50 năm chinh phục Mặt Trăng qua 50 con số: Sự ra đời của lò vi sóng

50 năm chinh phục Mặt Trăng qua 50 con số: Sự ra đời của lò vi sóng

Richard HollinghamBBC Future

  • 18 tháng 7 2019
\"Getty

Những sứ mệnh không gian kéo dài nhiều ngày đòi hỏi các phi hành gia cần có thực phẩm chất lượng cao. Nhưng làm sao để họ nấu ăn trong vũ trụ?

170: Là cân nặng của khẩu phần bò bít tết ăn sáng của các phi hành gia, tính theo đơn vị gram

Mỗi phi hành gia Nasa từ thời Alan Shepard hồi năm 1961 đều được mời bữa sáng ngon lành trước khi bay vào không gian.

Tất cả các bữa ăn trước chuyến bay Apollo được chuẩn bị đặc biệt về mặt dinh dưỡng, về lượng calorie và đặc biệt là theo yêu cầu của các bác sĩ là \”có dư lượng thấp\”.

Nói cách khác, các bữa ăn ít chất xơ sẽ khiến phi hành gia không cần phải đi vệ sinh sớm sau khi cất cánh.

Những sứ mệnh không gian đầu tiên cũng hạn chế việc cho uống cà phê trước khi phóng tàu, do đây là thức uống kích thích lợi tiểu. Chuyến bay Mercury của Shepard chẳng hạn, chỉ diễn ra trong 15 phút nên các bác sĩ xác định rằng ông có thể tránh đi tiểu cho tới khi tàu được thả về mặt đất. Không may thay, họ không tính tới khoảng thời gian bị trì hoãn khi đếm ngược.

\”Họ đặt Alan Shepard vào đỉnh tên lửa mà không có cách nào để ông đi tiểu,\” phóng viên Jay Barbree, người bình luận về sứ mệnh không gian của Hoa Kỳ trên Đài NBC Mỹ, nói.

\”Sau hai giờ, ông bắt đầu than phiền và khổ sở xin phép được tiểu trong trang phục không gian – cuối cùng thì họ cũng cho phép ông làm vậy.\” Nhà phi hành gia này sau đó thấy đỡ hơn nhưng cảm biến y tế thì rối loạn lên.

Những phi hành gia bay trên tàu vũ trụ Apollo thường sử dụng thiết bị thu thập nước tiểu cá nhân – giống như bao cao su – và kết nối với hệ thống xử lý đẩy chất thải từ một cổng bên hông tàu vũ trụ.

Với chất thải rắn thì có túi nhựa và hầu hết các phi hành gia cố gắng tránh đi vệ sinh ở mức tối đa. Người đầu tiên phải đi vệ sinh trên tàu Apollo 7 là Walk Cunningham.

\”Rất khó để mọi thứ vận hành đúng như dự tính,\” ông kể lại với tôi. \”Bạn có thể hứng được mọi thứ nhưng sau đó bạn cần phải lấy được mấy viên thuốc từ trong cái túi đó rồi phải bỏ thời gian trộn những viên đó với đủ thứ bạn đang đựng trong đó – không hay ho gì.\”

2.800: Là lượng calories tiêu thụ hàng ngày

Người Mỹ đầu tiên ăn bữa ăn trong không gian là John Glenn. Trong chuyến bay kéo dài 5 giờ, ông thử nghiệm ăn qua một ống tuýp – hơi giống như tuýp kem đánh răng – đựng món táo nghiền nhuyễn. Hành động đó chứng minh được rằng mọi người có thể nuốt và tiêu hóa thức ăn trong tình trạng không trọng lực.

Với các sứ mệnh Gemini có hai người tham gia vào giữa thập niên 1960, các phi hành gia được phân phối 2.500 calories một ngày và ăn thức ăn đựng trong túi nhựa chứa thức ăn được làm khô, đông lạnh do công ty Whirlpool sản xuất (là hãng chuyên sản xuất thiết bị gia dụng).

Làm khô, đông lạnh thức ăn là quá trình gồm có nấu thức ăn, nhanh chóng làm đông lạnh chúng và sau đó làm ấm lên từ từ trong một lò chân không để loại bỏ các phân tử băng do quá trình đông lạnh tạo ra.

\"Getty
Image captionPhi hành đoàn Apollo 11 ăn món bò bít tết và trứng trước khi cất cánh – bữa ăn \”có dư lượng thấp\” khiến họ không cần phải đi vệ sinh ngay sau khi tàu cất cánh

Các phi hành gia xịt nước qua vòi phun để làm ướt thức ăn và nhào hỗn hợp đó thành một khối chất lỏng đặc và dính. Các bữa ăn ngon lành hơn món ăn từ ống tuýp trên tàu Mercury, và có nhiều hương vị như bò và nước sốt thịt, nhưng nước thì lạnh, nên thức ăn thường kém ngon đi.

TQ, châu Âu và tham vọng lên Mặt Trăng định cư

Đưa người lên Mặt Trăng: canh bạc đầy rủi ro của Mỹ

Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung

Trong sứ mệnh Gemini đầu tiên – tàu Gemini 3 vào năm 1965 – John Young gây ra một vụ bê bối nhỏ, và đó là điểm trừ duy nhất trong sự nghiệp phi hành gia đầy mẫu mực của ông. Đó là ông lén đem một cái sandwich thịt bò xay lên khoang. Chuyện như đùa này có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng với tàu vũ trụ, vì người ta lo sợ rằng những mẩu vụn bánh có thể gây chập mạch điện trên tàu vũ trụ.

Trong các sứ mệnh Apollo, mà phi hành gia có thể tập thể dục chút ít trong khoang và nỗ lực đến được Mặt Trăng, các nhà dinh dưỡng học của Nasa tăng lượng calorie tiêu thụ lên mức 2.800.

Thức ăn không chỉ ngon hơn, mà súng nước – cung cấp nước từ các khối nhiên liệu của tàu vũ trụ – đã có cả nước nóng và lạnh. Và bữa ăn không chỉ được ăn bằng ống hút, mà các phi hành gia thậm chí có thể dùng muỗng ăn một số loại thức ăn.

6: Là số lượng túi bánh dứa

Khoang ăn của tàu vũ trụ Apollo luôn chứa đầy quà vặt. Cùng với sáu khẩu phần bánh dứa trái cây, còn có nhiều túi bánh brownie, bánh sô-cô-la và kẹo dẻo trái cây.

Để họ thấy ngon miệng hơn, còn có bánh quy nhạt ăn kèm phô-mai và thịt bò khô BBQ. Các phi hành gia tàu Apollo thậm chí được phân phối 15 gói kẹo sing-gum, mỗi gói có 4 thanh kẹo.

Một bữa ăn thông thường trên tàu Apollo 17 gồm có món chính là cơm và thịt gà, tráng miệng bằng món pudding rưới sốt bơ và \”bánh quy Graham Cracker\”. Họ có thể ăn cùng với cà phê uống liền, nước trà, ca-cao hay nước chanh.

\"Getty
Image captionThực phẩm của các phi hành gia rất giàu dinh dưỡng – nhưng không hẳn là rất ngon miệng

Các sứ mệnh từ Apollo 15 trở về sau còn có những \”thanh dinh dưỡng có dưỡng chất xác định\” ít hấp dẫn hơn.

Đó là tiền thân của các thanh dinh dưỡng thời bây giờ. Chúng được đặt phía trước mũ bảo hiểm của phi hành gia trong quá trình họ đi bộ trên Mặt Trăng cùng với ống nước uống. Cách này cho phép họ ăn uống – uống nước hoặc thức uống có vị trái cây – trong chuyến du hành kéo dài trên bề mặt Mặt Trăng.

Dù có chế độ dinh dưỡng đa dạng và tăng cường lượng calories, hầu hết mọi phi hành gia đều giảm cân trong quá trình thực hiện sứ mệnh.

Neil Armstrong giảm 4kg trong chuyến bay Apollo 11. Trong sứ mệnh Apollo 13, chỉ huy Jim Lovell giảm 6kg, một phần là vì bị mất nước vì chỉ được uống theo khẩu phần.

Kể từ chương trình Apollo, thực phẩm trong không gian tiếp tục có nhiều bước tiến bộ.

Ngày nay các phi hành gia ăn gần như chế độ ăn bình thường mặc dù họ thường thèm trái cây tươi và rau xanh – đó là món ăn hiếm chỉ có được khi tàu vận tải hàng đến.

0: Là số ly rượu brandy được tiêu thụ

Giáng Sinh năm 1968, và phi hành đoàn Apollo 8 đang trên đường từ Mặt Trăng trở về.

Họ có một túi quà đặc biệt gây kinh ngạc từ lãnh đạo đội phi hành gia, Deke Slayton. Bên trong túi là một bữa ăn Giáng Sinh trọn vẹn – có đầy đủ gà tây, sốt thịt và sốt nam việt quất, và túi thức ăn đó thậm chí còn không cần phải xịt nước vào cho mềm ra.

\”Đó là một gói thực phẩm mới mà chúng tôi chưa từng được thử trước đó,\” chỉ huy của phi hành đoàn Frank Borman kể lại. \”Chúng tôi có bữa ăn ngon nhất trong chuyến hành trình vào Lễ Giáng Sinh – tôi thực sự rất vui vì được ăn gà tây, sốt thịt và tất cả mọi món.\”

Nhưng Slayton còn gửi thêm cho họ một món quà gây ngạc nhiên khác. \”Ông ấy đã tuồn lên khoang tàu cho chúng tôi ba ly rượu brandy,\” Borman kể lại. \”Nhưng chúng tôi đã không uống.\”

\"Nasa/Getty
Image captionKhông có lò nấu, thức ăn phải được nhào trộn bằng cách thêm nước lạnh vào

\”Nếu có bất cứ gì không hay xảy ra, người ta có thể đổ lỗi cho rượu brandy vì vậy chúng tôi mang rượu về nhà,\” ông nói. \”Tôi không biết điều gì đã xảy ra với ly rượu của tôi – có lẽ giờ nó đáng giá rất nhiều tiền.\”

Thức uống có cồn đã từng được uống trong không gian – hầu hết là với lượng rất nhỏ, do các phi hành gia người Nga uống trong trạm không gian vũ trụ thời ban đầu.

Tuy nhiên, giờ đây thức uống có cồn bị cấm trên Trạm Không gian Quốc tế. Thậm chí một lượng nhỏ cũng có thể phá hỏng hệ thống phức hợp khôi phục nguồn nước của trạm, là hệ thống lấy nước từ mồ hôi và nước tiểu của phi hành gia.

15: Là số lượng phần ăn nấu sẵn có thể hâm nóng bằng lò vi sóng mà phi hành đoàn tàu Apollo 11 đã ăn

Trong danh sách dài những lợi ích loài người có được từ chương trình không gian thì thức ăn nấu sẵn có lẽ là một ứng viên bất ngờ.

Nhưng không có Apollo thì lò vi sóng mà ngày nay rất nhiều người sở hữu trong nhà bếp hay hàng triệu phần ăn đóng gói nấu sẵn được tiêu thụ mỗi ngày có lẽ đã không bao giờ được phát triển.

Đúng như vậy… chương trình Apollo đã góp phần vào đại dịch béo phì toàn cầu.

\"NASA\"/
Image captionNasa tính toán rằng những phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng cần đến 2.800 calories mỗi ngày

Khi Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins trở về từ Mặt Trăng và đang phải ở lại trên tàu USS Hornet, họ sống vài ngày đầu tiên ở Cơ sở Cách ly Di động (MQF) để bảo vệ thế giới khỏi bất cứ loại dịch bệnh gì có thể đến từ mặt Trăng.

Mặc dù MQF có nhiều ghế ngồi tiện nghi, giường và nhà vệ sinh và nhà tắm, nhưng không gian để nấu ăn thì rất hạn chế.

Không có phòng hay lò hay lò nướng truyền thống – và để giảm thiểu nguy cơ gây cháy – Nasa tìm kiếm một giải pháp sáng tạo.

\”Đây là lò vi sóng mái bằng đầu tiên, phát triển cho chương trình không gian Apollo,\” Bob Fisher, người đại diện từ tàu Hornet, giờ là bảo tàng ở Oakland, California, nói.

\”Nasa tìm đến công ty Litton Industries, là công ty đã phát triển lò vi sóng khổng lồ mà con người có thể bước vào trong, và đề nghị họ thu nhỏ chiếc lò lại để nó có thể vừa với không gian như vậy,\” Fish nói.

\”Thế là họ thu nhỏ nó lại, và lần đầu tiên những người này thử lò bằng cách bỏ vài quả trứng vào và bấm nút khởi động – chiếc lò làm nổ tung mấy quả trứng vì họ không giảm năng lượng xuống mà chỉ giảm kích cỡ chiếc lò xuống.\”

Sau những khó khăn ban đầu đó, lò vi sóng cho thấy đây là thành quả to lớn, cho phép các phi hành gia hâm nóng thức ăn đông lạnh mỗi ngày.

Điều này có nghĩa là có những bữa sáng được nấu trọn vẹn, có sườn bò và thậm chí tôm hùm. Tráng miệng thường có kem, bánh quả hồ đào và bánh ga-tô anh đào.

Một khi các phi hành gia được đưa đến Houston và chuyển đi (vẫn ở diện cách ly) đến Phòng Thí nghiệm Các Mẫu phẩm từ Mặt Trăng, thực phẩm tiếp tục có tiến bộ hơn. Họ được ăn thức ăn nấu tươi tại bàn với khăn trải bàn trắng mới tinh.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Bài Liên Quan

Leave a Comment