Chính giới Philippines kêu gọi phong trào “Sự thật về Biển Đông” để phản đối, vạch trần các hành vi của TQ

Chính giới Philippines kêu gọi phong trào “Sự thật về Biển Đông” để phản đối, vạch trần các hành vi của TQ

Ngày đăng 24-06-2019

Trước việc Trung Quốc liên tục quân sự hóa Biển Đông và công khai tuyên bố “đây là quyền hợp pháp, chính đáng” của nước này, chính giới Philipines đứng đầu là Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đang kêu gọi tiến hành một chiến dịch phản bác Bắc Kinh mang tên “Sự thật về Biển Đông”.

\"\"/

Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines A.Carpio (Ảnh: The LaSallian)

“Sự thật về Biển Đông”

Philippines đã đưa ra cảnh báo cho Trung Quốc trước những hành động gia tăng triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khẳng định đó là quyền hợp pháp của Trung Quốc để xây dựng cơ sở quốc phòng nhằm chống lại các mối đe dọa trong khu vực.

Philippines nằm trong số những quốc gia vướng vào cuộc tranh chấp với Bắc Kinh từ khi Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực lên khu vực Biển Đông. Trước tình hình đó, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio, trong một bài phát biểu với “Viện Báo chí và Truyền thông châu Á” vừa qua, đã kêu gọi các nước khu vực hợp sức để lan tỏa phong trào “Sự thật về Biển Đông” nhằm chống lại những tuyên truyền thông tin giả của Bắc Kinh.

“Lịch sử thực sự rất rõ ràng và đơn giản: Trung Quốc chưa bao giờ sở hữu Biển Đông. Trong khi có những vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông chỉ thuộc về các quốc gia ven biển liền kề. Chúng ta có thể gọi chiến dịch thông tin này là phong trào ‘Sự thật về Biển Đông’, một phong trào của nhân dân sử dụng quyền tự do ngôn luận để giải thích sự thật về lịch sử Biển Đông. Chúng ta có thể mời người dân của những quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế cũng bị lấn chiếm bởi đường lưỡi bò của Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei cùng tham gia đẩy mạnh phong trào này”, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio.

Phản ứng ngang ngược từ giới chức và báo chí TQ

Bắc Kinh đã thừa nhận triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trước những chỉ trích của các nước trong khu vực, Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ những gì họ xem là lãnh thổ của đất nước. Vừa qua tại Diễn đàn Shangri-la lần thứ 18, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa còn cho biết khu vực này nằm trong quyền xây dựng cơ sở quốc phòng của Bắc Kinh. Thượng tướng He Lei của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng khẳng định triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo của Biển Đông là quyền hợp pháp của Trung Quốc và được cho phép bởi luật pháp quốc tế. “Tất cả nhận xét vô trách nhiệm về vấn đề này là vi phạm với vấn đề đối nội của Bắc Kinh”, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời vị quan chức này của Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố.

Bên cạnh đó, ông He cũng so sánh việc xây dựng các tiền đồn quân sự trên Biển Đông giống như việc nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình gửi một đơn vị đồn trú PLA tới Hong Kong sau khi Anh trao trả đặc khu này về Trung Quốc năm 1997. Bình luận của ông được đưa ra sau khi cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cáo buộc nước này đang đe dọa các quốc gia láng giềng của họ bằng những hoạt động quân sự. Theo hình ảnh vệ tinh tháng trước, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện quân sự trên các đảo thuộc vùng biển tranh chấp trong khu vực.

Chuyên gia quân sự Andrei Chang cũng nhận định rằng cơ sở trên các đảo này không phải dùng cho mục đích dân sự. “Những bức ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa các tiền đồn trên các đảo này, nơi sẽ trở thành căn cứ không quân và hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong tương lai. Các cơ sở và tòa nhà trên đảo không nhằm phục vụ mục đích dân sự mà là một khu phức hợp quân sự với quy mô lớn”, theo vị chuyên gia này.

Hiệu ứng từ các phong trào tương tự như “Sự thật về Biển Đông”

Chiến dịch phản bác Bắc Kinh mang tên “Sự thật về Biển Đông” do Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio phát động tiếp tục cho thấy những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ tại Philippines và khu vực do các hành vi quân sự hóa, theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Khi được lan rộng, phòng trào này sẽ góp phần phác bác mạnh mẽ hành động và tuyên bố đánh lừa dư luận của Trung Quốc về sự phát triển hòa bình rằng Biển Đông thuộc Trung Quốc… vốn chỉ được coi là những tuyên bố chính trị mà không đi liền với những hành động thực tế.

Không chỉ tấn công công luận trực diện Trung Quốc, Thẩm phán Antonio Carpio cũng nhiều lần chỉ trích chính sách nhu nhược của chính quyền Tổng thống Philipines Duterte. Năm 2016, ông từng tuyên bố Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vi phạm hiến pháp Philippines nếu ông nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề bãi cạn Scarborough. Theo hiến pháp Philippines năm 1986, tổng thống có thể bị phế truất vì bị luận tội vi phạm hiến pháp, phản quốc, nhận hối lộ, tham nhũng hoặc phản bội lòng tin của người dân. “Nếu tổng thống nhượng bộ chủ quyền của chúng ta với bãi cạn Scarborough, ông ấy có thể bị luận tội”, Thẩm phán Antonio Carpio cho biết.

Chính Thẩm phán Antonio Carpio tháng trước cũng kêu gọi Manila nộp đơn kiện việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đe dọa chiến tranh. Thẩm phán Carpio cho biết việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp giữa các nước là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Theo ông, nếu Tổng thống Philippines không làm gì để phản đối, điều này đồng nghĩa với việc “bán đứng người dân”.

Ngày 21/3/2019, hai cựu quan chức cao cấp của chính phủ Philippines đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về tội ác chống lại loài người do gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng ở Biển Đông.Trong đơn kiện gửi tới Văn phòng Công tố viên của ICC, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales, nguyên lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines, thay mặt cho hàng trăm ngàn ngư dân và người dân nước này, cáo buộc ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao Trung Quốc đã phạm tội “gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng, gần như tàn phá vĩnh viễn môi trường biển trên khắp các quốc gia”. Họ nói rằng thiệt hại về môi trường xảy ra khi ông Tập Cận Bình và các quan chức khác thực hiện “kế hoạch mang tính hệ thống của Trung Quốc nhằm chiếm lấy Biển Đông”.Ông Del Rosario, bà Morales và các ngư dân viết trong đơn kiện: “Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác đã có những hành vi vi phạm luật quốc tế khi gây ra tổn hại nghiêm trọng cho (a) nhóm những người quốc tịch Philippines, những người phụ thuộc vào việc đánh bắt cá để kiếm sống, và (b) cho các thế hệ cư dân ven biển hiện tại và tương lai của các quốc gia ở Biển Đông, bao gồm cả những người mang quốc tịch Philippines, bằng cách đẩy nhanh sự sụp đổ nghề cá và do đó dẫn tới tình trạng thiếu lương thực ở một số quốc gia”.Với hiệu ứng từ các chiến dịch trên, chắc chắn làn sóng phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không ngừng lan rộng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment