Đua xe kêu gọi hiến tủy, ba cua-rơ RAAM gốc Việt về đích trước thời hạn

ĐẰNG GIAO / Người Việt –

Đua xe kêu gọi hiến tủy, ba cua-rơ RAAM gốc Việt về đích trước thời hạn

.

\"\"
Ba cua-rơ về đích trước thời hạn, từ trái, Đặng Dzũng, Đỗ Lâm, Phạm Tâm. (Hình: Đặng Dzũng cung cấp)

MISSOURI – “Team SuperMarrow,” gồm tám cua-rơ, trong đó có ba người gốc Việt là Bác Sĩ Đỗ Lâm, Linh Mục Phạm Tâm và ông Đặng Dzũng khởi hành từ Oceanside, California hôm 15 Tháng Sáu đã đến đích tại Annapolis, Maryland, lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật, 23 Tháng Sáu, trước thời hạn 22 tiếng.

Cuộc đua mang tên “Race Across America” (RAAM).

Nhóm “Team SuperMarrow” lập tức lái xe quay về California. Khi phóng viên Người Việt gọi điện thoại phỏng vấn, họ đang lái qua tiểu bang Missouri.

Ông Đặng Dzũng, thành viên kỳ cựu nhất đội, cho biết: “Chúng tôi về chót. Nhưng mục đích chính của chúng tôi là kêu gọi sự chú ý đến việc hiến tủy giúp chống ung thư máu. Và về việc này, chúng tôi đã rất thành công.”

Trước khi đến đích, họ đã thành công rồi vì số người ghi danh hiến tủy đã gia tăng thấy rõ.

“Trong vài ngày gần đây, nhiều người đã ghi danh hiến tủy vì đội Team SuperMarrow” dự thi RAAM, bà Carol Gillespie, giám đốc điều hành Asian American Donor Program, cho biết.

Bằng giọng thành khẩn, ông Đặng Dzũng nói: “Nếu cuộc đua này của đội ‘Team SuperMarrow’ mà có thể cứu sống được một mạng người thì đó là thành công rực rỡ cho tất cả anh em chúng tôi.”

Ông chia sẻ mấy vần thơ ông viết về cuộc đua RAAM: “Chuyến đi gói đủ thăng trầm/ Hoan ca mấy độ, lỡ lầm bấy nhiêu/ Bút thơ nghiêng ngả cũng nhiều/ Tám ngày thiếu rượu, hắt hiu cõi lòng.”

Cũng không quan tâm đến thứ hạng, các thành viên khác chỉ thích ôn lại những chuyện căng thẳng suốt cuộc đua.

“Trước khi vào cuộc, cả đội, ai cũng lo là không kịp về đích trong chín ngày. Không ngờ chúng tôi chỉ cần có tám ngày, hai tiếng 19 phút mà thôi,” Bác Sĩ Đỗ Lâm, đội trưởng đội “Team SuperMarrow,” mừng rỡ nói trong niềm vui chiến thắng.

“Theo quy định cuộc thi RAAM, đội tám người của chúng tôi có chín ngày để đạp xe từ Oceanside, California, đến Annapolis, Maryland. Đạp xe ngày đêm, vượt 12 tiểu bang, mỗi ngày ngủ chừng một tiếng rưỡi không phải là chuyện dễ dàng, nhất là cho những người mới đạp lần đầu như tôi,” ông tiếp.

Nhưng rồi tất cả những gian khổ, khó khăn trong thời gian qua, dù có đến mấy đi nữa, giờ đã trở thành những kỷ niệm không quên cho những cua-rơ gốc Việt cố gắng cống hiến con tim, sức khỏe và nghị lực hơn người của mình, đạp xe qua chặng đường 3,070 dặm khó khăn nhất thế giới để kêu gọi mọi người ghi danh hiến tủy giúp chống ung thư máu.

Ôn lại quãng đường vừa chinh phuc được, ông Lâm kể: “Với tôi, thời gian hồi căng thẳng nhất là 61 giờ đầu tiên.”

Ông giải thích: “Nếu không đến Durango, Colorado, trong 61 tiếng thì toàn đội bị loại ngay. Và chúng tôi đến cột mốc đầu tiên này trong 58 tiếng.”

Đội cua-rơ gặp trở ngại thiên nhiên khó khăn tại Monument Valley, Arizona. “Đến đây, chúng tôi bị giông bão rồi mưa đá. Đá lớn và lạnh lắm, nhưng cô Michelle Deisch (một bạn đồng đội) và tôi cương quyết đạp, cỡ nào cũng đạp,” ông kể.

Rồi cả đội bị phạt trừ đi một giờ vì phạm lỗi “caravan” (đạp xe nối đuôi nhau quá sát, gây cản trở lưu thông).

Ông cười: “Ấy là chưa kể lúc đầu và cuối, đội chỉ có bảy người thôi vì hai người bị bệnh, không đạp được.”

\"\"
Bằng chứng nhận về đích cuộc đua RAAM của ba cua-rơ. (Hình: Đặng Dzũng cung cấp)

Ngẫm nghĩ về thành công vừa qua, pha lẫn niềm tự hào, ông Lâm băn khoăn: “Anh có tin vào phép lạ không? Tôi nghĩ có một ‘ai đó’ ở trên cao đã chăm lo cho chúng tôi.”

Sự việc là thế này, hôm ấy, bảo trì xe đạp xong, ông Lâm mới sực nhớ ra là cái đèn pin để đi đêm, ông để quên ở cái “bumper” sau xe buýt, bên trên bảng số.

Ông nói với vẻ chưa tin: “Xe buýt đã chạy hơn 50 dặm từ lúc tôi để đèn ở đó. Vậy mà khi tôi chạy ra tìm thì nó vẫn còn đó.”

Ông nhấn mạnh: “Nên nhớ là đường gập ghềnh lắm, đúng ra cái đèn phải rớt từ lâu rồi.”

Không có đèn pin đi đêm, có thể kết quả của đội cua-rơ đã thay đổi hoàn toàn.

Đang lái xe, ông Đặng Dzũng góp chuyện: “Anh Lâm theo Công Giáo thì nghĩ đây là phép lạ. Người theo Phật Giáo thì nói, ‘Có ông bà phù hộ.’ Mà cả cuộc đua này, phải có sự độ trì của ‘ai đó,’ chứ không phải dễ gì mà về được đến đích trước thời hạn như đội chúng tôi. Không thể nói tất cả là nhờ sức mình.”

Cả ba cua-rơ gốc Việt tham dự RAAM đều có liên quan mật thiết với bệnh nhân ung thư máu.

Bác Sĩ Đỗ Lâm có con trai đầu lòng, mới 18 tháng bị ung thư máu. Như một phép lạ, con ông được cứu sống nhờ nhận được tủy tương thích từ một người Nhật.

Linh Mục Tâm Phạm cho biết ông có mặt trong cuộc đua này để cổ súy việc kêu gọi người gốc Á đi hiến tủy vì ông có hai linh mục là bạn thân thiết ở Houston, Texas, hiện bị ung thư máu và đang chờ người hiến tủy.

Ông Đặng Dzũng có cha qua đời vì chứng ung thư máu.

Ghi danh hiến tủy là một chuyện, nhưng để được gọi hiến tủy thật sự là chuyện khác xa. “Tôi ghi danh cả 29 năm nay mà vẫn chưa ai gọi cả,” Bác Sĩ Lâm cho hay.

Xong cuộc đua RAAM, ba cua-rơ gốc Việt này trở về đời sống thường nhật.

Ông Đặng Dzũng, đang nghỉ hưu, về San Jose, California, tiếp tục rèn luyện thân thể để tham dự những cuộc đua có ý nghĩa khác trong tương lai.

“Tôi hy vọng sẽ chiêu mộ đủ tám cua-rơ gốc Việt để đua trong năm 2020. Tôi luôn luôn muốn gây quỹ mua xe đạp cho trẻ em nghèo ở làng quê Việt Nam,” ông chia sẻ.

Bác Sĩ Đỗ Lâm tiếp tục gặp bệnh nhân ở Oceanside, California.

Linh Mục Phạm Tâm quay về Houston, Texas, lo việc đạo ở nhà thờ và cũng khám bệnh cho bệnh nhân vì ông còn là một bác sĩ.

Từ Ấn Độ sang, anh Arham Shaikh, ở tuổi 25, là người trẻ nhất trong cuộc đua RAAM từ trước đến giờ.

Đồng thời, anh cũng là cua-rơ Ấn Độ trẻ nhất tham dự cuộc đua RAAM này.

Anh Shaikh nói: “Rời điểm khởi hành, tôi đạp xe cùng đồng đội; nhưng khi đến đích, tôi đạp cùng một gia đình mới.”

Thống kê từ Asian American Donor Program cho thấy, trong lúc người da trắng có tới 77% cơ hội tìm được người có tủy tương thích, người gốc Á Châu chỉ có 41% thôi.

Chính vì muốn tỉ số này cao hơn, đội “Team SuperMarrow” kêu gọi mọi người cùng ghi danh hiến tủy để cứu sống những người bị ung thư máu, một nghĩa cử vô cùng cao quý.

Để ghi danh hiến tủy, vào TeamSuperMarrow.org. (Đằng-Giao)

Bài Liên Quan

Leave a Comment