THANH HÀ / RFI –
Công nghệ cao: Nhật dùng lá bài \”an ninh quốc gia\” với Hàn Quốc
.
Một mặt trận chiến tranh thương mại mới đang bùng lên tại châu Á giữa Tokyo và Seoul ? Đâu là nguyên nhân sâu xa khiến Nhật Bản siết chặt xuất khẩu nguyên liệu được sử dụng trong công nghệ cao bán cho Hàn Quốc ? Tác hại đến mức nào đối với hai nền công nghiệp phát triển tại Đông Bắc Á này ? Xung khắc Nhật- Hàn có lợi gì cho Trung Quốc hay không ?
Đàm phán trực tiếp với Tokyo thất bại, Seoul cầu viện Mỹ, yêu cầu Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đứng ra làm trọng tài giải quyết tranh chấp và đòi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp. WTO đã đưa hồ sơ này vào chương trình nghị sự khóa họp đại hội đồng vào ngày 23/07/2019 tại Thụy Sĩ.
Tokyo giới hạn xuất khẩu ba loại hóa chất rất cần thiết cho ngành công nghệ bán dẫn và màn hình điện thoại thông minh của Hàn Quốc. Ba mặt hàng được dùng trong công nghệ cao đó gồm nhựa nhiệt dẻo Fluoride Polyamide để sản xuất màn hình điện thoại cầm tay hay máy tính bảng, máy vi tính ; chất quang khắc Photoresist và khí Hydrogen Fluoride trong sản xuất công nghệ bán dẫn và chip điện tử. Mọi thương vụ giữa các công ty của Nhật với khách hàng Hàn Quốc liên quan đến những mặt hàng này phải được phép của chính phủ. Thời hạn xem xét hồ sơ có thể kéo dài 90 ngày.
Chính phủ Nhật hôm 04/07/2019 viện lý do \”an ninh quốc gia\” phạt Hàn Quốc và giải thích : Thứ nhất là Seoul quản lý kém cỏi, để một số hàng bán dẫn sản xuất tại Hàn Quốc có nguyên liệu của Nhật được bán sang Bắc Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Thứ hai là ba hóa chất nói trên được Bình Nhưỡng dùng để chế tạo vũ khí hóa học và sử dụng trong chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa, đe dọa trực tiếp đến an ninh Nhật Bản. Phát ngôn viên của thủ tướng Shinzo Abe không đưa ra bằng chứng về những cáo buộc trên.
Quyết định siết chặt xuất khẩu nguyên liệu dùng trong công nghệ cao sang Hàn Quốc được đưa ra sau quyết định của tư pháp Hàn Quốc đòi các công ty Nhật bồi thường cho những nạn nhân xứ Hàn bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản xâm chiếm Triều Tiên (1910-1945).
Nhật cũng dùng đòn \”bắt chẹt\”
Không phải tình cờ mà Tokyo đưa ba mặt hàng nói trên vào danh sách cấm. Theo Cơ Quan Ngoại Thương Nhật Bản (Japan External Trade Organization), trên cả ba thị trường này, thế giới lệ thuộc đến hơn 90 % vào xuất khẩu của Nhật.
Nói một cách dễ hiểu, không có nhựa dẻo hay chất khắc quang, ngay cả đến một tập đoàn lớn như Samsung cũng không tài nào sản xuất được các bộ vi xử lý (microprocessor), bộ nhớ cho chip điện tử, hay màn hình cho máy tính bảng, màn hình tivi hay máy vi tính …
Vấn đề đặt ra là hai tập đoàn Hàn Quốc Samsung Electronics và SK Hynix đang làm chủ 70 % thị trường bộ nhớ của máy tính và các hệ điều khiển trên thế giới, là nguồn cung cấp chính cho các tập đoàn điện tử và tin học khác của Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc. Công nghệ bán dẫn và bộ nhớ điện tử chiếm đến 20 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Trước thời điểm 2010, Nhật Bản là nguồn cung cấp số 1 của thế giới, nhưng đã bị Hàn Quốc soán ngôi từ gần 2 thập niên qua. Trả lời báo Japan Times, chuyên gia Graham Ong Webb, Đại Học Công Nghệ Nayang- NTU Singapore, thẩm định thiệt hại kinh tế sẽ rất to lớn đối với Hàn Quốc.
Graham Ong Webb : \”Tôi nghĩ rằng thiệt hại đối với kinh tế Hàn Quốc sẽ khá nghiêm trọng, bởi vì như ta đã biết, công nghệ bán dẫn và bộ chip điện tử chiếm một trọng lượng rất lớn về sản xuất và xuất khẩu của Hàn Quốc. Tokyo biết rõ điều này và cố tình xoáy vào điểm nhậy cảm nhất đối với kinh tế Hàn Quốc. Tôi cho rằng thủ tướng Abe đã đạt được mục tiêu muốn nhắm tới. Nhật Bản đã ghi được một bàn thắng quan trọng. Dù vậy, nhiều nhà quan sát chỉ trích chính quyền Tokyo phạt Hàn Quốc, nhưng lại để các doanh nghiệp Nhật Bản bị vạ lây. Thêm vào đó, dây chuyền cung ứng của thế giới bị xáo trộn. Các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là trong vùng châu Á Thái Bình Dương, đã lệ thuộc nhiều vào lẫn nhau, do đó không tránh khỏi tác động dây chuyền. Các chỉ số về kinh tế, thương mại, sản xuất sẽ cho chúng ta sẽ rõ điều đó trong ba tháng sắp tới.
Thiệt hại \”hai chiều\”
Lệnh giới hạn xuất khẩu hóa chất Nhật Bản sang thị trường Hàn Quốc sẽ tác động mạnh đến toàn thế giới, bởi các tập đoàn Hàn Quốc trong lĩnh vực này là nguồn cung cấp chính cho những các nhà sản xuất từ Apple của Mỹ đến Hoa Vi của Trung Quốc.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi, trước khi đại diện chính phủ Nhật, Hàn họp tại Tokyo hôm 12/07/2019, lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, từ Samsung đến Lotte, LG Display, Huyndai… đã liên tục đối thoại trực tiếp với các nhà cung cấp Nhật Bản để \”tìm ra một lối thoát\”, ít ra là trong ngắn hạn, tránh để dây chuyền cung ứng bị gián đoạn. Bởi trong đợt đọ sức lần này, các công ty Nhật cũng nóng lòng không kém và muốn chóng khép lại xung khắc Nhật – Hàn.
Theo nghiên cứu được Viện Kinh Tế Hàn Quốc KERI công bố hôm 10/07/2019, nếu xung đột thương mại giữa Tokyo với Seoul kéo dài, hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử và bán dẫn của Hàn Quốc sẽ giảm hơn 20 %. Thiệt hại đối với phía Nhật Bản sẽ là 15,5 %.
Giáo sư Masao Okonogi đại học Keio – Nhật Bản, đánh giá, thủ tướng Abe \”lầm to\” khi phạt Seoul, bởi biện pháp này chỉ \”càng làm dấy lên tinh thần dân tộc chủ nghĩa của công luận xứ Hàn. Hậu quả kèm theo là những nỗ lực đối thoại của tổng thống Moon Jae In có nguy cơ bị phá hủy\”.
Giáo sư trường Kinh tế và Thương Mại Quốc Tế đại học Pusan, Ryo Hinata Yamaguchi, được báo South China Morning Post, trích dẫn ghi nhận, xung khắc Nhật Hàn đem lại tác động \”hai chiều\”. Nếu như Nhật Bản là nguồn cung cấp nguyên liệu chính của Hàn Quốc, thì đổi lại Hàn Quốc là một thị trường mà các nhà xuất khẩu trên xứ hoa anh đào không thể bỏ qua.
Nhìn từ Seoul, chính lo ngại con gà đẻ trứng vàng của nền công nghiệp sa sút, tổng thống Moon Jae In đích thân chủ trì không dưới hai cuộc họp với các nhà sản xuất Hàn Quốc. Chính phủ cam kết một mặt gấp rút đàm phán với Nhật Bản và vận động các kênh ngoại giao tối đa như với Mỹ, WTO hay Liên Hiệp Quốc, để tháo gỡ bế tắc, mặt khác hỗ trợ tối đa các công ty quốc gia, dành đến 255 triệu đô la để cứu những doanh nghiệp bị điêu đứng vì lệnh cấm vận của chính quyền Tokyo.
Yếu tố chính trị trong nước cờ của Tokyo
Vậy ngoài yếu tố \”an ninh quốc gia\”, có động lực nào khác nữa đã thôi thúc nội các của thủ tướng Abe khiêu chiến với Seoul ? Cho đến nay, tất cả các nhà quan sát đều gắn liền đòn trừng phạt của Nhật với vụ hồi tháng 10/2018, một tòa án tại Seoul ra phán quyết đòi Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời kỳ quân đội Nhật Hoàng chiếm đóng bán đảo Triều Tiên nửa đầu thế kỷ 20. Tokyo đáp lại rằng, tranh chấp vì quá khứ lịch sử đó đã được giải quyết xong từ năm 1965, khi Nhật – Hàn nối lại quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, ngay trong nội bộ chính quyền, khi được hỏi về liên hệ giữa hai hồ sơ nói trên và thậm chí là liên quan luôn cả đến vấn đề gái giải sầu bị cưỡng bức phục vụ cho quân đội Thiên Hoàng, các quan chức Nhật thường đưa ra những lời giải thích theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Tất cả những người được hỏi đều chỉ đồng ý phát biểu với điều kiện xin được giấu tên. Điều này cho thấy đây là một đề tài hết sức nhạy cảm tại Tokyo hiện nay.
Về câu hỏi lệnh cấm xuất khẩu vật liệu công nghệ cao cho Hàn Quốc kéo dài bao lâu, tất cả các nhà bình luận đều cho rằng, bế tắc sẽ kéo dài cho đến hết kỳ bầu cử Thượng Viện Nhật Bản lần này. Ngày 21/07/2019, cử tri Nhật được kêu gọi bầu lại 124 trên tổng số 245 thượng nghị sĩ. Đảng Tự Do Dân Chủ đang cầm quyền và một số các liên minh được dự đoán duy trì được đa số tại Thượng Viện, nhưng thủ tướng Shinzo Abe cần một đa số rộng rãi tại đây để dễ dàng thông qua bản Hiến Pháp sửa đổi .
Từ khi lên cầm quyền năm 2012, ông Abe đề ra mục tiêu sửa đổi Hiến Pháp nhằm tăng cường vai trò của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản. Để đạt được mục tiêu nói trên, thủ tướng Abe chứng minh ông là một nhà lãnh đạo cứng rắn đối với Hàn Quốc để ve vãn các thành phần bảo thủ.
Biện pháp bảo hộ trá hình ?
Dù vậy, điều hiển nhiên hơn cả là cuộc đọ sức Nhật Hàn có bắt nguồn từ yếu tố kinh tế : Nhật Bản dùng lá bài an ninh để triệt đường Hàn Quốc trên bàn cờ công nghệ cao. Nhà nghiên cứu Graham Ong Webb, đại học NTU Singapore, phân tích:
Graham Ong –Webb : Chính xác là như vậy và thật ra xung khắc giữa Tokyo với Seoul hiện nay thực sự là một cuộc chiến tranh công nghệ. Tương tự như trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, công nghệ cao mới là cốt lõi của vấn đề, bởi đấy là nguồn đem lại tăng trưởng và bảo đảm công việc làm trong tương lai. Chúng ta đang đứng trước thời đại công nghệ 4.0 và kèm theo đó là tất cả những phát minh về công nghệ, là thành phố thông minh với nhưng dụng cụ kết nối…
Thách thức ấy là động cơ khiến Tokyo khiêu chiến với Seoul, cho dù hành vi này sẽ làm tổn hại đến kinh tế của chính nước Nhật. Đã đến lúc tất cả các quốc gia nên có những bước chuẩn bị, tránh để bị bắt bí như trường hợp của Hàn Quốc hiện nay.
Câu hỏi cuối cùng, Hàn Quốc rút được bài học nào từ xung đột lần này ? Graham Ong Webb, đại học NTU Singapore, trả lời :
Graham Ong –Webb : Khủng hoảng lần này có thể mở ra nhiều cơ hội cho Hàn Quốc – tương tự như trong trường hợp chính quyền Mỹ trừng phạt các tập đoàn của Trung Quốc. Đây phải là cơ hội để tất cả các công ty trong ngành công nghệ cao giảm bớt mức độ lệ thuộc vào một hay hai nguồn cung cấp, bất luận đó Nhật, Mỹ hay Trung Quốc. Đây là thời cơ để đầu tư nhiều hơn nữa vào khâu nghiên cứu và phát triển. Mục đích sau cùng là để tự lập trong lĩnh vực sản xuất chip và bán dẫn. Bài học lần này là các công ty Hàn Quốc cần tránh để bị bắt bí. Theo tôi, trong tương lai, khuynh hướng dùng lá bài an ninh quốc gia để gây áp lực hoặc để bắt chẹt các đổi thủ về kinh tế hay thương mại sẽ ngày càng gia tăng.
Mô hình kinh tế toàn cầu mà ở đó các nền công nghiệp phụ thuộc vào lẫn nhau bắt đầu cho thấy những giới hạn. Hai nước đông bắc Á cùng là đồng minh của Mỹ này cần nhau về chiến lược, lệ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, nhưng vẫn chưa thực sự sang trang quá khứ lịch sử.
Hiềm khích vì quá khứ đó đang mở ra một cánh cửa cho công nghệ cao của Trung Quốc. Chuyên gia June Park, đại học Hàn Quốc mang tên tổng thống Mỹ George Mason, trên báo South China Morning Post ngày 10/07/2019 cảnh báo nếu như Nhật – Hàn phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và chip điện tử thì quốc gia, thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng lấp vào chỗ trống. Đây sẽ là bệ phóng cho công nghệ semiconductor của Bắc Kinh. Kế hoạch tự lực tự cường Made in China 2025 và nhất là chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ đã là những bàn đạp cho mảng công nghệ này của Trung Quốc phát triển.
Trong một tương lai không xa, câu lạc bộ các nhà cung cấp hàng bán dẫn của thế giới sẽ có thêm thành viên Trung Quốc. Chính quyền Shinzo Abe có tính đến nước cờ đó hay chưa ?
Nguồn: RFI