40 năm đối đầu Mỹ – Iran (1979-2019) – Kỳ cuối: Bên bờ vực chiến tranh
TTO – Hôm 19-7-2019, tàu chở dầu Stena Impero dài 183m của Thụy Điển treo cờ Anh cùng 23 thuyền viên trên đường đi Saudi Arabia thì bị hải quân vệ binh cách mạng Iran bắt giữ.
Ngày 24-6, Tổng thống Donald Trump ký quyết định “trừng phạt nghiêm khắc” đối với lãnh tụ tối cao Iran. Ba hôm trước ông đã kịp rút lại quyết định tấn công Iran – Ảnh: AFP
Nếu Mỹ dỡ bỏ cấm vận, chấm dứt gây sức ép kinh tế và trở lại thỏa thuận hạt nhân, chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Mỹ từ bây giờ và ở bất kỳ đâu.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố ngày 14-7
Chuyện xảy ra y như trong phim. Xuồng cao tốc Iran chặn tàu lại. Máy bay trực thăng Mi-17 của Iran xuất hiện. Đội đặc nhiệm Iran trùm kín mặt đu dây xuống tàu. Tàu khu trục HMS Montrose và hai trực thăng của Anh được lệnh đến tiếp ứng nhưng không kịp.
Phía Iran khẳng định tàu chở dầu Stena Impero đã va chạm với tàu cá Iran trên eo biển Hormuz, tàu cá kêu cứu nhưng tàu Anh bỏ đi. Iran còn cho rằng tàu Stena Impero đi qua eo biển Hormuz không đúng luồng theo quy định hàng hải quốc tế và tắt hệ thống định vị.
Ngược lại, Anh tuyên bố tàu Anh đang trong hải phận quốc tế và đó là vụ giữ tàu trái phép. Đây là một trong những vụ \”ăn miếng trả miếng\” xảy ra gần đây trên eo biển Hormuz sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5-2018.
Mắt đền mắt, răng đền răng
Tình hình nóng lên từng ngày từ tháng 4-2019 khi Mỹ tuyên bố đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Iran vào danh sách đen các tổ chức khủng bố. Iran hăm dọa: \”Mọi binh sĩ Mỹ hiện diện trong khu vực đều được xem là quân khủng bố\”. Đầu tháng 5, Cục Hàng hải Mỹ cảnh báo nguy cơ tàu bị tấn công trên vịnh Persic.
Đến ngày 12-5, hai tàu treo cờ Na Uy và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cùng hai tàu chở dầu treo cờ Saudi Arabia bị phá hoại hết sức bí ẩn trên vùng biển UAE. Vụ phá hoại chỉ làm hư thành tàu. Theo kết luận điều tra của UAE, Saudi Arabia và Na Uy, người nhái gài mìn gắn nam châm vào vỏ tàu gây nổ và đứng sau vụ phá hoại này có yếu tố nhà nước.
Một tháng sau xảy ra vụ tấn công tàu thứ hai. Tàu chở dầu Front Altair của Na Uy treo cờ quần đảo Marshall và tàu chở dầu Kokuka Courageous của Nhật treo cờ Panama đang lưu thông trên biển Oman thì xảy ra hai vụ nổ và tàu Nhật bị bắn. Trong hai lần tấn công tàu, Mỹ đổ lỗi cho Iran nhưng Iran phản bác.
Đến ngày 20-6, Iran bắn hạ một máy bay không người lái Mỹ. Iran nói máy bay xâm phạm không phận nhưng Mỹ cho rằng máy bay bay trong không phận quốc tế. Tổng thống Donald Trump nổi đóa quyết định đêm hôm đó sẽ mở màn tấn công ba địa điểm ở Iran. Tàu chiến và máy bay đã sẵn sàng chiến đấu. 10 phút trước giờ G, ông Trump rút lại quyết định tấn công.
Sang tháng 7, các vụ va chạm trên biển tiếp tục xảy ra. Ngày 4-7, tàu chở dầu Grace 1 của Iran treo cờ Panama bị hải quân Anh giữ lại vì nghi ngờ tàu giao dầu cho Syria, tức vi phạm lệnh cấm vận EU. Một tuần sau, Bộ Quốc phòng Anh cho biết ba tàu chiến Iran chặn tàu chở dầu British Heritage của Anh trên eo biển Hormuz.
Tàu khu trục HMS Montrose đến tiếp ứng phải chĩa súng yêu cầu tàu Iran tránh xa. Song Iran khẳng định không hề có chuyện đó. Hôm 18-7, Mỹ tuyên bố tàu đổ bộ chở trực thăng USS Boxer đã bắn rơi một máy bay không người lái Iran nhưng Iran lại nói Mỹ bắn nhầm máy bay Mỹ. Sự thật chẳng biết đâu mà lần!
Anh đã nâng mức báo động tối đa đối với tàu Anh đi vào eo biển Hormuz và triển khai hai tàu khu trục đến vịnh Persic nhằm bảo đảm hàng hải. Mỹ thông báo triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln, máy bay ném bom B-52, máy bay tiêm kích và tăng thêm 2.500 quân đến Trung Đông vì tin tình báo cho hay có dấu hiệu Iran chuyển quân trên bộ và trên biển.
Ngày 18-7, Saudi Arabia đã bật đèn xanh cho phép Mỹ triển khai quân đến Saudi Arabia. Đây là lần đầu tiên lính Mỹ trở lại nước này sau khi rút đi năm 2003. Hiện có khoảng 35.000 lính Mỹ ở Qatar, Kuwait và Bahrain, nơi đồn trú hạm đội 5 của Mỹ.
Tàu ngầm loại nhỏ lớp Ghadir của Iran có thể được dùng trong chiến tranh bất đối xứng – Ảnh: IRNA
Cuộc chiến tàu chở dầu 2.0?
Các vụ trả đũa trên eo biển Hormuz gợi nhớ đến cuộc chiến đánh tàu chở dầu trong chiến tranh Iran – Iraq năm 1980-1988. Các chuyên gia ghi nhận nếu cuộc chiến tàu chở dầu bùng nổ công khai, tình hình còn phức tạp hơn.
Một bên là siêu cường Mỹ với hạm đội 5, các căn cứ trong khu vực, đội tàu sân bay cùng hai đồng minh chủ chốt Saudi Arabia và Israel. Còn một bên là quốc gia Hồi giáo Iran bị cô lập, kinh tế suy yếu, vũ khí hạn chế.
Theo các chuyên gia, chắc chắn Iran sẽ tránh đối đầu trực tiếp và tiếp tục áp dụng chiến lược bất đối xứng với các hình thức quấy rối bằng xuồng cao tốc trang bị súng phóng lựu và tên lửa tầm ngắn, tàu ngầm nhỏ lớp Ghadir gài thủy lôi và tên lửa chống tàu. Thay vì dùng thủy lôi sẽ khó xác định mục tiêu, Iran sử dụng mìn gắn nam châm hẹn giờ áp vào thành tàu.
Giáo sư James Holmes ở Học viện Hải quân Mỹ nhận định trong vùng biển Hormuz hẹp và nông mà Iran nắm trong lòng bàn tay, chắc chắn Iran sẽ tập trung hỏa lực bất đối xứng tại điểm hẹp nhất của eo biển Hormuz, nơi dễ khoanh vùng mục tiêu và kẻ thù khó bề tẩu thoát. James Holmes giải thích:
\”Đây không phải là cuộc hải chiến đúng nghĩa vì không xảy ra đối đầu giữa hai lực lượng tương đương. Vì vậy đừng sai lầm khi so sánh tương quan lực lượng rồi kết luận hải quân Mỹ sẽ đè bẹp quân đội Iran do chiếm ưu thế về tàu chiến, máy bay, vũ khí\”.
Chuyên gia Zachary Keck ở Trung tâm Belfer về khoa học và các vấn đề quốc tế (Trường quản trị công John F. Kennedy ở Cambridge, Mỹ) viết: \”Không có quốc gia nào sau chiến tranh lạnh tìm cách thách thức Mỹ nhiều như Iran. Tehran chưa bao giờ thất bại trong việc cản trở hay hạn chế ảnh hưởng của Mỹ\”.
Không có giải pháp cho khủng hoảng Iran
Các chuyên gia bình luận trong tương lai gần không có giải pháp hữu hiệu để tháo ngòi nổ khủng hoảng Iran – Mỹ. Các nước Liên minh châu Âu (Anh, Pháp, Đức) muốn nối lại đàm phán để cứu thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nhưng lại không thể xoay chuyển lệnh cấm vận của Mỹ.
Chuyên gia Antoine Bondaz ở Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp ghi nhận: \”Điều nguy hiểm là ông Trump không có chiến lược. Đối với CHDCND Triều Tiên, ông ấy xem hạt nhân là công cụ truyền thông chính trị. Điều này cũng xảy ra như thế với Iran.
Mục tiêu chính của Trump không phải là chống phổ biến vũ khí hạt nhân mà là gây sức ép và áp đặt cấm vận. Trong cả hai trường hợp, trước hết ông ấy muốn thuyết phục cử tri Mỹ rằng ông ấy là người mạnh nhất\”.
TTO – Lịch sử chương trình hạt nhân Iran là một câu chuyện dài nhiều trắc trở. Ban đầu là thời kỳ tốt đẹp trong quan hệ Mỹ – Iran khi Mỹ muốn biến chế độ quân chủ Iran thành thành trì chống cộng ở vùng Vịnh…
HOÀNG DUY LONG