Hải quân Malaysia, Indonesia và Philippines tiến hành tuần tra, diễn tập chung đảm bảo an ninh hàng hải trên biển năm 2019
Ngày đăng 18-06-2019
Malaysia, Indonesia và Philippines vừa nhất trí sẽ tổ chức các hoạt động tuần tra, diễn tập chung thường niên lần thứ ba, nhằm tăng cường đảo bảo an ninh hàng hải, trong đó có hoạt động chống cướp biển và khủng bố cực đoan.
Tàu, trực thăngcủa hải quânMalaysia, Indonesia và Philippinestrong các đợt tuần tra chung năm 2017
Nội dung các hoạt động tuần tra, diễn tập ba nước năm 2019
Theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, cuộc diễn tập ba bên giữa Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ diễn ra trong một tháng tại thị trấn Tarakan, ở tỉnh Đông Kalimantan, thuộc phần đảo Borneo của Indonesia và một phần khu vực phía Nam của Philippines. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh ba nước Đông Nam Á này đang tăng cường hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống phiến quân hồi giáo cực đoan và nạn cướp biển. Các hoạt động diễn tập chung gồm việc tàu hải quân ba nước tham gia tuần tra trên biển và trên bộ, ngoài ra còn có hoạt động tuần tra bằng máy bay, hoạt động cứu hộ cứu nạn, truy quét giải cứu con tin khỏi cướp biển, tấn công khủng bố… Bên cạnh đó cũng có hoạt động phối hợp chỉ huy, trao đổi thông tin qua các trung tâm hàng hải đã được ba nước thiết lập từ năm 2017.
Cuộc tuần tra, diễn tập chung ba nước năm 2017 và 2018
Các cuộc tuần tra, diễn tập chung giữa Indonesia, Malaysia, Philippines được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 6/2017, sau đó là lần thứ hai cũng diễn ra vào tháng 6/2018 nhằm đối phó với các thách thức an ninh trong vùng biển giữa ba quốc gia này.Trong những năm gần đây, hàng chục người Indonesia và Malaysia đã bị nhóm phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc tại vùng biển Sulu, phía Tây Nam Philippines. Bên cạnh đó, các phiên quân thuộc tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) trở về từ Trung Đông cũng làm gia tăng các thách thức an ninh tại khu vực này. Cuộc tuần tra, diễn tập chung diễn ra trên vùng biển ngoài khơi của vùng Mindanao nhằm phòng ngừa và trấn áp nguy cơ an ninh từ các phiến quân hồi giáo và phiến quân IS. Nhóm phiến quân Hồi giáo Maute từng nhiều lần tuyên thệ trung thành với IS đã tấn công thành phố Marawi trên đảo Mindanao ở miền Nam Philippines, buộc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phải ban hành thiết quân luật trên toàn hòn đảo. Tuy nhiên theo giới phân tích, do vùng biên giới lãnh hải của ba nước này còn có nhiều chỗ hỗng nên việc phát hiện nhất cử nhất động của nhóm phiến quân rất khó khăn. Indonesia và Singapore cũng đã tiến hành các đợt tuần tra chung thành công ở vùng eo biển Malacca trong công cuộc chống nạn cướp biển.
Trung tâm chỉ huy hàng hải thúc đẩy chia sẻ thông tin và phối hợp tác chiến giữa các nước
Tại các cuộc tuần tra, diễn tập chung giữa Indonesia, Malaysia, Philippines được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 6/2017, ba nước đã mở trung tâm chỉ huy hải quân. Indonesia mở cửa một trung tâm chỉ huy hải quân tại căn cứ Taracan, trên đảo Borneo. Hai trung tâm chỉ huy hải quân khác được thành lập tại Malaysia và Philippines. Các trung tâm hoạt động trên cơ sở phối hợp tuần tra và chia sẻ thông tin tạo thành tam giác kiểm soát an ninh khu vực. Phát biểu nhân các sự kiện này, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, ông Ryamizard Ryacudu nhấn mạnh duy trì an ninh hàng hải là nhiệm vụ chung của các nước thành viên ASEAN, chứ không phải của riêng nước nào. Hải quân Indonesia cũng yêu cầu người dân địa phương, ngư dân tại khu vực lãnh hải giáp Philippines báo cáo cho lực lượng an ninh về những đối tượng khả nghi. Một đơn vị cảnh sát cơ động cũng được điều tới khu vực phía Bắc đảo Sulawesi để ngăn chặn các tay súng vượt biên.
Những biến động an ninh tại miền Nam Phillipines thời gian qua cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các quốc gia láng giềng như Indonesia và Malaysia. Bộ trưởng Nurmantyo cho biết có khoảng 500 đến 600 phần tử khủng bố trong khu vực trong đó 257 tên đã bị tiêu diệt, số còn lại rất có thể đã trà trộn vào dòng người sơ tán để bỏ chạy. Tại vùng biển Đông Sabah thuộc Malaysia có hoạt động của các nhóm vũ trang tấn công tàu thuyền và bắt cóc thuyền viên. Còn tại eo biển Singapore, các tàu được khuyến cáo đề cao cảnh giác và tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa cướp biển, cướp có vũ trang thích hợp. Đặc biệt, các nhóm cướp thường tấn công tàu đang di chuyển qua khu vực này hoặc đang thả neo và ban đêm. Những năm qua, các trung tâm chỉ huy hải quân của Indonesia, Malaysia, Philippines đã phát huy tốt vai trò cung cấp thông tin về cướp biển và khủng bố.
ASEAN cần tăng cường các hoạt động tuần tra chung và chia sẻ thông tin về đảm bảo an ninh hàng hải
Phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Hàng hải quốc tế (IMSC) lần thứ 6 diễn ra tại Singapore ngày 14/5 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nhận định rằng việc xây dựng lòng tin hướng tới đối thoại hòa bình và khuyến khích thỏa hiệp là điều quan trọng để ứng phó với những thách thức an ninh hàng hải phức tạp vốn đang đe dọa mạng lưới thương mại hiện nay.Bộ trưởng Chan Chun Sing đã đề cập đến các thách thức hàng hải như mối đe dọa cướp biển và khủng bố.Ông cho biết không nên đánh giá thấp những tác động của một vụ tấn công tại các khu vực hành lang hẹp và sâu trên biển như Kênh đào Panama hoặc Kênh đào Suez vì đây sẽ là “thảm họa” và có khả năng cắt đứt những cầu nối thương mại giữa các khu vực lớn của thế giới.Do đó, ông cho rằng để đối phó với hoạt động khủng bố trên biển, cần sự phối hợp chặt chẽ cũng như cần niềm tin giữa các nước trong việc chia sẻ tin tức tình báo.Các vụ tấn công mạng nhằm vào cảng biển hay các hoạt động trên biển đã từng xảy ra. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore cho hay với đường cáp dưới biển vốn là cơ sở hạ tầng cho công nghệ số, một vụ tấn công hay sự cố xảy ra dưới đáy biển có thể cắt đứt những dữ liệu quan trọng hỗ trợ cho các quốc gia; đồng thời cảnh báo trong bối cảnh kinh tế thế giới hướng tới kết nối dữ liệu lớn hơn, sự tác động từ các cuộc tấn công mạng càng gia tăng, do vậy các nước cần đảm bảo an toàn cho không gian mạng dành cho hoạt động giao thương hàng hải và các cơ sở hạ tầng khác.