Hành trình ra đời của \’hộp đen\’ máy bay
Ý tưởng về thiết bị ghi âm buồng lái ban đầu không được đón nhận nhưng giờ đây nó trở thành vật không thể thiếu trên các chuyến bay dân dụng.
Một thiết bị ghi âm buồng lái. Ảnh: Reuters. |
Ngày 19/10/1934, chiếc máy bay chở khách Miss Hobart rơi xuống vùng biển thuộc eo biển Bass nằm giữa Tasmania và Australia. Phi cơ gặp nạn khi chở theo 8 đàn ông, ba phụ nữ và một bé trai. Mảnh vỡ máy bay không bao giờ được tìm thấy.
Một trong số các nạn nhân là giáo sĩ Anh Hubert Warren, người đang trong hành trình đến giáo xứ mới của mình ở Enfield, Sydney. Bà Ellie, vợ ông, và 4 người con vẫn ở lại Anh và dự định tới Sydney bằng tàu biển.
Món quà cuối cùng ông để lại cho cậu con trai 8 tuổi, David, là một chiếc radio mà cậu bé luôn coi như báu vật. Tại trường nội trú Launceston Boys ở Tasmania, David Warren dành hầu hết thời gian mày mò với chiếc máy sau giờ học.
David là một nhà hùng biện lôi cuốn và truyền cảm hứng, một cậu bé có phẩm chất ngôi sao. Gia đình cậu, những người sùng đạo, muốn David trở thành một nhà truyền giáo. Nhưng đó không phải điều cậu muốn. Món quà từ người cha quá cố đã truyền cho David niềm đam mê bất tận với khoa học.
Ở độ tuổi ngoài 20, David Warren có bằng khoa học tại Đại học Sydney, bằng sư phạm tại Đại học Melbourne và bằng tiến sĩ hóa học tại Đại học Hoàng gia London. Chuyên môn của ông là khoa học tên lửa và David từng là nhà nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Hàng không (ARL) thuộc Bộ Quốc phòng Australia.
Năm 1953, David tham gia một hội đồng chuyên gia nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi vì sao British de Havilland Comet, máy bay phản lực thương mại đầu tiên trên thế giới, niềm hy vọng mới của kỷ nguyên hàng không, lại liên tục rơi.
David nghĩ nguyên nhân là do bình nhiên liệu nhưng vẫn còn hàng chục lý do khác và ông không có bất kỳ bằng chứng nào trong tay ngoài những thi thể người và các mảnh vỡ. Hội đồng đã ngồi lại với nhau để bàn bạc về những gì họ biết.
\”Mọi người bàn tán xôn xao về khả năng có sai sót trong khâu đào tạo nhân viên hàng không và phi công cùng với rất nhiều những thứ khác mà tôi chẳng hiểu gì\”, giáo sư David Warren 50 năm sau nhớ lại. \”Tôi chỉ nghĩ về thứ mà tôi được thấy một tuần trước tại hội nghị thương mại đầu tiên sau chiến tranh của Sydney, chiếc Miniphon, thiết bị đến từ Đức, thứ được coi là máy ghi âm bỏ túi đầu tiên trên thế giới\”.
Miniphon được quảng cáo là máy đọc chính tả cho các doanh nhân. Họ chỉ cần ngồi tại bàn, trên tàu hay máy bay, thu các thông tin muốn lưu vào máy sau đó đưa đoạn âm thanh cho thư ký gõ lại. David, người yêu nhạc swing và chơi kèn clarinet, chỉ muốn một chiếc để ghi lại những bản nhạc jazz của nghệ sĩ Woody Herman.
Tuy nhiên, khi một nhà khoa học gợi ý rằng vụ máy bay Comet gần nhất rơi có thể là do bị không tặc tấn công, David cảm thấy có điều gì đó thôi thúc ông.
Khả năng một máy ghi âm được mang lên máy bay và không bị phá hủy khi tai nạn xảy ra là rất hiếm. Nhưng nếu tất cả các phi cơ hoạt động trên bầu trời đều có một thiết bị thu âm nhỏ trong buồng lái thì sao? Nếu nó có thể chịu đựng được một vụ va chạm thì các nhà điều tra tai nạn sẽ không phải bối rối đi tìm lời giải như bây giờ bởi họ sẽ có đoạn ghi âm ngay tại thời điểm trước khi máy bay rơi. Ít nhất, họ có thể biết phi công nói và nghe thấy gì.
Ý tưởng trên khiến David hứng khởi. Trở về ARL, ông lập tức trình bày với cấp trên. Tuy nhiên, Alas, cấp trên của ông lại không tỏ ra hứng thú. \”Nó không liên quan gì tới nhiên liệu hay hóa học. Anh là một nhà hóa học. Hãy đưa ý tưởng đó cho các nhóm nghiên cứu thiết bị và tiếp tục nghiên cứu về thùng nhiên liệu\”, ông nói với David.
David biết ý tưởng của ông về thiết bị ghi âm buồng lái rất khả thi. Không được cơ quan ủng hộ, ông không thể làm gì nhiều để hiện thực hóa ý tưởng song ông lại không thể thoát khỏi suy nghĩ về nó.
Khi cấp trên của David được thăng chức, ông tiếp tục trình bày ý tưởng với lãnh đạo mới. Vị này cùng tiến sĩ Laurie Coombes, tổng giám đốc ARL, cảm thấy nó vô cùng hấp dẫn và hứa hẹn. Họ thúc giục ông tiếp tục triển khai nhưng làm kín đáo. Vì không phải một dự án được chính phủ phê duyệt hay một vũ khí phục vụ chiến tranh, ý tưởng của David không được phép sử dụng thời gian cũng như tiền bạc từ phòng thí nghiệm.
\”Nếu tôi phát hiện anh nói về nó với bất cứ ai, kể cả tôi, tôi sẽ phải sa thải anh\”, tiến sĩ Coombes cảnh báo Warren. Tuy nhiên, Coombes ủng hộ David đến mức mua hẳn một chiếc máy ghi chính tả mới cho ông và liệt nó vào danh sách \”thiết bị cần cho phòng thí nghiệm\”.
Được khuyến khích, David ghi lại ý tưởng của mình trong một báo cáo với tiêu đề \”Thiết bị phục vụ điều tra tai nạn máy bay\” và gửi nó tới tất cả các bên liên quan trong ngành công nghiệp hàng không.
Liên đoàn phi công giận dữ, gọi máy ghi âm của David là một thiết bị rình mò, đồng thời tuyên bố \”không máy bay nào được phép cất cánh từ Australia nếu nó cài máy ghi âm\”.
Nhà chức trách hàng không dân sự Australia cho rằng thiết bị \”không có ý nghĩa tức thì\” và không quân lo sợ rằng nó sẽ bị phản đối nhiều hơn là tán thành.
Gia đình David Warren. Ảnh: BBC. |
Vào một ngày năm 1958, khi thiết bị ghi âm buồng lái đã được hoàn thiện và hoạt động trơn tru, phòng thí nghiệm được đón một vị khách bất thường từ Anh, bạn của giám đốc Coombes.
\”Dave! Kể với ông ấy việc cậu đang làm đi\”, Coombes thúc giục David.
Ông bắt đầu giải thích về thiết bị của mình. Về cơ bản, nguyên mẫu đầu tiên của ông sử dụng dây thép để lưu trữ 4 tiếng giọng nói của phi công cùng một thiết bị đọc và tự động xóa những bản ghi cũ để nó có thể tái sử dụng.
Vị khách ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: \”Tôi đã bảo Coombes đây là một ý tưởng tuyệt vời. Hãy lắp nó trên một máy bay nào đó rồi chúng ta sẽ trình diễn nó ở London\”.
Phi cơ được chọn là một máy bay Hastings đang trên đường tới Anh. David không rõ người này là ai nhưng ông biết chỉ những người rất quyền lực mới có ghế trên oanh tạc cơ Hastings. Và người đó chính là Robert Hardingham, lãnh đạo Ủy ban Đăng ký Hàng không Anh, cựu phó nguyên soái Không quân Hoàng gia Anh.
Vài tuần sau, David lên máy bay tới Anh với chỉ dẫn rõ ràng rằng ông không được phép nói với Bộ Quốc phòng Australia về kế hoạch làm việc tại Anh bởi \”có người sẽ cau mày\”.
Trong một tình huống trớ trêu đến mức khó tin, phi cơ mất một động cơ khi đang bay qua Địa Trung Hải nhưng họ vẫn cố bay tiếp. David ghi âm toàn bộ chuyến bay với suy nghĩ rằng nếu ông chết, ít nhất ông có thể chứng minh \”những kẻ ngu ngốc đó đã sai!\”. Song cuối cùng, chuyến bay hạ cánh an toàn.
Tại Anh, David giới thiệu \”thiết bị ghi nhớ chuyến bay của ARL\” cho Cơ quan Hàng không Hoàng gia Anh cùng một số hãng sản xuất thiết bị.
Người Anh thích chiếc máy. BBC chạy các chương trình TV và phát thanh về nó và cơ quan hàng không dân dụng Anh bắt đầu làm việc để ra quy định bắt buộc các máy bay phải lắp đặt thiết bị ghi âm buồng lái nếu muốn cất cánh. S Davall and Sons, một công ty ở Middlesex, tới ARL để xin giấy phép và lập tức bắt tay ngay vào sản xuất.
Dù thiết bị được gọi là \”hộp đen\”, những chiếc đầu tiên trong dây chuyền sản xuất lại được sơn màu cam để dễ tìm kiếm chúng hơn khi có tai nạn. Điều này vẫn được duy trì tới tận ngày nay.
Peter, con trai David Warren, tin tên gọi \”hộp đen\” bắt nguồn từ một cuộc phỏng vấn hồi năm 1958 giữa cha ông với BBC.
\”Ngay khi cuộc phỏng vấn kết thúc, một phóng viên đã gọi nó là \’hộp đen\’. Đây là một từ chung trong ngành kỹ thuật điện nhưng nó lại khiến người ta nhớ tới\”, Peter nói.
David Warren vào năm 2002 bên thiết bị tích hợp ghi âm buồng lái và ghi dữ liệu chuyến bay. Ảnh: Fairfax. |
Năm 1960, Australia trở thành nước đầu tiên ra quy định máy bay bắt buộc phải có thiết bị ghi âm buồng lái sau một vụ tai nạn máy bay không rõ nguyên nhân ở Queensland khiến 29 người thiệt mạng. Phán quyết xuất phát từ một cuộc điều tra tư pháp và mất ba năm để trở thành luật.
Ngày nay, hộp đen máy bay có khả năng chống cháy, chống nước và bọc trong thép. Nó là thiết bị cần phải có trên mọi chuyến bay thương mại.
Vũ Hoàng (Theo BBC)