Về chữ \”chết\” trong truyện Kiều

Chuly sưu tầm

Về chữ \”chết\” trong truyện Kiều 
Written by Vietsciences- Phạm Đan Quế

Năm 2000, kỷ niệm 180 năm ngày thi hào Nguyễn Du từ trần, chúng tôi đã thử tìm hiểu chữ “chết” trong Truyện Kiều. Chết là một từ trung hoà về sắc thái tu từ mà người nói không biểu lộ tình cảm của mình đau buồn thương xót hay một thái độ nào khác. Theo nghĩa tốt ta có thể dùng: hy sinh, qua đời, từ trần, khuất núi… theo nghĩa xấu thì có: đi đời, đi toi, bất đắc kỳ tử…

Trong Truyện Kiều, tác giả đã 45 lần nói về cái chết mà chỉ dùng chữ “chết” có một lần trong câu 2532 thật là đích đáng, bởi lúc này Thúy Kiều quá đau khổ và hổ thẹn vì bị mắc lừa:

2531. Mặt nào trông thấy nhau đây,

Thà liều sống chết một ngày với nhau.

Tuy nhiên ngay ở Phần văn bản (Trang 543) của Từ điển Truyện Kiều – bản in năm 1974 – không có chữ chết nào, câu này in là: Thà liều sống thác một ngày với nhau. Trong khi ở Phần từ vựng giải nghĩa, câu này lại in là: Thà liều sống chết một ngày với nhau.

Về cái chết của Đạm Tiên theo lời kể của Vương Quan thì:

0065. Kiếp hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân, thoắt / gãy cành thiên hương.

Với nhịp thơ 3–1–4 trong câu bát, với cách ngắt câu đứt quãng thoắt/ gãy cành thiên hương, một nhã ngữ mà tác giả cho ta cảm tưởng sinh động về cái chết đột ngột của Đạm Tiên khi đang còn xuân sắc để rồi khi người khách viễn phương đến thì:

0069. Thuyền tình vừa ghé tới nơi

Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.

Trâm gãy bình rơi lại là một nhã ngữ nói về cái chết của người kỹ nữ.

Rồi khi báo mộng cho Kiều trong mơ lúc nàng tự tử thì Đạm Tiên lại nói:

0995. Rỉ rằng: Nhân quả dở dang

Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?

Đạm Tiên là người cùng hội cùng thuyền (Hội Đoạn trường) khi nói về dự định tự tử của Thúy Kiều mà dùng chữ “trốn nợ đoạn trường” thì thật là tinh tế và đầy tình ý, không một ai khác có thể dùng từ này cho hợp hơn.

Đó là những nhã ngữ để phân biệt với những uyển ngữ khi nói về cái chết của người chú của Kim Trọng:

531. Nghe tin thúc phụ từ đường

Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề.

Nay ta hay dùng chữ từ trần (lìa xa nơi trần thế tức lìa đời) để nói về cái chết, Nguyễn Du dùng chữ từ đường là từ giã cửa nhà cũng là nghĩa ấy.

Đối với Vương ông khi gia đình bị nạn, ông muốn chết cho xong, tác giả lại tránh chữ chết mà thay bằng chữ mặt khuất:

0063. Một lần sau trước cũng là:

Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!

– Về cái chết của Từ Hải, Nguyễn Du dùng lối ngoa dụ:

2519. Khí thiêng khi đã về thần,

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.

2521.Trơ như đá vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời.

Khí nghĩa đen là hơi dùng để chỉ cái vô hình, thiêng (thiêng liêng) là có phép lạ làm được những điều khiến người ta phải kính sợ theo tín ngưỡng của dân gian, khí thiêng là vía người, hồn vía với ý nghĩa linh thiêng, thần là phần linh hồn, yếu tố vô hình tạo nên sức sống, đã về thần là đã trở về cõi của tinh thần, của linh hồn, nhưng thần còn có nghĩa là lực lượng siêu tự nhiên được tôn thờ. Nói về cái chết của người anh hùng mà viết: Khí thiêng khi đã về thần thì đây là lối nói nghe cao quý xa xôi và đầy âm hưởng, chỉ dành cho Từ Hải.

Khi Kiều bắt buộc phải nói với Hồ Tôn Hiến về cái chết của Từ thì thái độ lại đau đớn uất ức, như muốn tố cáo kẻ giết người ngay trước mặt mình bằng một cách nói trực tiếp cụ thể và đầy màu sắc:

2553. Ngỡ là phu quý phụ vinh,

Ai ngờ một phút tan tành thịt xương.

2555. Năm năm trời bể ngang tàng,

Dẫn mình đi bỏ chiến trường như không.

Còn khi Kim Trọng cho người đi hỏi tin tức về Thúy Kiều thì lời kể của một người Hàng Châu về cái chết của Từ Hải cũng lại là một ngoa dụ:

2959. Rằng: Ngày hôm nọ giao binh

Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền.

Hình ảnh Từ Hải chỉ còn lại trong lòng người Hàng Châu như một vị thần linh vì thế ta có cảm tưởng linh hồn Từ đã về trời: Từ đã thu linh trận tiền.

Thúy Kiều đã nhiều lần tự tử và nghĩ đến cái chết. Khi nàng than thở với Thúy Vân về cuộc đời sau này của mình thì lại dùng một hoán dụ:

0773. Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Rồi:

0745. Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Khi Kiều định tự tử, Tú bà sợ quá thì lại là những ẩn dụ rất văn hoa, trang trọng nói về cái chết của người thiếu nữ tài sắc tuyệt vời và đầy hứa hẹn cho công việc làm ăn của mụ:

0983. Sợ gan nát ngọc liều hoa,

Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.

Và đến ngôn ngữ tác giả, ông như kêu lên:

0985. Thương ôi! Tài sắc bậc này,

Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.

nói về cuộc đời bạc mệnh của Thúy Kiều, lại như ứng với câu:

1192. Đến phong trần, cũng phong trần như ai.

Đến lần Kiều tự tử ở sông Tiền Đường thì nàng nghĩ:

2605. Đành thân cát dập sóng vùi,

Cướp công cha mẹ thiệt đời thông minh.

Cát dập sóng vùi là lối khiêm dụ, còn cướp công cha mẹ lại là một thành ngữ, đúng là ý nghĩ của người con trước cái chết của mình nhưng luôn nhớ về cha mẹ.

Khi Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường thì:

2637. Thổ Quan theo vớt vội vàng,

Thì đà đắm ngọc chìm hương mất rồi.

Sau này đến khi Kiều gặp lại gia đình thì:

2997. Rõ ràng hoa rụng hương bay,

Kiếp sau họa thấy, kiếp này hẳn thôi.

2999. Minh dương đôi ngả chắc rồi,

Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên.

Hoa rụng hương bay kết hợp với Minh dương đôi ngả là một cách nói rất khéo léo lại nhẹ nhàng về trường hợp của Thúy Kiều, nếu nàng không còn nữa sau mười lăm năm lưu lạc.

Và còn nhiều lần khác nữa, trong Truyện Kiều có tới 45 lần nói về cái chết mà Nguyễn Du chỉ một lần dùng chữ chết trong trường hợp thật là cụ thể và đích đáng như trên đã nêu. Ngoài 12 lần dùng chữ “thác” và 1 lần dùng chữ “tử” – ngoài chữ tử sinh – còn trên 30 lần khác đều là những thủ pháp nghệ thuật khác nhau: ẩn dụ (nát ngọc tan vàng…), hoán dụ (thịt nát xương mòn…), khiêm dụ (xương trắng quê người…), ngoa dụ (khí thiêng khi đã về thần…) rồi nhã ngữ (hoa rụng hương bay, trâm gãy bình rơi…) uyển ngữ (thôi thì mặt khuất…), thành ngữ (cướp công cha mẹ…)….

Có trường hợp tác giả dùng phép tỉnh lược, bỏ lửng không cần dùng chữ thay thế mà vẫn diễn đạt được ý nghĩ về cái chết như khi ở trú phường, sau khi thất thân với Mã giám sinh, Thúy Kiều cầm dao toan tự tử thì nàng nghĩ:

0859. Nghĩ đi nghĩ lại một mình:

“Một mình thì chớ, hai tình thì sao?

0861. Sau dầu sinh sự thế nào,

Truy nguyên chẳng kẻo luỵ vào song thân.

0863. Nỗi mình âu cũng giãn dần,

Kíếp chầy, thôi cũng một lần… mà thôi!”

Đời người chỉ có một lần chết, dù sớm hay muộn thì cũng chỉ một lần… (chết) mà thôi.

Còn một lần nữa, tuy không nói về cái chết nhưng Nguyễn Du lại đưa vào câu nói của Tú bà cụm từ đi đời nhà ma với nghĩa là vốn liếng đi toi (mất toi) trong:

0969. Màu hồ đã mất đi rồi,

Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!

Qua cách biểu thị một khái niệm “chết”, ta cũng thấy quả thật Nguyễn Du là bậc thầy về ngôn ngữ!

Trích trong Phụ lục quyển Về những thủ pháp nghệ thuật trong văn chương Truyện Kiều của Phạm Đan Quế – Nxb Giáo dục 2002.

Bài Liên Quan

Leave a Comment