Giết hụt Hitler: ‘‘Người hùng’’ Stauffenberg vẫn gây tranh cãi 75 năm sau
Trọng ThànhĐăng ngày 22-07-2019 Sửa đổi ngày 22-07-2019 09:54
Claus von Stauffenberg, người chủ mưu vụ ám sát Hitler năm 1944.Ảnh : Wikipedia
Cách nay 75 năm, tổng hành dinh của Hitler bị đặt mìn hẹn giờ. Mìn nổ, nhưng trùm phát xít chỉ bị thương. Người chủ mưu cùng ba đồng chí bị hành quyết. Ngày 20/07/2019, chính phủ Đức long trọng tưởng niệm người anh hùng. Tuy nhiên, người chủ mưu vụ ám sát Hitler cũng được đảng cực hữu AfD tôn vinh như một biểu tượng của cuộc chiến chống lại « nền độc tài Merkel ».
Trong một diễn văn tại Berlin trước các tân binh của Quân đội Đức, thủ tướng Angela Merkel nhận định : « Có những thời điểm mà sự bất tuân có thể trở thành một nghĩa vụ ». Diễn đạt « bất tuân » để chỉ không ai khác hơn là viên sĩ quan quý tộc Claus von Stauffenberg, người lãnh đạo chiến dịch mang tên « Walkyrie », cú đảo chính nổi tiếng chống lại Hitler, với sự tham gia của hàng ngàn sĩ quan và người ngoài quân đội. Đây là hành động kháng cự nội bộ nổi tiếng nhất chống lại chế độ Quốc xã.
Theo AFP, thủ tướng Đức đã dành những lời lẽ trân trọng hiếm thấy dành cho người lãnh đạo cuộc đảo chính hụt. Đối với bà, Hiến pháp tạo lập nên Nhà nước pháp quyền tại Đức « có thể đã không có được tầm vóc hiện nay », nếu không có hành động triệt để này của Claus von Stauffenberg cùng các đồng chí.
Tuy nhiên, thủ tướng Đức cũng thừa nhận là cho đến nay, vụ ám sát Hitler vẫn còn không được nhiều người chấp nhận, thậm chí gây ác cảm. Theo bà Merkel, tâm trạng này cũng do bởi người chủ mưu chính là một sĩ quan quân đội Quốc xã.
« Kẻ phản bội »
Ở nước ngoài, Claus von Stauffenberg đã trở thành một hình tượng anh hùng không thể phủ nhận, như trong bộ phim Walkyrie của Hollywood năm 2008, với Tom Cruise thủ vai chính. Còn tại Đức, Claus von Stauffenberg tiếp tục gây tranh cãi.
Nhiều người lên án ông là một kẻ đi theo tư tưởng Quốc xã, đã tỉnh ra quá muộn màng, khi tổ chức vụ ám sát này. Claus von Stauffenberg trong một thời gian dài bị coi như một « kẻ phản bội », trong một xã hội còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thời kỳ Quốc xã, như nhận xét của nhà sử họcJohannes Tuchel, giám đốc Đài tưởng niệm cuộc Kháng chiến của người Đức chống lại chủ nghĩa phát xít (Gedenkstätte deutscher Widerstand).
Còn Kurt Salterberg, một người phục vụ trong quân đội Quốc xã, có mặt vào thời điểm xảy ra vụ ám sát hụt, kể lại với báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, « đối với chúng tôi lúc đó, Stauffenberg là một kẻ hèn nhát, đã không dám dùng một khẩu súng lục (để bắn Hitler), mà là thuốc nổ hẹn giờ để thoát thân an toàn ».
Phải đợi đến những năm 1980, cuộc kháng chiến của người Đức chống lại chế độ Quốc xã mới thực sự được công nhận. Vụ ám sát hụt 20/07/1944 cũng như số phận bi tráng của các sinh viên nhóm « Hoa hồng trắng », bị tử hình vì tội rải truyền đơn chống chế độ, đã trở thành các biểu tượng của cuộc kháng chiến.
Cảnh giác
Tuy nhiên, về nhân vật Claus von Stauffenberg, các sử gia tỏ ra thận trọng, khác với những lời lẽ ca ngợi của thủ tướng Merkel.
Nhà sử học Gerd Ueberschär, trong một cuốn sách mới xuất bản, nhấn mạnh đến thái độ tự coi mình là tinh hoa, chống đa nguyên, tóm lại « một hình ảnh rất xa lạ với một xã hội mở và dân chủ » của nhóm chủ mưu đảo chính chống Hitler.
Điều này giải thích vì sao Claus von Stauffenberg lại rất thu hút thành phần cực hữu tại Đức. Cách nay một năm, đảng cực hữu AfD Đức đã biểu dương hình ảnh của von Stauffenberg khi nhấn mạnh đến « thái độ bất tuân dân sự và tinh thần phê phán là các nghĩa vụ công dân ».
Mục tiêu của phe cực hữu là rất rõ : Tự khẳng định như là các nạn nhân của « nền độc tài Merkel » (từ ngữ của các lãnh đạo AfD), và sử dụng hình ảnh « người hùng » chống Quốc xã để củng cố uy tín của họ trong xã hội, theo ghi nhận của nhà sử học Johannes Tuchel.
Đây cũng là lý do khiến thủ tướng Merkel phải lên tuyến đầu « bảo vệ hồi ức » về những người mưu sát Hitler, cũng như tất cả những người kháng chiến Đức năm xưa chống lại chủ nghĩa Quốc xã, để nhắc nhở người Đức hãy luôn « cảnh giác » trước mọi hình thức kỳ thị chủng tộc hay bài Do Thái.