Mỹ và Philippines bàn về Biển Đông trong đối thoại chiến lược
.
Quan chức ngoại giao cũng như quốc phòng của Hoa Kỳ và Philippines mới tiến hành cuộc đối thoại chiến lược ở Manila, trong đó Biển Đông là một vấn đề được mang ra bàn thảo.
Sau khi đồng chủ trì cuộc họp quan trọng kéo dài trong hai ngày, ông David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 16/7 đã ra một tuyên bố, nhấn mạnh rằng “liên minh vững mạnh giữa Mỹ và Philippines ngăn chặn sự xâm lược và thúc đẩy ổn định khu vực”.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, văn bản đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ ở Manila có đoạn: “Là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Philippines có vị thế tốt để bảo đảm rằng văn bản về Bộ Quy tắc ứng xử [trên Biển Đông] của ASEAN hoàn toàn đúng với luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền tự do hàng hải, quyền bay ngang và việc sử dụng một cách hợp pháp vùng biển cho tất cả các nước, cũng như các quyền của các nước tuyên bố chủ quyền nhằm theo đuổi các thỏa thuận an ninh và phát triển với các đối tác mà họ lựa chọn”.
Philippines là chặng dừng chân đầu tiên của ông Stilwell trong chuyến công du khu vực kéo dài từ ngày 10 – 21/7 còn đưa ông tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.
Đây là chuyến công du đầu tiên của nhà ngoại giao chuyên trách khu vực châu Á này sau khi ông nhậm chức Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ.
Cuộc đối thoại chiến lược Mỹ – Philippines diễn ra trong bối cảnh xuất hiện tin về “vụ đối đầu” giữa tàu của cảnh sát biển Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi Tư Chính trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
Cuộc họp được cho là cơ hội chính để quan chức cấp cao của Manila và Washington “thảo luận hợp tác về quốc phòng, kinh tế, pháp quyền và ngoại giao khu vực” được tổ chức đúng dịp đánh dấu 3 năm Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ kiện về Biển Đông với Trung Quốc.
Ngày 12/7/2016, PCA bác bỏ yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc và ủng hộ vụ kiện của Philippines do Tổng thống khi đó của nước này, ông Benigno Aquino, khai mào. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sau khi nhậm chức, người kế nhiệm ông Aquino, ông Rodrigo Duterte, dường như \”làm ngơ\” thắng lợi này và \”xích lại\” gần hơn với Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trả lời câu hỏi của đài NHK của Nhật liên quan tới tranh chấp Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell nói rằng ông quan ngại về hành động quân sự hóa vùng biển tranh chấp của Trung Quốc.
“Hôm nay tình cờ cũng là ngày đánh dấu 3 năm ngày Tòa Quốc tế về Luật Biển năm 2016 ra phán quyết cũng nói rằng Liên Hợp Quốc và thế giới cùng chia sẻ các quan ngại về việc phát triển các thực thể ở lãnh thổ tranh chấp”, ông Stilwell nói hôm 12/7.
Nhà ngoại giao này nói thêm rằng “dù được dán mác là các ngọn hải đăng hay nơi trú ngụ cho các ngư dân, chúng rõ ràng là các cơ sở quân sự”.
Ông Stilwell cũng kêu gọi các bên tranh chấp “trở lại đàm phán và tránh có các hành động đơn phương đẩy mọi quốc gia vào tình thế xấu”.
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, hôm 29/5 nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
\”Mùa thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Obama là họ sẽ không quân sự hóa các hòn đảo [ở Biển Đông]. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay đó là các đường băng dài 10 nghìn bộ [hơn 3 nghìn mét], các kho chứa đạn dược, việc thường xuyên triển khai thiết bị có khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng hàng không, vân vân”, vị tướng là sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội Hoa Kỳ nói trong một cuộc trao đổi về quốc phòng ở Viện Brookings tại thủ đô Washington.
“Vì thế, rõ ràng họ đã từ bỏ cam kết đó”.
Nguồn: VOV