50 năm chinh phục Mặt Trăng qua 50 con số: Những người hy sinh vì Apollo

50 năm chinh phục Mặt Trăng qua 50 con số: Những người hy sinh vì Apollo

Richard HollinghamBBC Future

  • 1 tháng 7 2019
\"NASA\"/

Nhân kỷ niệm 50 năm chuyến du hành của tàu vũ trụ Apollo đáp xuống Mặt Trăng, ta nhớ về những người đã làm việc, những phi hành gia đã thiệt mạng và làm nên lịch sử.

400 ngàn: Là số người tham gia dự án Apollo

Neil Armstrong là một trong những phi hành gia nổi tiếng nhất của Nasa.

Ông là người đã đáp xuống Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969. Yếu tố thành bại của cuộc hạ cánh đầu tiên lên Mặt Trăng phụ thuộc vào kỹ năng, phản ứng và chuyên môn của nhà phi hành gia này.

Với cánh đồng đầy đá tảng bên dưới, chuông báo động réo liên hồi và nhiên liệu dần cạn kiệt, ông đã lèo lái con tàu vũ trụ hạ cánh thành công.

Nhưng trong vài cuộc chuyện trò và phỏng vấn mà Armstrong có đề cập đến cuộc hạ cánh, ông luôn khiêm tốn về thành tích của mình. Thay vào đó, ông nói đến hàng ngàn người đã khiến cuộc du hành thành công.

Vào lúc đỉnh điểm, Nasa ước tính có tổng số 400.000 người, gồm cả nam giới và phụ nữ trên khắp Hoa Kỳ làm việc trong chương trình Apollo.

Con số này bao gồm tất cả mọi người từ phi hành gia đến chuyên viên điều khiển bay, đối tác đến đơn vị cung cấp thực phẩm, kỹ sư, nhà khoa học, y tá, bác sĩ, nhà toán học và lập trình viên.

Để hiểu bằng cách nào Nasa có được con số đó, chúng ta hãy xem xét chỉ một khía cạnh đơn lẻ của Apollo 11, nhiệm vụ đáp xuống Mặt Trăng.

Phụ lái, cánh tay phải của Armstrong là Buzz Aldrin. Trên mặt đất, có cả một căn phòng đầy chuyên viên kiểm soát chuyến bay.

Đứng đằng sau nhóm nòng cốt gồm 20-30 người (mỗi ca) này là hàng trăm kỹ sư ở Houston và một nhóm tại Học viện MIT ở Boston cố vấn về hệ thống cảnh báo máy tính.

\"NASA\"/
Image captionHàng trăm ngàn người đã làm việc để một nhóm phi hành gia có thể đáp xuống bề mặt Mặt Trăng

Bộ phận Kiểm soát được hỗ trợ bởi hệ thống các trạm liên lạc đặt khắp nơi trên thế giới, và bởi nhóm kỹ sư tại Công ty Grumman vốn đã thiết kế tàu hạ cánh, cùng tất cả các nhà thầu phụ của hãng. Bên cạnh họ là lực lượng hỗ trợ, từ giám đốc cao cấp đến người bán cà phê – tính sơ sơ đã lên đến con số hàng ngàn người.

Nhân con số đó với tất cả các thành phần khác của dự án – từ tên lửa đến bộ đồ phi hành gia, từ hoạt động liên lạc tới nhiên liệu, từ thiết kế tới huấn luyện, từ khâu phóng tàu đến khi trở về Trái Đất… thì 400.000 người xem ra vẫn là con số khiêm tốn.

400.000 con người hỗ trợ cho hành động của một người duy nhất.

38: Là độ tuổi trung bình của các phi hành gia tham gia Chương trình Apollo

Armstrong không phải là người được chỉ định đặc biệt làm phi hành gia cho chuyến đáp xuống Mặt Trăng đầu tiên; phi hành đoàn của ông là lựa chọn kế tiếp trong chu trình luân phiên.

Nếu như tàu Apollo 11 không đáp xuống được thì nhiều khả năng chỉ huy tàu Apollo 12 là Pete Conrad đã là người đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng.

Trong thực tế, mặc dù họ đại diện cho cả nhân loại, các phi hành gia trên tàu Apollo có tuổi tác, tiểu sử, năng lực, và trải qua quá trình huấn luyện cực kỳ giống nhau.

\”Tôi nghĩ quan trọng là ta phải nhớ đến nhóm người độc đáo đã được chọn để tham dự vào Dự án Apollo,\” Teasel Muir-Harmony, giám tuyển về Tàu vũ Trụ Apollo tại Bảo tàng Quốc gia Smithsonian về Hàng không và Vũ trụ ở Washington DC, nói.

\”Mỗi phi hành gia [trên tàu Apollo 11] đều sinh năm 1930, tất cả họ đều từng trong quân ngũ, tất cả đều là phi công và tôi tin rằng tất cả họ đều theo đạo Thiên Chúa – vì vậy họ đạt những tiêu chuẩn rất chặt chẽ mà thời đó đòi hỏi phi hành gia phải có.\”

\"NASA\"/
Image captionRất nhiều phi hành gia trên tàu Apollo tương tự nhau về độ tuổi và có tiểu sử gần giống nhau

Ở tuổi 38, Armstrong là đồng chỉ huy (cùng với Tom Stafford và Gene Cernan) trẻ nhất trên tàu Apollo.

Charlie Duke, phi công điều khiển tàu Apollo 16 khi ấy 36 tuổi và là người trẻ nhất đặt chân lên Mặt Trăng.

Người lớn tuổi nhất dạo bước trên Mặt Trăng là phi hành gia người Mỹ đầu tiên tên Alan Shepard. Đến khi nhiệm vụ Apollo 14 của ông được thực thi vào năm 1971, ông đã 47 tuổi.

Kỷ lục về người lớn tuổi nhất bay vào không gian thuộc về phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái Đất. John Glenn 77 tuổi khi ông tham gia một nhiệm vụ kéo dài chín ngày trên trạm không gian Discovery vào năm 1998.

12: Là số phi hành gia thực sự lái tàu và đặt chân lên Mặt Trăng

33 người bay trên các chuyến đi của tàu Apollo 11.

Trong số đó, 27 người đã đến Mặt Trăng, 24 người bay vào quỹ đạo Mặt Trăng – nhưng chỉ có 12 người đặt chân xuống bề mặt Mặt Trăng. Họ đại diện cho \”nhân loại\” và thử thách của họ là truyền tải được trải nghiệm đó cho khán giả toàn cầu.

Không ai biết liệu Neil Armstrong đã nói gì khi ông bước xuống bề mặt Mặt Trăng. Ông chưa từng kể về điều đó với ai, mặc dù những lời ông nói, \”Đây chỉ là một bước nhỏ với một người, nhưng là bước tiến lớn cho nhân loại\”, là những lời lẽ thơ mộng và phù hợp nhất nếu có một hội đồng viết diễn văn chuẩn bị cho ông.

Nhưng bạn sẽ nói gì nếu bạn là người thứ hai bước chân lên bề mặt Mặt Trăng? Buzz Aldrin tóm tắt về cảnh quan Mặt Trăng cằn cỗi chỉ trong hai từ mô tả hoàn hảo điều đó như sau: \”Sự hoang vu tráng lệ\”.

\"NASA\"/
Image captionChỉ có 12 người từng đặt chân hoặc lái phương tiện trên bề mặt Mặt Trăng

Người thứ ba đặt chân lên Mặt Trăng và là một trong những phi hành gia có chiều cao thấp, Pete Conrad, đã chạy quanh một vòng. \”Whoopie!\” Conrad nói. \”Trời ạ, đó có thể là bước nhỏ với Neil chứ là một bước dài với tôi.\”

Conrad đã định ra phong cách cho những nhiệm vụ trong tương lai. Trong khi những đoạn ghi âm cho thấy quá trình hạ cánh của Armstrong và Aldrin có vẻ khá nghiêm trang, khi nhiệm vụ dần tiến triển, thì những phi hành gia đặt chân lên mặt trăng còn tỏ ra hồ hởi hơn. Khi Charlie Duke bước xuống Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 16, ông không thể kìm chế sự hứng khởi: \”Trời ơi… tuyệt vời quá!\” Trong suốt chuyến du hành, Duke và chỉ huy John Young không hề che giấu sự nhiệt tình, hào hứng.

Nhưng khi trở về Trái Đất, cũng như những phi hành gia khác từng đặt chân lên Mặt Trăng – Duke và gia đình ông cảm thấy khó thích nghi trở lại. Bạn sẽ làm gì tiếp theo sau khi đã đặt chân lên Mặt Trăng?

\”Chúng tôi nhận ra rằng sau khi nhiệm vụ Apollo kết thúc, cuộc hôn nhân của chúng tôi thực sự gặp rắc rối,\” Duke kể với tôi. \”Chúng tôi gần như ly hôn. Nhà phi hành gia tìm thấy mục đích mới bên Chúa.

Những người khác cũng vất vả với tình huống tương tự. Cuộc hôn nhân của Gene Cernan tan vỡ, và Buzz Aldrin phải vật lộn với tình trạng trầm cảm và nghiện rượu. Alan Bean bày tỏ những trải nghiệm ông có vào tác phẩm nghệ thuật, Ed Mitchell thể nghiệm chủ nghĩa thần bí.

Không mấy ai nghi ngờ gì về việc Mặt Trăng đã làm thay đổi 12 người đàn ông đó. Trong lịch sử nhân loại, họ là những người duy nhất.

8: Là số các phi hành gia thiệt mạng trong nhiệm vụ Apollo

Trước khi nhóm phi hành đoàn gồm ba người trên tàu Apollo 7 cất cánh vào tháng 10/1968, tám phi hành gia Apollo đã thiệt mạng.

Người đầu tiên qua đời năm 1964 là Theodore Freeman, khi máy bay của ông, chiếc phi cơ huấn luyện T-38 – bị một con chim đâm vào, phá vỡ buồng lái và làm động cơ ngừng hoạt động. Mặc dù đã thoát ra, nhưng khi ấy ông đã quá gần mặt đất và qua đời vì bị lực tác động.

Vào ngày 28/02/1966, phi hành đoàn chính trên tàu Gemini 9 gồm có Elliot See và Charles Bassett đang chuẩn bị hạ cánh chiếc máy bay T-38 ở St Louis. Do mây mù che kín đường băng, See định vị nhầm một đoạn rẽ và đâm vào tòa nhà lắp đặt tàu vũ trụ. Các phi công thiệt mạng ngay lập tức, nhưng đáng kinh ngạc là ngoài ra không có ai khác bị thương nghiêm trọng.

\"NASA\"/
Image captionBa phi hành gia Gus Grissom, Ed White và Roger Chaffee thiệt mạng khi khoang điều hành tàu vũ trụ phát lửa trong một lần thử nghiệm trên mặt đất

Tai nạn đã khiến Tom Stafford và Gene Cernan được đưa lên làm phi hành đoàn chính cho nhiệm vụ Gemini, và cuối cùng đưa Cernan đến vai trò chỉ huy tàu Apollo 17, và ông trở thành người cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng.

Năm 1967, Nasa chuẩn bị phóng tàu vũ trụ Apollo đầu tiên. Nhưng chiếc tàu liên tục bị hỏng hóc và chỉ huy tàu, Gus Grissom, biết điều đó. Cực kỳ khó chịu, ông treo một quả chanh bên ngoài khoang giả lập tàu Apollo ở Cape Canaveral.

Vào ngày 27/01/1967, phi hành đoàn gồm Grissom, Ed White (người Mỹ đầu tiên đi bộ trong không gian) và Roger Chaffee, nằm trên ghế trong khoang phóng tàu để chạy thử nghiệm toàn bộ tàu vũ trụ. Họ bị đóng chặt trong khoang lái tròn phức hợp nhiều phần, và chiếc tàu vũ trụ có đầy khí oxy – giống như tình trạng khi họ ở trong quỹ đạo.

Cuộc thử nghiệm diễn ra theo chiều hướng xấu, mùi khó chịu xuất hiện trong khoang tàu và phi hành đoàn khó khăn khi nói chuyện với bộ phận kiểm soát. \”Chúa ơi,\” Grissom la lên: \”Làm sao chúng ta có thể đến Mặt Trăng khi chúng ta không thể trao đổi khi chỉ cách hai ba tòa nhà?\”

Sau đó, qua điện đài có tiếng: \”Lửa, tôi ngửi thấy mùi cháy.\”

Chỉ trong vài giây cả phi hành đoàn bị thiêu sống trong lửa. Họ không có cơ hội nào thoát ra.

Thảm kịch đã khiến người ta phải suy nghĩ lại toàn bộ về chương trình Apollo và cải tiến rất nhiều với tàu vũ trụ. Sự hy sinh của họ đã không vô ích.

Sau đó, trong cùng năm này, Clifton Williams thiệt mạng khi một máy bay T-38 khác rơi và Edward Givens qua đời trong một tai nạn giao thông.

Tất cả tám phi hành gia – cùng với sáu phi hành gia khác của Liên Xô – đã được tưởng niệm bằng một tấm bia do các phi hành gia trên tàu Apollo 15 để lại trên Mặt Trăng.

Tuy nhiên, vẫn còn một phi hành gia không được nêu tên trong danh sách.

Robert Lawrence lẽ ra đã là nhà phi hành gia người Mỹ gốc Phi đầu tiên. Được đặc phái tham gia một dự án trạm không gian quân sự bí mật, ông thiệt mạng vào tháng 12/1967 khi đang hướng dẫn một phi công khác thực hành kỹ thuật hạ cánh. Những kỹ năng này sau đó được sử dụng trong chương trình Tàu Con Thoi.

1: Là số lượng phụ nữ có mặt trong phòng điều khiển phóng tàu Apollo 11

Khi quan sát những tường thuật về tàu Apollo, bạn có thể nghĩ rằng đó là một dự án toàn đàn ông (da trắng). Tất cả phi hành gia đều là nam giới, tất cả nhân viên điều khiển nhiệm vụ là nam, thậm chí người dẫn chương trình truyền hình cũng là nam. Những phụ nữ duy nhất xuất hiện trên TV là vợ của các phi hành gia.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết, có hàng ngàn phụ nữ ngoài khung hình hỗ trợ cho dự án Apollo và họ đóng vai trò thiết yếu trong sự thành công của dự án này.

Có nhiều thư ký và y tá, nhà toán học và lập trình viên, những phụ nữ may trang phục cho phi hành gia và quấn cáp cho máy tính hướng dẫn tàu Apollo.

\"NASA\"/
Image captionBạn có tìm ra JoAnn Morgan trong bức ảnh này ở Trung tâm Điều khiển Phóng tàu không?

Kỹ sư điều khiển tự động JoAnn Morgan là phụ nữ duy nhất trong phòng điều hành phóng tàu Apollo 11 tại Cape Canaveral. Là kỹ sư, bà chịu trách nhiệm quản lý 21 kênh thông tin liên lạc, độ ổn định và tình trạng của tất cả các hệ thống quan sát tên lửa Saturn 5.

\”Phóng tàu là một vụ nổ có kiểm soát,\” bà nói. \”Bạn luôn có chút e ngại khi bạn trông chừng nó.\”

Là một trong số ít những phụ nữ làm việc ở vị trí cao cấp, bà thường xuyên phải đối phó với tình trạng kỳ thị giới tính, đặc biệt là khi bà mới bắt đầu.

\”Tôi nhận được những cuộc điện thoại tục tĩu, một số bình luận nói trong thang máy và một số người xô đẩy trong quán ăn,\” bà cho biết. \”Sau một thời gian, hầu hết những hành động đó không còn nữa vì nhiều người nhận ra tôi là người làm việc nghiêm túc.\”

Dù vậy, chương trình không gian vẫn chưa sẵn sàng cho phụ nữ.

\”Thậm chí khi họ xây các tòa nhà mới, họ vẫn quên rằng sẽ có thêm nhiều phụ nữ đến làm việc,\” Morgan nói.

\”Tòa nhà đầu tiên tôi làm việc chỉ có một phòng vệ sinh nữ duy nhất trong cả tòa nhà ba tầng – họ phải cải tạo một phòng vệ sinh nam ở mỗi tầng thành nhà vệ sinh nữ… vì vậy chúng tôi có nhà vệ sinh nữ với bồn tiểu đứng.\”

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Bài Liên Quan

Leave a Comment