Bãi Tư Chính: Tranh chấp song phương hay đa phương và VN cần làm gì?

TRƯƠNG NHÂN TUẤN –

Bãi Tư Chính: Tranh chấp song phương hay đa phương và VN cần làm gì?

.

\"\"
Tàu hải cảnh Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 hồi năm 2014 . HOANG DINH NAM

Trên BBC có bài phỏng vấn ông Ngô Vĩnh Long, giáo sư đại học Maine ở Mỹ. GS Long cho rằng \”VN thua ở bãi Tư Chính\”, mà nguyên nhân là vì VN không \”đa phương hóa Biển Đông\”. Đây là điều mà GS Long cho rằng ông đã đã cảnh báo VN \”từ mười mấy năm nay\”. Dẫn nguyên văn:

\”Họ (TQ) muốn đây là vấn đề song phương, mà vấn đề song phương thì các nước khác không được dính líu vào. Chỉ là giữa Trung Quốc với Việt Nam thôi. Thì vấn đề này Việt Nam phải suy nghĩ, vì trong mười mấy năm qua chúng tôi nói là Việt Nam phải cố gắng đa phương hóa vấn đề Biển Đông.\”

Điều đáng tiếc là trong bài phỏng vấn, GS Long đã không cắt nghĩa để độc giả hiểu thế nào là \”đa phương hóa tranh chấp ở Biển Đông\”, đặc biệt ở bãi Tư Chính.

Tranh chấp Tư Chính bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền

Vụ bãi Tư Chính, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao của cả hai bên lên tiếng phản đối nhau, nội dung xét ra không khác chi nhiều.

Phía Trung Quốc ra tuyên bố: \”VN phải nghiêm túc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải liên quan và không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình.\”

Phía Việt Nam ra tuyên bố: \”Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên.\”

Tranh chấp ở Bãi Tư Chính vì vậy là có nguồn gốc từ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ (chống lấn hải phận, tranh chấp quyền tài phán v.v…).

Câu hỏi đặt ra cho GS Long là làm thế nào để \”đa phương hóa\” một tranh chấp vốn có nguồn gốc lâu đời từ \”tranh chấp về chủ quyền\”?

Theo tôi Biển Đông có rất nhiều vấn đề, vừa \”đa phương\” vừa \”song phương\”.

Việc các quốc gia chung quanh Biển Đông phải tôn trọng quyền tự do hải hành của tàu bè các nước là vấn đề \”đa phương\”. Việc các nước ASEAN cùng TQ thảo luận bộ \”qui tắc ứng xử – COC\” ở Biển Đông là một vấn đề \”đa phương\”.

\"Trung
Trung Quốc sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các tàu \’nghiên cứu\’ Hải Dương Địa Chất, đưa vào các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông và khu vực. GETTY IMAGES

Tôi không nghĩ tranh chấp Tư Chính sẽ được giải quyết trong khuôn khổ \”quyền tự do hải hành\” hay theo nội dung \”tuyên bố ứng xử COC\”.

Các việc \”song phương\”,chỉ có thể giải quyết bằng thiện chí giữa hai nước, như việc phân định hải phận giữa hai quốc gia kế cận, hay đối diện trên Biển Đông.

Việt Nam phân định biển với Thái Lan, Malaysia… VN nộp chung hồ sơ \”thềm lục địa mở rộng\” với Malaysia… là các vấn đề \”song phương\”, không quốc gia nào có thể \”xen vào\”.

Mọi tranh chấp về \”chủ quyền\” ở một vùng lãnh thổ đều được giải quyết giữa các bên \”có yêu sách chủ quyền\”. Tranh chấp này có thể được \”quốc tế hóa\”, phân xử bằng một trọng tài quốc tế, như Tòa án Công lý Quốc tế.

Việc phân định biển giữa hai quốc gia chỉ có thể được \”quốc tế hóa\”, tiên khởi với sự đồng thuận của hai bên, bằng một tòa án, hay một trọng tài quốc tế, nếu hai bên tranh chấp không tìm được thỏa thuận trong việc phân định. Bất kỳ quốc gia thứ ba can dự vào các việc này đều có thể qui vào việc vi phạm Hiến chương LHQ \”không được can dự chuyện nội bộ quốc gia khác\”.

Tranh chấp Tư Chính: \”Đa phương\” hay \”song phương\”?

Ta hãy xét những hành vi của tàu nghiên cứu địa chất của TQ đã (và đang) diễn ra ở bãi Tư Chính và lô 6.1.

Bãi Tư Chính Trung Quốc đặt tên là Vạn An Bắc, bao gồm các lô 133, 134, 135, 136, 157, 158, 159 trên \”bản đồ dầu khí\” của VN.

Toàn bộ khu vực Tư Chính nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của VN, tính từ điểm cơ bản \”Hòn Hải\” thuộc cụm đảo Phú Quí.

TQ phản đối hệ thống điểm (và đường) cơ bản của VN, vì nó cách xa bờ. Giả sử VN từ bỏ hệ thống điểm cơ bản, điểm tính bề rộng hải phận 200 hải lý lấy từ ngấn nước cận bờ thì Bãi Tư Chính có một phần nằm ngoài khu vực 200 hải lý.

Lô 6.1 nằm ngoài khu vực Vạn An Bắc, thuộc bãi trầm tích Nam Côn Sơn, hoàn toàn nằm trong thềm lục địa tự nhiên (và pháp lý) của VN. Lô này hiện do công ty dầu khí lớn nhứt nước Nga là Rosneft khai thác (và phát triển) từ năm 2013 với 2 mỏ Lan Tây, Lan Đỏ. Trước đó lô 6.1 do BP khai thác, từ 2003 đến 2010 (BP rút lui do sức ép kinh tế của TQ).

Ngay cả khi đặt giả thuyết đảo Côn Sơn không đủ tiêu chuẩn \”đảo\” theo Điều 121 UNCLOS và Hòn Hải (thuộc cụm đảo Phú Quí) không có tiêu chuẩn để lấy làm \”điểm cơ bản\”, thì lô 6.1 vẫn nằm trong vòng 200 hải lý, tính từ bờ biển VN (Trà Vinh hay Phan Thiết). Ghi lại các chi tiết này để thấy mọi yêu sách của TQ chống lại VN tại lô 6.1 là ngang ngược, phi lý.

\”Bản chất\” của tranh chấp khu vực Tư Chính là gì tại lô 6.1 là gì?

Thứ nhứt, ở Bãi Tư Chính, nguyên nhân tranh chấp có thể đến từ sự đối nghịch lập trường giữa VN và TQ về việc giải thích nội dung của Luật Biển 1982, như việc giải thích hiệu lực các đảo Trường Sa theo điều 121.

TQ cho rằng họ có chủ quyền các đảo Trường Sa mà các đảo này có hiệu lực \”đảo\”. Khu vực Tư Chính nằm trong vùng \”chồng lấn\” giữa các đảo Trường Sa và bờ biển VN.

Việc này vốn \”song phương\”, đã được giải quyết bằng \”quốc tế hóa\”, trong phán quyết của Tòa Trọng tài 11/7/2016 trong vụ Philippines kiện TQ, theo đó không có đảo nào ở Trường Sa có hiệu lực \”đảo\” để có 200 hải lý hải phận kinh tế độc quyền và thềm lục địa.

Thứ hai, tranh chấp Tư Chính có thể đến từ sự áp đặt về \”chủ quyền lịch sử\” của TQ, thể hiện qua bản đồ chữ U 9 đoạn.

Khu vực Tư Chính nằm trong vùng \”chồng lấn\” giữa \”vùng nước lịch sử\” (bản đồ chữ U) của TQ và vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN tính từ bờ. Đây là một vấn đề vốn \”song phương\” nhưng đã giải quyết bằng \”quốc tế hóa\” qua phán quyết của Tòa Trọng tài 11/7/2016 nêu trên.

Theo phán quyết, Tòa cho rằng \”biển lịch sử\” hay \”chủ quyền lịch sử\” thể hiện trong bản đồ chữ U là các khái niệm không phù hợp với Luật Biển 1982.

Thứ ba, nếu TQ không nhìn nhận hệ thống điểm (và đường) cơ bản thì Bãi Tư Chính vẫn nằm trong thềm lục địa pháp lý của VN (thềm lục địa mở rộng 200+100 hải lý), còn lô 6.1 hoàn toàn nằm trong thềm lục địa địa lý và pháp lý (200 hải lý) của VN.

Như vậy, bản chất tranh chấp ở bãi Tư Chính là TQ \”ngồi xổm\” lên luật lệ, bất chấp phán quyết ngày 11/7/2016 của Tòa Trọng tài. Nội dung phán quyết có mục đích giải thích việc áp dụng Luật Biển 1982 tại Biển Đông. Bản thân của phán quyết vì vậy cũng là \”Luật\”.

Tòa cũng phán rằng các bãi chìm ở Trường Sa, như Bãi Tư Chính, thuộc về thềm lục địa của quốc gia ven bờ (tức của VN). Chúng không phải là đối tượng lãnh thổ để chiếm hữu hoặc tuyên bố chủ quyền.

TQ cũng bất chấp thực tế pháp lý và lịch sử là Quần đảo Trường Sa chưa bao giờ thuộc về TQ.

Như vậy tranh chấp giữa VN và TQ ở khu vực Tư Chính là tranh chấp vừa \”song phương\” vừa có tính \”quốc tế\”.

\”Song phương\” vì VN là nạn nhân của thái độ bành trướng ngang ngược, bá quyền ngồi trên luật của TQ. \”Quốc tế\” là vì mọi vấn đề liên quan đến việc \”tuân thủ luật lệ\” thuộc thẩm quyền của tất cả các quốc gia thuộc LHQ.

Nhưng ở lô 6.1 thì tuyệt đối không có tranh chấp chi cả.

TQ \”đẩy\” VN cái gì?

GS Long có đề cập đến việc tự do thông lưu ở Biển Đông và trường hợp Đài loan để \”minh họa\” cho nội hàm \”đa phương hóa\” của mình. Dẫn nguyên văn:

\”Là bởi vì nhiều nước trên thế giới đi ngang Biển Đông, nhưng Việt Nam lại rụt rè. Thành ra, Trung Quốc bây giờ càng ngày càng đẩy. Trung Quốc đẩy rất là \’hay\’, không những ở Biển Đông mà cả ở Đài Loan nữa. Họ đẩy từ từ.

\”Ví dụ như Đài Loan, ngày xưa, thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc nói rằng là người Trung Quốc ở Đài Loan và người gốc Trung Quốc ở Đài Loan và người Trung Quốc ở lục địa đồng ý là chỉ có một nước Trung Quốc, không có nói gì vấn đề là Đài Loan thuộc về Trung Quốc.\”

\”Nhưng Trung Quốc đẩy từ từ, bây giờ nói là Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc…\”

Hết dẫn.

\"\"
Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận về động thái và \’mưu đồ\’ của Trung Quốc trên Biển Đông

Mục đích \”đa phương hóa\” của GS Long, (nếu không lầm), là làm giảm sức \”đẩy\” của TQ.

Nhận định của cá nhân tôi, vấn đề \”tàu bè nhiều nước qua lại trên Biển Đông\” là một \”vấn đề quốc tế\”, thuộc về tập quán quốc tế (Thông luật quốc tế – Droit International Coutumier), được cụ thể hóa qua điều 87 của bộ Luật quốc tế về Biển 1982.

Không ai \”đa phương hóa\” một vấn đề tự nó đã là một \”vấn đề của quốc tế\”.

Về tự do thông lưu, trên không và trên biển, các đại cường như Mỹ, Pháp, Nhật… cho rằng hải đạo xuyên qua Biển Đông là một hải đạo quốc tế, các quốc gia cận biển phải tôn trọng quyền tự do thông lưu của các quốc gia khác.

TQ chủ trương \”tự do thông lưu\”, tàu bè được tự do qua lại trong lãnh hải cũng như hải phận kinh tế độc quyền EEZ của TQ, nhưng điều này không áp dụng cho tàu chiến. Các quốc gia như Mỹ không chia sẻ lập trường này của TQ, như tại eo biển Đài loan, hay những vùng TQ mở rộng theo bản đồ chữ U ở Biển Đông.

Trên nguyên tắc, quyền tự do thông lưu thuộc về mọi quốc gia và quyền này được \”luật quốc tế\” bảo đảm. Mọi hành vi cản trở quyền tự do này đều xâm phạm đến lợi ích của tất cả các quốc gia khác.

Quyền tự do thông lưu trên Biển Đông thực tế chưa bao giờ bị cản trở.

Lo ngại chỉ bắt đầu dấy lên từ khi TQ hoàn tất việc xây dựng 7 đảo nhân tạo đồng thời \”quân sự hóa\” chúng (đầu năm 2018). Tuyên bố \”vùng nước lịch sử\” của TQ ở Biển Đông qua bản đồ chữ U 9 đoạn có thể đưa vào thực tế. Các quốc gia \”nhỏ\” chung quanh Biển Đông có nguy cơ bị TQ sử dụng áp lực kinh tế và quân sự buộc phải nhìn nhận thực tế này.

Để chống lại tham vọng của TQ, năm 2013 nội các Obama thành lập Chương trình FONOP (Freedom Of Navigation Operation Program) ở Biển Đông nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không.

Các chiến hạm Mỹ đã thực hiện chương trình FONOP, có lần đi qua lãnh hải 12 hải lý các đảo thuộc Hoàng Sa như đảo Phú Lâm và đảo Tri Tôn (USS Wilbur Curtis tháng giêng 2016, USS Stenthem tháng 7/2017) nhằm thách thức yêu sách \”lãnh hải\” và \”vùng nước quần đảo\” của TQ tại Hoàng Sa.

Các chiến hạm của Mỹ cũng thực hiện FONOP qua các chuyến đi vào khu vực 12 hải lý những đảo nhân tạo thuộc Trường Sa như đá Chữ Thập (USS W.P. Lawrence tháng 5/2016) , đá Gaven (USS Decatur tháng 9/2018)… nhằm thách thức yêu sách phi lý của TQ về hải phận của một cấu trúc nhân tạo trên biển.

Về hàng không thì phi cơ dọ thám Poseidon đã bay ngang qua đá Chữ thập để thách thức không phận đảo nhân tạo này (tháng 5/2015)…

Các quốc gia lo ngại rằng, với các bộ luật quốc gia của TQ hạn chế đáng kể các hoạt động của tàu bè trong một vùng \”biển quốc tế\”, TQ có thể đơn phương ra tuyên bố vùng nước, vùng trời (như tuyên bố vùng Nhận dạng phòng không ADIZ) khu vực Biển Đông. Mọi phương tiện bay qua không phận Biển Đông, hoặc tàu bè qua lại trên Biển Đông đều phải thông báo hoặc xin phép TQ.

Vì vậy ta có thể hy vọng rằng chương trình FONOP của hải quân Mỹ vẫn được tiếp tục (mà không lo ngại rằng nội các TT Trump sẽ bãi bỏ vì lý do \”kinh tế\” hay trao đổi lợi ích với TQ).

Hiển nhiên chương trình FONOP của Mỹ trong chừng mực là \”quốc tế hóa\”, \”đa phương hóa\” Biển Đông mà VN là một bên có lợi.

Giải pháp nào cho tranh chấp Tư Chính?

Theo tôi, sở dĩ có những vấn đề như Tư Chính hiện nay, nguyên nhân là do TQ không tuân thủ luật chơi quốc tế.

Nhiều người gợi ý VN copy hồ sơ của Philippines để đi kiện TQ.

Theo tôi, khó khăn của VN là làm thế nào để phán quyết của Tòa Trọng tài có hiệu lực chớ không phải đi kiện TQ với mô hình (hồ sơ) của Philippines.

Đi kiện (theo mô hình của Philippines) VN chắc phần thắng, nhưng hệ quả vẫn là một phán quyết y như phán quyết của Tòa tháng 7/2016.

TQ không tham gia, không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa và dĩ nhiên không công nhận phán quyết của Tòa.

VN cần phải có \”tư duy mới\” và cách tiếp cận mới trong những vấn đề Biển Đông.

Mới đây viên chức Mỹ tố cáo Tập Cận Bình đã \”bội ước\” trong lời hứa \”không quân sự hóa các đảo ở Biển Đông\”.

Theo nội dung bài báo trên VOA ngày 30/5/2019, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nhân phát biểu trong một cuộc trao đổi về quốc phòng ở Viện Brookings tại thủ đô Washington nói rằng: \”Mùa thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Obama là họ sẽ không quân sự hóa các hòn đảo [ở Biển Đông]. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay đó là các đường băng dài 10 nghìn bộ [hơn 3 nghìn mét], các kho chứa đạn dược, việc thường xuyên triển khai thiết bị có khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng hàng không, v.v…\”

\”Vì thế, rõ ràng họ đã từ bỏ cam kết đó\”.

Hôm 11/7, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, ra tuyên bố lên án TQ: « việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn tại vùng đang tranh chấp ở Biển Đông đã phản bội cam kết năm 2015 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là không tiến hành những hoạt động đó ».

Ý kiến của Tập Cận Bình có thể trở thành một \”tuyên bố đơn phương\” có giá trị pháp lý ràng buộc.

VN cần đứng đầu trong việc phát động phong trào phản đối, buộc họ Tập tuân thủ lời hứa, Biển Đông phải \”phi quân sự\” thì các quốc gia chung quanh mới có thể tránh được áp lực gay gắt từ TQ.

Ngoài ra ta không thể loại trừ giả thuyết ý đồ của Tập Cận Bình khẳng định sự hữu dụng của việc xây dựng 7 đảo nhân tạo. Những chiếc tàu hải cảnh quấy rối VN đều có ghé qua các đảo Chữ Thập và Subi để lấy nhiên liệu.

Báo South China Morning Post hôm đầu tháng có bài viết nội dung trích dẫn ý kiến của khoa học gia TQ, cho rằng TQ đã không nghiên cứu kỹ về địa chất và thời tiết khi xây dựng các đảo nhân tạo. Kiến trúc bằng bê tông ở các đảo này bị hư hỏng sau ba năm (do tia tử ngoại) và khí tài bằng kim khí bị rỉ sét (vì nước biển) sau một năm. Riêng năm 2014 TQ đã phải chi phí 300 tỉ đô la, tương đương 3% GDP cho việc bảo trì gây ra từ việc rỉ sét (tàu bè, súng đạn, máy móc…).

Nếu các con số này là \”sự thật\” thì chi phí bảo trì cho các đảo nhân tạo cực kỳ lớn. Các đảo thay vì là các \”tiền đồn trên biển\” của TQ nhằm mục đích khẳng định chủ quyền thì trở thành những \”cục nợ\” mà Tập Cận Bình là thủ phạm.

VN không thể loại trừ viễn cảnh TQ sẽ cho tàu bè quấy rối VN lâu dài và thường xuyên. Tập Cận Bình không chỉ muốn chứng minh cho phe chống đối thấy rằng các đảo nhân tạo hỗ trợ đắc lực cho tàu hải cảnh cản trở công tác khai thác ở lô 6.1, hay các tàu thăm dò địa chấn ở bãi trầm tích Tư Chính (như đã thấy). Mà về lâu về dài, các vị trí quân sự đóng ở các đảo này sẽ can thiệp nhanh chóng để bảo vệ (trong tương lai) các giàn khoan của TQ hoạt động trong khu vực.

Vì vậy công tác hô hào \”Tập Cận Bình phải giữ lời hứa không quân sự hóa các đảo Biển Đông\” còn có hiệu quả làm giảm nhịp điệu gây hấn của TQ.

Nhưng quan trọng hơn cả là làm sao để TQ tuân thủ luật lệ quốc tế. Phán quyết ngày 11/7/2016 của Tòa Trọng tài thường trực có nội dung diễn giải và hướng dẫn cách thức áp dụng luật Quốc tế về Biển 1982 cho khu vực Biển Đông. Phán quyết vì vậy \”cũng là Luật\”.

VN thua ở Bãi Tư Chính?

GS Long nói \”VN thua ở bãi Tư Chính\”.

Nói vậy theo tôi là hơi sớm. Thực tế đến nay TQ chưa \”hút\” được lít dầu nào ở khu vực này. Điều ta cần tìm hiểu là đàng sau vụ Tư Chính có những chuyện gì xảy ra.

Nếu ta nhớ lại vụ chiếc HD981 năm 2014 hoạt động ngoài khơi đảo Lý Sơn, TQ cũng không \”hút\” được lít dầu nào ở khu vực này.

Vấn đề là song song với \”biến cố HD981\” TQ cho xây dựng 7 đảo nhân tạo.

Việc TQ quân sự hóa 7 đảo nhân tạo (vốn chiếm của VN năm 1988) đã đe dọa an ninh quốc gia VN cũng như an ninh toàn khu vực.

Nhưng đó vẫn là \”nghi vấn\”. Điều cần thiết, theo tôi GS Long cần giải thích thêm về nội hàm \”quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông\”, đặc biệt trong trường hợp hiện nay VN và TQ ở vùng Tư Chính. Điều này sẽ giúp cho giới học giả VN về Biển Đông thêm cơ hội nghiên cứu để đóng góp vào công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích của VN ở hải phận EEZ và thềm lục địa của đất nước mình.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, nhà nghiên cứu và biên khảo hiện đang sống tại Marseille, Pháp.

Nguồn: VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment