VIẾT CHO EM, NGUYỄN ĐẶNG MINH MẪN.
Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là mọi người đều vui mừng khi nữ tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn được ra khỏi nhà tù nhỏ. Mẫn bị kết án theo điều 79 BLHS với 8 năm tù giam và 5 năm quản chế chỉ vì đã dám viết các hàng chữ HS.TS.VN để phản đối hành vi xâm lược của Trung cộng. Lúc ấy em vừa 25 tuổi.
Bản thân tôi chưa có dịp gặp Mẫn vì khi em bị bắt tôi cũng ở trong trại giam B34. Chỉ khi ra tù và thấy được hình ảnh, hoạt động cũng như bản án nặng nề của em, tôi mới có cơ hội tìm hiểu và tiếp xúc với gia đình Mẫn. Trong gia đình, ngoài Mẫn, còn mẹ và anh cũng bị bắt. Người anh được thả tại tòa còn chị Đặng Ngọc Minh, mẹ của Mẫn cũng phải chịu mức án 3 năm tù giam, 2 năm quản chế theo khoản 2 điều 79 BLHS. Kể từ lúc bị bắt, qua lúc cả gia đình ra tòa, qua ngày chị Minh ra tù và đằng đẵng 8 năm trời, gánh nặng gia đình đè lên vai ông Nguyễn Văn Lợi, cha của Mẫn.
Tôi gặp ông Lợi trong một buổi khám bệnh cho thương phế binh VNCH tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng. Khi nghe ông giới thiệu, tôi mừng quá, đứng lên nắm lấy tay người đàn ông gầy gò, râu ria rậm rạp nhưng lúc nào cũng cười. Tôi bày tỏ cảm tình khâm phục đến vợ và nhất là người con gái can trường của ông. Chúng tôi quen nhau từ đấy. Hình như ông ta hơn tôi một tuổi nhưng lúc nào cũng xưng em với mình (ăn gian thật).
Anh Lợi tâm sự hàng tháng phải đổ đường từ Trà Vinh lên bến xe Sàigòn mua vé rồi trở về nhà chuẩn bị hành lý sau đó mới trở lên Sàigòn lần nữa lấy xe lửa ra Thanh Hóa thăm con. Mẫn bị giam ở trại Yên Định trong một vùng quê hẻo lánh. Anh Lợi nói từ ga Thanh Hóa phải lấy taxi đi hàng chục cây số nữa mới tới trại giam. Sau khi thăm con, lại lóc cóc theo con đường cũ về nhà. Đi về mất năm ngày. Tôi ái ngại hỏi:
− Sao anh không lấy máy bay cho nhanh. Bây giờ giá vé cũng xấp xỉ xe lửa, đi vậy đỡ mệt hơn không anh? Trong đầu tôi có ý định phụ anh tiền máy bay.
− Máy bay không mang nhiều đồ được anh.
− Anh mang bao nhiêu ký mà nhiều ? Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên, vì tôi vẫn nghĩ rằng việc thăm nuôi tù nhân bị giới hạn số lượng.
− Nè ! Anh vừa nói vừa chỉ hai túi đồ dưới đất. Tôi nhấc thử, chắc cũng cỡ 3,4 chục ký.
− Họ cho anh gởi từng ấy đồ cho Mẫn à ?
− Không cho riêng Mẫn. Đồ này Mẫn chia ra cho các bạn tù. Chứ đúng ra là họ đâu có cho gởi nhiều thế này.
Thì ra là thế ! Anh Lợi cho hay có rất nhiều tù nhân − lương tâm lẫn hình sự − bị bỏ rơi hoặc không có thân nhân, hoặc có nhưng vì đường xá xa xôi nên không được thăm nuôi. Mẫn phải \”cưu mang\” lấy. Tôi nhẩm tính cứ mỗi tháng anh phải vượt 3000 cây số, tốn 5 ngày đường, thì trong suốt 8 năm thăm con, anh phải mất 500 ngày và vượt một quãng đường 300 ngàn cây số, nghĩa là bằng từ trái đất lên…mặt trăng. Thảo nào anh Lợi khoảng 60 mà trông gầy và già đi hơn tuổi nhiều lắm.
Có một dạo, như để chia sẽ khó nhọc với anh, tôi theo anh ra thăm Mẫn. Trên đường về cả hai anh em ghé vào thăm các tù nhân lương tâm vừa được trả tự do và sống trong vùng Nghệ An. Tại nơi đây, lần đầu tiên trong đời tôi được biết thế nào là cái yên tĩnh của miền quê Bắc trung bộ. Anh em chúng tôi nằm tâm sự trong một cái lán giữa đồng. Đến lúc này tôi mới thực sự ngạc nhiên và thán phục khi nghe anh Lợi nói chuyện về đất nước, về thời sự và về đứa con gái yêu của mình. Cái giọng Nam bộ rặt, cộng với cách nói chuyện đơn sơ nhưng vẫn để lại trong tôi một ấn tượng khó phai. Cho dù với 10 năm đứng trên bục giảng, hôm ấy tôi quả thực ấn tượng trước bài học về lòng yêu nước và dũng cảm mà anh đang đóng vai người thầy. Tôi trân trọng và lắng nghe từng câu, từng chữ của anh Lợi. Bất giác nhìn lên bầu trời đầy sao tôi hỏi :
− Anh có hy vọng cháu Mẫn được thả sớm không? Tôi biết anh có tham gia điều trần bên Mỹ về trường hợp của con gái mình.
− Cũng khả quan anh. Họ còn đến chúc mừng tôi nữa à. Anh nói với một giọng vui mừng.
Một tháng, hai tháng rồi một năm, hai năm trôi qua. Cái ngày ấy đã chẳng bao giờ đến và anh Lợi vẫn tiếp tục vượt 3000 cây số một tháng để đến thăm con cũng như làm \”công tác\” nuôi tù bị bỏ rơi. Cái “sứ mạng” ấy chẳng ai giao phó nhưng anh và con gái vẫn đảm nhận một cách vui vẻ. Trong thời gian sau này, khi hạn quản chế đã mãn và với tình trạng sức khỏe được cải thiện, chị Minh cũng cùng anh tay xách nách mang đi thăm Mẫn.
Trước đây tôi đã nhiều lần nói với anh Lợi rằng \”bằng mọi giá\” tôi sẽ đi đón Mẫn ngày em rời khỏi nhà tù nhỏ. Tuy nhiên cuộc đời lại xoay theo một hướng khác và ngày ấy đã không tới.
Tuy nhiên, bằng mọi giá anh em chúng tôi sẽ đón nhau – ngày mọi người thoát ra khỏi nhà tù lớn.
(Hình dưới, anh Lợi và chị Minh đeo kiếng đứng hàng đầu trong ngày phái đoàn đi thăm Mẫn trung tuần tháng 7/2019)