Lãnh đạo Hong Kong phạm sai lầm gì khi đưa ra luật dẫn độ?

VOA –

Lãnh đạo Hong Kong phạm sai lầm gì khi đưa ra luật dẫn độ?

.

\"\"
Người biểu tình Hong Kong tập trung tại khu vực Hội đồng Lập pháp.

Sự thiếu tính giải trình với người dân do không được dân bầu lên đã khiến cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, không thấy được sự bức xúc của người dân khi bà trình ra dự luật dẫn độ, các nhà phân tích được tờ New York Times dẫn lời phân tích.

‘Bước lùi lớn’

Theo tờ báo này, khi đưa ra dự luật dẫn độ, bà Lâm có một đa số trung thành trong cơ quan lập pháp của đặc khu. Bà còn có sự ủng hộ hoàn toàn của chính phủ Trung Quốc và một bộ máy hành chính đồ sộ sẵn sàng thúc đẩy nghị trình của bà.

Vậy mà mới tuần trước, hôm 15/6, bà Lâm buộc phải đình hoãn vô thời hạn nỗ lực trong nhiều tháng hướng tới việc thông qua dự luật cho phép chính phủ bà dẫn độ các nghi phạm hình sự đến Hoa lục, Đài Loan và những nơi khác. Quyết định nhượng bộ của bà Lâm là bước lùi đơn lẻ lớn nhất trên một vấn đề chính trị kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, theo phân tích trên tờ New York Times.

Rầm rộ dân chúng đã xuống đường ở Hong Kong trong các cuộc biểu tình từ ôn hòa trở thành bạo động. Các lãnh đạo doanh nghiệp địa phương đã quay lưng lại với bà Lâm. Ngay cả các quan chức ở Bắc Kinh cũng bắt đầu đặt dấu hỏi về cách nhận định của bà khi đối đầu trên một vấn đề mà họ xem là sự xao nhãng khỏi ưu tiên thật sự của họ: thông qua đạo luật an ninh quốc gia hà khắc hơn ở Hong Kong.

New York Times nhận định rằng nguy cơ đối với chính phủ Hong Kong là công chúng, nhất là giới trẻ, những người có thể hình thành suy nghĩ rằng cách duy nhất để ngăn chặn những chính sách mà họ không thích chính là biểu tình bạo lực. Với từng vấn đề lớn nối tiếp nhau kể từ khi Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc hồi năm 1997, mức độ bạo lực tại các cuộc biểu tình đã gia tăng trước khi chính quyền buông xuôi và thay đổi lập trường.

Có đến một triệu người tuần hành ôn hòa chống lại dự luật dẫn độ một tuần trước đây (con số do những người biểu tình cung cấp – còn cảnh sát đưa ra con số ít hơn nhiều là chỉ vài trăm ngàn). Tuy nhiên lập trường của chính quyền Hong Kong không lay chuyển cho đến khi một cuộc biểu tình khác nhỏ hơn diễn ra ba ngày sau đó. Nó khởi đầu trong ôn hòa cho đến khi một số người biểu tình nhặt gạch đá ném vào cảnh sát, và cảnh sát đáp trả bằng đạn cao su và hơi cay.

‘Do thiếu dân chủ’

Thất bại của dự luật dẫn độ cho thấy thế khó xử của chính quyền trung ương Bắc Kinh ở Hong Kong. Họ muốn duy trì kiểm soát toàn diện lãnh thổ bán tự trị này trong khi không cho phép dân chủ hoàn toàn, New York Times nhận định.

Không có dân chủ, các chính quyền liên tiếp ở Hong Kong đều đã phạm sai lầm khiến họ rơi vào khủng hoảng chính trị do đánh giá thấp hay phớt lờ sự quan tâm của công chúng – và mỗi lần như thế Bắc Kinh lại bị đổ lỗi, cũng theo tờ báo này. Tuy nhiên, một số cố vấn thân cận của bà Lâm nói rằng không rõ bà có bàn bạc với các lãnh đạo ở Bắc Kinh về luật dẫn độ hay không.

Khi thông báo hoãn dự luật dẫn độ trước báo giới, bà Lâm đã liên tục từ chối trả lời câu hỏi về những gì bà đã trao đổi với các lãnh đạo Bắc Kinh.

Giới lãnh đạo Hong Kong ngày càng hòa theo giọng điệu của Bắc Kinh về việc quy cho ‘các thế lực xấu xa bên ngoài’ kích động các cuộc biểu tình. Ảnh hưởng bên ngoài đó dường như muốn nói đến các cuộc gặp giữa các nhà cổ súy dân chủ đã sắp xếp với các quan chức và nhà chính trị Mỹ khi họ bay đến Washington.

“Cuộc bạo loạn [nguyên văn] này tôi tin rằng do các thế lực bên ngoài kích động và điều đáng buồn là giới trẻ Hong Kong đã bị lợi dụng để tham gia,” Joseph Yam, thành viên Hội đồng Điều hành của bà Lâm, nói.

Con đường dẫn đến thất bại chính sách của bà Lâm dường như đã bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái.

Đó là khi bà Lâm và các cố vấn hàng đầu của bà bay đến Bắc Kinh để dự một cuộc gặp hiếm hoi với ông Tập. Ông Tập đã có bài diễn văn dài chỉ thị cho họ phải giữ gìn an ninh quốc gia, theo bản ghi được Tân Hoa Xã công bố.

Bài diễn văn của ông Tập dường như chứa đựng thông điệp rằng Hong Kong không thể trì hoãn vô thời hạn nghĩa vụ pháp lý của họ dưới Đạo luật Cơ bản, tức bản tiểu Hiến pháp của Hong Hong, là thi hành các đạo luật an ninh quốc gia chống lại nổi loạn, lật đổ, ly khai và phản quốc.

“Đồng bào Hong Kong và Macau cần cải thiện hệ thống và cơ chế liên quan đến việc thực thi Hiến pháp và Đạo luật Cơ bản,” ông Tập được dẫn lời nói.

Khó thông qua đạo luật an ninh?

Căn nguyên của đạo luật dẫn độ này là vào năm ngoái bà Lâm đã nhận được 5 lá thư từ cha mẹ của một cô gái trẻ bị bạn trai sát hại ở Đài Loan và nghi phạm này sau đó đã quay về Hong Kong. Sự thiếu vắng thỏa thuận dẫn độ giữa Hong Kong và Đài Loan càng khiến quá trình dẫn độ nghi phạm thêm phức tạp.

Bà Lâm khi đó đã quyết định rằng một dự luật ngắn – chỉ 10 điều khoản – sẽ được đưa ra cơ quan lập pháp Hong Kong để giúp việc dẫn độ được dễ dàng hơn.

Dự luật đó đã được đưa ra một cuộc họp của Hội đồng Điều hành, cơ quan tư vấn cao nhất ở Hong Kong, ngay trước dịp Tết Nguyên đán, và được phê chuẩn mà gần như không có thảo luận gì hết. Hội đồng này bao gồm các bộ trưởng chính phủ cùng 16 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà lập pháp thân Bắc Kinh. Cơ quan này thường bị chỉ trích là một nhóm cách biệt gần như không có trách nhiệm giải trình với người dân.

Tuần lễ sau Tết Nguyên đán, bà Lâm đã ngay lập tức công bố dự luật.

Dự luật này yêu cầu cảnh sát thực hiện ‘hỗ trợ pháp lý tương hỗ trong các vấn đề hình sự’. Các quan chức tài chính hàng đầu và các nhà lãnh đạo các tổ chức tài chính ở Hong Kong, vốn có mặt tại cuộc họp ngay trước Tết, đã không được thông báo rằng dự luật này sẽ cho phép các cơ quan an ninh đại lục được yêu cầu đóng băng tài sản ở Hong Kong và khi biết được điều này họ đã cảm thấy choáng váng.

Dự luật của bà Lâm khiến cho không chỉ công dân Hong Kong mà còn người nước ngoài sống ở Hong Kong đối diện với nguy cơ dẫn độ sang đại lục. Điều này gây hoảng sợ cho Phòng Thương mại vốn rất có thế lực đại diện các ngân hàng lớn nhất ở phương Tây mà đa số đều đặt trụ sở châu Á ở Hong Kong cũng như một số hãng sản xuất lớn nhất của phương Tây vốn có nhân sự ở Hong Kong để giám sát quá trình sản xuất ở Đại lục.

Cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu thúc đẩy ngưng lại dự luật dẫn độ. Với việc chính quyền Hong Kong giờ đây đã dừng xem xét dự luật, ngay cả các đồng minh của bà Lâm ở Hong Kong cũng nói rằng bà gần như chắc chắn không có đủ vốn liếng chính trị để thông qua đạo luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh thật sự mong muốn.

Những hạn chế trong cách xử lý dự luật dẫn độ của chính quyền Hong Kong cho thấy rằng Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong chỉ có trách nhiệm giải trình đối với Bắc Kinh, theo phân tích trên New York Times.

Các lãnh đạo ở Bắc Kinh thích cấu trúc chính trị này bởi vì nó đảm bảo sự trung thành của chính quyền Hong Kong. Do đó họ bác bỏ yêu sách của người biểu tình ở Hong Kong đòi bầu cử tự do 5 năm trước đây. Tuy nhiên, hệ thống chính trị này có nghĩa là lãnh đạo Hong Kong thường xuyên hiểu sai và đôi khi phớt lờ công luận và hoạt động với rất ít sự phản hồi.

“Nếu như Trưởng Đặc khu được người dân Hong Kong bầu lên chứ không phải bầu theo ý của Bắc Kinh thì có lẽ ông bà ấy sẽ không đưa ra dự luật này,” ông Jean-Pierre Cabestan, nhà khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, nhận định với New York Times.

‘Giải tỏa sự bức bối’

Trao đổi với VOA khi đang trên đường trở về Mỹ từ Hong Kong sau khi tham gia cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 16/6, chị Nancy Nguyễn, một người Việt ở California vốn là cảm tình viên của phong trào dân chủ Hong Kong kể từ phong trào Dù Vàng năm 2014, nói rằng hành động xuống đường rầm rộ của người dân Hong Kong là ‘giải tỏa sự bức bối’ khi họ không có khả năng làm chủ chính quyền của họ.

“Họ không có khả năng can thiệp vào tiến trình lập pháp của chính quyền Hong Kong,” cô Nguyễn nói. “Chính sự bực bội, kiềm tỏa như vậy khiến cho người dân xuống đường mạnh mẽ vì đó là cách duy nhất họ thể hiện nguyện vọng của họ.”

“Bà Carrie là người được Bắc Kinh chỉ định nên không quan tâm người dân muốn gì vì dù thế nào bà ấy cũng tái đắc cử mà thôi. Bà ấy chỉ phục vụ cho chủ của bà ấy (Bắc Kinh) nên bà ấy quá sức tự tin,” cô nói thêm.

Sau vài ngày sang tận Hong Kong quan sát, ủng hộ cuộc biểu tình của người dân Hong Kong lần này, cô Nguyễn cho biết người biểu tình bất mãn khi chính quyền Hong Kong không xin lỗi về việc cảnh sát ‘dùng bạo lực rất mạnh với người biểu tình ôn hòa’ nên họ có thêm yêu sách đòi bà Lâm phải từ chức sau khi bà Lâm đã tuyên bố hoãn lại dự luật. Bản thân họ cũng không thỏa mãn việc chỉ hoãn lại dự luật nên tiếp tục biểu tình, cô Nguyễn nói.

Trước câu hỏi của VOA là người biểu tình có bạo loạn như lời cảnh sát Hong Kong cáo buộc hay không, cô Nguyễn, người từng tham gia các cuộc biểu tình Dù Vàng ở Hong Kong 2014 và cuộc biểu tình lần này, nói rằng theo ghi nhận của cô thì ‘người biểu tình thường không bạo loạn’.

“Họ biết nếu họ bạo loạn thì họ sẽ mất đi chính nghĩa,” cô nói.

“Nếu dự luật này được thông qua thì tất cả mọi người dân Hong Kong đều bị ảnh hưởng. Có một điều họ không thể tưởng tượng được nhưng có thể xảy ra là công dân Hong Kong có thể bị bắt cóc ra khỏi Hong Kong và bị dẫn độ về đại lục (từng xảy ra đối với một chủ tiệm sách ở Hong Kong). Công dân Hong Kong bây giờ và mãi mãi bị kiềm tỏa. Một đất nước, hai chế độ không tồn tại nữa,” cô Nguyễn chia sẻ thêm.

Về mục đích ban đầu của luật dẫn độ là để có cơ sở xử lý vụ án giết người ở Đài Loan nhưng thủ phạm lại bỏ trốn về Hong Kong, cô Nguyễn dẫn lời Hội Luật sư Hong Kong rằng dù thừa nhận sự cần thiết phải xử lý vụ án này nhưng họ cho rằng ‘hai vấn đề không thể gộp chung lại với nhau’.

“Một chuyện rất hiếm khi xảy ra lại thay đổi hệ thống tư pháp Hong Kong đến 7 triệu người,” cô phản bác và cho biết Hong Kong ‘có hệ thống tư pháp chặt chẽ’ và ‘sẵn sàng chấp nhận luật dẫn độ đến hầu hết các quốc gia trên thế giới có hệ thống tư pháp tương tự như Hong Kong’ nhưng không chấp nhận dẫn độ sang Trung Quốc.

Nguồn: VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment