Mỹ vạch mặt hàng TQ chui vào Campuchia để né thuế
Ngày đăng 22-06-2019BDN
Hàng được sản xuất tại Trung Quốc sẽ được chuyển sang đặc khu kinh tế Sihanoukville của Campuchia rồi từ đó xuất sang Mỹ để né mức thuế nhập khẩu cao ngất ngưởng mà ông Trump áp lên hàng Trung Quốc.
Hãng tin Reuters ngày 19-6 dẫn lời ông Arend Zwartjes, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia, xác nhận có tình trạng này.
Theo đó, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã kiểm tra và \”phạt hàng loạt công ty vì hành vi trốn thuế bằng cách chuyển hàng hóa sang Campuchia\”, ông Zwartjes khẳng định.
Vị này không nói rõ có bao nhiêu công ty Mỹ đã bị phạt, mức phạt là bao nhiêu và các mặt hàng trên là gì.
Khu kinh tế đặc biệt Sihanoukville nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 200km về phía tây thường được ca ngợi là thành tựu nổi bật về hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia. Đặc khu kinh tế này chủ yếu sản xuất hàng dệt, may mặc, túi xách và các sản phẩm da.
Theo thỏa thuận thương mại được mở rộng năm 2016, Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của Mỹ cho phép Campuchia xuất khẩu hàng hóa du lịch như túi xách, hành lý và phụ kiện sang Mỹ mà không phải đóng thuế đồng nào.
Hiện tất cả các bên liên quan ở Campuchia vẫn im lặng sau thông tin của Mỹ. Ban quản lý đặc khu Sihanoukville không phản ứng trước các câu hỏi từ hãng tin Reuters. Cục Hải quan và Bộ Ngoại giao Campuchia đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia đề nghị nên hỏi Bộ An ninh nội địa Mỹ để có thêm chi tiết cụ thể.
Theo Reuters, hồi đầu tháng này, hải quan Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp hàng hóa Trung Quốc bị gắn mác Made in Vietnam để né mức thuế nhập khẩu cao khi xuất sang Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện đang áp mức thuế nhập khẩu 25% với 200 tỉ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến một số công ty rút khỏi Trung Quốc nhằm tránh mức thuế cao.
Các công ty, trong đó có của Trung Quốc, thường chọn những nước trong khu vực để chuyển nhà máy và dây chuyền sản xuất, theo báo South China Morning Post của Hong Kong.