40 năm đối đầu Mỹ – Iran (1979 – 2019) – Kỳ 2: Cuộc chiến đánh tàu chở dầu
TTO – Tháng 7-1987, hải quân Mỹ mở chiến dịch Earnest Will hộ tống tàu chở dầu Kuwait. Tình báo Iran biết tin nên gài mìn phía tây đảo Farsi. Hai ngày sau, tàu chở dầu Bridgeton của Kuwait va phải mìn.
Mìn trên tàu Iran Ajr bị hải quân Mỹ bắt giữ tháng 9-1987 – Ảnh: AP
Dưới thời nhà vua Mohammad Rezza Pahlavi, Iran được Mỹ xem là đồng minh quan trọng trong chiến tranh lạnh đối đầu với Liên Xô (cũ). Mỹ đã cung cấp cho Iran nhiều vũ khí hiện đại.
Sau khi Cách mạng Hồi giáo năm 1979 lật đổ nhà vua đưa đất nước Iran quân chủ thành nước cộng hòa Hồi giáo, quan hệ mật thiết giữa hải quân Mỹ và hải quân Iran trước đó không còn. Hai bên sẵn sàng hải chiến trên vịnh Persic.
Chiến tranh Iran – Iraq
Tháng 9-1980, lợi dụng tình hình Iran hỗn loạn trong Cách mạng Hồi giáo, Iraq tấn công Iran trên quy mô lớn. Cuộc chiến dai dẳng đến tám năm. Do bị cấm vận nên Iran không đủ sức duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu của không quân và hải quân. Sau Cách mạng Hồi giáo, Iran có đến hai lực lượng hải quân: hải quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIN) và hải quân vệ binh cách mạng.
Trên vịnh Persic, ban đầu chiến sự chỉ giới hạn ở khu vực cực Bắc, đến năm 1986 mới lan rộng sau khi Iraq cải tiến kỹ thuật tiếp liệu trên không. Tàu chiến và máy bay Iran bao vây hải quân Iraq và cản trở tàu chở dầu Iraq đi qua vịnh Persic.
Lúc bấy giờ Iraq nhận được viện trợ từ Nga và một số nước phương Tây. Iraq sử dụng máy bay tiêm kích Super Étendard trang bị tên lửa Exocet do Pháp cung cấp tấn công trả đũa tàu chở dầu Iran.
Tháng 3-1984, máy bay Iraq tấn công cơ sở trung chuyển dầu quan trọng của Iran trên đảo Kharg và các tàu chở dầu đi và đến đảo Kharg. Iran bèn tấn công các tàu ủng hộ Iraq. Cuộc chiến đánh tàu chở dầu bùng nổ.
Ngày 18-4-1988, tàu khu trục Sahand của Iran bốc cháy do trúng tên lửa và bom chùm của Mỹ – Ảnh: Hải quân Mỹ
Năm 1985, số tàu bị tấn công gia tăng, trong đó 3/5 là tàu Iraq. Đến cuối năm 1987, Iraq đã tiến hành 283 vụ đánh tàu, còn Iran thực hiện 168 vụ. Tổng cộng có 116 thủy thủ tàu buôn thuộc nhiều quốc tịch thiệt mạng, 37 người mất tích và 167 người bị thương. Dù vậy, số tàu chìm rất ít. Chiếc đầu tiên bị chìm là tàu Neptune không chở dầu trên đường đến đảo Kharg tháng 3-1985.
Để đối phó, Iran đã sử dụng các tàu chở dầu lớn làm kho trung chuyển ngoài khơi đảo Larak gần eo biển Hormuz.
Vũ khí đánh tàu của Iran chủ yếu là súng máy và súng chống tăng RPG bắn từ xuồng cao tốc, tên lửa chống tăng bắn từ trực thăng và tên lửa Maverick bắn từ máy bay F-4 Phantom. Phần lớn các vụ tấn công chỉ gây thiệt hại nhỏ nhưng ảnh hưởng đến tàu nhiều nước, đặc biệt là Kuwait. Sau này Iran sử dụng tên lửa Sea Killer bắn từ bốn tàu khu trục lớp Saam gây thiệt hại nặng hơn.
Tháng 11-1986, Kuwait kêu gọi quốc tế bảo vệ tàu chở dầu treo cờ Kuwait bị Iran tấn công. Liên Xô phản ứng đầu tiên, cho Kuwait thuê tàu chở dầu treo cờ Liên Xô và hộ tống qua vịnh Persic đến Kuwait. Lo ngại Liên Xô chiếm ưu thế, Mỹ cũng muốn giúp Kuwait nhưng luật Mỹ lại cấm tàu chiến Mỹ hộ tống tàu treo cờ nước ngoài.
Tháng 3-1987, Mỹ tìm ra giải pháp là thay cờ Mỹ cho 11 tàu chở dầu và khí hóa lỏng của Kuwait đồng thời đăng ký tàu ở Mỹ. Tàu được đổi tên Mỹ, treo cờ Mỹ, có thuyền trưởng Mỹ. Như vậy hải quân Mỹ đã tự đưa vào thế đối đầu trực diện với hải quân Iran.
Cuộc chiến đánh tàu chở dầu chỉ thay đổi bản chất sau khi hải quân vệ binh Iran áp dụng chiến thuật đánh mìn, từ đó lôi kéo hải quân Mỹ vào xung đột trực tiếp.
(Chuẩn đô đốc Mỹ về hưu Samuel J. Cox)
Các chiến dịch trả đũa của hải quân Mỹ
Mỹ đánh giá Iran không dám tấn công tàu treo cờ Mỹ nhưng hải quân vệ binh cách mạng sẵn sàng chơi xả láng.
Tháng 7-1987, hải quân Mỹ mở chiến dịch Earnest Will hộ tống tàu chở dầu Kuwait. Đây là chiến dịch hộ tống hải quân lớn nhất của Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày 22-7-1987, đội tàu đầu tiên tham gia chiến dịch rời Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất sang Kuwait gồm hai tàu chở dầu Kuwait treo cờ Mỹ có năm tàu chiến Mỹ hộ tống.
Lúc này hải quân Iran bắt đầu sử dụng mìn. Tình báo Iran biết tin nên gài mìn phía tây đảo Farsi. Hai ngày sau, tàu chở dầu Bridgeton của Kuwait va phải mìn. Do tàu lớn nên thiệt hại không đáng kể.
Căng thẳng giữa hải quân Mỹ và hải quân Iran gia tăng suốt mùa hè năm 1987 trong khi Iran mở thêm nhiều bãi mìn mới khắp vịnh Persic. Hải quân Mỹ bí mật mở chiến dịch Prime Chance nhằm đưa trực thăng lực lượng đặc nhiệm lên tàu khu trục và sử dụng hai sà lan làm căn cứ trên biển.
Chiến dịch thành công rực rỡ với trận đánh ngày 21-9-1987. Tàu khu trục Mỹ USS Jarret (FFG-33) đã khống chế tàu đổ bộ vận tải Iran Ajr của Iran chở 18 quả mìn.
Tàu chiến Mỹ hộ tống tàu chở dầu Bridgeton của Kuwait trong chiến dịch Earnest Will – Ảnh: Hải quân Mỹ
Sau đó, hải quân vệ binh Iran lên kế hoạch sử dụng 60 xuồng cao tốc tấn công các mục tiêu trên vùng biển Saudi Arabia, trong đó có hai sà lan Mỹ.
Trong năm 1988, quy luật giao chiến mới của Mỹ đã cho phép hải quân Mỹ hoạt động gần tàu trung lập. Đêm 13-4-1988, tàu chiến Mỹ USS Samuel B. Roberts (FFG-58) va phải mìn gây ra vụ cháy nổ lớn.
Bốn ngày sau, hải quân Mỹ mở chiến dịch Praying Mantis trả đũa. Đây là chiến dịch lớn nhất trong năm chiến dịch trên biển của hải quân Mỹ từ Chiến tranh thế giới thứ hai; cũng là lần đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này hải quân Mỹ đấu tên lửa đất đối đất với Iran và đánh chìm tàu chiến lớn nhất của đối phương.
8 giờ sáng 18-4-1988, các nhóm tác chiến tàu Mỹ đã tấn công ba giàn khoan Iran. Hải quân vệ binh Iran bèn điều động năm xuồng cao tốc tấn công mọi mục tiêu không phải của Iran. Máy bay Mỹ đánh chìm một số xuồng cao tốc. Sau đó, tàu tuần tra tên lửa Joshan và tàu khu trục Sahand của Iran bị đánh chìm. Còn tàu khu trục Sabalan của Iran trúng bom định hướng laser Mk 82 bốc cháy.
Chiến dịch Praying Mantis kết thúc. Phía Mỹ chỉ có một trực thăng hải quân rơi trong đêm làm hai phi công thiệt mạng. Trong cuộc chiến không tuyên bố của hải quân Mỹ với Iran, sự cố nghiêm trọng nhất là vụ tàu tuần dương Mỹ USS Vincennes bắn rơi máy bay dân dụng của Hãng Iran Air hôm 3-7-1988 làm 290 người thiệt mạng.
Vụ tấn công phi lý
Sau khi đánh chiếm bán đảo Al-Faw của Iraq, giữa tháng 10-1987 Iran đã bắn tên lửa phòng thủ bờ biển Silkworm (tên lửa Trung Quốc nhái từ tên lửa Liên Xô Styx) từ Al-Faw đánh trúng hai tàu chở dầu tại Kuwait. Ba ngày sau, hải quân Mỹ mở chiến dịch Nimble Archer phá hủy một giàn khoan Iran đã dừng hoạt động tại mỏ dầu Rashadat. Năm 2003, Tòa án Công lý quốc tế đã phán quyết Mỹ nêu lên lý do phòng vệ chính đáng để tiến hành vụ tấn công này là phi lý.
Kỳ sau: Chiến lược\”lấy yếu đánh mạnh\” của Iran
HOÀNG DUY LONG