TQ đã vi phạm nghiêm trọng Phán Quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông
Ngày đăng 22-07-2019
Tại hội nghị Pilipinas do Viện Albert del Rosario tổ chức vào cuối tháng 12/2018 vừa qua, Cựu Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho rằng từ khi Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra Phán quyết về Biển Đông vào ngày 12/7/2016, Trung Quốc vẫn không ngừng vi phạm phán quyết như xây dựng đảo bất hợp pháp, làm suy thoái môi trường biển, gây trở ngại cho ngư dân các nước trong khu vực và các tàu thương mạiở Biển Đông.
Phán quyết là văn bản pháp lý có giá trị mạnh mẽ bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò, xác định đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong đường lưỡi bò. Đây cũng là lần đầu tiên Toà đã ra bộ quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển, lần đầu tiên nhân loại có một bộ định nghĩa đầy đủ thế nào là đảo, là đá, bãi nửa nổi nửa chìm… và quy chế pháp lý đối với từng cấu trúc như vậy, có thể xem là một sự tiến bộ của nhân loại về mặt pháp lý, khoa học. Phán quyết cũng tuyên bố rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên.
Tuy nhiên, từ khi Phán quyết có hiệu lực đến nay 12/7/2016, Trung Quốc vẫn “phớt lờ” phán quyết tiếp tục có các hành vi vi phạm nghiêm trọng Phán Quyết.
1. Xây dựng đảo bất hợp pháp
Bắt đầu từ năm 2010, các hoạt động nạo vét, tôn tạo và bồi đắp đảo đầu tiên của Trung Quốc diễn ra trên diện rộng. Chỉ 9 năm sau, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo và đang tăng cường củng cố các cơ sở quân sự tại Biển Đông. Thậm chí hành động này của Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ và yêu cầu dừng lại vào năm 2016. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục điên cuồng mở rộng diện tích các đảo, đá do chiếm được trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách bất hợp pháp và trang bị các khí tài quân sự gây “quan ngại” về hòa bình, an ninh trong khu vực này.
Cục Dữ liệu và Thông tin Biển quốc gia Trung Quốc ngày 22/12/2018 ra thông báo cho biết, Trung Quốc đã hành động “hợp lý” khi tiến hành các hoạt động mở rộng đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông, bao gồm cả các cơ sở radar bao trùm trên một diện tích lên đến 290.000 m2, sân bay “Vĩnh Hưng” (đảo Phú Lâm). Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, các cơ sở này đã hỗ trợ bay an toàn cho tổng cộng khoảng 680 chuyến bay hàng không dân dụng,… Theo Thời báo Hoàn Cầu, một trong những thành tựu lớn nhất của Trung Quốc trong việc tôn tạo đảo trên Biển Đông là gia tăng các cơ sở vật chất vì mục đích dân sự trên những đảo này. Bên cạnh đó, thông báo khẳng định Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động tuần tra quân sự, năng lực quốc phòng trên những đảo này đã được cải thiện với lực lượng quân đội đóng quân ở đây. Có thể thấy tốc độ cải tạo đảo đá của Trung Quốc diễn ra một cách ồ ạt, nhanh chóng qua các số liệu cụ thể sau:
Theo các hình ảnh vệ tinh do Space Know cung cấp, ngày 25/12/2009, đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa chỉ mới có 0,01km2 công trình xây dựng của Trung Quốc, nhưng đến 3/9/2017 đã có tới 0,91 km2 công trình được xây dựng. Tại đá Su Bi, năm 2014, chưa có dấu hiệu của việc xây dựng cải tạo ở đây nhưng đến ngày 14/3/2017, sau Phán Quyết của tòa Trọng tài có hiệu lực 8 tháng, Trung Quốc đã xây dựng được 1,19km2 cơ sở hạ tầng. Đá Gạc Ma lúc chưa cải tạo chỉ có diện tích khoảng 7,2 km2 nhưng sau khi cải tạo có diện tích trải rộng gần 100.000m2. Trên đá Gạc Ma được bố trí 01 Tòa nhà kiên cố cao 8 tầng, có nhà máy bê tông, tháp phòng thủ, trạm liên lạc, ra đả, trạm bơm, nhiên liệu,…
Đối với Đá Chữ Thập, năm 2010, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu cải tạo, xây dựng nhưng cuối năm 2018, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc công bố ảnh chụp từ trên không Đá Chữ Thập, cho thấy Đá Chữ Thập đã bị cải tạo thành một căn cứ không quân với đầy đủ các công trình quân sự do Trung Quốc lắp đặt. Hiện trên Đá Chữ Thập có 1 đường băng dài 3.125 mét đủ để các máy bay chiến lược H-6K hạ cánh. Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng tại đây một bệnh viện, một số công trình quân sự bao gồm hệ thống radar cảnh báo sớm và hệ thống vũ khí cự ly gần, đồng thời thiết lập một lực lượng đồn trú bao gồm hơn 200 binh sĩ.
Bên cạnh đó, Báo cáo quốc phòng của Đài Loan công bố cuối năm 2017 cho biết, Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động bồi đắp quân sự hóa đảo đá, đặc biệt là tại các đá Chữ Thập, Vành Khăn, Subi và Gạc Ma; tiếp tục bố trí các thiết bị quân sự, xây dựng công trình hạ tầng như cầu cảng và sân bay, đáp ứng mỗi đảo đá thời gian tới có thể tiếp nhận được từ 20 – 26 máy bay chiến đấu và những cầu cảng có thể đón tiếp tàu hàng chục ngàn tấn; đồng thời bố trí hệ thống tên lửa chống hạm và lực lượng phòng không. Lực lượng trên đảo đá sẽ kết hợp với tàu công vụ tiến hành các hoạt động tuần tra, giám sát và bảo vệ chủ quyền trên biển. Kèm theo báo cáo là bản đồ các đá nêu trên trước và sau khi Trung Quốc bồi lấp, bố trí các thiết bị quân sự.
Tháng 2/2019, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) cho biết, thời gian qua, Trung Quốc đã ồ ạt xây dựng các đảo nhân tạo đang có tranh chấp ở Trường Sa và đến đầu năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng được 8.000 km2 đất giữa Biển Đông, vượt trội các hoạt động bồi đắp của các nước khác và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại, bất chấp việc Phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông có hiệu lực hay không.
2. Tàn phá môi trường biển
Theo Phán quyết, Toà Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường ở các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. Nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và sò tai tượng quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rạn san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này.
Theo các thông tin được tiết lộ các chuyên gia hàng hải ngày 3/7/2019 cho biết, “các đội tàu đánh cá khổng lồ và các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra thiệt hại ít nhất 33 tỷ peso (880 triệu đô la Singapore) mỗi năm cho hệ sinh thái trên biển của Philippines”. Chuyên gia an ninh hàng hải Jay Batongbacal cho biết ước tính hiện tại chưa bao gồm các khu vực không thể nhìn thấy từ các vệ tinh.Trung Quốc không phải là những kẻ duy nhất gây hại cho vùng biển này nhưng việc Trung Quốc thu hoạch sò tai tượng, san hô và cải tạo, xây dựng các đảo ở Trường Sa gây ra nhiều tác hại nhất. Trung Quốc đã nạo vét một lượng lớn cát và rạn san hô để phục vụ việc cải tạo thêm 1.300 ha vào 7 hòn đảo do Trung Quốc yêu sách ở khu vực này.
Tiến sỹ Annette Junio Menne, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines khẳng định ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau. Đây là ngôi nhà của 3.000 loài sinh vật. Tuy nhiên việc xây dựng, bồi đắp biển các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Nhiều khu vực của rạn san hô và bãi trầm tích đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn về lâu dài cho môi trường. “Về khía cạnh kinh tế, mỗi năm thế giới mất ít nhất 4 tỉ USD vì các hoạt động khai thác bừa bãi ở rạn san hô trên Biển Đông của Trung Quốc. “Điều đó không chỉ vi phạm hòa bình mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trên Biển Đông nữa”.
Giới khoa học Mỹ thường xuyên đưa ra các bằng chứng, số liệu lên án việc Trung Quốc hủy hoại môi trường biển ở Biển Đông. Theo các số liệu hồi tháng 5/2019, các hình ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy các tàu khai thác sò tai tượng khổng lồ của Trung Quốc đã hoạt động thường xuyên hơn ở Biển Đông trong 6 tháng đầu năm 2019. Theo báo cáo, từ năm 2012 – 2015, các ngư dân khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã làm hư hại hay phá hủy ít nhất 28 rạn san hô trên khắp Biển Đông. Kể từ cuối năm 2018, những đội tàu của Trung Quốc đã hoạt động thường xuyên ở bãi Scarborough và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; ngày 7/4, gần đá An Nhơn khu vực Trường Sa cũng xuất hiện một tàu dài 20m và nhiều tàu nhỏ. Mức độ phá hủy do khai thác sò tai tượng có thể thấy rõ ràng nhất ở khu vực đá Bạch Quy (Passu Keah reef) thuộc quần đảo Hoàng Sa, khi so sánh hình ảnh chụp vào tháng 2/2018, bãi này chưa thấy có dấu hiệu bị phá hủy nhưng đến tháng 11/2018 nhìn thấy những vết cào rõ ràng.
Đánh giá môi trường ở Biển Đông, Giáo sư John W.MacManus, Trường Đại học tổng hợp Miami (Mỹ) cho rằng nơi đây đang bị tàn phá nặng nề. “Mọi thứ đều bị hủy hoại. Đặc biệt là các hoạt động của Trung Quốc. Những tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để tìm ngao, sò tai tượng. Trung Quốc nói dối về việc họ không xây dựng đảo nhân tạo ở các rạn san hô. Thực tế họ đã phá hủy rất nhiều. Tác động của các quốc gia khác chưa bằng 1/100 những hoạt động của họ”. Cụ thể, đã có 160 km2rạn san hô bị hủy hoại, gồm 17 km2 do hoạt động bồi đắp, xây dựng kênh cảng và 143 km2 do các hoạt động hút vật liệu xây dựng và khai thác sò tai tượng.
Việc khai thác thủy hải sản và cải tạo đảo, đá của Trung Quốc đã làm cho môi trường Biển Đông trở nên suy thoái. Giáo sư Batongbacal nói thêm rằng“nếu các nước không cùng nhau ngăn chặn ngư dân Trung Quốc thì Trung Quốc có thể sẽ rút hết tài nguyên biển chỉ trong vài năm nữa. Tại bãi cạn Scarborough, Trung Quốc thậm chí còn tự mình phá hủy các rạn san hô. Nếu điều này tiếp diễn, bãi cạn sẽ bị xóa sổ hoàn toàn sau 5 năm nữa”.
3. Làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông
Phát biểu tại hội nghị Pilipinas hồi tháng 12/2018, ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan AMTI nhấn mạnh rằng: năm 2018 vừa qua chính là năm Trung Quốc bước vào giai đoạn 3 của tiến trình quân sự hoá, còn gọi là giai đoạn “triển khai”. Trong năm 2018, Trung Quốc đặc biệt triển khai thiết bị quân sự và tàu thuyền đến các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và xây dựng gần như xong tại quần đảo Trường Sa.
Theo ông Poling, đà tăng cường lực lượng của quân đội Trung Quốc đến quần đảo Trường Sa đã diễn ra đều đặn, khá nhanh chóng, đặc biệt là tại 3 thực thể: Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Bên cạnh đó, chuyên gia Poling cũng nêu lên những hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa, một quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ từ năm 1974 từ tay Việt Nam.
Việc triển khai lực lượng Trung Quốc xuống Biển Đông được thấy trước tiên qua việc chuyển thiết bị quân sự đến các tiền đồn mà họ đã xây dựng bao gồm việc máy bay vận tải quân sự lần đầu tiên hạ cánh trên Đá Vành Khăn, thiết bị gây nhiễu tiên tiến được lắp đặt trên Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Đáng ngại hơn cả là việc bố trí các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa hành trình chống hạm trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa. Còn tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng một cấu trúc được trang bị pin mặt trời và một vòm radar ở đảo Bông Bay. Giám đốc AMTI ghi nhận Trung Quốc đã xây tổng cộng 72 nhà chứa phi cơ trên các đảo họ chiếm giữ tại Trường Sa và tất nhiên “các nhà chứa này được xây đâu phải là với mục đích để trống”.
Ngoài các cơ sở cố định, trong năm 2018, tàu hải quân Trung Quốc liên tục cập bến các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trong lúc lực lượng dân quân biển Trung Quốc được tăng cường trong khu vực. Ảnh vệ tinh chụp vào tháng 8/2018 vừa qua cho thấy khoảng 200 tàu bán quân sự của lực lượng dân quân biển Trung Quốc quanh Đá Xu Bi. Với chiều dài 51 mét, các tàu này lớn hơn hầu hết tàu của các cơ quan chấp pháp biển của các nước Đông Nam Á.
Chỉ mới đây, ngày 20/6/2019, Trung Quốc đã không “ngại ngần” điều 4 máy bay chiến đấu J-10 đến đảo Phú Lâm và trong đợt diễn tập trên biển ngày 29/6 – 3/7/2019, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm bắn tên lửa đạn đạo chống hạm xuống Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai việc điều máy bay chiến đấu đến khu vực này và cố tình phô trương trước các vệ tinh cũng như diễn tập bắn tên lửa, cho thấy dấu hiệu Trung Quốc đang từng bước triển khai giai đoạn tiếp theo trong việc kiểm soát Biển Đông, đó là quân sự hóa khu vực này đi ngược lại với Phán quyết, vi phạm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, và “phớt lờ” Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC).
4. Trung Quốc cần tôn trọng và thực thi Phán quyết
Các hành động bất chấp kết quả phán quyết từ Tòa Trọng tài của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại đối với nội bộ Philippines cũng như cộng động quốc tế. Cựu Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi chính phủ Philippines nên tìm kiếm một nghị quyết từ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết Tòa Trọng Tài về Biển Đông. Theo ông Albert del Rosario “Chính quyền Tổng thống Duterte không nên để Trung Quốc thoát khỏi sự trừng phạt với các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm phải bị phản đối vì đây là những lợi ích khó kiếm được của người Philippines thu được từ kết quả của Tòa Trọng tài trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 20/12/2018, Hạ Nghị sỹ Philippines Gary C.Alejano đã trình một Dự luật lên Hạ Viện đề nghị Chính phủ Philippines cần tổ chức một lễ kỷ niệm Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông ngày 12/7/2016. Ông cho biết, Tôi hy vọng rằng bằng cách tuyên bố một ngày nghỉ làm việc đặc biệt vào ngày 12/7, chúng tôi có thể truyền cảm hứng cho người dân Philippines và thúc đẩy niềm tự hào dân tộc. Dự luật đề xuất này đã được Hạ viện Philippines nhận vào ngày 18/12. Dự luật này còn nhằm đáp lại sự không hài lòng của người dân với cách chính phủ xử lý vấn đề Biển Đông.
Có thể thấy, có một làn sóng ngầm cộng đồng quốc tế đang cảm thấy sốt ruột trước việc Phán quyết của Tòa Trọng tài vẫn chưa được Trung Quốc thực thi hiệu quả trong 3 năm qua, thậm chí là còn có các hành động vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng Tài chính là một trong những cơ sở pháp lý mà các nước có liên quan cần phải tôn trọng và thực thi. Dù muốn hay không, là một thành viên thuộc Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, Trung Quốc cần nêu gương, đi đầu về việc thượng tôn pháp luật, tôn trọng trật tự quốc tế hòa bình, ổn định.