Nội chiến Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch để mất ủng hộ của Mỹ
- 4 giờ trước
Vào ngày 25/1/1949, dân biểu bang Massachusetts có tên John F. Kennedy phát biểu tại Hạ viện Mỹ: \”Trách nhiệm cho thất bại của chính sách ngoại giao của chúng ta ở Viễn Đông hoàn toàn là do Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao.\”
Ông Kennedy chỉ trích chính phủ Mỹ đã để Trung Quốc rơi vào tay phe cộng sản.
\”Đây là câu chuyện bi kịch của Trung Quốc,\” ông nói.
Vị tổng thống tương lai đã quy tội cho Tổng thống Harry Truman và các nhà ngoại giao Mỹ đã để cho Mao Trạch Đông đánh bại Tưởng Giới Thạch.
Tạp chí Time, của ông Henry Luce là người ủng hộ Tưởng Giới Thạch, đặt câu hỏi \”Ai để mất Trung Quốc\”.
Tổng thống Truman không im lặng. Tháng 8/1949, Bộ Ngoại giao công bố tài liệu biện hộ.
Trong Sách trắng Trung Hoa, bộ này nói chính Tưởng Giới Thạch đã để mất nước.
Sách này nói ông Tưởng có chế độ tham ô, độc tài, bỏ qua lời khuyên của Mỹ, đưa tướng tá bất tài nắm quân đội.
Cuộc tranh cãi ở Mỹ giữa hai phe về nguyên do nội chiến Trung Quốc năm 1949 kết thúc với thắng lợi của đảng Cộng sản, kéo dài đến ngày nay với hai quan điểm căn bản như ở trên.
Trở lại năm 1945, Nhật hoàng Hirohito loan báo Nhật đầu hàng vào ngày 15/8/1945.
Cùng thời gian, Liên Xô mở chiến dịch giải phóng Mãn Châu và miền bắc Triều Tiên.
Tại Trung Quốc, cả Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch lúc này chuẩn bị cho nội chiến tái tục.
Nhưng Liên Xô và Mỹ đều không muốn xảy ra nội chiến mà có thể kéo hai đại cường vào.
Harry Truman và Joseph Stalin gây sức ép buộc Mao và Tưởng gặp nhau ở thủ đô thời chiến của Tưởng, Trùng Khánh. Đàm phán kéo dài từ 28/8 tới 19/10 mà không đạt kết quả.
Truman gửi danh tướng George Marshall, được ca ngợi là kiến trúc sư giúp Đồng minh chiến thắng Thế chiến 2, tới Trung Quốc ngày 20/12/1945.
Mục tiêu của Truman là dành xếp ngừng bắn giữa hai phe quốc – cộng, thành lập chính phủ liên hiệp của Tưởng và Mao.
Nhưng sứ mạng Marshall không có cơ hội thành công ngay từ đầu, do cả ba bên đều nghi ngờ nhau.
Tưởng Giới Thạch không thích gì người Mỹ. Trong nhật ký, ông Tưởng thường xem người Mỹ là ngây thơ, thiếu trưởng thành. Và dĩ nhiên, ông ghét cay đắng phe cộng sản.
Dẫu vậy, trong ba tháng đầu, trông cứ như Marshall đã đạt tiến bộ.
Tưởng Giới Thạch phải nhượng bộ Marshall để còn có ủng hộ an ninh và vũ khí của Mỹ.
Phe cộng sản lúc này cũng nhượng bộ vì đang yếu hơn về quân sự, và Joseph Stalin ép Mao Trạch Đông không được gây chiến.
Vì thế, Marshall dàn xếp được thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực từ ngày 10/1/1946.
Hai phe quốc – cộng cũng đồng ý về nguyên tắc rằng quân cộng sản sẽ sáp nhập vào quân đội quốc gia do Tưởng cầm đầu.
Tướng Marshall quay về Washington ngày 13/3/1946 để báo cáo cho Truman.
Nhưng Marshall vừa đi, Tưởng ra lệnh tấn công, hy vọng hủy diệt hồng quân của danh tướng Lâm Bưu ở Trường Xuân và Cáp Nhĩ Tân.
Đến tháng 5, Lâm Bưu phải rút quân ra khỏi Trường Xuân, chạy về Cáp Nhĩ Tân.
Đúng lúc này, George Marshall, người đã trở lại Trung Quốc, lại ép Tưởng ngừng bắn từ ngày 7/6.
Dẫu vậy, Tưởng Giới Thạch và tùy tùng tin rằng việc đánh bại phe cộng sản chỉ là vấn đề sớm muộn.
Cuối tháng 6, quân Tưởng lại tấn cộng ở Hồ Bắc và An Huy.
Đến lúc này, giải pháp thượng lượng của Mỹ chẳng còn ý nghĩa trên thực tế.
Trong tháng 7 và 8 năm 1946, Marshall cùng đại sứ Mỹ John Leighton Stuart nhiều lần gặp Tưởng Giới Thạch, cố thuyết phục Tưởng cải tổ chính trị và kinh tế. Đồng thời, Mỹ muốn Tưởng xem xét thương lượng với Mao.
Thời gian này, Tưởng than trong nhật ký rằng Mỹ đối xử Trung Quốc như con bài để thương thuyết với Liên Xô.
Mỹ càng lúc càng cho rằng họ đang ủng hộ một nhà độc tài.
Tưởng Giới Thạch có vẻ đánh giá thấp sự bực bội của Mỹ.
Tháng 7/1946, Marshall tuyên bố Mỹ cấm vận về vũ khí, đạn dược với Tưởng Giới Thạch, kéo dài đến 10 tháng.
Nhưng Tưởng vẫn tiếp tục ra lệnh tấn công phe cộng sản.
George Marshall gặp Tưởng ngày 13/10/1946, nhắc rằng ông Tưởng từng hứa sau khi đánh cộng sản được hai, ba tháng thì sẽ có thái độ nhân nghĩa.
Nhưng quân chính phủ Quốc dân của Tưởng tiếp tục tấn công.
Tháng 2/1947, Marshall rời Trung Quốc, chấp nhận thất bại.
Vui mừng vì Marshall đã biến khỏi tầm mắt, Tưởng càng lạc quan khi tháng 3 năm đó, quân Quốc dân đảng chiếm được thủ đô Diên An của đảng Cộng sản.
Nhưng ngay sau đó, chiến sự lại rơi vào thế giằng co.
Tại Washington, hai phe – Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao -tranh cãi về có giúp Tưởng Giới Thạch không.
Lầu Năm Góc nhiệt tình ủng hộ Tưởng, nhưng Bộ Ngoại giao do George Marshall làm ngoại trưởng nghĩ khác.
George Marshall cử Tướng Albert Wedemeyer sang Trung Quốc tháng 7/1947 thu thập tin tức từ chính quyền và dân chúng.
Trong báo cáo gửi tổng thống Truman, Wedemeyer yêu cầu Tưởng phải cải tổ chính trị, nhưng cũng kêu gọi Mỹ tiếp tục ủng hộ quân sự và kinh tế.
Báo cáo tới tay Truman ngày 19/9, nhưng Truman đóng dấu tuyệt mật vào báo cáo và bỏ qua nó.
Đề nghị của Wedemeyer bị cho là thiếu thực tiễn khi muốn Mỹ ủng hộ chính quyền mà Truman xem là tham ô, bất tài, trong lúc châu Âu mới là ưu tiên của Mỹ lúc này.
Sang năm 1948, quân Quốc dân đảng ngày càng gặp nhiều thất bại.
Cũng trong năm 1948, khi Mỹ chuẩn bị có bầu cử tổng thống tháng 11, Tưởng Giới Thạch thậm chí thầm hy vọng Truman sẽ thua để có người khác lên thay thế.
Nhưng Truman tái đắc cử tổng thống.
Tưởng cử vợ, Tống Mỹ Linh, tới Washington ngày 1/12 để vận động dư luận.
Mặc dù gặp cả Truman, nhưng bà Tống quay về trắng tay.
Đến tháng 12/1948, phía Mỹ đã kết luận rằng chẳng đáng để cứu Tưởng hay Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ John Leighton Stuart cho rằng Tưởng để mất lòng dân, và nếu cứ cố duy trì, Mỹ có thể \”bị tố cáo vi phạm nguyên tắc dân chủ về quyền tự quyết khi giúp đỡ chế độ độc tài không đại diện cho ý chí dân chúng\”.
Ngày 23/4/1949, quân cộng sản chiếm thủ đô Nam Kinh của Tưởng Giới Thạch.
Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1/10.