Công luận rúng động vụ Asanzo: Hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt
.
SÀI GÒN, Việt Nam – Hôm 21 Tháng Sáu, công luận rúng động trước tin Tập Đoàn Asanzo được biết đến với một loạt sản phẩm “hàng Việt Nam Chất Lượng Cao Do Người Tiêu Dùng Bình Chọn, sử dụng công nghệ Nhật Bản” bị tờ Tuổi Trẻ phanh phui là hàng “made in China” nhập nguyên đai nguyên kiện về, sau đó tháo nhãn và gắn mác Asanzo”.
Vụ này diễn ra trong bối cảnh TV Asanzo được ghi nhận chiếm tới 30% thị phần TV tại Việt Nam, nhất là tại các vùng nông thôn. Trong khi đó, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch kiêm nhà sáng lập Tập Đoàn Asanzo được truyền thông nhà nước ca ngợi là “hình mẫu làm giàu” và xuất hiện trong show truyền hình Shark Tank – Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ ba. Ông Tam được nhìn nhận là một trong các doanh nhân đề cao tinh thần dân tộc trong việc khởi nghiệp.
Tờ báo của Thành Đoàn CSVN cho biết: “Tháng Tám, 2018, một nguồn tin cho biết nhà máy Asanzo chỉ lắp ráp TV từ linh kiện nhập từ Trung Quốc. Còn đồ điện gia dụng thì nhập ‘nguyên con’ từ Trung Quốc, chứ họ không sản xuất một mẩu linh kiện điện tử nào. Từ năm 2014 đến nay có tới 19 công ty nhập khẩu sản phẩm điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc.
Ngoài ra, còn một số công ty chuyên nhập linh kiện nhãn hiệu Asanzo để lắp ráp TV, máy lạnh, điện thoại…”
“Tất cả các lô hàng đồ điện gia dụng nhãn hiệu Asanzo mà 19 công ty nhập về Việt Nam đều có C/O form E, do cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc cấp. Khi làm thủ tục thông quan, các công ty nhập khẩu cũng khai báo xuất xứ hàng hóa là Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi thu thập rất nhiều chứng cứ cho thấy các sản phẩm Asanzo bán trên thị trường lại ghi xuất xứ: Việt Nam”. Sản phẩm điện gia dụng Asanzo đã được bình chọn là “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao năm 2017,” theo Tuổi Trẻ.
Trước khi có vụ “lật mặt” này, một bài trên báo Tri Thức Trẻ viết: “Sau 5 năm thành lập, từ một công ty khởi nghiệp nhỏ, Asanzo trong tay ông Phạm Văn Tam đã phát triển thần tốc, trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu thị trường điện tử Việt. Bên cạnh TV, các dòng sản phẩm điện gia dụng, điện tử, điện lạnh, thiết bị thông minh của Asanzo ra đời sau đó tiếp tục kiên trì với tiêu chí “may đo” cũng đã nhanh chóng chinh phục thị trường. Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6,250 tỉ đồng ($268 triệu), tăng 35% so với năm 2017. Xây dựng thương hiệu điện tử bằng lối đi riêng, doanh nhân Phạm Văn Tam còn mong muốn lan tỏa ‘tinh thần Việt Nam’ đến cộng đồng startup trẻ bằng những hành động thiết thực.”
Đáng lưu ý, trước khi vụ việc vỡ lở, trang web của báo Tuổi Trẻ hiện vẫn còn lưu một số bài PR cho Asanzo. Một bài trong số đó đăng hồi Tháng Mười Hai, 2018 viết: “Asanzo tặng máy lọc nước trị giá hơn 200 triệu đồng ($8,581) cho quê nhà của cầu thủ Quang Hải. Đây không phải là lần đầu tiên doanh nhân sinh vào thập niên 1980 thực hiện các cam kết trao thưởng cho các cầu thủ và đội tuyển Việt Nam. Là một doanh nhân yêu thích bóng tròn, ông Phạm Văn Tam đã nhiều lần tài trợ, tặng thưởng cho đội tuyển.”
Vụ bê bối của Asanzo được cho là tương tự vụ khăn lụa “tơ tằm Việt Nam” của Khaisilk bị phát giác là hàng “made in China” hồi cuối năm 2017, và khiến doanh nhân Hoàng Khải, chủ doanh nghiệp ngày “thân bại danh liệt”, dù trước đó ông này cũng là một trong các nhân vật chính của show truyền hình Shark Tank – Thương Vụ Bạc Tỷ.
Hồi cuối Tháng Năm, 2019, truyền thông nhà nước dẫn lời Thứ Trưởng Công Thương CSVN Đỗ Thắng Hải nói Công An Hà Nội “đã khởi tố vụ Khaisilk bán lụa Trung Quốc nhưng gắn tem ‘made in Vietnam’.
Nguồn: Người Việt