Phép thử niềm tin với thị trường tiền tệ

Phép thử niềm tin với thị trường tiền tệ

31/07/2019

Fanpage Thời Báo Tài Chính

(TBTCO) – Thị trường tiền tệ đang đối mặt thử thách lớn về niềm tin trong năm 2019. Năm nay, vàng tăng 10% so với đồng USD, Bitcoin cũng tăng khoảng 160%. Cùng với đó, sự trở lại của chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa, nổi lên từ FED và ECB.

\"FED\"/

Ảnh minh hoạ (nguồn: Bloomberg)Chiều 31/7 (rạng sáng ngày 1/8, giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày. Thị trường nhận định sau cuộc họp FED sẽ tuyên bố về việc giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 10 năm. Đây là điều không khó đoán, tuy nhiên vấn đề được quan tâm hơn là xu hướng lãi suất sắp tới không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.

FED đối mặt với áp lực phải giảm lãi suất

Trước cuộc họp, các nhà kinh tế và nhà đầu tư hầu hết đều dự đoán FED sẽ giảm lãi suất 0,25%, tương đương với mức tăng lãi suất mỗi lần của FED trong chuỗi 9 lần tăng lãi suất từ năm 2015 đến 2018. Vấn đề đau đầu nhất với các nhà làm chính sách của FED là phải quyết định động thái này sẽ mở màn cho các đợt cắt giảm lãi suất 0,25% kéo dài cho tới năm sau như thị trường tài chính đang dự đoán, hay sẽ chỉ là một quyết định đơn lẻ. 

Hiện nay, ngay trong các nhà lãnh đạo của FED cũng chưa có sự thống nhất về lý do cần cắt giảm lãi suất thời điểm này, đặc biệt khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở gần mức thấp nhất trong 50 năm qua và nền kinh tế Mỹ đang có những thể hiện tích cực so với các nước phát triển khác. 

Chủ tịch FED New York, ông John William thậm chí còn nói trước cuộc họp rằng FED dự định giảm 0,5% lãi suất trong tuần này. Sau đó FED New York phải ra thông báo giải thích rằng tuyên bố này là muốn nói đến một biện pháp phòng ngừa mang tính lý thuyết cho nền kinh tế và không có ý nghĩa rằng đó sẽ là quyết định sắp tới của FED. 

\”Tôi cho rằng tuyên bố của FED sau cuộc họp sẽ mở cánh cửa để giảm lãi suất thêm nữa, ít nhất là 1 lần. Tuy nhiên ngưỡng nào sẽ kích hoạt lần cắt giảm lãi suất tới thì FED chưa có quan điểm rõ ràng\” – chuyên gia kinh tế Roberto Perli bình luận. 

Lãi suất liên bang của Mỹ hiện trong khoảng 2,25 đến 2,5%/năm. Tuy nhiên hiện nay bức tranh kinh tế đã khác nhiều so với lần cuối FED cắt giảm lãi suất. Vấn đề tranh cãi nhất hiện nay là liệu cắt giảm lãi suất có cần thiết không và cắt giảm đến mức nào là vừa. Những dấu hiệu kinh tế suy yếu ở châu Âu và Trung Quốc, cùng với triển vọng tân Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ thực hiện cuộc rút lui lộn xộn khỏi EU có thể làm dấy lên đợt cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khả năng cao sẽ thực hiện chính sách nới lỏng trong tháng 9 tới. 

Một số người đã lấy việc cắt giảm lãi suất trên thế giới để so sánh với Mỹ. Trong đó, nổi bật là những lời chỉ trích từ Tổng thống Donald Trump, người cho rằng ngân hàng trung ương các nước đang sử dụng chính sách tiền tệ để phá giá đồng tiền của họ. 

\”EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế của họ, khiến giá hàng hóa của họ rẻ hơn. Trong khi đó, với mức lạm phát rất thấp hiện nay, FED không hề làm gì, hoặc có làm cũng rất ít so với các nước khác. Quá tệ\” – ông Trump hôm 29/7 tiếp tục lặp lại sự chỉ trích với FED. 

Đồng tiền pháp định đứng trước nguy cơ khủng hoảng niềm tin 

Trong khi đó, theo WSJ, thị trường tiền tệ đang đối mặt thử thách lớn về niềm tin trong năm 2019. Năm nay, vàng tăng 10% so với đồng USD, một loại tiền tệ mới là Bitcoin cũng tăng khoảng 160% so với USD. Các đồng tiền chính khác đã giảm ở mức tương tự so với vàng và bitcoin. Vấn đề đáng lo hơn nữa là sự trở lại không cần thiết của chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa, nổi lên trong vài tuần qua bởi FED và ECB, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lòng tin ở các đồng tiền pháp định, bao gồm cả USD.  

Kể từ khi Tổng thống Nixon cấm bản vị vàng năm 1971, Mỹ và các nền kinh tế lớn đã đưa ra lượng tiền lớn mà không dựa vào hàng hóa vật chất nào. Gần 5 thập kỷ qua, nhiều ngân hàng trung ương đã thực hiện chính sách nới lỏng định lượng để bơm tiền vào nền kinh tế. Xu hướng này đến nay vẫn tiếp tục. Có khoảng 12 nghìn tỷ USD từ việc nới lỏng định lượng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vẫn ở trong hệ thống tài chính toàn cầu. Kết quả là có tới hơn 40% trái phiếu toàn cầu có lợi tức dưới 1% và 13 nghìn tỷ USD nợ có lợi tức âm. 

Vào cuối năm 2015, FED đã bắt đầu tăng lãi suất một cách thận trọng và bắt đầu thắt chặt định lượng hơn 600 tỷ USD để thu hẹp chính sách nới lỏng năm 2008. Việc ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới đã bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ đã giúp khôi phục lòng tin của thế giới với hệ thống tiền pháp định, hoặc có vẻ như vậy. 

Kể từ tháng 12/2018, Tổng thống Trump bắt đầu lên tiếng thúc giục FED giảm bớt sự thận trọng của mình. Ông cho rằng giữ lãi suất thấp gần bằng 0% và thực hiện lại nới lỏng định lượng là một lựa chọn miễn phí mà nước Mỹ sẽ dại dột nếu không thực hiện.  

Những người ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ tin rằng những nước như Mỹ, với tỷ giá thả nổi và nợ bằng chính đồng tiền của mình sẽ không thể phá sản. Nếu như vậy, chi tiêu tài khóa tiếp tục được bù đắp bằng việc in tiền chừng nào lạm phát vẫn thấp. Nhật Bản được cho là đã thực hiện chính sách siêu nới lỏng từ năm 2013 mà không có tác dụng phụ nào. 

Về cơ bản, niềm tin với hệ thống tiền tệ pháp định dựa vào quan điểm rằng các ngân hàng trung ương hành động có trách nhiệm. Mặc dù vẫn chưa rõ ràng, song việc Mỹ quay lại chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ là phép thử với niềm tin vào đồng tiền của các nước. 

FED đang trong thời khắc đầy chao đảo. Sự thiếu thuyết phục của phần lớn các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục là phép thử với niềm tin thị trường. Với việc tích trữ những tài sản như vàng, tiền ảo tăng cao hơn tất cả các đồng tiền lớn trong năm 2019, chúng ta có thể đang đứng bên bờ cuộc khủng hoảng niềm tin với các đồng tiền pháp định. Hoàng Yến (theo Reuters, The Wall Street Journal)

Bài Liên Quan

Leave a Comment