Hong Kong: Giới trẻ đã bừng tỉnh và gây sức ép lên chính phủ

HELIER CHEUNG / BBC News, Hong Kong –

Hong Kong: Giới trẻ đã bừng tỉnh và gây sức ép lên chính phủ

.

\"\"
Giới trẻ biểu tình chấp nhận rủi ro bị xịt hơi cay . AFP

Chỉ trong một tuần, Hong Kong đã chứng kiến hai cuộc biểu tình lớn nhất, trong đó có một cuộc biểu tình bạo lực nhất, trong nhiều thập kỷ. Đi đầu trong các cuộc biểu tình này là số đông thanh niên, nhiều người vẫn còn rất trẻ. Vậy họ trở nên cấp tiến như thế nào – và họ đã thành công trong việc gây sức ép cho chính phủ ra sao?

\”Chúng tôi la hét bảo mọi người chạy đi.\”

\”Bố mẹ tôi đuổi tôi ra khỏi nhà sau cuộc biểu tình.\”

\”Đây là lần đầu tiên tôi bị xịt hơi cay – nước mắt tôi chảy không kiềm chế được\”.

\”Tôi sợ đưa tên thật của mình.\”

Đây là những câu nói ít ai ngờ có thể được thốt ra từ miệng người Hong Kong – và chắc chắn là không phải những người ở độ tuổi 17 đến 21.

Cho tới những ngày gần đây, một thanh niên \”tiêu biểu\” ở Hong Kong quan tâm nhiều đến học hành hay kiếm tiền hơn là hoạt động chính trị hay tư duy sáng tạo.

Nhưng tuần trước, các đường phố quanh cơ quan lập pháp ở Hong Kong đã tràn ngập người trẻ đeo mặt nạ, dựng barrier, và ném bình khí vào cảnh sát.

Nhiều người còn quá ít tuổi để tham gia vào các cuộc biểu tình Dù Vàng lớn ở Hong Kong hồi năm 2014, khi hàng vạn người dựng lều ngủ trên đường phố nhiều tuần liền, yêu cầu được bầu cử dân chủ.

Lo sợ một tương lai Trung Quốc

Các cuộc biểu tình năm 2014 – còn được gọi là biểu tình Chiếm Trung tâm (Occupy Central) – đã kết thúc mà không có nhượng bộ nào từ chính phủ.

Lần này mọi chuyện đã khác.

Những cuộc biểu tình mới nhất phản đối luật dẫn độ gây tranh cãi, một dự luật mà nếu được thông qua sẽ cho phép dân Hong Kong bị dẫn độ sang Trung Quốc lục địa, đã buộc chính phủ phải xin lỗi và tạm dừng kế hoạch thông qua luật này.

Vậy lần này có gì khác? Và thế hệ các nhà hoạt động trẻ này, những người chấp nhận rủi ro bị xịt hơi cay, bắn đạn cao su và thậm chí bị bắt giữ (chưa nói đến khả năng xin việc trong tương lai) đã đóng vai trò gì?

Giới trẻ Hong Kong đã có sự bừng tỉnh về chính trị trong hai thập niênBà Helier Cheung

Giới trẻ Hong Kong đã có sự bừng tỉnh về chính trị trong hai thập niên – tỷ lệ người trẻ tuổi từ 18 đến 35 đăng ký đi bầu cử tăng từ 58% năm 2000 lên 70% năm 2016.

Và điều này không có gì ngạc nhiên, khi tương lai chính trị của Hong Kong là một vấn đề ngày càng nhức nhối.

Vùng lãnh thổ này được hưởng những quyền và sự tự do đặc biệt nhờ vào một thỏa thuận chuyển giao giữa người Anh và chính phủ Trung Quốc.

Nhưng tới năm 2047, thỏa thuận cho Hong Kong có địa vị đặc biệt sẽ hết hạn – và không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra khi đó.

Đối với giới trẻ Hong Kong hôm nay, cái mốc 2047 là rất gần – và sự phản đối của họ được truyền lửa bởi nỗi bất an, cũng như cảm giác chính phủ Trung Quốc hiện giờ đang thắt chặt quản lý Hong Kong.

\"\"/
Người dân lại xuống đường sau khi luật dẫn độ được hoãn.

Không có gì đảm bảo chắc chắn rằng hệ thống chính trị và pháp luật sẽ bảo vệ họ, họ đang thay đổi phương cách và học cách thể hiện bất đồng chính kiến rất khôn ngoan, và đầy kỹ năng.

Tất cả những người tham gia vào biểu tình ngày thứ Tư mà tôi phỏng vấn đều yêu cầu tôi bảo vệ danh tính của họ – họ sợ bị bắt.

\”Chúng tôi đeo luôn luôn mặt nạ trong lúc biểu tình, và sau đó chúng tôi cố gắng xóa tất cả thông tin trên iPhone và Google Map,\” Dan, một sinh viên 18 tuổi, người giúp đoàn biểu tình dựng hàng rào, nói.

Có người còn cẩn thận mua vé tàu in trên giấy mà không dùng thẻ đi tàu trả tiền trước – làm như vậy sẽ khó cho nhà chức trách tìm được tung tích của họ.

Trong khi đó, nhiều người thận trọng về những gì họ viết trên mạng xã hội, và chỉ liên lạc qua những ứng dụng bảo mật với chức năng tự xóa tin nhắn, chẳng hạn như Telegram.

\"Side
Jackie ngủ tại trường đại học vì sợ cảnh sát ập vào nhà bắt cô đi lúc nửa đêm.

\”Trong đợt biểu tình Occupy, phần lớn chúng tôi không nghĩ đến chuyện bảo vệ bản thân, chúng tôi dùng Facebook, Instagram và Whatsapp để loan báo tin nhắn. Nhưng năm nay, chúng tôi nhận thấy tự do ngôn luận đang trở nên tồi tệ hơn ở Hong Kong,\” Jackie, một nữ thủ lĩnh sinh viên 20 tuổi, cho biết.

Mối quan hệ tan vỡ

Một số người – trong đó có sinh viên và giáo viên từ những trường danh tiếng nhất ở Hong Kong – đã bị bắt. Có người bị bắt tại bệnh viện nơi họ đang được điều trị chấn thương.

Một thanh niên 22 tuổi được xác định là người điều hành của một nhóm chia sẻ thông tin về cuộc biểu tình trên Telegram cũng bị bắt vì tội \”gây rối trật tự công cộng\”.

Jackie lo ngại trước tình hình hiện nay, những thủ lĩnh sinh viên tham gia biểu tình hôm thứ Tư 12/6 có thể bị nhắm vào vì họ được biết đến nhiều hơn.

\”Tôi ngủ tại văn phòng liên đoàn sinh viên vì tôi sợ sẽ bị bắt nếu tôi về nhà,\” cô nói.

Đây là điển hình cho một mối quan hệ đổ vỡ với các quan chức thực thi pháp luật, và so với các cuộc biểu tình trước đây, những người hoạt động lần này tin tưởng ít hơn vào cảnh sát.

Hôm thứ Năm 13/6, có tin đồn rằng cảnh sát định ập vào truy quét buồng ngủ tại ký túc xá của Đại học Hong Kong, nơi hai sinh viên đã bị bắt ngày hôm trước.

\"\"

Giữa lúc hoảng loạn, các sinh viên nhanh chóng gọi các nhà lập pháp và luật sư tới. Họ vây quanh tòa nhà, nhưng cuối cùng, không có cảnh sát nào xuất hiện.

Dan cho biết hành động của cảnh sát trong đợt biểu tình Occupy, khi một số cảnh sát bị bỏ tù vì đánh một người biểu tình, đã làm tổn hại lòng tin của anh.

\”Trước đó, tôi tin cảnh sát phải tuân thủ luật pháp và giúp đỡ các công dân… Giờ đây, tôi nhận ra rằng một số vị cảnh sát để cho cảm xúc lấn át\”.

\"An
Vài chục người bị thương trong vụ đụng độ hôm thứ Tư, trong đó có 12 nhân viên cảnh sát. GETTY INMAGES

Những sinh viên và nhân viên trẻ tuổi này dường như sẵn sàng hơn trong việc thách thức luật tụ tập đông người, và chấp nhận rủi ro bị bắt giữ hơn các thế hệ biểu tình trước.

Họ lý luận rằng họ có nhiều điều phải tranh đấu hơn vì họ đến tuổi trưởng thành trong một môi trường chính trị bấp bênh hơn.

Tom, 20 tuổi, giúp quản lý đồ tiếp tế trong cuộc biểu tình hôm thứ Tư, và nói anh là một nhà hoạt động chỉ vì \”thời đại mà tôi lớn lên\”.

Thế hệ của anh lớn lên đã chứng kiến nhiều cuộc tranh cãi chính trị, chẳng hạn như kế hoạch bắt trẻ em học các lớp tiếng Trung \”yêu nước\” hồi 2012. Kế hoạch này bị những người chỉ trích phê phán là sẽ \”tẩy não\” học sinh và phớt lờ tình trạng lạm dụng nhân quyền của chính phủ Trung Quốc.

\"\"/
Giới trẻ Hong Kong tiếp tục kêu gọi biểu tình.

\”Tôi đã thấy các chính sách và hành động của chính phủ để đàn áp quyền tự do mà chúng tôi được hưởng khi lớn lên – và nó khiến tôi thấy rất mạnh mẽ là tôi không muốn Hong Kong mất pháp quyền và sự tự do cốt lõi\”.

Những người trẻ khác chỉ trích chính sách của chính phủ, trong đó có việc giới thiệu một đạo luật phạt những ai không tôn trọng quốc ca Trung Quốc, việc loại bỏ những nhà lập pháp ủng hộ dân chủ và ủng hộ độc lập, và việc bỏ tù một nhà hoạt động ủng hộ độc lập.

Các cuộc biểu tình Dù Vàng để lại một di sản rõ ràng, và phức tạp, cho những người biểu tình ngày nay.

Nhiều người tham gia biểu tình hôm thứ Tư còn quá trẻ để có mặt trong các đợt biểu tình 2014 – nhưng họ lấy cảm hứng và học được nhiều bài học từ chúng.

Ben, 20 tuổi, nói cha mẹ anh đã không cho phép anh tham gia đợt biểu tình Dù Vàng.

Nhưng giờ đây, là một sinh viên đại học, anh có vai trò thủ lĩnh trong việc tổ chức biểu tình và hỗ trợ tư pháp cho các sinh viên có nguy cơ bị bắt giữ.

\"Back
Sinh viên đại học Ben và Tom giúp người chuyển đồ tiếp tế và xin lời khuyên pháp lý cho người biểu tình

Anh mô tả các cuộc biểu tình 2014 là một \”thất bại\” – vì những người biểu tình có chia rẽ về mục tiêu, trong đó có cả chia rẽ về hình thức \”phổ thông đầu phiếu\” nào mới có thể chấp nhận được.

Nhưng lần này, có một sự khác biệt quan trọng – vì những người biểu tình không yêu cầu dân chủ hơn nữa, mà chỉ đấu tranh để giữ những quyền mà Hong Kong hiện nay đang có.

Lần này có động cơ đoàn kết lớn hơn, vì những người biểu tình đang \”đấu tranh để đảm bảo chúng ta không mất những quyền tự do đang có,\” anh nói.

Phong trào Dù vàng khuyến khích thêm nhiều người trẻ tham gia vào chính trị sinh viên và cho họ có sự tự tin để xuống đường.

Jackie, người giúp điều hành một trạm cấp cứu trên đường hôm thứ Tư, mô tả các cuộc biểu tình Dù vàng là \”sự thức tỉnh chính trị\” của cô.

\”Trước đó, tôi không quan tâm lắm đến chính trị – nhưng phong trào [Dù Vàng] khiến tôi nhận ra chính trị quan trọng như thế nào.\”

Phong trào này cũng dạy cho giới trẻ hôm nay phải làm sao để chuẩn bị đương đầu với cảnh sát.

Tại một ký túc xá trường đại học, sinh viên dự trữ hàng chục túi và hộp các tông đầy đồ y tế, như thuốc xịt và nước muối để rửa cho những ai bị ảnh hưởng bởi hơi cay.

Sinh viên nói nhiều đồ y tế là do người dân đóng góp.

Điều này có nghĩa đám đông hôm thứ Tư hoạt động có hiệu quả hơn rất nhiều khi tình hình trở nên bạo lực.

\"A
Sinh viên mua dự trữ thuốc xịt
\"Cardboard
Họ cũng chuẩn bị số lượng lớn nước uống

Các bậc phụ huynh nghĩ gì về chuyện đi biểu tình? Phản ứng có khác nhau.

Ingrid, 21 tuổi, tham gia biểu tình hôm thứ Tư sau giờ làm, giúp đưa thuốc men cấp cứu lên tuyến đầu.

Cô cho biết cha mẹ cô, những người ủng hộ cảnh sát, đuổi cô đi sau khi cô về nhà- mặc dù vài ngày sau họ đã cho cô quay lại.

Trong khi đó, Jackie \”không dám\” kể cho cha mẹ và ông bà về vai trò tổ chức biểu tình của cô. Nhưng khi họ thấy cô trên TV, họ rất ủng hộ và dặn cô phải giữ an toàn.

Tất nhiên, sẽ là sai lầm nếu ta coi những cuộc biểu tình này thuần túy là phong trào của giới trẻ.

Trưởng đặc khu Carrie Lam cũng chịu áp lực từ nhiều phía, trong đó có các nhóm doanh nghiệp, nhà thờ của bà và trường cũ của bà.

Trường St Francis Canossian College là một trong số hàng trăm tổ chức viết đơn kiến nghị phản đối dự luật dẫn độ. Đây là một động thái quan trọng ở Hong Kong nơi các trường hàng đầu được coi là rất có uy tín, và các mạng lưới cựu sinh viên có ảnh hưởng lớn và là niềm tự hào của trường.

Một sinh viên của trường ký tên vào bản kiến nghị là Aubrey Tao, 22 tuổi. Cô nói bà Lam thường trích dẫn khẩu hiệu của trường, và cô hy vọng cho bà thấy rằng \”là một sinh viên trường Thánh Francis, bà không thể lãnh đạo theo cách này\”.

\"Aubrey
Aubrey Tao, người không tham gia biểu tình hôm thứ Tư, nói dự luật làm bùng lên quan tâm của cô tới chính trị. AUBREY TAO

Nhưng chính cuộc biểu tình thứ Tư, cuộc biểu tình không được cho phép và do giới trẻ dẫn đầu, và khả năng huy động số đông xuống đường, tổ chức và gây sức ép với cảnh sát – được đánh giá là yếu tố chủ chốt buộc chính phủ phải dừng lại.

Những người dân Hong Kong có thể dễ dàng lên án sinh viên, như họ đã từng làm trong các đợt biểu tình bạo lực trước.

Nhưng có vẻ như lần này, họ thấy cảnh sát đã quá tay.

Trong các cuộc đụng độ, cảnh sát bạo động đáp trả bằng đạn cao su, bắn túi đậu và 150 bình hơi cay – nhiều hơn so với toàn bộ thời gian 79 ngày trong đợt biểu tình Dù Vàng.

Một số người biểu tình mà BBC phỏng vấn cũng xác nhận họ thấy chai nước và gậy gộc được người biểu tình khác ném vào cảnh sát.

Tuy nhiên, hình ảnh những người biểu tình trẻ tuổi bị xịt hơi cay vẫn khiến nhiều người tức giận với chính quyền – và với bà Carrie Lam, người đã lên tiếng bảo vệ cảnh sát.

\"A
Những người tổ chức nói 6000 người tham gia \”biểu tình của các bà mẹ\” hôm thứ Sáu 14/6. REUTERS

Trong một video gây bão mạng, một phụ nữ trung niên đang la hét với cảnh sát, nhắc họ \”các anh sẽ là những người cha trong tương lai\”.

Sau các vụ đụng độ, các nhóm nhà thờ xuống đường cùng người biểu tình, hát \”Hallelujah\” trước cảnh sát trong nhiều giờ.

Và hàng ngàn phụ nữ tụ tập trong một \”cuộc biểu tình của các mẹ\”, giơ các tấm biển với khẩu hiệu như \”đừng bắn con chúng tôi\”.

Khi bầu không khí trở nên căng thẳng hơn, các cựu quan chức chính phủ lên tiếng, thúc giục bà Lam không vội vàng thông qua luật trong thời điểm nóng bỏng lúc này.

Ngay cả một số nhà lập pháp và quan chức ủng hộ Bắc Kinh cũng bắt đầu kêu gọi hoãn dự luật, và thừa nhận họ đã không đánh giá đúng phản ứng của người dân về đạo luật. Đây là một phản ứng đáng kể trong cơ quan lập pháp nơi chỉ khoảng nửa số ghế do người dân trực tiếp bầu, còn các nhóm ủng hộ Bắc Kinh chiếm số ghế còn lại.

\"Carrie
Người biểu tình kêu gọi bà Lam từ chức. AFP

Hiện vẫn chưa rõ Hong Kong sẽ về đâu – Bà Lam thông báo hôm thứ bảy là dự luật sẽ được hoãn, nhưng đến Chủ Nhật còn nhiều người hơn xuống đường yêu cầu luật bị xóa bỏ hoàn toàn.

Điều rõ ràng là các vụ biểu tình đã làm thay đổi cái nhìn về biểu tình ở Hong Kong.

\"Press
Các nhà báo cáo buộc cảnh sát đã quá tay – và mặc trang phục bạo động tại một cuộc họp báo để phản đối. REUTERS

Tom nói phong trào chống luật dẫn độ \”phá vỡ truyền thống biểu tình trong 30 năm qua\”.

\”Trước kia chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ những chuyện như hát thánh ca trước cảnh sát trong nhiều giờ, các bà mẹ tụ tập phản đối hay các phóng viên mặc quần áo bạo động trong một cuộc biểu tình im lặng, lại có thể thành công.\”

Ingrid, người cho biết cô bị xịt hơi cay lần đầu tiên trong đời hôm thứ Tư, tả lại cảm giác đau đớn.

\”Mắt cay xè, tôi không nhìn thấy gì hết – mà tôi lúc đó mặc váy và đi bốt. Tôi không biết là nước làm xót thêm – nên khi tôi đi tắm tôi cảm thấy như mình đang ở dưới địa ngục, nó cay bỏng. Tôi không bao giờ muốn nghe thấy tiếng mở [một bình xịt ga] trong đời nữa.\”

Thế nhưng, cô nói cô sẽ vẫn tiếp tục đi biểu tình.

\”Nỗi lo lắng cho thành phố mà tôi gọi là quê hương này sẽ có số phận ra sao lớn hơn nỗi sợ cho an toàn cá nhân tôi rất nhiều\”.

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nguồn: BBC

Bài Liên Quan

Leave a Comment