MINH ANH / RFI (Điểm báo Pháp) –
Hồng Kông: «Tập Cận Bình lui là phải !»
.
Hai chữ « Hồng Kông » vẫn được các báo Pháp hôm nay 18/06/2019 tiếp tục nhắc đến. Le Monde trên trang nhất, đăng ảnh một dòng người đen nghịt chạy tít « Hồng Kông : Làn sóng thủy triều người vì dân chủ ». Les Echos cho rằng « Bắc Kinh đang cố cứu vãn sĩ diện trước Hồng Kông ».
Trước sự phản đối mạnh mẽ của hơn hai triệu dân Hồng Kông, lãnh đạo đặc khu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải thông báo hoãn vô thời hạn dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, đồng thời phải lên tiếng « xin lỗi » người dân đặc khu.
Trung Quốc, thông qua lời ngoại trưởng đã có phản ứng, khẳng định: « Chính quyền trung ương sẽ tiếp tục ủng hộ lãnh đạo đặc khu hành chính ». Tuy nhiên, Les Echos nhắc đến chi tiết, ngay từ tuần rồi, Bắc Kinh đã bắt đầu giữ khoảng cách với dự luật khi giải thích rằng đó là sáng kiến của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Nhà nghiên cứu chính trị Victoria Hui, trường đại học Notre Dame ở Mỹ cho là khó có thể tin rằng bà Lâm có thể đưa ra một quyết định như thế mà không có sự chấp thuận từ trước của Bắc Kinh. Việc rút bỏ dự luật là « một thất bại đối với ông Tập Cận Bình » như nhận xét của Le Monde.
Và thất bại này đang làm sứt mẻ hình ảnh của vị lãnh đạo đầy quyền lực Tập Cận Bình như nhận xét của nhà chính trị học Willy Lam với AFP được Les Echos trích dẫn : « Lãnh đạo của 1,4 tỉ dân Trung Quốc không thể nào kiểm soát được một vùng lãnh thổ chỉ có 7 triệu dân ».
Bước lùi « chiến thuật » ?
Nhưng ông Hua Po, một chuyên gia khác cảnh báo « Tập Cận Bình cần tỏ vẻ cứng rắn. Ông sẽ không lùi bước một cách dễ dàng ». Ba mươi năm sau vụ trấn áp đẫm máu Thiên An Môn, ông Tập Cận Bình đã chọn « một bước lùi chiến thuật » theo như phân tích của ông Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-Tít tại Hồng Kông.
Về điểm này, nhà báo Renaud Girard trên tờ Le Figaro cho rằng « Tập Cận Bình lùi là phải ». Ông chẳng có lợi gì khi người phủ đầy máu đến dự thượng đỉnh G20, diễn ra trong hai ngày 28 và 29/06/2019 tại Osaka Nhật Bản.
Các cường quốc châu Á đã cảm thấy bất an trước sự chuyển hướng độc tài của chế độ Bắc Kinh kể từ năm 2012. Thêm vào đó là chính sách bành trướng hải quân tại vùng Biển Đông, tính chất hung hăng của chính sách « Con đường Tơ Lụa » nhằm có được những nhượng bộ béo bở từ các nước nhỏ « ngập đầu trong nợ nần ». Tập Cận Bình không muốn làm cho hình ảnh của mình trở nên thêm tồi tệ.
Đây là giai đoạn tế nhị đối với chủ tịch Trung Quốc. Từ tháng Giêng năm 2018, tổng thống Mỹ khởi động cuộc chiến thương mại. Một năm sau, chính quyền Trump lại mở tiếp một cuộc chiến công nghệ chống lại Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, bị cáo buộc làm gián điệp và đánh cắp kỹ nghệ. Trong vị thế chống Trung Quốc, tổng thống Trump vẫn còn chưa nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ phe Dân Chủ. Do vậy, một biển máu Hồng Kông có lẽ sẽ đẩy tất cả các dân biểu và thượng nghị sĩ đồng loạt đứng về phía Trump.
Hơn nữa, liên minh các nước lớn theo nền dân chủ tại châu Á (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Mỹ) là một khái niệm không ngừng tiến triển. Tập Cận Bình cho đến lúc này quả thật đã duy trì được cấp độ trao đổi thương mại mà ông ta có được với bốn cường quốc hàng đầu châu Á mà không để cho cuộc tranh chấp thương mại của ông với Washington xen lẫn vào.
Do vậy, Tập Cận Bình chẳng có lợi gì khiêu khích các nước đó bằng một hành động bạo lực chính trị cho dù là điều này diễn ra tại Hồng Kông đặc khu hành chính của Trung Quốc. Hành động cũng có nghĩa là sẽ làm cho các nhà đầu tư quốc tế rời xa lãnh thổ. Đó là những người đã mang lại sự phồn thịnh cho hòn đảo tự trị và nhiều vùng lãnh thổ mới của Trung Quốc từ những năm 1950.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga lao dốc !
Cũng liên quan đến Hồng Kông, Le Figaro có bài viết quan tâm đến số phận của nữ lãnh đạo đặc khu sau thất bại của dự luật dẫn độ. Bài viết đề tựa « Đường xuống địa ngục của Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhân vật đầy tham vọng ».
Bà Lâm đang lao dốc. Kể từ giờ, lãnh đạo đặc khu là mục tiêu tấn công của làn sóng bất bình. « Bà ấy phải ra đi. Bà ấy đã dám tát vào mặt một triệu người dân », cựu dân biểu ủng hộ dân chủ, Margaret Ng khẳng định. Le Figaro thuật sơ hành trình thăng tiến sự nghiệp của cựu sinh viên ngành chứng khoán tại Cambridge nhờ vào sự bền bỉ. Nhưng giờ đây niềm tự hào đó đang bị tàn phá.
Le Figaro tự hỏi : Làm thế nào một chính khách, vốn từng biết cách thương lượng với các lãnh đạo phong trào Dù Vàng năm 2014, lại có thể tự dẫn vào ngõ cụt ? Bà Margaret Ng cho rằng « Bà ấy có vấn đề về nhân cách. Đó là một người luôn lo sợ có biểu hiện yếu kém. »
Năm 2007, Lâm Trịnh Nguyệt Nga được biết đến như là một chiếc « máy ủi » khi còn bộ trưởng bộ Phát Triển. Bà đã cho thúc đẩy nhanh dự án lấn biển, phá hủy không chút nương tay khu bờ kè huyền thoại Star Ferries, chạy dọc theo bờ vịnh uy nghi và phớt lờ mọi chỉ trích của các tổ chức phi chính phủ địa phương.
Bà Lâm đã gánh lấy toàn bộ trách nhiệm về dự luật dẫn độ gây tranh cãi như để giải oan cho Bắc Kinh, vốn đã bổ nhiệm bà vào ghế lãnh đạo đặc khu năm 2017. Theo những nguồn tin được cho là đáng tin cậy từ phe đối lập, bà Lâm dường như đã đi trước mong muốn của Tập Cận Bình để có thể tiến nhanh hơn sự nghiệp chính trị của bà : Nắm thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai.
Một hành động mà người dân Hồng Kông không thể nào tha thứ cho rằng « bà ấy đã bán đứng Hồng Kông chỉ vì những lợi ích cá nhân ! ». Vì ham muốn quyền lực, Lâm Trịnh Nguyệt Nga quên lời dặn dò của thầy « Người ta không kiểm soát, người ta chỉ lấy cảm hứng » khi bà muốn có lời khuyên làm thế nào khẳng định uy quyền.
Trung Quốc bị tố chơi trò tự do thương mại « giả hiệu »
Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 18/06/2019 cho biết « Trung Quốc là quốc gia bảo hộ mậu dịch nhiều nhất đối với châu Âu ». Ngoài Trung Quốc, còn có cả Nga và Ấn Độ là những nước được cho là bảo hộ mậu dịch nhiều nhất theo như kết luận của một báo cáo thuộc Ủy Ban Châu Âu.
Trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc luôn hô hào ủng hộ tự do lưu thông hàng hóa và cơ chế đa phương. Thế nhưng, báo cáo về « những rào cản thương mại và đầu tư » công bố ngày thứ Hai 17/06 lại cho thấy một hình ảnh trái ngược : Trung Quốc đứng đầu bảng với vô số các rào cản thương mại đối với hàng hóa châu Âu.
Báo cáo của Liên Hiệp Châu Âu nêu con số cụ thể : Tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc có tổng cộng 37 biện pháp cản trở, Nga xếp hạng nhì với 34 rào cản, đứng trước Ấn Độ và Indonesia (25), tiếp đến là Hoa Kỳ (24), Thổ Nhĩ Kỳ (20), Brazil (18) và Hàn Quốc (17).
Vẫn theo Bruxelles, chính quyền Bắc Kinh liên tục tăng số rào cản đối với hàng hóa châu Âu. Sau khi thiết lập thêm 10 quy định mới năm 2017, Trung Quốc đã áp dụng thêm 4 quy định mới khác trong năm 2018, ảnh hưởng nặng đến hơn 25 tỉ euro hàng xuất khẩu của châu Âu, trong đó các mặt hàng công nghệ cao là bị tác động nhiều nhất do cải cách luật về an ninh mạng. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã bị gạt ra khỏi thị trường công nghệ và viễn thông Trung Quốc.
Nguồn: RFI