Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống trong tháng 7

Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống trong tháng 7

Nền kinh tế lớn nhì thế giới có thể cần tới nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng hơn, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ kéo dài.

Các số liệu sơ bộ của Bloomberg Economics về niềm tin thị trường và điều kiện kinh doanh cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong tháng này. Dù Mỹ và Trung Quốc sẽ khôi phục đàm phán thương mại trong tuần này, các công ty nhỏ vẫn đang ngày càng lo ngại về việc kinh doanh. Xuất khẩu đang tệ đi và chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm đang bóp nghẹt lợi nhuận các công ty.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại trong dài hạn do nền kinh tế đã bão hòa. Tuy nhiên, khi cả thương mại, lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng đầu tư yếu đi, triển vọng kinh tế hiện tại khiến giới chức lo lắng. Và dù việc khôi phục đàm phán với Mỹ làm tăng kỳ vọng đạt thỏa thuận, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng lớn.

Công nhân làm việc tại một công trường ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP

\”Căng thẳng thương mại vẫn là rủi ro chính với cả Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác\”, David Qu – nhà kinh tế học tại Bloomberg Economics nhận xét, \”Giá sản xuất đang chịu sức ép, do chi phí nguyên vật liệu chịu ảnh hưởng từ hoạt động thương mại. Trong khảo sát về chỉ số sản xuất (PMI) hàng tháng, niềm tin nội địa cũng đang đi xuống\”. Ngày 31/7, PMI tháng 7 của Trung Quốc sẽ được công bố.

Triển vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ cũng giảm trong tháng 7. Một chỉ số được Standard Chartered theo dõi về điều kiện kinh doanh cho các công ty nhỏ đã xuống thấp nhất hơn 3 năm. \”Chúng tôi cho rằng các hãng xuất khẩu sẽ vẫn thận trọng về triển vọng sản xuất và đầu tư, trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài yếu do tăng trưởng toàn cầu chậm lại và căng thẳng thương mại với Mỹ kéo dài\”, các nhà kinh tế học tại Standard Chartered cho biết.

Các thị trường đang chờ đợi tín hiệu tăng hỗ trợ của Trung Quốc. Một số dự báo các lãnh đạo cấp cao nước này sẽ sớm ra thông báo sau một cuộc họp tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, bất ổn quanh mối quan hệ với Mỹ cũng đồng nghĩa động thái nào đưa ra cũng sẽ rất hạn chế. Các nhà hoạch định chính sách vẫn luôn cam kết duy trì chính sách kích thích thận trọng, có mục tiêu để tránh lạm phát.

\”Triển vọng kinh tế nửa cuối năm của Trung Quốc tiếp tục bị phủ bóng bởi bất ổn quanh mối quan hệ thương mại với Mỹ. Việc này từ đó lại kiềm chế hành động chính sách của Trung Quốc\”, Liu Li-gang – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Citigroup nhận định, \”Chính sách nới lỏng vẫn được thực hiện, nhưng sẽ bị ràng buộc để dành dư địa trong trường hợp căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang\”.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Bài Liên Quan

Leave a Comment