Ai Là Người Tri Kỷ Của Nàng Kiều ….

Chuly sưu tầm

Ai Là Người Tri Kỷ Của Nàng Kiều …. 
Written by Mai văn Hoan

Ai là người tri kỷ của nàng Kiều là một câu hỏi hết sức thú vị. Từ trước đến nay đã có không ít người đề cập đến vấn đề này.

Căn cứ vào chữ nghĩa trong Truyện Kiều và những mối quan hệ tình cảm của nàng Kiều, người thì nói đó là Kim Trọng, kẻ thì cho đó là Từ Hải. Người thì quả quyết: chỉ có Thúc Sinh mới thực sự là tri âm tri kỷ của Kiều…
Người Việt Nam xưa nay thường dùng cụm từ tri âm tri kỷ để chỉ những đôi bạn hoặc những cặp vợ chồng \”đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu\”. Đó là những đôi bạn, những cặp vợ chồng hiểu nhau, thương yêu nhau, luôn quan tâm đến nhau, tạo điều kiện và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tri âm, tri kỷ đều những là từ Hán – Việt mang hàm nghĩa: người bạn tâm đắc, thấu hiểu tâm tư tình cảm của mình. Bá Nha – Chung Tử Kỳ, Lý Bạch – Đỗ Phủ, Nguyễn Khuyến – Dương Khuê, Xuân Diệu – Huy Cận… là những đôi bạn như thế. Được tin Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến than thở:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa…
Tôi cho đó là những câu thơ thể hiện một cách đầy đủ, sâu sắc tình bạn tri âm tri kỷ.

Từ quan niệm về tình bạn, tình vợ chồng tri âm tri kỷ, đi sâu tìm hiểu ai là người tri kỷ của nàng Kiều. Người đầu tiên phải kể đến là chàng Kim. Mối tình Kiều – Kim là mối tình đẹp nhất, trong trắng nhất, nên thơ nhất, chung thuỷ nhất điều đó là lẽ hiển nhiên không cần phải bàn cãi. Nhưng Kim Trọng có thực sự là tri kỷ của Thuý Kiều hay không, thiết nghĩ cũng nên xem xét lại. Chàng Kim
Phong tư, tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.
Mới gặp chàng lần đầu nàng Kiều đã xao xuyến, rạo rực, mơ tưởng:
Người đâu gặp gỡ làm chi…
Kiều yêu chàng đến mức \”khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan\”…Nhưng trong quá trình tiếp xúc giữa hai người, theo tôi, có ít nhất ba lần Kim Trọng tỏ ra chưa thật hiểu nàng Kiều. Lần thứ nhất là lúc chàng nghe nàng đánh đàn:
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
Kiều vừa đàn xong, Kim Trọng \”góp ý\” ngay:
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Lựa chi những khúc tiêu tao
Dột lòng mình lại nao nao lòng người.

Nếu thực sự hiểu nội tâm của Kiều, hiểu sự tiên cảm của Kiều, chắc chàng không nhận xét và khuyên bảo một cách nông cạn như thế. Lần thứ hai là khi \”sóng tình dường đã xiêu xiêu\”, Kim Trọng đã có những cử chỉ, hành động \”ra chiều lả lơi\” với Kiều. May mà Kiều kịp thời ngăn chặn:
Thưa rằng đừng lấy làm chơi
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao…
Điều đó cũng chứng tỏ Kim Trọng chưa thật hiểu Kiều, chưa thật sự tôn trọng Kiều. Nàng phải buộc lòng dạy cho chàng bài học về \”đạo tòng phu\”. Lần thứ ba là khi hai người gặp nhau sau mười lăm năm xa cách, để giữ thể diện cho chàng và không muốn mang tấm thân ô nhục của mình vấy bẩn đời chàng nên nàng quyết định \”đem tình cầm sắt, đổi ra cầm cờ\”. Ấy thế mà trong cái đêm động phòng, Kim Trọng vẫn cố kèo nài nàng để làm \”chuyện ấy\”. Một lần nữa buộc lòng Kiều phải tìm lời lẽ thuyết phục:
Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau
Cửa nhà dù tính về sau
Thì còn em đó lọ cầu chị đây
Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan
Còn nhiều ân ái chan chan
Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi…
Bấy giờ Kim Trọng mới ân hận và thú nhận là mình đã hiểu sai về nàng:
Chừng xuân tơ liễu còn xanh
Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân…
Vì những lẽ trên, nên theo tôi, Kim Trọng chưa thật xứng đáng là người tri kỷ của Kiều.

Người thứ hai là Thúc Sinh. Mối tình Thúc Sinh – Thuý Kiều không đẹp, không trong trắng bằng mối tình Kim Trọng – Thuý Kiều. Nhưng bù lại Thúc Sinh có lẽ là người tình có nhiều điểm tương đồng với Kiều hơn cả. Thúc Sinh chính là người đã \”phục sinh\” cho Kiều. Hoàn cảnh đưa đẩy vào chốn lầu xanh, Kiều xem như mình đã chết:
Mặc người mưa Sở, mây Tần
Riêng mình nào biết có xuân là gì

Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai.
Mặc dù khách làng chơi toàn cỡ Tống Ngọc, Tràng Khanh nhưng duy nhất chỉ có Thúc Sinh là chinh phục được Kiều:
Sớm đào tối mận lân la
Trước còn trăng gió sau ra đá vàng…
Miệt mài trong cuộc truy hoan
Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.

Làm xiêu lòng một cô gái còn ngây thơ trong trắng không khó, phục sinh một phụ nữ mà cõi lòng đã băng giá còn khó hơn nhiều. Nếu không thực sự tài năng và có tấm lòng chân thực không thể làm được. Về tài cầm kỳ thi họa thì chỉ có Thúc Sinh là sánh được với Kiều. Hai người vẫn thường chơi cờ, họa đàn với nhau (Kim Trọng chỉ có nghe chứ chưa bao giờ họa đàn với Kiều). Làm thơ hay như nàng Kiều
Ví đem vào tập đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai
thế mà phải bái phục Thúc Sinh. Nàng khen thơ chàng \”lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu\”. Và kiếm cớ \”lòng còn gởi áng mây Hàng\” (nhớ cha mẹ) nên \”họa vần, xin hãy chịu chàng hôm nay\”. Thế mới biết Kiều rất nể phục Thúc Sinh (Kim Trọng chỉ làm quan chứ không hề thấy làm thơ).

Nếu không thực sự thương yêu Kiều dại gì Thúc Sinh phải vung tiền cứu Kiều ra khỏi lầu xanh và quyết chí lấy nàng làm vợ. Những ngày tháng sống với chàng Thúc là những ngày tháng nàng Kiều hết sức hạnh phúc \”hương càng đượm, lửa càng nồng\”. Vì thế nên khi chia tay Thúc Sinh, Kiều cảm thấy vô cùng cô đơn, trống trải:
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường…
Nếu Thúc Sinh nghe lời Kiều thú thực với Họan Thư, mọi chuyện chắc sẽ khác. Việc không làm theo lời dặn của Kiều, chứng tỏ Thúc Sinh cũng không thực sự hiểu Kiều, cộng với tâm lý khiếp sợ trước thế lực gia đình Họan Thư đã phá hỏng tất cả. Thúc Sinh bỏ mặc Kiều bơ vơ một mình trong cơn họan nạn:
Liệu mà xa chạy, cao bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi!
Như vậy, Thúc Sinh đâu có xứng đáng là người tri kỷ của Kiều.

Người thứ ba là Từ Hải. Không dềnh dàng \”sớm mận, tối đào\” như mối tình Thúc Sinh – Thuý Kiều. Từ Hải – Thuý Kiều vừa mới gặp nhau đã \”hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa\”. Chỉ nghe Kiều nói một đôi câu khiêm nhường là Từ Hải đã \”vừa ý gật đầu\” và xem Kiều là người \”tri kỷ\” của mình ngay. Có người nói đây là mối tình \”sét đánh\”. Thực ra, Từ Hải đến với Kiều chỉ vì sắc đẹp ‘nghiêng nước nghiêng thành\” của nàng. Còn Kiều đến với Từ chủ yếu là tìm thấy ở Từ một chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống trôi nổi, bấp bênh của mình. Không như Thúc Sinh – Thuý Kiều, cặp Từ Hải – Thuý Kiều gần như là sự tương phản. Từ Hải \”vai năm tấc rộng, thân mười thước cao\”, còn Kiều thì \”liễu yếu đào tơ\”; Từ Hải \”thanh gươm yên ngựa\”, còn Kiều thì \”cầm kỳ thi họa\”; Từ Hải bộc trực, nói năng có phần bỗ bã \”mắt xanh chưa để ai vào, có không ?\”, còn Kiều thì nói năng nhẹ nhàng, bóng bẩy, chữ nghĩa \”Tấn Dương được thấy mây rồng có phen\”… Qua cuộc đối thọai giữa Kiều và Từ Hải trong lần Kiều thuyết phục Từ Hải ra hàng, ta thấy độ vênh rất lớn giữa hai người. Từ cho rằng:
Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi
Sao bằng riêng một biên thuỳ
Sức này đã dễ làm gì được nhau…
Trong khi đó, Kiều lại khuyên Từ nên về với triều đình:
Sao bằng lộc trọng, quyền cao
Công danh ai dứt lối nào cho qua ?
Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy họ không phải là những người \”đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu\”. Việc Nguyễn Du không lần nào tả nàng Kiều đàn cho Từ Hải nghe chắc cũng có lý do của nó. Phải chăng vì Từ không phải là một Chung Tử Kỳ ? Từ Hải là ân nhân hơn là người tri kỷ của Kiều.

Vậy chẳng lẽ không có ai thật sự là người tri âm tri kỷ của Kiều ? Xin thưa: có đấy! Theo tôi, người đó không ai khác ngoài đại thi hào Nguyễn Du. Nhà thơ là người hiểu Kiều hơn ai hết, thương Kiều hơn ai hết. Chính Nguyễn Du là người cảm nhận hết vẻ đẹp hình thể tuyệt vời của nàng Kiều:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toàn thiên nhiên.
Chính Nguyễn Du hiểu và thể hiện một cách sinh động vẻ đẹp tâm hồn của Kiều. Đó là đức hy sinh, tâm hồn đa cảm, tình yêu thuỷ chung, tấm lòng vị tha của nàng. Nguyễn Du rất khâm phục tài làm thơ, tài đàn của Kiều. Và không ai thấu hiểu và cảm thông với những nỗi đau khổ mà Kiều phải chịu đựng như Nguyễn Du. Nhiều lần ông đã lên tiếng bênh vực cho nàng:
Thịt da ai cũng là người
Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau!
Tố Hữu có một câu thơ rất nổi tiếng
\”Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều\”.
Nguyễn Du đã khóc thương nàng Kiều như khóc thương một người bạn tài hoa bạc mệnh. Phải đồng cảm với Kiều đến mức nào, nhà thơ mới viết được những câu xé ruột, xé lòng:
Tuồng chi là giống hôi tanh
Thân ngàn vàng để ô danh má hồng
Thôi còn chi nữa mà mong
Đời người thôi thế là xong một đời!
hoặc
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân…

Bạn bè thì nhiều nhưng người thật sự tri âm tri kỷ rất hiếm. Gặp được người bạn tri âm tri kỷ là niềm hạnh phúc không có gì sánh được. Thật bất hạnh cho những ai trong đời không có bạn tri âm tri kỷ. Nàng Kiều đã may mắn gặp được Nguyễn Du như là sự bù đắp những nỗi khổ đau mà nàng từng chịu đựng. Và theo tôi, hai câu:
Mấy lời tâm phúc ruột rà
Tương tri dường ấy mới là tương tri,
nàng Kiều nói với Nguyễn Du có lẽ phù hợp hơn là nói với chàng Kim.

Bài Liên Quan

Leave a Comment