Châu Âu – “kẻ bại trận” đầu tiên trong chiến tranh thương mại?
Giờ đây, châu Âu đang bị người ta nhìn nhận như “kẻ thua” từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng này đang tạo ra sự chững lại trong thương mại toàn cầu.
Ảnh: Bloomberg
Cỗ máy xuất khẩu của châu Âu đang mất đà. Điều này không khỏi khiến cho ông Mario Draghi lo lắng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi, dự kiến trong ngày thứ Năm sẽ công bố rằng sẽ sớm có thêm gói kích thích tiền tệ để bù lại cho việc kinh tế đi xuống trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm khiến cho các nhà máy của châu Âu gặp khó khăn.
Mới tháng 12/2018, quan chức ECB từng nói rằng các biện pháp kiểu như trên không còn cần thiết nữa.
Việc quan chức hàng đầu ECB thay đổi quan điểm cho thấy sự suy yếu của kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu. Kinh tế châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào thương mại để tăng trưởng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc những sự kiện xảy ra ở nơi xa biên giới châu Âu vẫn có tác động quan trọng ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế khu vực.
Giờ đây, châu Âu đang bị người ta nhìn nhận như “kẻ thua” từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng này đang tạo ra sự chững lại trong thương mại toàn cầu.
Dù doanh nghiệp châu Âu không nằm trong “lằn ranh lửa”, họ vẫn đang đối diện với tình trạng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc giảm mạnh bởi nhiều công ty tại Trung Quốc đại lục thu hẹp sản xuất. Và khách hàng của họ tại nhiều nơi khác cũng đang thận trọng chi tiêu.
Trong buổi họp báo vào tháng 6/2019, ông Draghi đã đổ lỗi việc thương mại toàn cầu suy yếu trong bối cảnh bất ổn toàn cầu tăng cao chính là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đi xuống.
Giám đốc điều hành công ty sản xuất máy móc thiết bị Redex SA, ông Bruno Grandjean, nhận xét: “Trong quá khứ, khi mà kinh tế châu Âu chững lại, kinh tế Mỹ và Trung Quốc, châu Á mỗi năm vẫn tăng trưởng. Giờ đây cả ba lục địa đều liên kết ràng buộc và cả ba đều đang khó khăn như nhau”.
Ông Grandjean cho rằng kinh tế châu Âu chỉ đang hạ cánh mềm và rằng khu vực đồng tiền chung châu Âu đang không hướng đến suy thoái kinh tế và ít nhất khả năng đó không sớm xảy ra.
Thế nhưng châu Âu phải trả giá cho việc quá phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài để tiêu thụ được hàng hóa mà châu lục này sản xuất ra cũng như không thể phát triển được một nền kinh tế năng động tại quê nhà.Trung Mến (BL)