ nhàng hơn”.
Con đường cỏ lau và đá núi muôn màu
Từ bãi Chệt đi lên, qua Bãi cỏ lớn, Bãi cỏ nhỏ, bãi Tuồng, leo một con dốc là đến đoạn dốc cao, uốn lượn đẹp nhất. Nó là dốc Tình hay dốc ông Tình. Ông Tình là ai, tôi chưa kịp hỏi nhưng nếu dốc Tình thì có lý lắm: con đường quanh co mềm mại giữa một bên là vực trông thẳng ra mặt biển mênh mông xanh ngắt, một bên là vách núi đủ màu. Viền hai mép đường là hàng hàng cỏ lau cao ngang bụng. Mùa khô, bông lau trổ trắng bạc, cả một triền lau xao xác theo gió, đẹp não nùng. Đứng ở điểm cao nhất của dốc, dưới kia biển lăn tăn xanh ngắt trải ra bao la, hòn Ngang, hòn Mấu… mồn một trong tầm mắt. Tức cảnh sinh tình, cặp nào rủ nhau ra đây chơi sau này có em bé mà đặt tên Tình cũng ý nghĩa lắm đó.
Bên kia là vách núi. Màu đá núi trên đảo tự riêng nó đã là một danh thắng. Bất cứ lúc nào nắng đẹp cũng thấy vài du khách đang giang tay dựa lưng vào vách núi chụp hình. Nhưng để chụp cho đủ bộ, có lẽ họ phải ở lại đảo cả tuần và đi chụp vào ít nhất ba thời điểm trong ngày: bình minh, hoàng hôn và nắng xế.
Ở dưới thấp, vách đá trắng sữa ngả hồng phấn và vàng hung trên nền xám nhạt, trên mặt điểm những vệt nâu đỏ như rám nắng. Những đường gân ngoằn ngoèo xám và đen vẽ trên mặt đá đủ hình dạng tha hồ cho trí tưởng tượng. Từ bãi Cây Mến trở đi, đá chuyển dần sang xám pha hung, đen sẫm rồi trắng phấn ở từng cung đường. Thiên nhiên sáng tạo và bay bổng đến khôn tả, giữa vô vàn sắc màu của biển, trời, mây, ánh nắng, lá cây, đá núi và hoa dại đủ loài không biết tên.
Dọc đường, có một thứ hoa trông giống hoa đậu biếc nhưng màu tím hồng rất đẹp. Nâng niu từng bông trên tay, tới trưa về tôi thấy quán Năm Nương thản nhiên bỏ nó vô xoong canh chua.
Những vạt rau muống biển, trái gồm bốn hình lập phương kết lại, khi khô dần nó phồng căng, màu vỏ trong trong như căn phòng riêng tư của loài tiên rừng nào đó gợi đầy tò mò. Có những bụi hoa vàng tươi, bông mọng lên như đầy phấn. Có những cây đầy hoa tím nhụy vàng, bông nhỏ nhắn nhàn nhạt đến man mác.
Và Cây cô đơn: một gốc cổ thụ mọc chênh vênh bên vách núi, dáng cân đối rất đẹp. Chỉ duy nhất nó cao nhất, kiêu hãnh và đơn độc giữa rừng lau, rừng cây bụi và dây leo chung quanh. Cái tên cô đơn là từ đó. Và ngay cả chuyện nó là cột mốc dễ nhớ nhất để đánh dấu bãi rác (bạn phải bịt mũi chạy thật nhanh qua đoạn đường này) cũng chỉ làm tăng giá trị của nó: ngay cả khi cô đơn cạnh một bãi rác (gần bùn), nó vẫn khiến người ta ngước nhìn!
Bạn nên dành thời gian đi bộ chậm rãi trên cung đường này vào hai khung giờ đẹp nhất trong ngày là bình minh và hoàng hôn. Đi thật chậm rãi, ngắm thật kỹ càng để con mắt và tâm hồn đều được no đầy. Và nhớ sạc đầy pin máy ảnh hay điện thoại kẻo về lại chắt lưỡi tiếc rẻ như Thạch Sùng.
Ngôi miếu thờ người dân chết trong bão số 5
Ở phía tay phải của cầu cảng, có một kiến trúc mang hình ngôi miếu khá lớn. Đây là nơi chôn cất hàng trăm người chết trên biển trong trận bão số 5 khủng khiếp năm 2010.
Một người dân trên hòn Ngang kể, năm đó vườn dừa của bà bị bão đánh tơi bời. Dân trên đảo không chết vì kịp mang ghe về trú ẩn, nhưng dân nơi khác đi biển tới vùng này (chủ quan, không nghe cảnh báo trú bão) thì chết nhiều lắm. Sau bão, dân đảo chở các thi thể sang hòn Lớn để người thân họ tới nhận xác. Nhưng người không còn nhận dạng được cũng nhiều lắm. Họ được chôn cất và làm miếu thờ cúng chung.
Tấm bia lớn trong miếu ghi dòng chữ đơn giản nhưng đủ làm rùng mình.
Nguồn: Blog RFA
.
Ăn ở Nam Du
.
Nguyễn Thị Út
2019-06-17
.
Dĩ nhiên, đầu tiên phải là hải sản.
Mặc dù khai thác tận diệt và môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, hải sản ở Nam Du vẫn còn. Ngay dưới chân những ngôi nhà sàn xi măng lấn ra biển, chiều chiều thợ lặn vẫn lặn mò sò hộp. Sò hộp mỗi con to gần bằng bàn tay, thịt nhiều và ngọt. Cá xanh xương-loại cá khi nấu chín thì xương chuyển qua màu xanh lục lạ mắt, ướp sả chiên lên thịt khá dai. Kêu một phần cơm quán, tức một “set” đã được quán lên thực đơn sẵn, tôi bất ngờ khi vừa ăn hết cá lại thấy chủ quán gắp ra mấy miếng tiếp vô, đến hai ba lần, ăn thả ga căng bụng. À nhưng là cá xanh xương thôi nha, còn mực xào thơm cà cũng có tiếp thêm, nhưng chỉ một lần.
So với chợ đêm hải sản phía sau nhà lồng chợ Hà Tiên (thị xã Hà Tiên), với những quầy hàng trên cạn nhưng hàng chục loại ốc chất đầy ăm ắp thì ốc và hải sản ở Nam Du tuy ở ngoài khơi nhưng lại không phong phú bằng. Thì hàng ngon, hàng độc chở vô bờ bán cho nhà hàng quán nhậu hết còn đâu. Họ mua giá cao, mua lâu dài thành mối, tốt hơn ngoài này bán phập phù theo khách du lịch.
Hàng quán trên đảo cũng đóng cửa rất sớm, 9h đêm đã tàn lụi vắng teo. Khách du lịch tiếc chuỗi ngày giờ vô lo, kéo ra cầu cảng ngồi hưởng gió biển lồng lộng nhưng rồi phần mệt (nếu ai dậy sớm đi chơi), phần chẳng còn hàng quán hay dịch vụ giải trí nào khác, cũng phải lủi thủi trở về nhà nghỉ. Chui vô phòng lạnh, đánh bài, uống bia với khô mực tới khuya-phần cuối của một ngày thật không xứng đáng với cả nền du lịch, nền thể thao lẫn nền y tế lành mạnh.
Một món khác là mực ống-ngày nào cũng có. Ở một số nhà nghỉ, ban đêm có thể mang cần ra ngồi ngay trên cầu cảng thả mồi câu tôm, nướng nhậu tại trận. Ở những quán hải sản chế biến tại chỗ gần cầu cảng, hên hên thì bạn còn tha hồ chứng kiến tụi mực… chịch nhau. Cảnh vô cùng hiếm gặp đó nha! Chúng quấn những cái tua vào nhau rồi cứ thế uốn lượn nhẹ nhàng trong nước rất đẹp mắt (đấy xem cách người ta yêu nhau đi!)
Có buổi tối, tôi còn bắt gặp mấy cô sản phụ mực đẻ con: từng chùm trứng mẩy nhưng thuôn thuôn và trong mờ tuôn ra dày đặc, dính vào nhau như một chùm nho khổng lồ rung rinh trong nước. Tuyệt đẹp!
Ốc ác cũng khá, đều còn sống nhăn loe ngoe. Sau cái thú ăn, một thứ thú khác của tôi (có lẽ lâu dài bền bỉ hơn so với ăn nhiều, vì ăn no xong chỉ muốn leo lên giường đánh một giấc) là ngồi ngắm tụi này lục cục sống trong môi trường của nó. Dù là một môi trường giả lập nghèo nàn đến đáng thương là cái thùng hay cái khay nước biển và chỉ có nhiêu đó, không có chút rong rêu phù du nào cho chúng náu mình. Và dù trong thời điểm cả đời chỉ xảy ra một lần duy nhất là ngay trước giờ lên hỏa đầu đài, thì những sinh vật yếu ớt ấy vẫn sống mãnh liệt với sức mạnh nguyên sinh hồn nhiên chẳng con người nào bì kịp, vẫn yêu, vẫn ân ái, vẫn sinh đẻ và tìm mọi cách biến cái sàn của đao phủ thành một cái nhà.
Con người vẫn tự hào là kẻ mạnh nhất thiên nhiên, nhưng những loài hải sản này, như những bậc chân tu nhà Phật, tặng tôi thêm một định nghĩa mới về kẻ mạnh: đó không chỉ là kẻ chiến thắng cuối cùng; đó là kẻ sống tận cùng trong từng khoảnh khắc.
Tuy nhiên, so với tiềm năng của biển và độ dài bát ngát của biển Việt Nam thì bây giờ hải sản ở ngay giữa vịnh Thái Lan tít ngoài khơi như Nam Du cũng ít ỏi đến đáng thương. Ngày trước mỗi chuyến biển là hàng hàng cần xé hai người đàn ông lực lưỡng khiêng nặng, bây giờ ngư dân đi ghe cào bắt đủ thứ, cá, mực, tôm tép gì cũng có, nhưng mỗi chuyến, mỗi thứ chỉ đựng vừa … cái khay nhựa dài chừng hai gang tay. Ngư dân nào từng già đời trên biển Việt Nam, chứng kiến những mùa cá chuồn bay ngờm ngợp vô ghe tới nỗi phải đổ trút lại xuống biển kẻo chìm, sẽ rớt nước mắt với những mẻ cá khay nhựa tội nghiệp đó.
Đặc sản khác của Nam Du, rất bất ngờ vì chẳng có thứ nào xuất xứ tại đây, lại là hai thức uống ngọt: đá me và đá thơm. Đặt chân lên hòn Củ Tron, vừa đi hết cầu cảng để vô đảo, bạn được đón ngay bằng dãy xe đá me, đá thơm san sát liền liền. Quầy nào cũng khoe ra sát đường đi lối lại hai ba cái nồi đường kính gần bằng cánh tay, đầy ắp me nấu chảy ngào đường nâu sẫm sền sệt, hoặc thơm xắt nhỏ ngào đường vàng tươi. Một muỗng me ụp vô cái ly nhựa, thêm đá bào trắng xốp đầy vun, lon sữa đặc rót vài vòng rỉ rả cho béo và thơm, vẩy thêm nửa muỗng đậu phộng rang. Cuối tuần, mỗi quán bán hết sạch trong ngày cả một nồi đá me đặc quánh chừng 50 ký lẫn một nồi đá thơm cũng gần cỡ đó. Mà mỗi ly đồng giá 10.000 đ chỉ có chừng một muỗng xúp me hoặc thơm. Tính thử, nhu cầu nhiều cỡ nào và người bán thu lời khá cỡ nào.
Tốt cho sức khỏe hơn là các loại nước ngọt đóng lon, dù đường khá nhiều để trung hòa vị chua của me, có lẽ ai cũng nghĩ thế. Nhất là các khách du lịch trẻ tuổi và cày đường nhựa-cái thế hệ uống nước ngọt có ga như một phần thưởng hay dấu hiệu của tiệc tùng trong cả tuổi thơ thì một ly nước giải khát đặc sệt chất thủ công và địa phương dân dã như vậy lại mang một vẻ hấp dẫn đặc biệt. Tôi thấy rất nhiều người một tay cầm ly đá me, một tay giơ điện thoại lên chụp trên nền sóng biển núi non của Nam Du (rồi nhanh chóng up facebook). Chắc chưa ai ở Nam Du nghĩ ra cách marketing du lịch rẻ tiền mà hiệu quả này.
Trong cái nắng gắt của biển, đám đông khách du lịch người sang người hèn, cao gót hay đế bằng, mũ rộng vành hay đầu trọc để trần, gần như ai cũng cầm một ly đá me hay đá thơm trong tay như một thứ chứng chỉ du lịch Nam Du, hay một thứ triện mà Nam Du đóng lên để khiến họ “đồng đẳng” và trở thành nhất thể, một thứ uy quyền mềm mại mà ai cũng tự nguyện bỏ tiền ra nhận lãnh.
Ban đêm, đèn từ ghe cá sáng kín mặt biển phía xa, nối thành một vòng cung lấp lánh. Nhưng hầu hết ghe đều nhỏ bé, ghe cỡ to có khoảng 5 người đi biển, dài khoảng 12 m. Họ đi một tháng… Còn những ghe nhỏ chỉ có 2 người, đi một tuần vô.
Ngư dân cười, lắc đầu nói không hùn nhau sắm ghe to được đâu. Vì thứ nhất, tánh người Việt mình không có làm ăn chung được. Anh em cũng không! Hùn tiền xong thằng siêng làm chết mẹ, thằng làm biếng nhong nhỏng ở không, rồi tính lời lỗi, chia chác ra sao cho vừa lòng. Tốt nhất là làm chủ, tự mình mình làm, ăn ít ăn nhiều do mình.
-Mà vùng vịnh Thái Lan này cũng không sắm ghe lớn được vì biển nhỏ, chạy ra xa chút là đụng Mã Lai, Thái Lan rồi. Chỉ loanh quanh trong đây thì sắm ghe lớn làm chi, nó phí-Một anh ngư dân được khen ngợi là ghe cá thu hoạch thuộc loại khá nhất ở Nam Du kể lý do.
Cho nên, những ghe cá bé tí xíu cứ rải khắp mặt biển Tây, và tỷ lệ nghịch với số lượng của nó là số hải sản mang về ngày càng ít và nhỏ bé, ngư dân ngày càng phải đi xa hơn, lợi nhuận ngày càng giảm.
Tôi chỉ kịp đi bốn năm hòn đảo trong Nam Du. Giữa biển khơi, nước biển trong vắt, ở gần bờ trông rõ từng viên đá dưới đáy, cá bơi từng đàn tung tăng ngay dưới chân những ngôi nhà sàn. Thần tiên! Thần tiên! Nhưng dân đảo vẫn xả rác ra thoải mái, bất kể lợi thế địa điểm thần tiên đó để hút tiền từ khách du lịch. Họ nói ối, quăng ra biển sạch lắm, biển lớn vậy tới chiều là nó trôi đi đâu mất hết hà!
Trôi đi đâu mà trôi! Ngay cầu cảng hòn Lớn, hàng ngày sóng lên tấp vô bờ vô số rác rưởi không tiêu được của con người. Cá bơi lẫn với ly nhựa và bao nilon. Nhiều nhất và đập vào mắt nhất là hàng đống lớnhộp xốp trắng xóa. Nhưng ngay dưới màu trắng đó, làn nước trong vắt đã biến thành đen đặc, sủi bọt, đục ngầu, bẩn kinh khủng. Song chẳng hề gì, sát cạnh làn nước đó, phía trên, dân bản địa vẫn bán buôn, khách du lịch vẫn ăn uống và chụp hình rầm rộ.
Nguồn: Blog RFA