Các cường quốc can dự vào Biển Đông đến đâu?

NGỌC LỄ –

Các cường quốc can dự vào Biển Đông đến đâu?

.

\"\"
Tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan tham gia tập trận cùng Nhật Bản ngoài khơi BIển Đông hồi tháng 8 năm 2018

Mặc dù các cường quốc trên thế giới đều ý thức những nguy cơ đến từ sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông và đều có những lợi ích chiến lược đối với vùng biển này, sự can dự của họ cùng với Mỹ để thách thức Trung Quốc có những hạn chế nhất định, các nhà nghiên cứu đến từ các cường quốc này cho biết tại một hội nghị về Biển Đông mới đây ở Washington, Mỹ.

Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP) mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi đầu tháng Sáu, Mỹ nhấn mạnh đến sự hợp tác của bốn cường quốc trong khu vực là Mỹ-Nhật-Ấn-Úc (còn gọi là Bộ Tứ) và kêu gọi sự can dự mạnh mẽ hơn từ các nước châu Âu, nhất là Anh và Pháp, để đảm bảo cấu trúc an ninh trong khu vực trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Tại Hội nghị Biển Đông hằng năm lần thứ 9 hôm 24/7/2019, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đã mời các học giả đại diện các nước Nhật, Ấn, Úc và Đức (đại diện cho khối Âu châu) để trình bày về cam kết của các cường quốc này đối với an ninh trên Biển Đông.

Nhật ‘lo lắng’

Nhật Bản là nước ‘rất dễ bị tổn thương’ trước những diễn biến tiêu cực trên Biển Đông, Toshihiro Nakayama, giáo sư về quản lý chính sách ở Đại học Keio, khẳng định tại hội thảo.

“Nhật Bản phụ thuộc hoàn toàn vào giao thương…Hơn 90% giao thương của Nhật Bản lệ thuộc vào vận chuyển bằng đường biển,” ông giải thích. “Do đó, vùng Biển Đông đặc biệt là huyết mạch hàng hải hết sức quan trọng đối với Nhật.”

“Nếu con đường hàng hải đó bị chặn hoặc nếu một quốc gia đơn lẻ nào đó làm chủ vùng biển đó thì Nhật sẽ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương.”

Do đó, ông cho biết ý đồ của Trung Quốc muốn biển Biển Đông thành vùng biển của riêng họ là ‘quan ngại lớn của Nhật’.

Cho đến nay, mặc dù Tokyo không tham gia vào các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông do Mỹ khởi xướng do những tranh cãi trong nước, nhưng nước này tham gia vào nhiều cuộc tập trận trong khu vực và công khai ủng hộ các chiến dịch FONOP của Mỹ, ông Nakayama nói.

“Hồi năm ngoái Nhật Bản đã công khai nói rằng họ đã tiến hành tập trận tàu ngầm ở Biển Đông và họ đã tập trận như thế hơn 15 năm nay,” ông cho biết và nói việc Nhật công khai việc tập trận là ‘diễn biến quan trọng’.

Tuy nhiên, ông cho biết ở Nhật hiện đang có cảm nhận rằng thế cân bằng chiến lược ở Biển Đông đang ‘nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc’ và lo lắng về cam kết của Mỹ đối với khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’.

“Chúng tôi nhìn thấy tham vọng của Trung Quốc để thay thế Mỹ hay gạt Mỹ ra rìa trong vai trò lãnh đạo ở châu Á-Thái Bình Dương,” ông nói.

Mặc dù không ai nói về sự thoái lui hoàn toàn của Mỹ khỏi khu vực nhưng nếu có những dấu hiệu mờ nhạt về việc này thì nó sẽ gây tác động tiêu cực cho khu vực, ông nói thêm.

“Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ về sự thoái lui của Mỹ sẽ tạo ra thay đổi lớn trong cán cân quyền lực,” ông giải thích.

Ông Nakayama nói trước giờ ông đã trao đổi với rất nhiều quan chức ở khu vực đông nam Á và vấn đề Biển Đông ‘không bao giờ là về quyết tâm của Mỹ mà là về kiểm soát các vấn đề’.

“Nhưng giờ đây cảm nhận của các nước trong khu vực hay ít nhất là ở Nhật đã có sự thay đổi lớn,” ông nói. “Chúng ta có chính quyền Trump do đó có cảm giác chung là sự bất định về vai trò của Mỹ ở châu Á.”

Tổng thống Trump đã không đến dự các hội nghị thượng đỉnh của khu vực ở Singapore và Papua New Guinea hồi cuối năm ngoái mà cử phó Tổng thống Mike Pence đi thay trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã có sự xuất hiện nổi bật.

Ông cho rằng Tổng thống Trump nên quan tâm đến cảm nhận của khu vực về cam kết của Mỹ, về sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở khu vực. Đó là điều quan trọng hơn các chiến dịch FONOP hay triển khai vũ khí gì, nhất là trong bối cảnh Biển Đông.

Giáo sư Toshihiro Nakayama nói rằng nói rằng mặc dù ở Nhật mọi người đều lo về Trung Quốc nhưng họ ‘không muốn đối đầu trong quan hệ với Bắc Kinh’.

Hơn nữa, Nhật là nước ‘rất ngại rủi ro’ trong việc đảm nhận các vai trò an ninh nhưng ông cho rằng điều này ‘đang thay đổi đáng kể’.

Châu Âu quan ngại

Đối với các nước châu Âu, vấn đề Biển Đông không quan hệ lắm đối với lợi ích sát sườn của họ trừ một vài nước như Anh, Pháp, nhưng cách hành xử ngày càng quả quyết nói chung của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực đã khiến châu Âu quan ngại, bà Sarah Kirchberger đến từ Viện Chính sách An ninh thuộc Đại học Kiel, Đức, cho biết.

“Mãi cho đến gần đây Biển Đông còn là một chủ đề ít người châu Âu biết đến hay quan tâm bởi vì nó xa xôi và không có liên hệ gì đối với họ mặc dù nhiều nước châu Âu dựa vào xuất khẩu qua hải lộ đó,” bà giải thích.

Bà cho biết trong vòng hai năm qua, châu Âu đã có ‘sự thay đổi đáng kể’ trong thái độ đối với Trung Quốc mà tất cả đều xuất phát từ cách hành xử ngày càng chuyên chế và quả quyết của Bắc Kinh.

Bà chỉ ra cách chính quyền Bắc Kinh đang kiểm soát và định hướng dư luận bên ngoài theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc và tìm cách bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích hay những cuộc thảo luận về những ‘tội ác’ trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội trong việc hợp tác với Trung Quốc, cộng đồng an ninh đã ‘cảnh giác hơn nhiều’, bà nói. “Một số người từng chủ trương thỏa hiệp với Trung Quốc đã thật sự thay đổi quan điểm.”

Ngoài ra, chiến lược ‘Made in China 2025’ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhằm vươn lên dẫn đầu thế giới trong những ngành công nghệ chủ chốt khiến Berlin đặc biệt quan ngại vì nó thách thức sự thịnh vượng của nước Đức.

“Nếu nhìn vào tin tức, trao đổi với các chuyên gia hay thậm chí với cộng đồng doanh nghiệp sẽ thấy mối quan ngại này – ngay cả Hiệp hội các ngành Kỹ nghệ Đức cũng đã ra cảnh báo các doanh nghiệp đừng có quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc,” bà nói thêm.

Bà cho biết châu Âu nhìn vào Trung Quốc với nhiều mối quan ngại trong bối cảnh cuộc cạnh tranh quyền lực của nước này với Mỹ. Thứ nhất là quan ngại về cán cân quân sự ngày càng thay đổi giữa Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai là Bắc Kinh ngày càng quả quyết trên một loạt phương diện từ quân sự cho đến kinh tế và ngoại giao và cách hành xử này đã ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu. Thứ ba là những dấu hiệu của mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc với Nga mà EU xem là mối đe dọa an ninh chính.

Vị đại diện đến từ nước Đức này so sánh cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan với hành động hung hăng của Nga ở Ukraine.

Bà Kirchberger dẫn ra các dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc ‘đang xây dựng một hệ thống quân sự chống ngầm mang tính kết nối dưới Biển Đông’ với các thiết bị giám sát mọi động tĩnh và phân tích những dữ liệu thu thập được từ hệ thống phao nổi và vệ tinh trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc có thể kiểm soát được hoạt động tàu ngầm của các nước khác, bà nói, thì điều này ‘sẽ thay đổi cán cân quân sự’ ở Biển Đông.

Với tư cách là đồng minh với Mỹ trong khối NATO, các nước châu Âu ‘trước hết phải đảm bảo an ninh cho ngôi nhà của mình để người Mỹ có thể rảnh tay triển khai ở khu vực Thái Bình Dương’, bà nói. Bên cạnh đó, một số nước châu Âu cũng có hành động giương cao ngọn cờ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

“Tôi nghĩ Pháp là quốc gia ở vị trí tốt nhất ở châu Âu để tham gia tích cực vào các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) mà họ đã tham gia lâu nay,” bà Kirchberger cho biết. “Họ là quốc gia Thái Bình Dương (Pháp có nhiều lãnh thổ hải ngoại ở vùng biển này) và họ có sự hiện diện quân sự đáng kể ở Thái Bình Dương. Họ có nhiều kinh nghiệm và họ có năng lực hải quân rất tốt.”

“Do đó nếu có chiến dịch đa phương nào (của châu Âu) diễn ra thì theo quan điểm của tôi người Pháp sẽ nắm vai trò lãnh đạo bởi vì tàu chiến của họ thường đi qua khu vực này mà mới đây nhất chiến hạm Pháp đã băng qua eo biển Đài Loan trong một hành động bị Bắc Kinh lên án gay gắt.”

Việc Trung Quốc hủy bỏ lời mời Pháp tham dự sự kiện kỷ niệm ngày thành lập của Hải quân Trung Quốc ngay sau đó cho thấy ‘sự thay đổi trong cách hành xử của Trung Quốc chắn chắn đang ảnh ưởng đến các nước châu Âu’.

Về phần Đức, bà cho biết Berlin không sẵn sàng chấp nhận rủi ro về quân sự với Trung Quốc. ‘Hành động can đảm nhất’ mà Berlin có thể làm là dung chấp những người bất đồng chính kiến với chế độ như Ngãi Vị Vị hay Lưu Hà, vợ của Lưu Hiểu Ba.

Đức không muốn tham gia vào FONOP vì ‘không sẵn sàng’, bà nói và đưa ra lý do là hải quân Đức đã đi xuống sau nhiều thập niên bị bỏ bê và ở quốc gia có lịch sử gây chiến như Đức thì bất cứ hành động quân sự nào ‘cũng sẽ rất mất lòng dân và gần như là tự sát chính trị’. Do đó, hình thức đóng góp tốt nhất của Đức là tham gia vào một nỗ lực đa phương của châu Âu.

Ấn Độ ‘hướng Đông’

Về phần Ấn Độ, một quốc gia nằm trong ‘Bộ Tứ’ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, bà Pooja Bhatt, nghiên cứu sinh tiến sỹ đến từ Đại học Jawaharlal Nehru, nói rằng lập trường của New Delhi đối với Biển Đông là ‘hòa bình, ổn định và an ninh dựa trên luật pháp và chuẩn mực được quốc tế chấp nhận’, ‘ủng hộ tự do hàng hải, tự do hàng không và thương mại không bị gián đoạn’.

Bà Bhatt chỉ ra rằng Ấn Độ có nhiều lợi ích ở Biển Đông và cũng sẽ ‘là một nạn nhân’ nếu vùng biển này xảy ra bất ổn.

Trước hết là lợi ích năng lượng khi các tập đoàn dầu khí của Ấn Độ trong vòng 10 năm qua đã tham gia thăm dò hai lô trong vùng biển của Việt Nam. Thứ hai là bảo vệ con đường giao thương của Ấn Độ với hơn một nửa kim ngạch ngoại thương của nước này phải thông qua con đường Biển Đông. Thứ ba là Ấn Độ muốn có một cấu trúc khu vực mang tính hội nhập, mở và tự do vốn cho phép tất cả các nước có lợi ích đều được tham gia. Thứ tư, Ấn Độ muốn cùng các nước trong khu vực xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án kết nối các nước trên nguyên tắc ‘minh bạch và bình đẳng’.

Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại ‘Hướng Đông’, Ấn Độ trong những năm qua đã tích cực tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị và quân sự với các nước xung quanh Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam – nước mà Ấn Độ xem là then chốt trong chiến lược ‘Hướng Đông’. Chính sách ‘Hướng Đông’ này và lập trường về Biển Đông của Ấn Độ xuất phát từ khuôn khổ mối quan hệ ‘yêu và ghét’ của Ấn Độ đối với Trung Quốc, bà Bhatt cho biết.

“Mặc dù người Ấn Độ tự nhiên không thích các hành động của Trung Quốc vì những lý do lịch sử như chiến tranh và tranh chấp biên giới giữa hai nước, có một số nhân tố mà Ấn Độ phải xem xét,” bà nói về ý định của Ấn Độ có sẵn sàng đi xa hơn trong việc thách thức Trung Quốc hay không.

Trước hết năng lực của Ấn Độ hiện nay chưa đến mức có thể tham gia vào cuộc đối đầu với Trung Quốc. Thứ hai, Ấn Độ đang đa dạng hóa các lợi ích ‘do sự quan tâm của Mỹ đến khu vực ngày càng suy giảm còn Trung Quốc thì hung hăng’. Thứ ba là lợi ích của chính Ấn Độ trong giao thương với Trung Quốc.

Bà cũng lưu ý lập trường của các nước đông nam Á là ‘không muốn có thêm cấu trúc an ninh khu vực mới (kiểu như Bộ Tứ)’ mà thay vào đó ASEAN muốn ‘củng cố các cấu trúc an ninh có sẵn để có thêm các chức năng mới’.

Bà khuyên rằng Mỹ không xem Ấn Độ hay các nước khác trong khu vực chỉ đơn thuần là đối tác an ninh hay quân sự mà cần phải chú trọng mối quan hệ đối tác kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng như Trung Quốc đã làm với các dự án RCEP (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) và Ý tưởng Vành đai-Con đường (BRI).

“Tôi cho rằng các nước trong khu vực cảm thấy rất bất an khi trở thành đồng minh quân sự (với Mỹ),” bà nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay khi lên nắm quyền đã từ bỏ Hiệp ước Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế của Mỹ với các nước trong khu vực trước sức ảnh hưởng càng lớn của Trung Quốc.

Úc đề cao luật pháp

Cũng giống như các cường quốc bên ngoài khác, Canberra cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông và đây là ưu tiên trước hết của nước này, bà Bec Strating, giảng viên về Chính trị thuộc Đại học La Trobe, cho biết.

“Chính sách được công bố của Úc trong những năm qua là bày tỏ mối quan ngại lớn đối với các cường quốc đang nổi thách thức luật lệ trên biển, trên không và xem đó là mối đe dọa đối với ổn định khu vực – yếu tố rất quan trọng góp phần vào sự thịnh vượng và an ninh quốc gia của Úc,” bà nói.

Cũng giống như Ấn Độ và Nhật Bản, Úc có khối lượng hàng hóa lớn được giao thương qua con đường Biển Đông với gần hai phần ba. Tuy nhiên, Canberra không lo lắng về việc con đường giao thương này bị gián đoạn vì phần lớn hàng hóa đó đi đến hay đi từ Trung Quốc.

“Không có khả năng Trung Quốc gây cản trở cho việc giao thương này vì đó cũng là lợi ích của họ,” bà Strating giải thích. “Nguy cơ kinh tế thực sự đối với Úc là khả năng Trung Quốc sử dụng các đòn bẩy kinh tế mà họ có như buôn bán các mặt hàng thiết yếu, du lịch hay giáo dục bậc cao để trừng phạt Canberra nếu Úc có lập trường cứng rắn trên Biển Đông.”

Bà cho rằng quan hệ giao thương với Trung Quốc là rất quan trọng để giúp nền kinh tế Úc mạnh mẽ và duy trì sự thịnh vượng. Tuy nhiên, về lâu dài thì Úc có lợi ích trong việc ‘bảo đảm quyền tự do hàng hải’.

“Tôi cho rằng lợi ích then chốt của Úc nằm ở việc duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ,” bà nói. “Vấn đề là liệu sự xói mòn luật lệ về biển trên Biển Đông sẽ đe dọa tính hợp pháp của toàn bộ UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển) hay không.”

Úc có lợi ích lớn trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của UNCLOS vì nước này được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng đến 10 triệu km vuông, lớn thứ ba thế giới, theo quy định của UNCLOS.

“Úc dự đoán việc đánh bắt trái phép sẽ ngày càng tăng về quy mô và độ phức tạp trong vòng 20 năm tới trong vùng đặc quyền kinh tế của mình bởi vì tranh chấp Biển Đông sẽ đẩy các tàu cá xuống các vùng biển ở phía bắc Úc,” bà cho biết.

Cho nên việc Canberra bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, bảo vệ UNCLOS, không chỉ đơn thuần là bảo vệ cho hiện trạng khu vực dưới sự lãnh đạo của Mỹ mà còn là bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Úc liên quan đến chủ quyền và tài nguyên, bà giải thích.

Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Úc đã rất mạnh miệng công khai chỉ trích Trung Quốc không tuân thủ phán quyết hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo UNCLOS. “Điều này hơi đặc biệt vì các lãnh đạo Úc thường rất do dự trong việc công khai lên án Trung Quốc về những vấn đề như nhân quyền,” bà nói.

Tuy nhiên, cũng theo bà Strating, Úc cũng gặp vấn đề trong việc chỉ trích Trung Quốc vì nước này bị Bắc Kinh tố ngược là ‘đạo đức giả’ vì vi phạm luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền với Đông Timor trên Biển Timor.

Do lịch sử an ninh vốn gắn chặt Úc với các cường quốc bên ngoài, trước hết là Anh và giờ là Mỹ, bà Strating cho rằng Úc vẫn là một đồng minh gắn bó với Mỹ và đã có lập trường mạnh mẽ trên các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Bà đưa ra bằng chứng là khác với Ấn Độ, Úc rất sốt sắng với ý tưởng về ‘Bộ Tứ’. Dù vậy, trên một số vấn đề, Canberra ‘vẫn không sẵn sàng gây sức ép lên Bắc Kinh’.

Bà nhìn nhận rằng ‘có sự cách biệt’ giữa lời nói và hành động của Úc trên Biển Đông vì Canberra tuyên bố rất mạnh miệng nhưng trên thực tế họ không có hành động gì mới.

“Các nhà hoạch định chính sách của Úc cho đến nay vẫn từ chối tham gia FONOP một phần là vì họ cho rằng điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông,” bà cho biết và nói rằng Canberra ‘không sẵn sàng chấp nhận rủi ro’ khi đưa tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý của các hòn đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trên Biển Đông.

Đối với người dân Úc, họ biết những gì diễn ra ở Biển Đông nhưng họ không xem đó ảnh hưởng đến lợi ích sát sườn của Úc vốn được cho là giao thương và thịnh vượng, bà nói và cho biết nhiều người ở Úc ‘có quan điểm rất tích cực’ về quan hệ với Trung Quốc.

Về những gì mà Úc muốn ở Mỹ, bà Strating đề nghị chính quyền Trump nên quay trở lại với TPP và phê chuẩn UNCLOS. Vì không tham gia vào UNCLOS nên Mỹ không ở thế mạnh về pháp lý để đối phó với Trung Quốc.

Nguồn: VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment