Việt Nam sắp có hãng hàng không thứ 6, Vietravel Airlines

Việt Nam sắp có hãng hàng không thứ 6, Vietravel Airlines

.

\"\"
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO của Vietravel. (Hình: Zing)

THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam – Không ra mắt rình rang và ồn ào truyền thông như Vietjet Air và Bamboo Airways, Công Ty Lữ Hành Vietravel vừa trình hồ sơ thành lập Hãng Hàng Không Lữ Hành Du Lịch Việt Nam (Vietravel Airlines) với số vốn được công bố là 1,000 tỷ đồng ($42.7 triệu).

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 5 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Vasco, Bamboo Airways cùng 68 hãng ngoại quốc đang có đường bay đến Việt Nam.

Báo Nhân Dân của đảng CSVN tường thuật: “Hãng Vietravel Airlines chọn phi trường Phú Bài ở tỉnh Thừa Thiên-Huế làm căn cứ. Hãng đã có những bước khởi động để kịp bay chuyến đầu tiên dự kiến vào ngày 1 Tháng Giêng, 2020. Bên cạnh việc chọn Cảng Hàng Không Phú Bài làm căn cứ, hãng còn liên kết với nước ngoài để mở trường đào tạo tiếp viên hàng không, đội ngũ phục vụ mặt đất… Việc chọn Phú Bài làm căn cứ cũng giúp hướng luồng khách du lịch khu vực Đồng Hới-Huế-Đà Nẵng-Hội An qua phi trường Phú Bài, giúp giảm tải cho phi trường Đà Nẵng hiện nay.”

Cùng thời điểm, báo Zing dẫn lời ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO của Vietravel: “Tiềm năng thị trường hàng không Việt Nam còn rất lớn và xu thế toàn cầu là các công ty lữ hành lớn đều tiến tới thành lập hãng hàng không riêng. Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, dự kiến phục vụ 150 triệu lượt khách vào năm 2035. Với quy mô dân số gần 100 triệu và lượng khách du lịch quốc tế tăng đều hàng năm, đạt 15.5 triệu lượt, Việt Nam hiện chỉ có 5 hãng hàng không là còn ít. Cần phải tăng cường đầu tư, thành lập các hãng bay nội địa, tận dụng tốt những ưu thế sẵn có trên sân nhà để cân bằng cán cân thị trường hàng không.”

Ông Kỳ cũng nhấn mạnh sự khác biệt của Vietravel Airlines so với các hãng hàng không nội địa khác là “hoạt động theo mô hình bay charter (bay thuê bao nguyên chuyến) để giúp Vietravel tăng lượng khách du lịch mà không tốn nhiều chi phí đầu tư hàng không.”Tuy nhiên, tin về hãng hàng không mới toe sắp gia nhập bầu trời được loan báo trong bối cảnh các phi trường Tân Sơn Nhất, Nội Bài thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, và thiếu hụt phi công.

\"\"
Phi trường Phú Bài là nơi đặt “đại bản doanh” của Vietravel Airlines. (Hình: vemaybay.com)

Tờ Tiền Phong hôm 3 Tháng Sáu cho hay: “Số phi cơ thuộc sở hữu Việt Nam trong các năm qua được ghi nhận tăng từ 29 lên 57 chiếc. Tuy nhiên, đi liền với đó là sức ép lên hạ tầng hàng không, nhân lực quản lý và đảm bảo an toàn hàng không. Theo tính toán của Bộ Giao Thông-Vận Tải [CSVN], với những phi trường hiện hữu, đặc biệt là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Đà Nẵng và Phú Quốc, sau mỗi lần đầu tư mở rộng được khoảng 5 năm là các nơi này đã khai thác vượt công suất thiết kế.”

“Bên cạnh đó, nhân lực hàng không cũng cản trở sự phát triển, khi phi công, kỹ thuật viên đang thiếu hụt. Tình trạng này khiến mỗi khi có một hãng hàng không mới ra đời, hay ký hợp đồng mua thêm phi cơ, “cuộc chiến” tuyển dụng, níu kéo nhân lực hàng không lại diễn ra căng thẳng giữa các hãng với nhau,” theo báo Tiền Phong.

Đề cập về tình trạng các hãng hàng không nội địa đang thiếu hụt phi công trầm trọng, báo Zing viết: “Dự kiến từ nay đến năm 2030, ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển. Do chưa có trung tâm đào tạo huấn luyện đạt chuẩn nên phi công vẫn cần được đào tạo tại nước ngoài. Đây là yếu tố gia tăng chi phí đào tạo và khiến các hãng không chủ động được nguồn nhân lực.”

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment