Sạt lở và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long

Sạt lở và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long

.

\"\"
6 căn nhà bị sạt lở ở Long An ngày 18/6. Nguồn: nhandan.com.vn

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 560 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800km và xâm nhập mặn hơn 90km.

Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo trình bày tại diễn đàn ‘Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở vùng ĐBSCL’ do Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 18/6.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở là những thách thức lớn mà ĐBSCL đang phải đối diện.

Tính từ năm 2010 đến nay, các trận lũ hầu hết xuất hiện vào giữa tháng 10 và chủ yếu là lũ vừa và nhỏ, số trận lũ lớn đã giảm so với trước đó.

Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn cũng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 30 – 45 ngày, từ 60km lên đến 90km vào năm 2016.

Nguyên nhân được cho biết là do việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện ở thượng lưu sông Mekong đổ về vùng ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên tại đây.

Cũng trong ngày 18/6, 6 căn nhà liền kề tại khu vực ven bờ sông Vàm Cò Tây, xã Lợi Bình Nhơn, tỉnh Long An thuộc ĐBSCL đã bị sạt lở, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng.

Truyền thông trong nước loan tin trong cùng ngày, cho biết thêm nguyên nhân được đánh giá là do ảnh hưởng của dòng chảy mạnh làm cho đất bị xói mòn, tạo hàm ếch.

Hiện chính quyền địa phương đã di dời tài sản và người dân trong 6 ngôi nhà đến chỗ an toàn.

Vẫn liên quan đến ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 18/6 cũng chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức ở Sài Gòn.

Hội nghị lần này thể hiện cam kết của Chính phủ Hà Nội đối với sự phát triển của ĐBSCL, nơi chiếm 20% dân số cả nước và đóng góp 18% GDP nhưng lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong Hội nghị lần đầu diễn ra ở Cần Thơ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu sẽ tổ chức hội nghị ngày ít nhất 2 năm 1 lần để thảo luận về tình hình, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL, chứ không phải chỉ đưa ra chủ trương mà không kiểm tra, giải quyết, không để ‘nước chảy lá môn’.

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment