Một bà ở Hà Nam suốt 10 năm âm thầm chôn cất 27,000 thai nhi

Một bà ở Hà Nam suốt 10 năm âm thầm chôn cất 27,000 thai nhi

.

\"\"
Bà Đỗ Thị Cúc đi thăm mộ “các con.” (Hình: Thanh Niên)

HÀ NAM, Việt Nam – Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, một bà mua bán ve chai ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, mỗi ngày vẫn miệt mài tới bệnh viện, phòng khám, để nhận những xác thai nhi bị vứt bỏ mang về chôn cất, đồng thời cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Nhiều người cho rằng công việc của bà Đỗ Thị Cúc (49 tuổi, ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là “rỗi hơi,” nhưng khi tiếp xúc với bà, họ sẽ không còn ngạc nhiên bởi cảm nhận được sự yêu mến trẻ em vô bờ bến của bà.

Tại ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của bà Cúc, từ đầu cổng đến cuối sân, đâu đâu cũng thấy những chiếc tiểu bằng xi măng nhỏ, mà theo bà là thứ “không thể thiếu” trong suốt nhiều năm qua.

Vợ chồng bà Cúc có bốn người con, hai con trai lớn theo bố làm lao động tự do quanh vùng, hai con gái còn nhỏ đang học cấp 2. Mặc dù gia đình còn khó khăn nhưng mẹ, chồng và các con luôn ủng hộ bà Cúc “cưu mang” các thai nhi và nuôi nấng nhưng đứa trẻ bị bỏ rơi.

\"\"
Một phần mộ tập thể của 5,711 thai nhi do bà Cúc lập vào năm 2015. (Hình: Thanh Niên)

Bế bé Hồng Ân (hơn 10 tháng tuổi, con gái nuôi) trong tay, bà Cúc kể với báo Thanh Niên về “cái duyên” đến với mình: Năm 2009, nhà bà rất nghèo. Chồng đi làm thợ mộc, còn bà đi nhặt ve chai kiếm sống. Trong lúc đang nhặt phế liệu tại bãi rác, bà Cúc phát hiện một túi nylon đen. Mở ra, bà Cúc giật mình khi thấy bên trong chứa bảy xác thai nhi. Sau vài phút định thần, bà đã quyết định mang về nhà chôn cất.

“Bán số phế liệu lượm được 38,000 đồng ($1.6), tôi dùng hết để mua khăn trắng, hộp nhựa và lựa phần đất ngay trong vườn nhà để làm mộ cho các con. Vì là lần đầu nên tôi cũng chỉ biết làm như vậy,” bà Cúc nhớ lại.

Ngày hôm sau ra bãi rác mưu sinh, bà Cúc lại tiếp tục phát hiện thêm những thai nhi bị vứt bỏ. Có những thai nhi còn lành lặn, nhưng cũng có những thai nhi bị thú hoang ăn mất nhiều phần cơ thể. “Thấy các con nằm tại nơi xú uế như vậy tôi không kìm được lòng,” bà Cúc khóc kể lại.

“Khi đó, thấy tôi làm công việc này nhiều người hàng xóm dèm pha, rồi có người ác miệng nói tôi mang thai nhi về đem bán cho những nơi làm thuốc ‘trường sinh bất lão’ để trục lợi. Thế rồi công an tìm đến tận nhà, ra tận nơi chôn cất các thai nhi để điều tra họ mới tin không làm khó. Sau khi bãi rác gần nhà bị dẹp bỏ, cứ nghĩ đến những sinh linh bé nhỏ bị vứt bỏ, không nơi yên nghỉ, tôi lại đạp xe đến những bãi rác quanh vùng, tìm đến các phòng khám, bệnh viện xin mang các con về chôn cất,” bà Cúc nói.

\"\"
Bé Hồng Ân ngoan ngoãn trong vòng tay mẹ Cúc, (Hình: Thanh Niên)

Thời gian đầu các phòng khám, bệnh viện từ chối nhưng sau biết bà Cúc làm thiện nguyện bằng cả tấm lòng nên họ kêu để lại số điện thoại và hợp tác từ đó. Những hôm ít thì vài thai nhi, nhiều thì 5-10 xác.

Làm nhiều nên có kinh nghiệm, bà Cúc mua tiểu sành để đặt xác các bé vào khi chôn cất. Nhiều khi hết tiền, bà mua những tấm xi măng mang về nhờ chồng ghép lại thành tiểu để giảm chi phí. Tính tới thời điểm hiện tại, bà Cúc đã chôn cất được hơn 27,000 thai nhi bị bỏ rơi.

“Mấy năm gần đây, cứ tan mỗi buổi chợ là tôi lại đi khắp các bệnh viện, phòng khám trong và ngoài tỉnh để xin các con về. Những tháng hè, có tháng tôi mang được gần 600 thai nhi về chôn cất. Còn tính trung bình thì mỗi tháng cũng đưa về được khoảng 300 xác,” bà Cúc cho biết thêm.

Chưa hết, ngoài việc chôn cất những thai nhi không may mắn được sống, bà Cúc còn cứu những thai nhi khi hay tin cha mẹ chúng muốn vứt bỏ.

Vào năm 2014, một nữ sinh đại học lỡ mang bầu, cái thai đã hơn 8 tháng nhưng cô gái muốn phá đi. Sau khi thuyết phục, bà Cúc vay nóng hơn 11 triệu đồng để đưa nữ sinh đi đẻ. Sau đó, bà nhận cả hai bé sinh đôi về nuôi dưỡng. Đến giờ, hai cháu cũng đã được 5 tuổi. Và gần nhất nhặt được bé Hồng Ân hồi Tháng Chín, 2018.

Không muốn tình trạng phá thai, bỏ rơi các cháu bé diễn ra tràn lan, bà Cúc để lại số điện thoại tại các bệnh viện, phòng khám để khi có trường hợp phá thai nào bà sẽ được biết và tới khuyên nhủ, thuyết phục. Thậm chí, gặp trường hợp nào khúc mắc hoặc quá nghèo khó, bà giúp đỡ để giữ thai nhi lại bằng mọi cách. Đến nay, nhờ sự thuyết phục của bà Cúc, đã có 79 bé được sinh ra trên đời. 

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment