Donald Trump mở rộng mặt trận chống Trung Quốc
Minh AnhĐăng ngày 25-06-2019
Mỹ và phương Tây cố gắng ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại Groeland. (Ảnh chụp ngày 13/06/2019)Steffen Olsen via REUTERS
Mặt trận chống ảnh hưởng của Trung Quốc đang được Mỹ mở rộng thêm. Le Figaro, trên mục Câu chuyện trong ngày, cho biết « Washington đang cố đánh bật Trung Quốc khỏi đảo chiến lược Groenland ».
Vụ việc bắt đầu bằng dự án mở rộng các sân bay quốc tế Nuuk, Illulissat và Qaqortoq, ước tính tổng trị giá công trình lên đến 483 triệu euro. Thế nhưng việc, tập đoàn Nhà nước Trung Quốc China Communications Construction Company CCCC đã trúng sơ tuyển năm 2018, đã khiến cho chính quyền Copenhague và Washington lo ngại.
Tuy Groenland là vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch ở Bắc Cực nhưng nơi đây lại là sân sau chiến lược, nơi đồn trú một khu căn cứ radar của Mỹ. Do vậy, với Washington không có chuyện để « kẻ lạ » Trung Quốc xích lại gần khu vực này.
Hoa Kỳ vội vã cam kết « đầu tư không chỉ trong các dự án cảng hàng không mà cả trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu và du lịch », theo như quan sát của nhà nghiên cứu Jon Rahbek-Clemensen. Về phần mình, chính quyền Copenhague – thường tránh can thiệp vào chuyện nội bộ đảo Groenland – cũng thông báo hỗ trợ 215 triệu euro cho dự án.
Kết quả là tập đoàn Trung Quốc « đã biện minh việc rút lui khỏi dự án do những khó khăn về xin visa nhập cảnh cho các kỹ sư ». Ông Jon Rahbek-Clemensen tin rằng ảnh hưởng của Washington đã không để cho Trung Quốc có cơ hội chiếm lấy thị trường.
Siêu máy tính, thiết bị 5G của Trung Quốc : Nạn nhân mới ?
Sau các thiết bị của Hoa Vi, chính quyền Washington tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ khác. Theo Le Figaro, « Hoa Kỳ tấn công các siêu máy tính của Trung Quốc ».
Thứ Sáu, 21/06/2019, bộ Thương Mại Mỹ thông báo đưa thêm 5 doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc vào « danh sách đen ». Những doanh nghiệp này không được phép giao thương với các tập đoàn Mỹ với lý do đây là những công ty tiềm ẩn nhiều rủi ro gây hại an ninh quốc gia và các lợi ích đối ngoại của Mỹ.
Trong số này có hãng Sugon, một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại siêu máy tính Trung Quốc, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ quân sự cho đến cả dự báo thời tiết ; một hãng liên doanh Mỹ – Trung, đặc biệt là Viện nghiên cứu Vô Tích Giang Nam (Wuxi Jiagnan), trực thuộc quân đội, được cho là có vai trò quan trọng trong chương trình « hiện đại hóa quân đội Trung Quốc ».
Việc đưa thêm những doanh nghiệp này vào danh sách đen cho thấy mạng 5G không chỉ là mối bận tâm duy nhất của Mỹ. Những chiếc siêu máy tính cực mạnh này được sử dụng rất nhiều trong nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và điện toán lượng tử, hai lĩnh vực rất được ưa chuộng và quan trọng cho tương lai các ngành công nghệ mới. Đối với Hoa Kỳ và nhiều cường quốc khác, việc làm chủ những chiếc máy này là một thách thức chính trị thật sự.
Liên quan đến công nghệ mạng 5G, Les Echos cho biết thêm « Hoa Kỳ không muốn 5G ʺMade in Chinaʺ ». Nhật báo kinh tế trích dẫn thông tin từ tờ Wall Street Journal cho hay Washington rất có thể sẽ cấm các trang thiết bị 5G sản xuất ở Trung Quốc, hiện đang được triển khai trên các mạng lưới viễn thông của Mỹ.
Nếu lệnh cấm này được thông qua, đây sẽ là một « bước ngoặt » trong chuỗi « dây chuyền cung ứng » của các nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông. Ericsson và Nokia cũng như là Samsung, có nguy cơ phải di dời một phần các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc sang một số nước khác để có thể tiếp tục cung cấp thiết bị cho thị trường Mỹ.