Đại lễ kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo

Đại lễ kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo

.

\"\"
Trong lễ khai sáng ra một tôn giáo của người Việt Nam. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

WESTMINSTER, California – Trong bầu không khí long trọng nhưng không kém phần ấm cúng và thân mật, có khá đông đạo hữu, đồng hương cùng đại diện các tổ chức, đảng phái, dân cử và hội đoàn vùng Little Saigon đến tham dự Đại Lễ 18/5 để chia vui cùng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo.

Đại Lễ 18/5, kỷ niệm năm thứ 80 Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, được Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức vào sáng Chủ Nhật, 23 Tháng Sáu, 2019, tại hội trường nhật báo Việt Báo, Westminster.

Trên sân khấu là bàn thờ với đạo kỳ màu nâu, bức chân dung Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và bản đồ Việt Nam trên nền màu nâu đất.

Ông Trần Văn Vui, phó hội trưởng nội vụ của Hội Đồng Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, kiêm trưởng ban tổ chức, cho biết đây là lễ lớn nhất của giáo hội, bất cứ nơi đâu trên thế giới có tín đồ Hòa Hảo đều có tổ chức lễ này, vì đây là lễ khai sáng ra một tôn giáo của người Việt Nam.

Theo ông, vào ngày 18 Tháng Năm, 1939, trong lúc vận nước nổi trôi, nhân tâm ly tán, đạo lý suy vi thì Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã khai sáng một tôn giáo mới tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) để cứu nhân độ thế. Chuyển hóa ngôn ngữ của Đức Phật Như Lai qua ngôn ngữ và văn hóa Việt, đặc trưng miền văn hóa sông nước vùng Nam Bộ. Tính từ ngày ấy đến nay đã tròn 80 năm hiện diện trong lòng dân tộc.

Trước năm 1975, đại lễ này được tổ chức tưng bừng suốt ba ngày đêm, với hàng triệu người từ khắp nơi đổ về thánh địa Hòa Hảo hân hoan mừng lễ, bên dòng sông Cửu Long hiền hòa và đồng lúa xanh tươi trù phú. Đại lễ còn được xem như một dịp để tín đồ hành hương về nơi khai sinh ra Phật Giáo Hòa Hảo.

\"\"
Ban lễ tế trước bàn thờ. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Từ khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản, nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã phải bỏ xứ ra đi nhưng lòng luôn đau đáu hướng về quê nhà, mong một ngày được trở về chung vui cùng đồng đạo khi đất nước thoát khỏi chế độ Cộng Sản bạo quyền.

Ông Trần Văn Cao, trưởng ban Phổ Thông Giáo Lý, diễn giải sơ lược về tiểu sử Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, nguồn gốc và sứ mạng của Phật Giáo Hòa Hảo.

Tiếp đến, đạo hữu Bảo Bình đọc ý nghĩa ngày khai sáng đạo 18/5, và trần thuật về những giai đoạn lịch sử. Theo đó khi sáng lập đạo, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chủ trương lấy nền tảng từ Đạo Phật với giáo lý từ Đức Phật Thích Ca, nhưng tu hành đơn giản (tại gia), phù hợp với phong cách và nếp sống của người miền Tây Nam Bộ. Chỉ trong vòng tám năm từ 1939 đến 1947 Phật Giáo Hòa Hảo đã có số tín đồ lên đến hơn 2 triệu người, đến năm 1975 toàn quốc có hơn 3 triệu tín đồ, và ngày nay cả trong và ngoài nước con số tín đồ đã là hơn 8 triệu, Phật Giáo Hòa Hảo trở thành một trong năm tôn giáo lớn của Việt Nam.

Phật Giáo Hòa Hảo thực hành đạo pháp trong lòng dân tộc với giáo thuyết tu nhân và tứ ân hiếu nghĩa là ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân đồng bào nhân loại, ân tam bảo (Phật, Pháp, Tăng); theo ba phương cách là trị bệnh độ đời, thuyết pháp độ đời, kệ giảng độ đời.

“Phật xuất An Giang đủ phép màu
Giáo truyền đạo thức thật cao sâu
Hòa trong sanh chúng gieo điều thiện
Hảo ý đưa về kiến cửu châu”

Với ý nghĩa đó, Phật Giáo Hòa Hảo luôn nguyện cầu cho đất nước được thật sự có tự do, dân chủ, nhân quyền; nhân dân được sống trong ấm no hạnh phúc.

\"\"
Một tiết mục ca diễn thi sấm do ban văn nghệ Hồng Quyên đảm trách. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Ngày đại lễ năm nay, do sức khỏe sa sút nên Tiến Sĩ Lê Phước Sang, chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, không thể có mặt. Bằng điện thoại, ông gửi lời chào mừng đến quan khách và cử tọa.

Từ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Điền, hội trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy, cho biết vì giáo hội do ông làm hội trưởng không nằm trong giáo hội do chính quyền kiểm soát nên không thể tổ chức đại lễ và phải tổ chức âm thầm tại nhà một đạo hữu. Ông cũng gửi lời chúc mừng đến các tín đồ hải ngoại nhân ngày đại lễ này.

Cũng trong tâm tình đó, những lời chúc mừng đại lễ từ Việt Nam gửi đến cử tọa (qua audio) của các vị như Hòa Thượng Thích Không Tánh, phó Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đồng chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn, Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam; ông Hứa Phi, chánh trị sự đạo Cao Đài chân truyền, trưởng ban đại diện khối Nhơn Sanh, đồng chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Quốc Nội; Mục Sư Nguyễn Hoàng Hoa, tổng thư ký Giáo Hội Liên Hữu Lutheran Việt-Mỹ, đồng chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn; đạo hữu Phật Giáo Hòa Hảo Lê Văn Sóc, phó hội trưởng Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy, cựu tù nhân lương tâm.

Ngoài những lời chúc mừng, mọi người đều gửi gắm tâm nguyện cho quê hương, dân tộc; đoàn kết cùng các tổ chức, tôn giáo, hội đoàn trước hoạ xâm lược của Trung Quốc và nguyện cho quê hương sớm thoát đại nạn Cộng Sản.

Đại diện cho quan khách là Luật Sư Đinh Thạch Bích, cựu thứ trưởng Bộ Chiêu Hồi VNCH, ông kể lại những kỷ niệm và cơ duyên của ông với Phật Giáo Hòa Hảo từ hơn nửa kỷ trước.

Buổi lễ năm nay đặc biệt có phần diễn ca kịch của ban văn nghệ Hồng Quyên và danh đàn sĩ Nghiêm Phú Phát. Cũng không thể thiếu các bài diễn ngâm thơ sấm của Đức Huỳnh Giáo Chủ và bài vọng cổ mượt mà giai điệu của miền Tây Nam Bộ hiền hòa. (Uyên Vũ)

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment