Chiến dịch chống ma tuý của Philippines có thểbị LHQ điều tra
.
Hơn hai chục quốc gia chính thức kêu gọi Liên Hiệp Quốc tiến hành điều tra hàng ngàn vụ giết người diễn ra trong thời gian TT Philippines Rodrigo Duterte tiến hành cuộc chiến chống ma tuý, các nhà hoạt động cho biết.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng Iceland đã trình một dự thảo nghị quyết được phần lớn các quốc gia Châu Âu ủng hộ. Bản nghị quyết này thúc giục chính quyền Duterte hãy ngăn chặn các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật, đánh dấu lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền LHQ đã được yêu cầu lên tiếng về cuộc khủng hoảng này.
Chính quyền Duterte nhấn mạnh rằng hơn 5.000 nghi phạm buôn ma tuý bị giết trong các chiến dịch chống ma túy đều chống lại cảnh sát khi bị vây bắt.
Tuy nhiên các nhà hoạt động nói ít nhất 27.000 người đã bị sát hại kể từ khi ông Duterte đắc cử năm 2016, khi ông vận động sự ủng hộ của cử tri với những lời hứa hẹn sẽ tiêu diệt tội phạm.
Vẫn theo giới hoạt động thì một trong những nạn nhân mới nhất của chiến dịch này là bé Myka, ba tuổi, bị bắn trúng trong một vụ tấn công của cảnh sát.
Ellecer “Budit” Carlos, thành viên của nhóm iDefend có trụ sở tại Manila nói với Reuters: “Trong bối cảnh một cuộc xung đột phi vũ trang, đây rõ ràng là trường hợp tệ hại nhất trên thế giới về các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật.”
Vào ngày 12/07 tới, Hội đồng Nhân quyền LHQ có trụ sở tại Geneva dự kiến sẽ bỏ phiếu về nghị quyết này. Philippines nằm trong số 47 quốc gia thành viên của hội đồng.
Đại sứ của một nước Châu Á không tiết lộ danh tính nói với Reuters rằng nước ông sẽ không ủng hộ nghị quyết này: “Có những thứ còn tồi tệ hơn nhiều đang diễn ra trên thế giới.”
Bộ trưởng Tư Pháp Philippines Menardo Guevarra tuyên bố hôm 05/07 rằng chính phủ nước ông không cần bất kỳ ai lên tiếng đòi chấm dứt các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật, bởi vì Philippines không có chính sách tiêu diệt các nghi phạm không chống cự lại.
Ông Guevarra nói:
“Chính phủ của chúng tôi sẵn sàng đối mặt với bất kỳ chất vấn nào nếu điều đó là cần thiết để thay đổi quan điểm của những người chỉ nghe theo những thông tin mang tính chọn lọc, nếu không muốn nói là chủ quan theo kiểu ‘hóng hớt’”.
Nguồn: VOA