Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS): Bản “Hiến pháp về biển và đại dương của loài người”
Ngày đăng 21-06-2019
Tại Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982(UNCLOS) tại New York (Mỹ) hôm 17/6, các nước đã tái khẳng định đây là bản “Hiến pháp về biển và đại dương của loài người” trong việc thúc đẩy, duy trì hòa bình, hợp tác, an ninh, ổn định và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương.
Lịch sử 25 năm thực thi UNCLOS trên phạm vi toàn cầu
UNCLOS là một hiệp ước quốc tế được tạo ra trong Hội nghị về luật biển Liên hợp quốc lần thứ 3 diễn ra từ năm 1973 cho đến 1982. Công ước Luật biển là một bộ các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới, chiếm 70% diện tích bề mặt Trái Đất. Công ước đã được ký kết năm 1982 để thay thế cho 4 hiệp ước năm 1958 đã hết hạn. UNCLOS chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, và đến nay, có 154 quốc gia và Cộng đồng châu Âu đã tham gia Công ước này. Mỹ không tham gia vì nước này tuyên bố rằng hiệp ước này không có lợi cho kinh tế và an ninh của Mỹ. Công ước quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương.
Là một văn kiện đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản, 17 phần và 9 phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật, UNCLOS 1982 được coi là Hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương và là một trong những thành tựu có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực luật pháp quốc tế của thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, Công ước UNCLOS 1982 đã đưa ra một tổng thể các quy định luật pháp bao trùm tất cả các vùng biển và lĩnh vực sử dụng biển: chế độ pháp lý của tất cả các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; biển cả và vùng di sản chung của loài người; các quy định hàng hải và hàng không; sử dụng và quản lý tài nguyên biển, sinh vật và không sinh vật; bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển, giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển. Công ước Luật Biển 1982 là một Công ước tiến bộ, thể hiện sự thảo hiệp mang tính toàn cầu có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới. Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi phải tham gia cả gói. Nếu phê chuẩn Công ước này, các quốc gia phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.
Việt Nam là một quốc gia ven biển với hơn 3.200km bờ biển, các hoạt động kinh tế trên biển chiếm một tỷ trọng lớn, mang lại nhiều giá trị kinh tế. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước. Nghị quyết được thông qua trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia lâu dài liên quan đến chủ quyền, hòa bình và phát triển của đất nước, bảo vệ và tận dụng các quyền và lợi ích cơ bản mà UNCLOS 1982 đem lại cho một nước ven biển đang phát triển, khắc phục và hạn chế đến mức cao nhất những bất lợi có thể xảy ra. Nghị quyết biểu thị quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển. Trải qua 25 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, trách nhiệm của UNCLOS 1982.
Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên UNCLOS 1982
Sáng 17/6, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đã khai mạc với sự tham dự của các quốc gia thành viên Công ước, đại diện các thiết chế được thành lập theo Công ước như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban ranh giới thềm lục đia, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, một số nước quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành về biển.
Phát biểu khai mạc, nhân dịp 25 năm ngày Công ước có hiệu lực, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của UNCLOS 1982, bản “Hiến pháp về biển và đại dương của loài người” trong việc thúc đẩy, duy trì hòa bình, hợp tác, an ninh, ổn định và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương. Đồng thời chỉ ra những thách thức chưa từng có đối với biển và đại dương mà loài người đang phải đối diện như việc hủy hoại các rặng san hô, suy giảm nguồn lợi hải sản, rác thải nhựa, acid hóa biển và đại dương, nước biển dâng, biến đổi khí hậu… sẽ tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế, xã hội của nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia đảo nhỏ, ven biển. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ và hiệu quả Công ước và các văn kiện liên quan, nhấn mạnh toàn thể cộng đồng quốc tế cần chung tay có hành động cụ thể để cải thiện chất lượng của biển và đại dương, thông qua việc tiếp tục tăng cường thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu số 14 về biển và đại dương.
Tại đề mục Kỷ niệm 25 năm Công ước có hiệu lực, đại diện Liên minh châu Âu (EU), các nhóm Mỹ La-tinh, châu Phi, Nhóm 77 và gần 30 nước khác đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước trong việc tạo dựng và xây dựng một trật tự pháp lý về biển, kêu gọi các quốc gia thực thi một cách nghiêm túc các quy định của Công ước, giải quyết hòa bình tranh chấp liên quan đến biển và đại dương, bảo đảm quyền tự do hàng hải phù hợp với quy định của Công ước… Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trên cơ sở tinh thần và các quy định của Công ước nhằm bảo đảm trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, ứng phó các thách thức và sử dụng bền vững biển, đại dương và nguồn tài nguyên biển.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro L. Locsin Jr. đã có phát biểu, nhấn mạnh vai trò của Công ước, khẳng định trên cơ sở các quy định liên quan của Công ước, Philippines đã đề nghị Tòa trọng tài ở La Hay làm rõ tình trạng pháp lý của khu vực Biển Đông, để loại bỏ sự mơ hồ hoặc viện cớ mơ hồ để biện minh cho việc vi phạm. Ông Locsin cũng bày tỏ cảm ơn ngư dân Việt Nam đã cứu giúp 22 thuyền viên Philippines trong vụ va chạm chìm tàu ngày 9/6/2019 ở khu vực Bãi Cỏ Rong. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines khẳng định, nghĩa vụ cứu giúp người gặp nạn trên biển trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong trường hợp có va chạm trên biển, là nghĩa vụ phổ cập đã được quy định trong không chỉ Công ước Luật Biển, mà còn trong nhiều điều ước quốc tế đa phương như các công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); nhấn mạnh đây không chỉ là nghĩa vụ của các quốc gia mà của cả người dân các nước và cần được thực hiện bằng hành động cụ thể.