50 năm chinh phục Mặt Trăng qua 50 con số: Dùng băng dính sửa tàu vũ trụ
Richard HollinghamBBC Future
Không hẳn thiết bị nào được theo tàu vũ trụ lên Mặt Trăng cũng là công nghệ hiện đại đắt tiền, mà còn có cả những món đồ kỳ quặc thú vị.
18: Là số lượng các tên gọi được đặt cho tàu vũ trụ Apollo
Người Mỹ thứ hai bay vào không gian, Gus Grissom, đặt tên cho khoang tàu Mercury của ông là Liberty Bell 7 – biểu tượng cho lòng ái quốc, nền độc lập của Hoa Kỳ, và tượng trưng cho bảy phi hành gia đầu tiên của Nasa.
Chuyến bay dưới quỹ đạo kéo dài 15 phút của Grissom vào tháng 7/1961 diễn ra tốt lành, nhưng không lâu sau khi trở lại Trái Đất, ngòi kích nổ bật mở cửa tàu nổ trước dự kiến. Khi tàu vũ trụ bị nước tràn vào, nhà phi hành vũ trụ bò ra, gần như chết đuối trước khi trực thăng cứu hộ tìm thấy ông.
Khi Grissom nhận chỉ huy sứ mệnh Gemini đầu tiên, hành trình gồm hai phi hành gia vào năm 1965, ông chọn cái tên Molly Brown, được đặt theo tên của Molly Brown Không Thể Chìm (Unsinkable Molly Brown), một vở nhạc kịch nổi tiếng ở Broadway. Nasa thích đặt tên cho tàu này là Gemini 3 nhưng sau khi Grissom đề xuất gọi nó là tàu là Titanic, họ cảm thấy mềm lòng.
Chúng ta sẽ không bao giờ biết Grissom định gọi tàu vũ trụ đầu tiên Apollo của ông, Apollo 1 là gì. Ông thiệt mạng trong trận hoả hoạn thảm khốc ở bệ phóng tàu vào tháng 1/1967, cùng với hai phi hành gia khác là Roger Chaffee và Ed White.
Với hai chuyến bay Apollo đầu tiên có người lái – Apollo 7 và 8 – có vẻ như kỷ nguyên đặt tên cho tàu vũ trụ đã kết thúc. \”Chúng tôi được gọi là tàu Apollo 7, tên nghe có vẻ hay,\” phi hành gia Walt Cunningham nói. \”Số bảy là con số đẹp.\”
\”Tôi cố gắng thiết kế miếng dán trên trang phục giống như hình ảnh phượng hoàng hồi sinh từ ngọn lửa nhưng họ không thích thế,\” ông nói. \”Họ thậm chí thực sự chẳng muốn chúng tôi đặt tên cho tàu vũ trụ, vì vậy chúng tôi đã không có một con tàu mang danh tính riêng.\”
Nhưng với tàu Apollo 9, Houston gặp phải vấn đề. Từ nay trở đi, các sứ mệnh sẽ có hai tàu vũ trụ – một khoang điều khiển và một tàu đáp – và bộ phận điều khiển bay cần phải có tên hiệu để phân biệt giữa hai tàu. Chuyện đặt tên lại quay trở lại. Một số cái tên về sau trở nên nổi tiếng không thua gì các phi hành gia.
Nhiều chiếc trong số 18 tàu vũ trụ được gọi bằng những cái tên có vẻ mờ nhạt và nặng tính ái quốc.
Tàu Apollo 11 có tàu đáp mang tên Đại Bàng (Eagle) và tàu mẹ được gọi là Columbia, đặt theo tên chiếc tàu vũ trụ Columbiad trong tiểu thuyết viễn tưởng của Jules Verne.
Khoang điều khiển của tàu Apollo 14 có tên là Kitty Hawk, là nơi diễn ra chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright.
Những người cuối cùng đáp xuống Mặt Trăng bằng tàu đáp Challenger [Người Thách Thức] – ý chỉ sự thách thức trong tương lai.
Tuy nhiên, một số tên hiệu đã bắt nhịp ngay với văn hóa đại chúng thời thập niên 1960. Tàu Apollo 10 có Snoopy và Charlie Brown, lấy tên từ bộ phim hoạt hình về chú chó Peanuts. Và tàu Apollo 16 có khoang điều khiển tên là Casper, được đặt tên theo con ma thân thiện trong phim hoạt hình.
5,50: Là giá của các lá cờ tung bay trên Mặt Trăng, tính bằng đô la Mỹ
Hình ảnh các phi hành gia cắm cờ Mỹ trên Mặt Trăng là một trong những hình ảnh trường tồn nhất của chương trình Apollo. Nhưng việc này suýt nữa đã không xảy ra. Thay vào đó các giám đốc ở Nasa đã bàn tới ý tưởng cắm cờ Liên Hiệp Quốc vì quan ngại rằng cờ Mỹ mang hàm ý Hoa Kỳ chiếm được Mặt Trăng.
Cuối cùng, sau rất nhiều thảo luận và chỉ ba tháng trước khi chuyến đáp tàu xuống Mặt Trăng lần đầu tiên, các kỹ sư bắt đầu làm việc với nhóm làm cờ Mặt Trăng.
Họ đặt mua một lá cờ nilon có kích cỡ 91cm x 152cm với giá 5,50 đô la Mỹ từ catalog chính phủ (tính theo thời giá hiện nay thì tương đương với 38 đô la Mỹ), và cột cờ bằng kim loại giá 75 đô la Mỹ (tương đương 523 đô la Mỹ bây giờ). Cột cờ được thiết kế để có thể cắm sâu vào đất Mặt Trăng và có một khung ngang phía trên kéo ra để lá cờ được dăng ra như tấm mành.
Câu hỏi sau đó được nêu lên là phải xếp lá cờ thế nào để bỏ vào tàu đáp mặt trăng. Khu vực chứa đồ bên trong đã được nghĩ tới, vì vậy các kỹ sư thiết kế một hộp gắn vào chiếc thang trên tàu đáp. Nó phải là vật liệu không bắt lửa để chống lại nhiệt độ từ động cơ.
Mãi sau này lá cờ mới được đưa vào tàu đáp mặt trăng cùng với bảng kỷ niệm chương trong buổi sáng chuẩn bị phóng tàu, khi tàu đáp đã được đưa lên đỉnh tên lửa.
Dù Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã thực hành gắn lá cờ trong môi trường giả lập, nhưng đến lúc trong thực tế, họ phải vất vả mới cắm được nó xuống bề mặt Mặt Trăng. Họ cũng gặp khó khăn, không mở được hết thanh ngang phía trên, khiến cho lá cờ hơi bị nhăn – đây là một trong những yếu tố dẫn đến đủ loại thuyết âm mưu về Mặt Trăng.
Khi họ cất cánh rời khỏi bề mặt Mặt Trăng, Aldrin nói ông thấy cột cờ ngả xuống vì bị động cơ thổi mạnh.
Nhờ những bức ảnh do vệ tinh Quỹ đạo Do thám Mặt Trăng (LRO) của Nasa chụp lại, chúng ta mới biết những lá cờ của tàu Apollo tồn tại ra sao trong suốt 50 năm qua.
Hình ảnh từ vệ tinh LRO có vẻ khẳng định rằng lá cờ tàu Apollo 11 cắm đã ngả nhưng những lá cờ từ các sứ mệnh Apollo khác vẫn đứng vững. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên dưới ánh mặt trời khắc nghiệt, có vẻ như tất cả chúng đã bạc màu trắng xóa.
25: Là chiều dài của cuộn băng keo được đưa lên Mặt Trăng, tính bằng bộ Anh (feet)
Nếu có một vị cứu tinh hết lần này đến lần khác các sứ mệnh không gian của Hoa Kỳ trong 50 năm vừa qua, thì đó chính là cuộn băng keo.
Trong các sứ mệnh Apollo, băng keo được sử dụng vào đủ mọi việc, từ dán chặt các công tắc, gắn các thiết bị bên trong tàu vũ trụ, cho đến việc vá một chỗ rách trên trang phục phi hành gia, và trong sứ mệnh Apollo 17, băng keo được dùng làm chắn bùn cho chiếc xe địa hình Mặt Trăng.
Trong sứ mệnh Apollo 13, băng keo đã giúp cứu mạng phi hành gia Jim Lovell, Jack Swigert và Fred Haise. Sau khi họ thực hiện sứ mệnh được 56 giờ, một vụ nổ đã phá hỏng các pin nhiên liệu trên khoang điều khiển và phi hành đoàn phải chui vào khoang tàu đáp mặt trăng để lánh nạn.
Nhưng có một lỗi trong thiết kế: những chiếc thùng kim loại được thiết kế để thu khí CO2 trong khí quyển trong tàu đáp mặt trăng có hình tròn, và các thùng kim loại ở khoang điều khiển là hình vuông. Và không có đủ lượng thùng hình tròn để giúp các phi hành gia sống sót.
Để sống sót, các phi hành gia sẽ phải lắp sao cho những thùng kim loại hình vuông trong khoang điều khiển vừa vào các lỗ hình tròn trên khoang tàu đáp. Các kỹ sư ở phòng điều khiển bay đã phải làm việc liên tục để nghĩ ra cách sửa chữa, chỉ với những vật liệu mà phi hành gia có trên tàu vũ trụ. Và băng keo được dùng để dán mọi thứ lại với nhau.
\”Vì vậy, chúng tôi nghĩ cách sử dụng các rãnh trên khoang điều khiển, bằng cách dán một chiếc vòi vào để nó có thể đi qua rãnh đó vào khoang tàu đáp mặt trăng và sau đó hút khí CO2 ra,\” John Whalen, kỹ sư làm việc ở hệ thống môi trường tàu vũ trụ nói.
\”Họ mất một lúc mới dán được vào nhưng ơn Chúa, nó hoạt động – và đó là cách chúng tôi cứu tất cả mọi người.\”
398: Là số lượng các phong bì có dán tem thư được đưa lên Mặt Trăng (Apollo 15)
Mỗi phi hành gia đều đem theo các vật lưu niệm vào không gian – một ít thứ là lý do cá nhân hay tình cảm, và một ít là về gia đình, bạn bè, và một ít là vì lợi nhuận. Đến thời điểm của tàu Apollo 15, việc đem theo bì thư có dán tem và dấu bưu chính lên Mặt Trăng đã được chấp nhận.
Trong suốt chương trình không gian, Nasa làm ngơ để cho các phi hành gia tự sắp xếp việc này. Họ không bao giờ hỏi phi hành đoàn mang theo gì trong phần tư trang được cho phép trong Bộ Dụng cụ Cá nhân. Đó là chính sách không chính thức mà sau này cơ quan không gian đã phải hối hận.
GIống như các phi hành gia đi trước, phi hành đoàn của Apollo 15, gồm có Dave Scott, Al Worden, và Jim Irwin – đồng ý mang theo một số bì thư lên Mặt Trăng, qua một người trung gian, thay mặt cho một công ty kinh doanh tem.
Theo như các phi hành gia hiểu, hợp đồng là số lượng tem đó sẽ không được bán cho đến khi họ rời chương trình không gian. Tiền thu được sẽ được gửi vào tài khoản tiết kiệm của gia đình họ.
Trong cuốn hồi ký của mình, Worden sau đó mô tả vụ việc là \”không nghi ngờ gì, đó là lỗi lầm tồi tệ nhất tôi từng phạm phải.\”
Scott mang theo đám phong bì lên Mặt Trăng trong một gói hành lý dán kín trong bộ trang phục phi hành gia của ông. Nhưng trong vài tuần sau khi họ bay trở về Trái Đất, tuy không được sự cho phép của các phi hành gia nhưng một số chiếc đã được chào báo. Phi hành đoàn trả lại phần lợi nhuận và đề nghị công ty đó giữ các con tem lại. Nhưng đã quá trễ. Nasa muốn đem họ ra để nêu gương.
Hệ lụy từ vụ việc đã dẫn đến những khiển trách, một cuộc điều tra của Thượng viện và kết thúc sự nghiệp của các phi hành gia. Trong một thời gian, vụ việc gây tranh cãi đã che mờ cả sứ mệnh không gian quan trọng về khoa học này.
Những đồ vật khác mà phi hành đoàn đã đem tới Mặt Trăng có cờ, kỷ niệm chương, và, cũng trong sứ mệnh Apollo 15, họ mang theo một bức tượng nhỏ tượng trưng cho những phi hành gia đã hy sinh. Phi hành gia Charlie Duke từ tàu Apollo 16 đã để lại bức ảnh gia đình ông tại Mặt Trăng.
Ngày nay, những vật thể đã được đưa tới Mặt Trăng có thể trị giá hàng chục ngàn bảng Anh khi đưa ra đấu giá.
500: Là số lượng hạt giống được đưa đến Mặt Trăng
Trước khi trở thành phi hành gia, Stuart Roosa làm nghề còn nguy hiểm hơn. Ông là là lính cứu hỏa nhảy dù – là lực lượng cứu hỏa được huấn luyện cao cấp nhảy dù xuống những khu rừng xa xôi để chữa cháy.
Khi được chỉ định là phi công tàu vũ trụ trên khoang điều khiển tàu Apollo 14 vào tháng 1/1971, Lực lượng Bảo vệ Rừng Hoa Kỳ một lần nữa kêu gọi sự giúp đỡ của ông. Các nhà khoa học muốn biết liệu hạt giống có bị ảnh hưởng bởi tình trạng không trọng lực không.
Roosa đồng ý mang 500 hạt giống, gồm hạt cây gỗ gõ đỏ Mỹ, cây thông, gỗ sung dâu, linh sam và bạch đàn. Ông đã mang các hạt giống này trong hành lý cá nhân qua 238.855 dặm đường đến Mặt Trăng, bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng 34 lần trước khi trở về Trái Đất.
Các hạt giống sống sót qua hành trình nhưng trong quá trình tẩy trùng (là một quy trình bảo vệ Trái Đất khỏi bệnh dịch có thể đem về từ Mặt Trăng), hộp đựng hạt giống bị bật nắp. Các nhà khoa học lo lắng rất nhiều hạt có thể bị mất hoặc bị hỏng.
Tuy nhiên, khi được trồng, hầu hết các hạt giống đưa vào không gian đều lớn thành cây non khỏe mạnh, không khác biệt gì nhiều giữa những hạt bay lên Mặt Trăng và những hạt bình thường ở Trái Đất.
Cây mọc từ những hạt giống này được gọi là \”Cây Mặt Trăng\”. Chúng được trồng khắp nơi trên thế giới, trong đó có Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida và trong vườn Nhà Trắng.
Một cây sung dâu nằm gần mộ Roosa ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở bang Virginia. Những cây này và thế hệ thứ hai của Cây Mặt Trăng, sinh trưởng từ các nhánh chiết mà phi hành gia mang theo, sẽ tiếp tục là di sản sống từ những sứ mệnh Apollo rất lâu sau khi các phi hành gia qua đời.