Quận Cam: Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại trở về ‘Mái Trường Xưa’

VĂN LAN / Người Việt –

Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại trở về ‘Mái Trường Xưa’

.

\"\"
Các giáo sư và cựu giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn trong bức hình hiếm có. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

GARDEN GROVE, California – Các giáo sư, cựu giáo sinh từ Úc, và các tiểu bang Kansas, Minnesota, Oklahoma, New York, Texas, Washington D.C. cùng về tham dự buổi họp mặt thường niên do Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại tổ chức vào sáng Chủ Nhật, 21 Tháng Bảy, tại nhà hàng Diamond Seafood, Garden Grove.

Buổi họp mặt có chủ đề “Mái Trường Xưa” và cũng là dịp ra mắt tân Ban Chấp Hành.

Truyền thống đoàn kết và thân ái của Sư Phạm Sài Gòn qua bao nhiêu năm tháng vẫn không hề thay đổi khi các giáo sư cùng học trò hát vang “Liên Khúc Hùng Sử Việt” ngay khi gặp nhau. Với khí thế oai hùng trong ca khúc làm mọi người nhớ đến thời đi học, cùng sát cánh trong những tiết mục văn nghệ nổi tiếng của trường.

Sau nghi thức khai mạc, tân Ban Chấp Hành được giới thiệu ra mắt gồm Nguyễn Ngọc An (hội trưởng), Trần Quốc Dũng (hội phó 1), Lê Minh Phú (hội phó 2 kiêm thủ quỹ), Tina Bích Thủy (văn nghệ), Nguyễn Thị Am, Trần Thị Ngọc Đào (thông tin liên lạc), Trương Kim Lan, Trần Thanh Trung (tiếp tân).

\"\"
Giáo Sư Nguyễn Hữu Phước (thứ ba, trái) cùng các cựu giáo sinh trong nhạc cảnh “Hòn Vọng Phu” được hoan hô nhiệt liệt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mọi người xúc động khi Giáo Sư Dương Ngọc Sum và Giáo Sư Nguyễn Tử Quý, hội trưởng và phó hội trưởng, lên nói lời từ nhiệm và nhắn nhủ tân Ban Chấp Hành hãy cố gắng tiếp nối trong nhiệm vụ mới.

Tiếp theo là cựu giáo sinh các khóa cùng chụp hình lưu niệm với các giáo sư, phía sau là hình ảnh trường Sư Phạm Sài Gòn thật lớn với hàng phượng vĩ đỏ thắm sân trường.

\"\"
Các giáo sư và cựu giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại hợp ca “Liên Khúc Hùng Sử Việt” khai mạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Văn nghệ tiếp nối qua các tiết mục phong phú gồm múa, song ca, ngâm thơ, cổ nhạc, nhất là nhạc cảnh “Hòn Vọng Phu” do Giáo Sư Nguyễn Hữu Phước thủ diễn, và nhạc cảnh “Ngày Xưa Hoàng Thị” do hai giáo sư Dương Ngọc Sum và Hồ Thị Hiệp cùng cựu giáo sinh trình diễn, nhận được nhiều tràng pháo tay nồng nhiệt.

Chương trình còn dài với những tiết mục ngâm thơ “Ai Trở Về Xứ Việt” qua giọng diễn ngâm của nữ sĩ Bích Ty, và bài “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” do chị Kiều Nguyễn (khóa 13) trình bày cùng tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi làm không khí chợt bồi hồi về những ngày tháng cũ. Và những màn nhạc cảnh, đặc biệt là tiết mục múa “Thương Ca Tiếng Việt” của ban múa thiếu nhi Vũ Đoàn Việt Cầm làm tôn vinh tiếng Việt được nhiệt liệt tán thưởng.

\"\"
Giáo Sư Hồ Thị Hiệp (thứ hai, trái) và Giáo Sư Dương Ngọc Sum (thứ ba, trái), cùng các cựu giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn trong nhạc cảnh “Ngày Xưa Hoàng Thị” được hoan hô nhiệt liệt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tình thầy trò gắn bó thân mật bao nhiêu năm vẫn không hề thay đổi, và đến hồi cao điểm, râm ran khi thầy và trò cùng kể chuyện ngày xưa đã hơn nửa thế kỷ, và có những chuyện bây giờ mới biết.

Nói về kỷ niệm, cô Phan Bích Thủy vào trường năm 1966, sau khi ra trường đi dạy truờng Minh Phụng, Chợ Lớn. Sau đó qua dạy trường Lê Quý Đôn, quận 3. Cô Thủy hào hứng kể: “Trường học cách nhà không xa, đi bộ qua ba trường Petrus Ký, Đại Học Khoa Học, và Đại Học Sư Phạm là tới. Ngày nào đi học cũng áo dài trắng, thắt nơ đỏ, che dù đỏ, khi đi qua trường Petrus Ký, các nam sinh trong truờng ngồi xếp hai hàng dài trong con hẻm, đợi mình đi qua, đồng loạt đếm 1, 2, 3, 4. Thiệt mắc cỡ quá trời!”

Cũng có những chuyện đến hôm nay mới “bật mí” khi cô Thủy kể tiếp: “Như thầy Phước đây, hồi đó học ở Mỹ về, mới 28 tuổi đã là hiệu trưởng Sư Phạm Sài Gòn, cao lớn đẹp trai, mấy chị giáo sinh ai cũng mộng mơ nhưng đều vỡ mộng khi biết thầy đã có vợ! Giờ qua đây gặp lại thật cảm động, có khi thầy trò già gần như nhau!”

\"\"
Tân Ban Chấp Hành Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại. Từ trái, Trần Quốc Dũng, hội phó 1; Nguyễn Ngọc An, hội trưởng; Lê Minh Phú, hội phó 2. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cũng có những câu chuyện thật cảm động, cho thấy đời đi học lắm cảnh khó khăn, nhưng từ đó mới biết ý chí vươn lên của người học trò thời ấy thật đáng kính nể.

Cô Thủy kể trong lớp có chị bạn học rất giỏi, thi đậu vô trường hạng nhất, khi ra trường cũng thủ khoa. Đây là trường hợp rất đặc biệt vì khóa ấy có 800 giáo sinh, phải cừ khôi lắm mới được như vậy!

“Lúc ấy bọn tôi không hiểu vì sao những bữa cơm trưa ở trường, chị ấy luôn luôn ngồi tránh xa bọn này, mặc dù chị là trưởng lớp. Sau này mới hiểu vì nhà chị nghèo lắm, vô trường chỉ có độc một chiếc áo dài duy nhất, sau khi học về nhà là phải giặt phơi liền cho mau khô ngày mai mặc tiếp, mỗi bữa ăn chỉ có một cái trứng vịt hoặc vài con khô nhỏ nên không dám ngồi chung với bạn bè. Đó là chị Phan Thị Công Minh, hiện nay đang ở Connecticut, qua Mỹ tiếp tục nghề giáo một thời gian, nay đã nghỉ hưu, nhờ trời hiện nay cũng khá giả,” cô Bích Thủy hãnh diện nói.

Giáo Sư Nguyễn Duy Linh nhớ lại chuyện xưa: “Tôi dạy từ khóa đầu tiên cho tới khóa 13, khóa cuối cùng của trường Sư Phạm Sài Gòn. Lúc đầu thi vào lấy từ Tú Tài 1, học hai năm, sau này thi vào lấy từ Tú Tài 2, chuẩn bị lên cao đẳng học 4 năm theo kiểu Mỹ.”

“Học trò thời nào cũng thế, nhưng kỷ cương trường lớp thời trước rất nghiêm minh, và vì giáo sinh cũng sẽ là người thầy dạy học, nên càng phải nghiêm minh hơn nữa. Giờ học đến, chuông reo là tất cả giáo sinh đã sắp hàng trước cửa lớp rồi. Nếu giáo sư có việc đi trễ, giáo sinh cũng cứ phải đứng đó, giám thị đến cùng đứng chờ, nếu không thấy giáo sư tới, giám thị sẽ dẫn giáo sinh vào lớp ngồi, giữ trật tự cho các lớp khác, đó là một nề nếp,” giáo sư tiếp.

Giáo Sư Dương Ngọc Sum cho biết: “Khi đất nước chia đôi, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, nhu cầu phát triển giáo dục rất cần thiết, kéo theo nhu cầu xây dựng trường học và đào tạo giáo chức. Do đó trường Quốc Gia Sư Phạm được thành lập năm 1955, thu dụng các giáo sinh từ Bến Hải tới Cà Mau, giáo chức ra trường được dạy hai cấp tiểu học và trung học. Sau thời gian cải tổ lại, Sài Gòn có hai trường Đại Học Sư Phạm và Cao Đẳng Sư Phạm, huấn luyện được 13 khóa với nhiều giáo chức ra trường, từ đó các địa phương khắp miền Nam lần lượt mở ra 19 trường sư phạm nữa.”

“Hội ngộ Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại, bên cạnh những hàn huyên kỷ niệm, còn là những tình cảm của anh chị em Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại chia sẻ tình tương thân với những đồng nghiệp còn ở lại trong nước, thăm hỏi và giúp đỡ những đời sống còn khó khăn nơi quê nhà,” giáo sư nói thêm.

Từ sau năm 1975, một số giáo sư và cựu giáo sinh đã ra khỏi nước và quy tụ lại, Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại được thành lập đã hơn 40 năm nay, và Tháng Bảy hằng năm như một thời điểm của chu kỳ, để mỗi lần hội ngộ, gặp nhau trong tình thầy trò, trường lớp và đồng môn với bao kỷ niệm khó phai. (Văn Lan)

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment