Putin làm chư hầu Tập Cận Bình

NGÔ NHÂN DỤNG –

Putin làm chư hầu Tập Cận Bình

.

\"\"
Putin đang biến nước Nga thành một chư hầu của Trung Cộng. Trong hình, Tổng Thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn “Một Vành Đai, Một Con Đường” ở Bắc Kinh hôm 27 Tháng Tư, 2019. (Hình: Valeriy Sharifulin/AFP/Getty Images)

Tạp chí Economist tuần này kể chuyện Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu qua thăm Tajikistan, xứ nghèo nhất trong các nước Trung Á đã tách khỏi Liên Bang Xô Viết sau năm 1991. Ông Shoigu đi thanh tra Sư Đoàn 201, với 7,000 quân, đạo quân Nga đông nhất đóng ở nước ngoài.

Khi ông Shoigu tới ăn tại “Lâu Đài Sĩ Quan,” một khách sạn lớn của quân đội ở Dushanbe, thủ đô Tajikistan, thì thấy trên tường phòng ăn treo một bức chân dung lớn của Tập Cận Bình. Khách sạn này do Trung Quốc viện trợ, tiệm ăn trong đó là quán cơm Tàu.

Không phải chỉ có khách sạn. Trung Cộng cũng viện trợ xây cất dinh tổng thống và trụ sở quốc hội nước Tajikistan. Hệ thống điện thoại của Bộ Ngoại Giao được người Tàu đem biếu, bộ phận “trả lời tụ động” lúc đầu chỉ nói tiếng Trung Hoa.

Trung Cộng cũng làm đường, xây trường học, và cho chính phủ Tajikistan vay $1.3 tỷ, bằng một nửa toàn thể số nợ của nước này. Trung Cộng khai thác mỏ vàng, bạc trong xứ, cung cấp nhà máy điện và các máy chụp hình kiểm soát giao thông ở ngã tư. Quân Trung Cộng đóng trong vùng biên giới giữa Afghanistan, Tajikistan và Pakistan. Sĩ quan Tajikistan được huấn luyện ở Thượng Hải.

Chính phủ Nga vẫn coi vùng Trung Á, trước đây thuộc Liên Xô, là “sân sau” của mình, về kinh tế cũng như quốc phòng. Nhưng Vladimir Putin không còn kiểm soát được các nước chư hầu nữa. Quân Trung Cộng thao dượt ở Tajikistan, không cần báo cho chính phủ Nga biết.

Ngược lại, Putin đang biến nước Nga thành một chư hầu của Trung Cộng.

Quan hệ Nga-Trung đã thay đổi. Stalin coi Cộng Sản Trung Hoa là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế. Gorbachev coi Giang Trạch Dân là ngang hàng. Nhưng bây giờ ngôi vị đảo ngược.

Nga chiếm Crimea năm 2014, rồi xâm lăng Ukraine, bị các nước Tây phương phong tỏa kinh tế. Vì thế Putin đã quay về phía Đông. Tập Cận Bình mở vòng tay Panda ôm con gấu Nga, ký một thỏa ước 30 năm, mua $400 tỷ dầu khí của Nga. Nga xóa bỏ các hạn chế đầu tư ngoại quốc riêng cho các xí nghiệp Tàu. Sẵn sàng bán các loại vũ khí không phải hạt nhân.

Nga lệ thuộc Tàu về kinh tế. Năm 1989 Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của Nga lớn gấp đôi của Trung Quốc, dù dân số ít hơn. Năm nay, GDP của nước Tàu bằng sáu lần nước Nga. Trung Quốc đứng hàng thứ nhì mua hàng hóa của Nga, sau Liên Hiệp Âu Châu; và mua nhiều dầu, khí của Nga nhất. Trong số dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga, có 14% là đồng Nguyên, tiền Trung Quốc. Khác với đô la Mỹ hay đồng Euro, đồng Nguyên không thể đem bán nhanh chóng trong thị trường thế giới khi cần.

Trung Cộng càng phát triển thì càng cần nhập cảng năng lượng; đã được Putin mở cửa bán rẻ. Một nửa số dụng cụ khai mỏ dầu ở Nga do Trung Cộng cung cấp. Trung Cộng cho Rosneft, doanh nghiệp nhà nước của Nga vay tiền mua các công ty nhỏ, đổi lại sẽ bảo đảm được bán dầu. Một công ty quốc doanh của Bắc Kinh làm chủ 20% dự án khai thác dầu vùng bắc cực của Novatek, công ty dầu khí của Timchenko, một trong các tỷ phú thân cận với Putin.

Trước đây Nga nắm độc quyền đặt ống dẫn dầu trong vùng Trung Á, nay đang bị Trung Cộng lấn đất. Trước đây, một công ty Nga kiểm soát hết các ống dẫn dầu ở Kazakhstan, một nước trước đây thuộc Liên Xô. Nay, dầu lửa từ Kazakhstan chảy thẳng qua Trung Quốc bằng một hệ thống dẫn dầu mới.

Nhiều người Nga lo sợ nhất, là nước Nga dựa vào Trung Cộng khi thiết lập hệ thống viễn thông mới, gọi là 5-G. Trong tương lai, một nửa mạng Internet ở Nga sẽ do Trung Cộng đặt nền móng.

Trung Cộng có kinh nghiệm nhất trong việc kiểm soát và đàn áp dân. Họ cung cấp cả hệ thống lẫn các dụng cụ giúp Putin kiểm soát dân Nga. Putin nhờ công ty Huawei thiết lập các điện thoại 5-G, bất chấp những báo động của giới tình báo. Tổng Thống Donald Trump đã cấm các xí nghiệp Mỹ không được mua đồ của Huawei vì mối lo này. Hệ thống viễn thông 5-G có một nhược điểm là rất dễ bị “xâm nhập phá hoại” (hacking).

Hệ thống 5-G chạy nhanh gấp 20 lần các máy móc cũ. Không chỉ dùng để thông tin như máy móc bây giờ, nay mai các “điện thoại” có thể điều khiển nhà máy, sai bảo các “robot” làm việc trong nhà, mở cửa đóng cửa, mở tủ lạnh, nấu ăn, trông coi trẻ em, điều khiển xe chạy điện hay máy bay nhỏ…

Hệ thống viễn thông mới có thể trở thành vũ khí.

Cựu Trung Tướng Robert Spalding đã viết một bài báo động các nước mua hàng của Huawei hoặc ZTE vì họ bán giá rẻ về nguy cơ nếu Trung Cộng bán và đặt các dụng cụ viễn thông. Spalding mô tả các thành phố có thể biến thành bãi chiến trường: Thử tưởng tượng có lúc những chiếc xe điện bỗng dưng chạy bừa bãi, đâm nhau và cán người đi bộ. Những máy bay nhỏ không người lái (drone) lao vào động cơ các phi cơ chở khách! Ông lên tiếng: Phải gạt Huawei và ZTE ra khỏi các nước tự do dân chủ.

Hệ thống 5-G sẽ được áp dụng trong kỹ thuật chiến tranh. Thử tưởng tượng một toán đang hành quân trong rừng, mỗi người lính đi cách đồng đội hàng trăm mét. Họ biết ai đang ở chỗ nào, nhờ cái máy “đồng hồ điện thoại” đeo trên tay. Hệ thống này không cần đến vệ tinh nhân tạo như GPS, mà trực tiếp truyền từ máy này tới máy khác.

Một binh sĩ bị trúng mìn hay đạn của quân địch, ngã bất tỉnh. Cái “đồng hồ” có “sensor” thấy ngay tình trạng khẩn cấp, báo động cho các bạn. Cái đai anh lính đeo ở chân hay tay tự động thắt lại để cầm máu; mũi kim tự động chích thuốc và toán cấp cứu ở xa được báo động ngay.

Lập tức, cái “đồng hồ” cũng đưa ra ngay một đội hình tác chiến dựa trên tin tức mới biết về vị trí quân địch. Chiến xa không người lái chạy đến tăng cường. Cùng lúc dó, trực thăng cấp cứu bay ngay tới chỗ anh lính bị thương vì biết anh ta đang ở đâu.

Thử tưởng tượng, nếu bên địch có thể làm nhiễu loạn cả hệ thống thông tin của đạo quân này, liệu còn đánh nhau được nữa hay không?

Ông Alexei Navalny, một thủ lãnh đối lập còn sống sót ở Nga, cảnh cáo Tổng Thống Putin đang làm cho nước Nga lệ thuộc vào Trung Quốc, trong chính trị và cả trong các kỹ thuật tân tiến; khi Putin để cho Trung Cộng chiếm gần như độc quyền cung cấp các khí cụ từ bên ngoài nước Nga. Bất cứ nhà lãnh đạo nào, sau Putin, cũng không thể gỡ nước Nga thoát khỏi vòng lệ thuộc đó. Navalny nói: “Ông Putin đang biến người lãnh đạo Nga sắp tới trở thành ‘con tin’ của Trung Quốc. Họ sẽ khó mà buộc được chính quyền Trung Quốc phải thiết lập một quan hệ bình đẳng, được dân Nga chấp nhận.

Leonid Kovachich, một nhà báo Nga chuyên về công nghiệp tân tiến, tiết lộ rằng các khoa học gia Nga đều biết mối nguy nếu để cho Trung Cộng xâm nhập vào lãnh vực kỹ thuật mới, và họ đang cố gắng kiến tạo các chương trình, các ký mã trong nhu liệu, phần mềm, hoàn toàn độc lập với các dụng cụ của Trung Quốc. Nhưng các máy móc, thuộc phần cứng thì vẫn mua của nước Tàu.

Tại sao Vladimir Putin để nước Nga lâm vào tình trạng lệ thuộc này?

Vì Putin không có cách nào khác, sau khi bị các nước Âu, Mỹ cấm vận. Hai cái đầu con diều hâu trong huy hiệu nước Nga bây giờ quay cùng một phía, phía Đông.

Nhưng còn một lý do thực tế hơn, là các tay đầu nậu (oligarch) chung quanh ông Putin đang hưởng lợi nhờ khai thác quan hệ kinh tế với Trung Quốc để hốt bạc. Họ tích cực vận động cho chính sách “ngả sang Tàu” của Vladimir Putin. Gennady Timchenko, trước đây bán dầu cho Châu Âu kiếm hàng tỷ Mỹ kim, nay làm ăn với người Tàu; đang làm chủ tịch Hội Đồng Thương Mại Nga-Trung.

Nhưng các xí nghiệp Trung Quốc không thích đầu tư vào nước Nga, ngoài lãnh vực dầu khí. Họ đem tiền kinh doanh ở Mỹ hoặc Âu châu vì những xứ đó có hệ thống pháp luật đáng tin cậy! Khi làm ăn, ai cũng muốn được luật pháp bảo vệ, mà tinh thần trọng pháp thì ông Putin đã xóa ở nước Nga mất rồi!

Không phải chỉ có nước Nga đang bị dẫn đi sai đường. Tất cả những nước quá tin tưởng vào Trung Cộng cũng vậy. Liệu Việt Nam có thể thoát khỏi cái bẫy này không? (Ngô Nhân Dụng)

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment