40 năm đối đầu Mỹ – Iran (1979-2019) – Kỳ 4: Câu chuyện hạt nhân đầy biến cố của Iran
TTO – Lịch sử chương trình hạt nhân Iran là một câu chuyện dài nhiều trắc trở. Ban đầu là thời kỳ tốt đẹp trong quan hệ Mỹ – Iran khi Mỹ muốn biến chế độ quân chủ Iran thành thành trì chống cộng ở vùng Vịnh…
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 8-5-2018 – Ảnh: AFP
Hãy tức giận với chúng tôi rồi sẽ chết với sự tức giận ấy.
Tổng thống Iran Ahmadinejad tuyên bố năm 2006
Năm 1957, vua Iran long trọng thông báo ký kết với Mỹ hiệp ước hợp tác hạt nhân dân dụng. Chính Mỹ đã cung cấp cho Iran lò phản ứng hạt nhân đầu tiên 5 megawatt. Năm 1968, Iran ký hợp đồng với Đức và Pháp xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Iran.
Trừng phạt rồi dỡ bỏ cấm vận
Năm 1979, Cách mạng Hồi giáo Iran bùng nổ, quan hệ đồng minh Iran – Mỹ sụp đổ. Hai năm sau, Iran muốn nối lại chương trình hạt nhân nhưng các đối tác cũ (Mỹ, Pháp, Đức) không chịu hợp tác. Thế là Iran mày mò tìm cách khôi phục chương trình hạt nhân.
Năm 2002, đài truyền hình Mỹ công bố ảnh vệ tinh về hai cơ sở làm giàu uranium và sản xuất nước nặng của Iran. Iran xuống nước, tuyên bố sản xuất nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân dân dụng và chấp thuận cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát.
Sau đó, Iran đồng ý ngừng làm giàu uranium và đàm phán với ba nước Liên minh châu Âu (EU-3 gồm Pháp, Đức, Anh). Đàm phán thất bại, Iran lại tiếp tục chương trình hạt nhân của mình.
Năm 2005, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thuộc cánh bảo thủ cầm quyền ở Iran sẵn sàng đấu khẩu với Tổng thống George W. Bush, người từng buộc tội Iran, Iraq và CHDCND Triều Tiên là \”trục xấu\”. Sang năm 2006, IAEA chuyển hồ sơ hạt nhân Iran cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hội đồng Bảo an đã ban hành nghị quyết trừng phạt Iran. Mỹ và EU cũng gia tăng biện pháp trừng phạt. Để trả đũa, Tổng thống Ahmadinejad tuyên bố Iran sẽ làm giàu uranium trở lại. Năm 2011, nhà máy điện hạt nhân của Iran ở Bouchehr với lò phản ứng hạt nhân Nga đi vào hoạt động.
Ba năm sau, Nga tiếp tục ký với Iran hợp đồng cung ứng hai lò phản ứng hạt nhân 1.000 megawatt.
Căng thẳng xuống thang khi Tổng thống Hassan Rouhani theo xu hướng ôn hòa cầm quyền ở Iran từ năm 2013. Ông muốn nối lại đàm phán về hạt nhân để tránh bị trừng phạt và Tổng thống Barack Obama cầm quyền ở Mỹ từ năm 2008 cũng có ý định đó.
Sau 20 tháng đàm phán, vào ngày 14-7-2015 tại Vienna (Áo), tám bên liên quan gồm năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Đức, EU và Iran đã ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) kết thúc 12 năm căng thẳng.
JCPOA đề ra hàng loạt biện pháp hạn chế chương trình hạt nhân Iran, đổi lại các biện pháp trừng phạt Iran sẽ dần dần được gỡ bỏ có điều kiện.
Theo báo cáo \”Iran, an ninh vùng Vịnh và chính sách của Mỹ\” do tiến sĩ Kenneth Katzman soạn thảo cho Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, nói chung các đời tổng thống Mỹ đều xác định Iran là một thách thức quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Dưới mắt Mỹ và đồng minh trong khu vực, Iran muốn sở hữu vũ khí hạt nhân để ngăn chặn ảnh hưởng Mỹ ở Trung Đông. Bởi thế thế giới đã thở phào nhẹ nhõm khi JCPOA được ký kết. Ngày JCPOA có hiệu lực (16-1-2016), Mỹ và EU dỡ bỏ cấm vận đối với Iran. Nhiều nước chuẩn bị hợp tác làm ăn với đất nước Iran 77 triệu dân, nhất là xây dựng đường sắt và đường bộ.
Ngày 9-4-2019, Tổng thống Hassan Rouhani (đội khăn choàng) tham quan triển lãm nhân Ngày công nghệ hạt nhân ở Tehran – Ảnh: Văn phòng tổng thống Iran
Cú \”bẻ kèo\” của ông Trump
Tất cả rồi \”xôi hỏng bỏng không\” khi Tổng thống Donald Trump đơn phương tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA (ngày 8-5-2018) và tái lập các biện pháp trừng phạt Iran còn nặng nề hơn lúc trước. Chỉ có Israel và Saudi Arabia (các nước đồng minh Mỹ) khen quyết định này, còn lại đều ít nhiều chỉ trích, từ EU, Pháp, Đức cho tới LHQ và Nga.
Trước khi làm tổng thống, đại gia bất động sản Donald Trump đã từng viết cuốn Nghệ thuật đàm phán bán chạy như tôm tươi. Trong một lần đến thăm Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với các phóng viên Mỹ: \”Tổng thống của các bạn là một nhà đàm phán quyết định. Ông ấy muốn đạt thỏa thuận và muốn thỏa thuận ấy theo điều kiện của ông ấy\”.
Trump \”bẻ kèo\” cũng vì không hài lòng với JCPOA đã ký với Iran và muốn \”xóa bàn làm lại\”. Ông cho rằng nếu để Iran bán dầu bình thường, kinh tế Iran có nguồn thu và Iran sẽ lấy tiền đó đầu tư mở rộng ảnh hưởng ở Syria, Iraq, Lebanon, Yemen.
Ông Trump và các đồng minh muốn chế độ Iran phải suy sụp vì \”mất máu\”. Ngoài ra, tính cách của Trump là nói thì phải làm. Lúc tranh cử ông đã tuyên bố sẽ rút khỏi JCPOA và ông đã làm như thế. Chưa kể quanh Trump còn có nhiều \”cận thần\” muốn \”xóa bàn làm lại\” như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Về phía Iran, giáo sư Thierry Coville ở Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp nhận xét một năm sau tuyên bố của Trump rút khỏi JCPOA, Iran vẫn tôn trọng JCPOA, quan sát các biện pháp trừng phạt và kêu gọi châu Âu can thiệp. Sau giai đoạn mà Iran gọi là \”chính sách kiên nhẫn chiến lược\”, Iran bắt đầu trả đũa.
Ngày 8-5-2019, tức đúng một năm sau tuyên bố của Trump, Tổng thống Hassan Rouhani lên truyền hình đưa ra tối hậu thư: Các nước ký kết JCPOA có 60 ngày để thực hiện cam kết bảo đảm ngân hàng và dầu mỏ Iran thoát khỏi cấm vận Mỹ. Từ ngày 8-5, Iran đã ngừng hạn chế kho nước nặng và uranium làm giàu.
Đầu tháng 7, Iran tuyên bố kho uranium làm giàu với tỉ lệ 3,67% đã vượt ngưỡng 300kg. Một tuần sau, Iran lại tuyên bố sẽ tăng tỉ lệ làm giàu uranium đến mức tối thiểu 4,5%, tức vượt ngưỡng 3,67% theo JCPOA. Iran gây sức ép từ từ với thông điệp rất rõ ràng: Mỹ phải dỡ bỏ cấm vận, bằng không sẽ phải trả giá.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trò chuyện với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trước cuộc họp báo quốc tế về ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna (Áo) ngày 14-7-2015 – Ảnh: Reuters
Nhận thức của Iran về Mỹ
Báo cáo \”Chính sách ngoại giao và quốc phòng Iran\” do tiến sĩ Kenneth Katzman soạn thảo cho Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ đánh giá nhà cầm quyền Iran luôn nhận thức Mỹ và các đồng minh đe dọa đến chế độ và lợi ích quốc gia Iran.
Nền tảng của nhận thức dựa vào ba yếu tố. Đầu tiên, lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã khẳng định Mỹ luôn tìm cách lật đổ Cách mạng Hồi giáo bằng cách ủng hộ phe đối lập trong nước, trừng phạt kinh tế, ủng hộ Israel và Saudi Arabia.
Kế đến, Mỹ luôn duy trì sự hiện diện quân sự lớn trong khu vực là hành động thù địch của Mỹ. Cuối cùng, Iran đánh giá Mỹ không chỉ ủng hộ các thế lực Sunni chống lại Iran mà còn hậu thuẫn cho các nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan.
Kỳ tới: Bên bờ vực chiến tranh