Loạt cuộc gặp và vấn đề nóng bao trùm hội nghị G20
28/06/2019
Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận về biến đổi khí hậu, tranh cãi thương mại cùng hàng loạt vấn đề nóng toàn cầu tại Hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, trong hai ngày 28-29/6.
Trong trong những nhân vật gây chú ý nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã có mặt tại Osaka và sẽ gặp gỡ nhiều đại diện đến từ nhóm các nước phát triển nhất thế giới. Ông đã gặp Thủ tướng Shinzo Abe của nước chủ nhà ít giờ sau khi chỉ trích hiệp ước quốc phòng chung với Tokyo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bước xuống từ phi cơ Không lực 1, để đến dự hội nghị G20 ở Osaka, Nhật. (Ảnh: NY Times) |
Các bộ trưởng thương mại ở tâm điểm
Các bộ trưởng thương mại và lãnh đạo ngân hàng G20 từ lâu đóng một vai trò chủ chốt trong việc tổ chức và điều hành hội nghị của nhóm. Tuy nhiên, ở hội nghị năm nay, có rất nhiều vấn đề lớn liên quan đến họ.
Theo báo NY Times, Trung Quốc mang đến hội nghị Osaka mục tiêu rõ ràng là sẽ đưa ngôn ngữ vào thông cáo chung của hội nghị lên án các hành động đơn phương về thương mại. Điều này là nhằm huy động dư luận thế giới phản đối việc ông Trump áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa mà Trung Quốc xuất sang Mỹ mỗi năm.
\”Chúng tôi hy vọng hội nghị Osaka sẽ tạo nên sự đồng thuận ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, phản đối chú nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ\”, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ, Wang Shouwen, nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh đầu tuần.
Phía Washington yêu cầu Bắc Kinh mở cửa hơn nữa cho nhập khẩu và mua thêm hàng hóa Mỹ. Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Vì vậy, nước này được phép duy trì nhiều hàng rào thương mại, chẳng hạn như đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu, mà các nước công nghiệp hóa không được hưởng.
Kỳ vọng giải quyết toàn diện nhiều vấn đề thương mại gây chia rẽ giữa Bắc Kinh và Washington là rất thấp. Giới đầu tư ở các thị trường tài chính hiện đang trông chờ dấu hiệu ông Trump có thể đồng ý không áp thuế cao hơn đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Những nụ cười và những cái bắt tay
Tổng thống Trump khởi đầu một ngày đầy hoạt động ngoại giao bằng cuộc gặp Thủ tướng chủ nhà Shinzo Abe. Hai người ngồi vào bàn cùng với các cố vấn cấp cao, dành cho nhau những nụ cười và những cái bắt tay khi cuộc gặp bắt đầu.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng hai bên sẽ bàn về thương mại và quân sự, không nhắc gì đến những than phiền ông đưa ra mới đây trên kênh Fox Business về hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật. Hiệp ước được ký năm 1951 yêu cầu Mỹ bảo vệ Nhật Bản, và lãnh đạo Nhà Trắng bình luận rằng nếu Mỹ bị tấn công thì người Nhật chỉ \”ngồi xem trên tivi Sony\”, ám chỉ một hiệp ước bất cân bằng.
Theo NY Times, ông Trump đã đến Trung tâm Triển lãm quốc tế, được biết đến là Intex Osaka, và được ông Abe đón tiếp, sau đó họ chụp ảnh cùng nhau.
Nghị trình gồm thương mại, phụ nữ và biến đổi khí hậu
Trong hai ngày họp thượng đỉnh, các lãnh đạo G20 sẽ thảo luận một loạt chủ đề, trong đó có các rủi ro kinh tế toàn cầu, tranh chấp thương mại, đầu tư và tăng trưởng việc làm, đổi mới và trí tuệ nhân tạo, và phụ nữ ở nơi làm việc.
Một số nước hy vọng sẽ tập trung vào hành động tập thể chống biến đổi khí hậu, một chủ điểm gây tranh cãi lâu nay.
Nhật nhấn mạnh đến vấn đề rác thải nhựa ở các đại dương và vùng biển thế giới. Trong một thách thức trực tiếp nhằm vào người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dọa sẽ không ký bất kỳ tuyên bố chung chính thức nào trong cuộc họp mà không bao gồm một sự phê chuẩn Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Ông Trump từng gọi biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp, phản bác các nguyên nhân của nó và tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
Nhóm G20 quy tụ ở Osaka năm nay gồm các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nước cùng Liên minh châu Âu. Ngoài Mỹ và EU, các đại diện dự hội nghị đến từ của Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Canada, Ảrập Xêút, Anh, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Nga, Nam Phi, Indonesia, Argentina và Australia.
An ninh được thắt chặt xung quanh địa điểm hội nghị G20 ở Osaka, Nhật. (Ảnh: NY Times) |
Cuộc gặp Trump–Putin, Trump-Tập
Bên lề hội nghị, Tổng thống Trump dự kiến gặp một số nguyên thủ thế giới, nhưng dư luận đổ dồn vào hai cuộc gặp quan trọng của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29/6.
Ông Trump đã bày tỏ hy vọng sẽ làm mới mối quan hệ với ông Putin. Nếu diễn ra như dự kiến, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của họ sau khi công tố viên đặc biệt Roberts Mueller công bố báo cáo điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Hai vị tổng thống đã lên kế hoạch gặp nhau năm ngoái nhưng ông Trump hủy vào phút chót, viện dẫn Nga bắt giữ ba tàu hải quân cùng các thủy thủ đoàn của Ukraina. Hai ông gặp nhau chính thức lần cuối là tại Helsinki, Phần Lan.
Bao phủ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung là cuộc thương chiến đang diễn ra khốc liệt giữa hai bên. Các nỗ lực đạt thỏa thuận trước đó đã đổ vỡ, và các đòn trả đũa thương mại mà hai bên giáng vào nhau đã khiến nền kinh tế thế giới chao đảo.
Tổng thống Trump dự kiến gặp trực tiếp ít nhất 9 nhà lãnh đạo tại G20. Hôm nay (28/6), ông có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ngày mai, ông gặp Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Osaka – nơi tổ chức hội nghị
Với nhiều nguyên thủ và các nhân vật quan trọng cùng tới đây, giới chức Nhật đã triển khai các biện pháp an ninh chặt chẽ để đảm bảo cho hội nghị diễn ra suôn sẻ.
Theo báo chí nước này, 32.000 sĩ quan cảnh sát được huy động bảo vệ thành phố.
Thanh Hảo